Đau lưng
Đặt lịch ngayĐau lưng là một tình trạng phổ biến thường không gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi hiện tượng đau lưng cần được chăm sóc y tế để tránh tổn thương hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.
Tổng quan
Đau lưng là một tình trạng khá phổ biến có thể được gây ra bởi chấn thương, các hoạt động thể chất hoặc các bệnh lý nhất định. Đau lưng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, khi cơ thể già đi, các cơn đau lưng thường xảy ra và có thể là báo hiệu của nhiều bệnh lý khác, bao gồm bệnh thoát vị đĩa đệm.
Hầu hết các tình trạng đau lưng đều không nghiêm trọng và có thể cải thiện nếu được chăm sóc và điều trị đúng lúc. Trường hợp tình trạng đau lưng kéo dài, mức độ ngày càng nặng, người bệnh nên chủ động thăm khám để được điều trị sớm và đúng cách tránh những biến chứng.
Đau lưng do nhiều nguyên nhân có thể cơ năng hoặc bệnh lý. Tùy vào nguyên nhân và mức độ cụ thể mà người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn điều trị bằng thuốc cũng như phương pháp phù hợp.
Phân loại & nguyên nhân
Các loại đau lưng và nguyên nhân phổ biến
Đau lưng bao gồm đau lưng trên và đau lưng dưới. Đau lưng dưới thường có liên quan đến tình trạng cột sống thắt lưng, đĩa đệm, dây chằng, tủy sống, các dây thần kinh và do ảnh hưởng của các cơ quan nội tạng vùng bụng. Trong khi đau lưng trên thường có liên quan đến rối loạn động mạch chủ, khối u ở ngực, phổi hoặc tình trạng viêm cột sống.
1. Đau lưng trên
Phần lưng trên là khu vực nối giữa cổ và phần dưới của lồng ngực. Có tất các 12 xương tạo nên phần lưng trên. Do đó, đau lưng trên thường bao gồm bất cứ cơn đau nào xuất hiện ở khu vực này. Trong hầu hết các trường hợp đau lưng trên thường gây ra cảm giác nóng rát ở một số nơi và có liên quan đến các nguyên nhân như:
Tư thế xấu:
Hiện tượng đau lưng có thể là hậu quả của các tư thế xấu trong các hoạt động hàng ngày. Việc ở trong một tư thế xấu quá lâu, làm mất sức mạnh cơ lưng và cột sống. Từ đó áp lực dồn lên cột sống, cổ, đĩa đệm và dây chằng. Theo thời gian, áp lực này dẫn đến cơn đau lưng và các biến chứng khác.
Lạm dụng cơ bắp:
Lạm dụng các cơ lưng là một trong những nguyên nhân gây đau lưng trên phổ biến. Điều này thường xảy ra ở những người có các hoạt động tác động đến lưng trong một thời gian dài. Do đó, vận động viên bóng chảy hoặc những người làm việc nâng vật nặng qua khỏi đầu thường rất dễ bị đau lưng trên.
Chấn thương:
Chấn thương cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chứng đau lưng trên. Đây có thể là hậu quả của tai nạn, té ngã, nâng đồ vật không đúng cách hoặc làm việc quá sức.
Bị đau lưng do chấn thương có thể nghiêm trọng hoặc không tùy vào mức độ các các chấn thương. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các dấu hiệu chấn thương ở lưng, hãy đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị phù hợp.
Thoát vị đĩa đệm:
Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần đệm của cột sống bị tổn thương, bị phồng hoặc bị vỡ ra. Mặc dù thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện ở lưng dưới, nhưng đôi khi bệnh cũng xảy ra ở lưng trên.
Viêm xương khớp:
Đôi khi bị đau lưng có thể liên quan đến xương và khớp. Sụn đệm bảo vệ xương có thể bị mòn khi cơ thể già đi, điều này được gọi là viêm xương khớp. Bệnh thường phổ biến ở người già, khiến xương cọ xát với nhau tạo áp lực lên hệ thống thần kinh gây đau lưng và tê ngứa cánh tay.
Đau cơ:
Bị đau lưng trên cũng có thể liên quan đến tổn thương các liên kết ở lưng thường có thể liên quan đến chấn thương. Hầu hết tình trạng này thường không nghiêm trọng và có thể khắc phục bằng vật lý trị liệu hoặc một vài liệu pháp giảm đau khác.
Nhiễm trùng cột sống:
Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng nhiễm trùng cột sống có thể là một nguyên nhân gây đau lưng trên. Nhiễm trùng cột sống là tổ hợp vi trùng và mủ khiến người bệnh đau nhức.
Ung thư phổi:
Bị đau lưng trên có thể là do ung thư phổi gây ra, tuy nhiên điều này rất hiếm. Nhiều nghiên cứu cho thấy có 30 - 40% những người bị ung thư phổi có các tế bào nhỏ lan đến xương và gây đau nhức vùng lân cận.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể gây đau lưng trên bao gồm: Vẹo cột sống, biến dạng cột sống, đau cơ xơ hóa
2. Đau lưng dưới
Các nguyên nhân đau lưng dưới thường là các vấn đề cơ học và chấn thương mô mềm ở thắt lưng. Những tổn thương này có thể bao gồm vấn đề ở đĩa đệm, rễ thần kinh bị chèn ép hoặc các vấn đề sai lệch ở khớp cột sống. Các tác nhân phổ biến bao gồm:
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:
Thoát vị đĩa đệm có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cột sống, tuy nhiên bệnh thường phổ biến ở thắt lưng. Khi mắc bệnh, người bệnh thường bị đau, tê lưng và thường phổ biến nhất ở một bên cơ thể. Cơn đau có thể lan rộng hoặc tồi tệ hơn khi ngồi hoặc đứng.
Biến dạng cột sống:
Một trong các nguyên nhân của hiện tượng đau lưng dưới là biến dạng, cong vẹo cột sống. Điều này có thể gây phá vỡ các đĩa đệm, khớp, sụn và làm hẹp ống tủy sống.
Chấn thương:
Gãy xương hoặc trật khớp cột sống cũng có thể dẫn đến một cơn đau ở lưng dưới (hoặc lưng trên). Đau lưng dưới do chấn thương thường bắt nguồn từ tai nạn ô tô, té ngã, xô xát hoặc là tác động từ một cú đánh.
Viêm vùng chậu:
Viêm vùng chậu khiến người bệnh đau bụng dưới hoặc trên và cũng là một nguyên nhân phổ biến gây đau lưng dưới ở phụ nữ. Bệnh có thể gây ra các cơn đau nhẹ hoặc vừa. Tuy nhiên, một số trường hợp nghiêm trọng, các cơn đau có thể nghiêm trọng và gây ngất xỉu.
Lạc nội mạc tử cung:
Lạc nội mạc tử cung xảy ra trên nội mạc tử cung, buồng trứng, thậm chí là ruột của người bệnh. Đây là một bệnh phụ khoa phổ biến khiến người bệnh chảy máu kinh nguyệt nặng hoặc chu kỳ kinh nguyệt không đều. Một dấu hiệu phổ biến khác là người bệnh thường bị đau lưng dưới ở bất cứ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, đôi khi lạc nội mạc tử cung có thể không gây ra bất cứ triệu chứng nào khác thường. Do đó, khám phụ khoa thường xuyên là cách tốt nhất để theo dõi thay đổi của cơ thể.
Dây thần kinh tọa thường bắt đầu từ tủy sống chạy qua hông, mông và kết thúc ở chân. Các biểu hiện đau dây thần kinh tọa là cảm giác xuất hiện những cơn đau (nhẹ hoặc nặng) ở lưng, mông và chân. Đôi khi người bệnh cũng có thể bị tê liệt khu vực này.
Sỏi thận:
Sỏi thận là một khối rắn được kết tình từ nhiều tinh thể. Sỏi thận thường có nguồn gốc từ thận. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở bất cứ nơi nào dọc theo đường tiết niệu bao gồm niệu quản, niệu quản, bọng đái.
Sỏi thận gây ra các cơn đau ở bụng hoặc một bên lưng dưới. Sỏi thận là một tình trạng y tế đau đớn và cần điều trị để tránh kích thích niệu quản và gây nhiễm trùng hoặc tổn thương thận.
Viêm tuyến tiền liệt:
Viêm tuyến tiền liệt thường gây đau lưng dưới, bụng dưới hoặc trực tràng. Đôi khi người bệnh cũng có thể bị khó tiểu, ớn lạnh hoặc xuất hiện sốt nhẹ. Viêm tuyến tiền liệt thường được điều trị bằng kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn.
Viêm cột sống dính khớp ảnh hưởng chủ yếu đến cột sống. Bệnh gây viêm đốt sống và cuối cùng là dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Các triệu chứng viêm cột sống dính khớp thường không giống nhau. Tuy nhiên dấu hiệu phổ biến nhất là đau lưng vào buổi sáng và buổi tối. Đôi các các triệu chứng có thể lan rộng đến các khớp lớn hơn bao gồm khớp hông hoặc mông.
Hiện tại không có cách điều trị viêm cột sống dính khớp. Các biện pháp điều trị thường nhằm kiểm soát các cơn đau và ngăn ngừa nguy cơ tàn tật.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng chính của đau lưng là đau ở bất cứ vị trí nào thuốc lưng. Tuy nhiên, đôi khi các dấu hiệu có thể xuất hiện ở mông và chân. Một số bệnh lý có liên quan khác có thể dẫn đến các cơn đau ở bộ phận khác tùy thuộc vào khu vực thần kinh bị ảnh hưởng.
Hầu hết các cơn đau thường biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh thường có xu hướng tái phát nhiều lần. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện các dấu hiệu kèm theo như:
- Giảm cân đột ngột, sốt thường xuyên
- Viêm hoặc sưng ở lưng gây đau nhức
- Đau lưng kéo dài, không giảm khi nghỉ ngơi
- Đau đầu gối, cơn đau lan đến chấn
- Đại tiện, tiểu tiện mất kiểm soát
- Tê, ngứa xung quanh bộ phận sinh dục, tê mông hoặc hậu môn
Để chẩn đoán tính trạng đau lưng bác sĩ thường tiến hành kiểm tra thể chất và lịch sử y tế của người bệnh. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể yêu cầu các xét nghiệm nếu: Đau lưng xuất hiện do chấn thương, nghi ngờ các bệnh lý nguy hiểm, cơn đau kéo dài hoặc lặp lại trong thời gian dài.
Các xét nghiệm phổ biến bao gồm:
- X - Quang kiểm tra kết cấu xương và dấu hiệu viêm khớp hoặc gãy xương, xét nghiệm máu nếu nghi ngờ nhiễm trùng
- Quét MRI hoặc CT để phát hiện thoát vị đĩa đệm hoặc tổn thương mô, gân, dây thần kinh, dây chằng, mạch máu.
- Quét xương để phát hiện các khối u trong xương hoặc vấn để loãng xương.
- Điện cơ hoặc EMG đo xung điện dây thần kinh để kiểm tra các vấn đề chèn ép dây thần kinh hoặc hẹp ống sống.
Điều trị
Hầu hết các trường hợp đau lưng thường không quá nghiêm trọng. Đầu tiên các bác sĩ có thể khuyên người bệnh nghỉ ngơi hoặc thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, đôi khi điều trị y tế là điều cần thiết để tránh hậu quả không mong muốn.
1. Cách chữa đau lưng tại nhà
Nghỉ ngơi đầy đủ là cách tốt nhất là cơ thể hồi phục. Do đó, người bị đau lưng nên ngủ ít nhất là 7 - 8 tiếng mỗi đêm, tránh các hoạt động mạnh để giảm đau, cứng khớp và ngăn ngừa các cơ bắp yếu đi.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh vào khu vực đau cũng có thể giảm đau và khó chịu.
Ngoài ra, để cắt giảm các cơn đau một cách nhanh chóng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn. Loại thuốc phổ biến thường được sử dụng là Ibuprofen. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lạm dụng thuốc để tránh tác dụng phụ.
2. Thuốc trị đau lưng
Nếu các phương pháp chăm sóc, nghỉ ngơi tại nhà không có tác dụng trị đau lưng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị y tế. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Thuốc giảm đau, chống viêm theo toa như Codeine hoặc Hydrocodone. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây nghiện và cần được sử dụng dưới sự theo dõi của bác sĩ điều trị.
- Tiêm Cortisone ngoài màng cứng có thể được đề nghị nếu các biện pháp khác không mang lại hiệu quả. Cortisone là thuốc chống viêm làm giảm viêm xung quanh rễ thần kinh và gây tê những vùng đau lân cận.
- Botox có thể giảm đau bằng cách làm tê liệt các cơ. Một mũi tiêm Botox có thể có hiệu quả khoảng 3 - 4 tháng.
Các loại thuốc điều trị hoặc ngăn ngừa đau lưng cần được sử dụng dưới sự chỉ định và giám sát của bác sĩ. Đôi khi một số loại thuốc có thể mang lại tác dụng phụ không mong muốn.
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là cách chữa đau lưng an toàn và mang lại hiệu quả điều trị lâu dài. Một số phương pháp áp dụng nhiệt độ cao, kích điện cũng được xem là một cách giải phóng cơ bắp ở lưng, mô mềm và giúp giảm đau.
Khi các cơn đau đã được cải thiện, nhà vật lý trị liệu có thể đề nghị một số bài tập để tăng cường sự linh hoạt, sức mạnh cho lưng và cơ bụng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên luyện tập thường xuyên, đều đặn. Việc luyện tập nên được thực hiện ngay cả khi các cơn đau lưng kết thúc để ngăn ngừa việc tái phát trong tương lai.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật trị đau lưng là điều rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có thể lựa chọn phẫu thuật để tránh chèn ép dây thần kinh dẫn đến đau lưng mãn tính và yếu cơ.
Các loại phẫu thuật phổ biến bao gồm:
- Cắt bỏ đĩa đệm hoặc một phần đã đệm để hạn chế tình trạng thoát vị đĩa đệm chèn ép dây thần kinh và gây đau lưng.
- Tạo đĩa đệm nhân tạo nếu người bệnh cần loại bỏ hoàn toàn một đĩa đệm.
- Kết nối hai đốt sống với nhau bằng kim loại, ốc vít nếu hai đốt sống này có sự ma sát cao. Ma sát cao dễ gây viêm khớp, viêm đa khớp và tạo ra hiện tượng đau lưng.
- Loại bỏ một phần đốt sống nếu phần đốt sống này chèn ép lên tủy sống hoặc dây thần kinh.
Đau lưng là một tình trạng khá phổ biến có thể nghiêm trọng hoặc không. Do đó, điều quan trọng là hãy chú ý đến các nguyên nhân gây đau và các dấu hiệu kèm theo. Đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu vượt qua tầm kiểm soát của bạn.
Phòng ngừa
Để giảm các nguy cơ đau lưng cũng như ngăn ngừa đau lưng tái phát trong tương lai, người bệnh có thể:
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng sức mạnh các cơ và kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp đảm bảo đầy đủ canxi, vitamin D. Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể và đảm bảo sức khỏe của xương.
Không hút thuốc hoặc ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm tỷ lệ đau lưng.
Giảm cân hoặc duy trì một cân nặng khoa học, hợp lý. Thừa cân có thể là nguyên nhân dẫn đến đau lưng.
Giữ đúng tư thế khi đứng hoặc ngồi. Đảm bảo đầu hướng về phía trước, lưng thẳng và cân bằng cơ thể. Cố gắng không nghiêng, vẹo hoặc khom lưng.
Nâng đồ vật đúng cách bằng lực chân chứ không phải ở lưng. Chỉ uốn cong đầu gối, giữ cho lưng luôn thẳng.
Người thường bị đau lưng nên nghỉ ngơi trên một tấm đệm phẳng thay vì nệm cao su. Điều này có thể hỗ trợ cho vai, lưng và mông của bạn. Sử dụng gối mềm, độ cao vừa phải để không gây áp lực lên đốt sống cổ.
Đau lưng có thể được cải thiện và điều trị tại nhà. Các trường hợp đau lưng mãn tính hoặc có liên quan đến chấn thương, nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ nếu các bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào trong quá trình điều trị.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!