Các Loại Bệnh Về Đường Hô Hấp Thường Gặp và Lưu Ý
Các bệnh về đường hô hấp là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến và đáng lo ngại hiện nay. Chúng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hít thở và chức năng của phổi, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ và phòng ngừa các bệnh này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bệnh hô hấp là gì?
Đường hô hấp được cấu tạo từ nhiều bộ phận như đường mũi, xoang, hầu họng, thanh quản… Những tổ chức này có nhiệm vụ dẫn không khí từ môi trường bên ngoài vào trong phế quản và đến phổi để thực hiện quá trình hô hấp.
Tuy nhiên, do môi trường sống ngày càng ô nhiễm, thời tiết biến đổi tiêu cực khiến hệ hô hấp của con người suy yếu và dễ gây ra nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Bệnh hô hấp là cụm từ dùng để chỉ tất cả các bệnh gây ra những triệu chứng liên quan đến đường hô hấp.
Ở người, hệ hô hấp được chia làm 2 phần chính gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới:
- Đường hô hấp trên: gồm mũi, hầu họng và thanh quản.
- Đường hô hấp dưới: gồm khí quản, phế quản, màng phổi và phế nang.
Trong nhóm bệnh đường hô hấp có rất nhiều loại nặng hay nhẹ, đơn giản hay phức tạp đều có, tùy theo từng loại và cấp độ mà hậu quả của bệnh cũng khác nhau, trong đó hậu quả nghiêm trọng nhất là tử vong.
Tham khảo thêm: Các bệnh về Mũi thường gặp và cách xử lý
Các bệnh đường hô hấp trên thường gặp và cách xử lý
Các bệnh đường hô hấp trên rất thường gặp và có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Những bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến các cơ quan như mũi, họng, xoang, thanh quản… dễ phát sinh trong môi trường ô nhiễm hoặc do thời tiết thay đổi. Một số bệnh lý phổ biến là:
1. Bệnh cảm cúm
Cảm cúm (hay còn được gọi là cảm mạo) là một trong những căn bệnh đường hô hấp thường gặp nhất, có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào từ trẻ em cho đến người lớn.
Đặc biệt, những người đang mắc các bệnh mãn tính như tim, phổi, thận thiếu máu, rối loạn chuyển hóa… gây suy giảm hệ miễn dịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh cảm cúm cao hơn những người bình thường.
Bệnh cảm cúm được gây ra bởi virus cúm (Influenza virus) thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được làm 3 type A, B, C. Đây là một dạng bệnh đường hô hấp có khả năng lây nhiễm cao, thậm chí tạo thành dịch hoặc đại dịch.
Virus cúm thường lây qua đường hô hấp thông qua các giọt nước bọt li ti hay dịch tiết từ mũi họng của người bệnh. Càng tiếp xúc gần và mật thiết ở những nơi công cộng đông người càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Tác nhân gây bệnh: Chủ yếu do virus cúm Influenza. Một số nguyên nhân khác như thời tiết thay đổi đột ngột, người già và trẻ em có sức khỏe yếu…
Triệu chứng nhận biết: Cảm cúm là tình trạng nhiễm virus cấp tính tại đường hô hấp, bệnh gây ra số triệu chứng đặc trưng như:
- Hắt xì liên tục
- Ho kéo dài, dai dẳng và có kèm theo dịch đờm.
- Sốt kèm theo các cơn co giật gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Một số trường hợp bị cảm cúm có thể kèm theo các triệu chứng tại đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy… và thường xảy ra ở trẻ em.
Cách điều trị: Do thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 1 – 4 ngày, trước 1 ngày bùng phát người bệnh sẽ sốt và kéo dài trong nhiều ngày liền. Vì vậy, để xử lý triệu chứng điều trị bệnh cảm cúm cần thực hiện các bước sau:
- Uống thuốc hạ sốt trong trường hợp sốt cao trên 38 độ. Việc dùng thuốc cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ thường là Paracetamol, Acetaminophen, Efferalgan… Lưu ý những người có tiền sử mắc bệnh dạ dày tránh sử dụng vitamin C, aspirin hoặc APC.
- Giữ vệ sinh mũi họng sạch sẽ bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng từ 3 – 4 lần/ ngày.
- Uống nhiều nước ấm, nước chanh mật ong, gừng để tăng hiệu quả điều trị cảm cúm và tránh gây mất nước.
- Ăn đồ nóng, lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp và nghỉ ngơi nhiều sẽ giúp khỏi bệnh nhanh hơn.
Tham khảo thêm: Các bệnh về Tai thường gặp và cách xử lý
2. Bệnh viêm xoang
Bệnh viêm xoang là tình trạng các lớp màng niêm mạc lót trong lòng xoang bị nhiễm trùng do vi khuẩn, vi trùng, siêu vi trùng hoặc các tác nhân gây dị ứng. Các tác nhân này gây tác động làm phù nề, thu hẹp các lỗ xoang khiến dịch viêm ứ đọng trong xoang không thoát ra được.
Bệnh lý này được chia làm 2 dạng chính gồm viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính. Trong đó, viêm xoang cấp tính thường xảy ra ở xoang trán, xoang sàng, xoang bướm và viêm đa xoang.
Tác nhân gây bệnh: Chủ yếu là do vi trùng, siêu vi trùng, nấm… Ngoài ra yếu tố dị ứng, giảm sức đề kháng và thói quen vệ sinh kém cũng có thể là những yếu tố gây bệnh hàng đầu.
Triệu chứng nhận biết: Các triệu chứng viêm xoang trong đoạn đầu thường không rõ ràng. Chỉ khi diễn tiến đến giai đoạn nặng bệnh mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như:
- Đau nhức vùng xoang bị viêm, chẳng hạn như nhức hàm, hai bên má khi bị viêm xoang hàm, đau giữa hai lông mày nếu bị viêm xoang trán…
- Chảy nhiều dịch nhầy ra mũi hoặc xuống họng khiến người bệnh khó chịu. Tùy mức độ bệnh mà màu dịch nhầy sẽ có màu trắng đục, xanh hoặc vàng nhạt và có mùi hôi khó chịu.
- Nghẹt mũi, điếc mũi gây khó thở, không phân biệt được mùi khi ngửi.
- Ngoài ra, một số trường hợp còn gây sốt, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, chán ăn, suy giảm thị giác…
Cách điều trị: Viêm xoang là căn bệnh về đường hô hấp không thể tự khỏi, bắt buộc người bệnh cần phải tiến hành điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ:
- Đối với viêm xoang cấp tính: Nguyên tắc điều trị viêm xoang là cải thiện quá trình lưu thông khí, dẫn lưu ở xoang mũi, chống nhiễm trùng. Kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, tránh hỉ mũi mạnh, dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm toàn thân và thuốc nhỏ mũi làm co mạch.
- Đối với viêm xoang mãn tính: Tùy theo mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương án điều trị thích hợp như điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
3. Bệnh viêm thanh quản
Viêm thanh quản là một trong những bệnh lý đường hô hấp phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh xảy ra chủ yếu do nhiễm vi khuẩn, virus, nấm… Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nghiêm trọng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viêm thanh quản ở trẻ em
Viêm thanh quản ở trẻ em thường xảy ra trong độ tuổi từ 1 – 6 tuổi.
Tác nhân gây bệnh: Nguyên nhân chủ yếu do thanh quản của trẻ chưa hoàn thiện, dễ bị viêm nhiễm do virus, vi khuẩn, do lạnh hoặc bị tác động bởi các yếu tố từ môi trường.
Triệu chứng: Trẻ bị viêm thanh quản cấp thường gây các triệu chứng như sốt nhẹ hoặc sốt cao, ho kéo dài, gây khàn tiếng, mất giọng, thở rít… Hầu hết các triệu chứng thường chuyển biến nặng hơn vào ban đêm.
Cách điều trị:
- Cho trẻ uống nhiều nước ấm, ăn uống lỏng, mềm, tránh sử dụng các loại gia vị như ớt, tiêu, mù tạt.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Trấn an trẻ để giảm bớt sợ hãi, cho trẻ nghỉ ngơi nhiều ở môi trường yên tĩnh, thoáng mát, kiêng nói hay la hét.
Bệnh viêm thanh quản ở người lớn
Bệnh viêm thanh quản ở người lớn là tình trạng viêm nhiễm làm sưng và kích ứng thanh quản, thường gây khàn tiếng hoặc mất tiếng. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc do sử dụng giọng nói quá mức.
Tác nhân gây bệnh:
- Cấp tính: Chủ yếu là do nhiễm virus hoặc do các yếu tố nguy cơ như nói quá nhiều, nói lâu, la hét thường xuyên… gây tổn thương thanh quản.
- Mạn tính: Do hít phải các tác nhân kích ứng như khói thuốc lá, hóa chất, các dị nguyên, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, lạm dụng thuốc, rượu bia, hút thuốc lá…
Triệu chứng: Các triệu chứng viêm thanh quản ở người lớn thường xuất hiện đột ngột và trở nặng sau 2 – 3 ngày:
- Điển hình như đau họng, khàn giọng, mất giọng, ho kéo dài, có cảm giác vướng, thường xuyên hắng giọng, có đờm ít vào buổi sáng sớm…
- Kèm theo đó là các biểu hiện toàn thân như sốt nhẹ, ớn lạnh, gai rét, mệt mỏi…
Cách điều trị: Bệnh viêm thanh quản ở người lớn có thể thuyên giảm nhanh chóng thông qua các cách chăm sóc đơn giản tại nhà như:
- Nghỉ ngơi nhiều, sử dụng máy phun hơi nước để duy trì không khí ẩm.
- Uống nhiều nước.
- Tránh hút thuốc hoặc ngửi khói thuốc lá.
- Sử dụng thuốc giảm đau (Ibuprofen, paracetamol…), thuốc kháng sinh (nếu có nhiễm khuẩn), thuốc corticosteroid.
- Nghiêm trọng hơn có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật để dứt điểm bệnh.
Ngoài ra, viêm mũi, viêm amidan, viêm VA… cũng là những bệnh lý đường hô hấp thường gặp nhất ở cả trẻ em và người lớn.
Tham khảo thêm: Các bệnh về Đại Tràng thường gặp và cách xử lý hiệu quả
Các bệnh viêm đường hô hấp dưới và cách điều trị
Các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường nghiêm trọng hơn vì chúng ảnh hưởng đến phế quản, phổi và tiểu phế quản, gây ra các triệu chứng nặng như ho, khó thở, sốt cao…
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, những bệnh này có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Một số bệnh lý phổ biến là:
1. Viêm phế quản
Viêm phế quản là thuật ngữ dùng trong y học chỉ tình trạng niêm mạc ống phế quản bị viêm nhiễm. Bệnh lý này có khả năng lây lan rất cao thông qua 2 con đường chính là do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người thông qua hô hấp và lây qua các vật dụng cá nhân với người bị viêm phế quản.
Bệnh được chia làm 2 thể chính gồm cấp tính và mãn tính. Trong đó, viêm phế quản cấp chỉ xảy ra các triệu chứng viêm nhiễm nhưng chưa có tổn thương và chủ yếu do nhiễm virus.
Còn đối với viêm phế quản mạn tính được phát triển từ thể cấp tính, ống phế quản bị kích thích liên tục, kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm và gây ra các biến chứng nguy hiểm và khó chữa trị.
Tác nhân gây bệnh: Chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn, virus, ngoài ra sự tác động của môi trường, sức đề kháng suy yếu, thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích phổi hoặc ảnh hưởng từ bệnh trào ngược dạ dày… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm phế quản.
Triệu chứng nhận biết: Người bệnh viêm phế quản thường có những biểu hiện đặc trưng như ho khan hoặc ho có đờm, sốt nhẹ, sốt cao, thở khò khè, dịch đờm tiết ra nhiều do viêm nhiễm, tức ngực, khó thở, ớn lạnh, mệt mỏi…
Cách điều trị:
- Đối với trường hợp viêm phế quản cấp người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng như thuốc ho, thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống dị ứng, thuốc giảm viêm, làm giãn phế quản…
- Kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống và phục hồi chức năng bằng một kế hoạch tập thể dục, điều chỉnh hơi thở, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng viêm phế quản, tăng sức đề kháng.
2. Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng một hoặc nhiều phế nang hoặc các tổ chức trong phổi bị viêm nhiễm. Bệnh có thể xuất hiện tại một vài vị trí cố định, vài vùng khác hoặc nguy hiểm hơn là xuất hiện viêm nhiễm toàn bộ cơ quan phổi.
Viêm phổi được chia làm 2 loại chính gồm viêm phổi thùy và phế quản phế viêm.
Tác nhân gây bệnh:
- Chủ yếu do nhiễm virus (như rhinovirus, virus cúm Influenza A, B, virus hợp bào, adenoviruses…) hoặc vi khuẩn (như streptococcus pneumoniae, legionella, haemophilus…) hoặc nhiễm nấm, ký sinh trùng.
- Các yếu tố lý tưởng khác tăng nguy cơ viêm phổi như môi trường ô nhiễm nhiều bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc, sinh hoạt kém khoa học, suy giảm sức đề kháng, nghiện rượu bia, thuốc lá…
Triệu chứng nhận biết: Tùy theo từng dạng bệnh viêm phổi mà triệu chứng của bệnh cũng sẽ khác nhau. Điển hình như:
- Bệnh viêm phổi thùy: Thường khởi phát bằng một cơn sốt cao, rét run và kèm theo ho khan, ho có đờm, tức ngực, khó thở, môi tím tái, vã mồ hôi hoặc co giật ở những người có cơ địa yếu.
- Chứng phế quản phế viêm: Bắt đầu bằng triệu chứng sốt kèm theo khó thở, nếu không được xử lý kịp thời sẽ rơi vào mê sảng, lơ mơ, gây suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, thậm chí là tử vong.
Cách điều trị: Viêm phổi là một trong những căn bệnh hô hấp nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Vì vậy, người bệnh cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và hướng dẫn cách điều trị phù hợp:
- Dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc hạ sốt theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước để làm loãng đờm và chất nhầy trong cơ thể.
- Trường hợp bệnh trở nặng, diễn tiến nghiêm trọng hoặc có bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nhập viện để cải thiện khả năng hô hấp bằng máy thở.
Tham khảo thêm: Các bệnh về Họng thường gặp và cách xử lý
3. Hen phế quản
Hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn là một trong những bệnh lý đường hô hấp phổ biến đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm đường dẫn khí mạn tính, dưới sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào.
Tùy theo mức độ kích thích của các tiểu phế quản và cơ địa của từng người mà cơn hen phế quản sẽ có mức độ nặng nhẹ khác nhau. Hầu hết các trường hợp bị hen phế quản đều không thể chữa khỏi dứt điểm, tuy nhiên các triệu chứng bệnh vẫn có thể được kiểm soát bằng các biện pháp tích cực.
Tác nhân gây bệnh:
- Các tác nhân dị ứng: phổ biến nhất là các dị nguyên của đường hô hấp như bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo, thực phẩm, thuốc, các loại bọ ký sinh trong chăn nệm, khói thuốc lá, hóa chất trong công nghiệp như hơi sơn, mạt bụi kim loại, khói xăng dầu…
- Mắc các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm mũi, viêm họng, viêm amidan… khiến cơ thể dị ứng, tổn thương phế quản, phát sinh cơn hen.
- Các tác nhân không dị ứng như di truyền, yếu tố tâm lý, rối loạn chức năng tình dục, thời tiết thay đổi đột ngột, lao lực quá sức…
Triệu chứng nhận biết: Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm hoặc sáng sớm khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Điển hình với một số triệu chứng như:
- Khó thở kèm theo ngứa mũi, sổ mũi, hắt hơi;
- Thở rít kéo dài từ vài phút cho đến vài giờ, tím tay chân;
- Người bệnh khạc, ho có đờm đặc, có nhiều hạt nhỏ;
Cách điều trị:
- Điều trị nội khoa bằng các loại thuốc đặc trị, kiểm soát hen phế quản dài hạn như thuốc Corticosteroid dạng hít, Theophylin, Leukotrien, thuốc kích thích beta tác dụng kéo dài, thuốc đường hít kết hợp,… có tác dụng kiểm soát cơn hen hàng ngày và phòng ngừa các cơn hen cấp; Thuốc cắt cơn hen như kích thích beta tác dụng ngắn, thuốc corticosteroid đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch hoặc Ipratropium… cải thiện nhanh các triệu chứng hen phế quản cấp hoặc thuốc điều trị dị ứng.
- Điều trị hỗ trợ bằng máy thở oxy 2l/ phút.
- Kết hợp tập thể dục đều đặn, ăn uống hợp lý, tăng cường rau xanh, trái cây và chủ động phòng ngừa các yếu tố dễ gây cơn hen, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ…
4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những bệnh lý hô hấp nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới (sau bệnh ung thư, bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não).
Bệnh về đường hô hấp này được gây ra bởi luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi gây ra giới hạn lưu lượng khí, bao gồm khí phế thũng, viêm phế quản mạn và hen phế quản không hồi phục.
Tác nhân gây bệnh:
- Nghiện hút thuốc lá hoặc ngửi khói thuốc lá thụ động là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mắc bệnh, có đến 15 – 20% người hút thuốc mắc bệnh COPD.
- Nhiễm trùng đường hô hấp thời niên thiếu cũng dễ làm tăng nguy cơ bị COPD khi trưởng thành.
- Do nhiễm độc cơ thể từ quá trình học tập, làm việc, môi trường sống.
- Yếu tố gen di truyền, thiếu hụt gen α1 antitrypsine.
Triệu chứng nhận biết
- Người bệnh COPD đặc trưng bởi triệu chứng ho kéo dài chủ yếu xảy ra vào ban ngày, theo thời gian bệnh diễn tiến càng nặng tần suất ho càng nhiều.
- Ho kèm theo đờm, dịch nhầy.
- Người bệnh khó thở từ từ, đặc biệt nghiêm trọng khi người vận động mạnh, đi bộ, leo cầu thang, xách đồ nặng… Trường hợp bệnh nặng cơn khó thở sẽ diễn ra nghiêm trọng, dù nghỉ ngơi cũng sẽ không chấm dứt ngay.
- Kèm theo đó là triệu chứng khò khè liên tục, nhiễm trùng ngực.
Cách điều trị:
COPD là bệnh lý đường hô hấp không thể chữa khỏi hoàn toàn dù áp dụng biện pháp nào. Tuy nhiên, để ngăn chặn diễn tiến của bệnh cũng như phòng ngừa biến chứng, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau:
- Từ bỏ hút thuốc lá;
- Sử dụng thuốc giãn phế quản, corticoid, thuốc kháng sinh… cùng một số loại thuốc hỗ trợ khác như thuốc dinh dưỡng, thuốc long đờm theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Cho người bệnh thở máy, thở oxy để hỗ trợ nếu bệnh ở mức độ nghiêm trọng.
- Phục hồi chức năng phổi bằng các bài tập chuyên biệt, tập thở, tập ho, vỗ rung đúng cách…
- Biện pháp cuối cùng là phẫu thuật hoặc ghép phổi, tuy nhiên chỉ dành cho người bệnh nặng, có bóng khí lớn và gây biến chứng tràn khí màng phổi.
Tham khảo thêm: Các bệnh về thanh quản thường gặp và cách phòng ngừa
5. Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là bệnh lý rất nguy hiểm và gây ảnh hưởng lớn đến hệ hô hấp. Đây là tình trạng bên trong khoang màng phổi xuất hiện một lượng dịch lớn nhiều hơn mức bình thường và gây ra những biến đổi tiêu cực cho sức khỏe người bệnh.
Tác nhân gây bệnh: Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi rất đa dạng như:
- Tràn dịch màng phổi do dịch thấm: như chứng xơ gan cổ trướng, suy giáp, u nang buồng trứng, suy tim, suy dinh dưỡng…
- Tràn dịch màng phổi do dịch tiết: do viêm nhiễm tại phổi, các bệnh hệ thống, lao, tắc nghẽn động mạch phổi, ung thư..
- Dịch màng phổi có màu máu: do chấn thương lồng ngực, ung thư màng phổi, ung thư di căn đến phổi, tai biến của các thủ thuật chẩn đoán màng phổi…
- Dịch màng phổi có màu sữa: viêm bạch mạch do giun chỉ, ống dưỡng chấp trong lồng ngực bị chèn ép hoặc tổn thương…
- Một số nguyên nhân khác: điển hình như lao màng phổi, viêm phổi màng phổi, suy tim, ung thư, hội chứng thận hư…
Triệu chứng nhận biết:
- Đau ngực, cơn đau thường âm ỉ và tăng lên khi hít thở sâu.
- Ho khan hoặc ho có đờm, tăng lên khi thay đổi tư thế.
- Khó thở nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ tràn dịch.
- Sốt cao trong những trường hợp bị nhiễm trùng.
Cách điều trị: Để điều trị tràn dịch màng phổi cần sự can thiệp của các biện pháp y tế như:
- Chọc dịch hút để hút bớt lượng dịch ra ngoài giúp bệnh nhân dễ thở hơn.
- Điều trị nguyên nhân như dùng thuốc chống lao, dùng kháng sinh chống viêm nhiễm, hóa trị, xạ trị ung thư hoặc áp dụng phác đồ để điều trị xơ gan, suy tim, chứng thận hư…
- Kết hợp phục hồi chức năng hô hấp bằng các liệu pháp như thổi bóng, tập thở, làm giãn nở lồng ngực trong thời gian dài.
- Liệu pháp gây dính màng phổi bằng povidone cho những người bị tràn dịch màng phổi tái phát liên tục.
6. Ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong các loại bệnh đường hô hấp khá phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay và tỷ lệ chữa khỏi rất hiếm. Theo nghiên cứu, bệnh ung thư phổi được chia thành 2 loại là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Tác nhân gây bệnh:
- Hút thuốc lá: Có đến 90% người bệnh bị ung thư phổi là do hút thuốc lá lâu năm, 4% khác là do hít khói thuốc lá thường xuyên.
- Môi trường làm việc nhiều khói bụi, chứa hóa chất độc hại như niken, khí than, crom, khí than, môi trường luyện thép…
- Thường xuyên tiếp xúc với tia phóng xạ, người làm việc trong các mỏ fluorspar, uranium, hacmatite…
- Một số trường hợp khác không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng nhận biết: Các dấu hiệu ung thư phổi thường tiến triển âm thầm trong giai đoạn đầu, biểu hiện không rõ ràng. Chỉ đến khi bệnh nặng mới biểu hiện ra ngoài với các triệu chứng sau:
- Ho liên tục, kéo dài dai dẳng, không khỏi dù đã dùng mọi cách.
- Đau tức ngực, khó thở, thở ngắn, dễ hụt hơi, có đờm dịch lẫn trong máu.
- Sau một thời gian ủ bệnh, sức khỏe bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng, mệt mỏi, khó nuốt, khàn giọng, thở khò khè, đau xương, gây tràn dịch màng phổi.
Cách điều trị: Tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Chẳng hạn như các biện pháp sau:
- Điều trị bằng thuốc;
- Hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư;
- Điều trị bằng tia xạ nhằm phá hủy khối u;
- Phẫu thuật loại bỏ các khối u.
- Các biện pháp hỗ trợ chăm sóc như ăn uống, thư giãn, hạ nhiệt độ phòng, bật quạt mát.. để giúp người bệnh giảm đau và các triệu chứng bệnh.
- Liệu pháp châm cứu, massage, thôi miên, thiền hoặc yoga cũng là những phương pháp trị liệu tốt cho người bệnh ung thư phổi.
- Liệu pháp miễn dịch tự thân.
Tham khảo thêm: Các bệnh về răng miệng thường gặp và cách xử lý
Bệnh về đường hô hấp, khi nào nên gặp bác sĩ?
Biện pháp phòng ngừa các loại bệnh về đường hô hấp
Có thể thấy, nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp luôn tiềm ẩn xung quanh chúng ta, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà mức độ bệnh nhẹ hoặc nặng khác nhau. Vì vậy, để phòng tránh bệnh, bảo vệ sức khỏe, người bệnh cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:
- Thực hiện tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế , đeo khẩu trang che kín vùng mũi, miệng khi đến những nơi đông người, khi tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc những nơi chứa nhiều tác nhân dị ứng.
- Giữ vệ sinh tai – mũi – họng sạch sẽ hằng ngày, đặc biệt rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng diệt khuẩn để loại bỏ virus, vi khuẩn.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ họng khi thời tiết chuyển lạnh.
- Vệ sinh sạch sẽ không gian sống, luôn thoáng mát, làm ẩm không khí nếu có độ ẩm thấp nhưng nên tránh những nơi có độ ẩm quá cao, ẩm ướt vì đây chính là môi trường thuận lợi để các mầm bệnh phát triển.
- Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, ăn uống đủ bữa để tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.
- Thường xuyên vận động, rèn luyện tập thể dục thể thao để nâng cao hệ miễn dịch phòng ngừa các bệnh về hô hấp.
- Nếu nghi ngờ mắc bệnh hô hấp, người bệnh nên thăm khám càng sớm càng tốt để được kiểm tra, thực hiện tầm soát tìm ra nguyên nhân và điều trị triệt để ngay từ giai đoạn đầu ngăn chặn tiến triển thành mạn tính và phòng ngừa biến chứng.
Hầu hết các bệnh về đường hô hấp đều cần có sự can thiệp điều trị bởi bác sĩ vì chúng không có khả năng tự khỏi được. Bên cạnh đó, giữ vệ sinh sạch sẽ cơ thể, bảo vệ môi trường sống là những cách hiệu quả giúp duy trì sức khỏe, bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh hô hấp.
Có thể bạn quan tâm:
- Các Loại Bệnh Ho Thường Gặp và Cách Phân Biệt, Xử Lý
- Các Bệnh Về Thanh Quản Phổ Biến Và Cách Phòng Ngừa
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!