Rối Loạn Tiền Đình
Đặt lịch ngayRối loạn tiền đình là căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, xảy ra ở cả người lớn tuổi và người trẻ. Đây là hậu quả của các tổn thương về tai, não hoặc stress, ô nhiễm tiếng ồn... Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những hệ lụy và di chứng để lại rất khó lường, gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... nếu không điều trị kịp thời.
Tổng quan
Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thống thần kinh, nằm ở phía sau ốc tai. Nó có nhiệm vụ chính là giữ thăng bằng, đảm bảo duy trì tư thế (đi lại, cúi, xoay người...) đúng khi hoạt động, phối hợp với các cơ quan khác như tay, chân, mắt, thân mình... để cử động dễ dàng và chính xác.
Rối loạn tiền đình (Vestibular Disorders) là tình trạng chức năng tiền đình bị rối loạn. Nguyên nhân chính thường là do tổn thương dây thần kinh số 8, khiến quá trình truyền dẫn thông tin bị sai lệch. Hoặc sự tồn tại của các mảng xơ vữa gây tắc nghẽn động mạch hoặc thiếu máu cũng có thể gây ra rối loạn tiền đình.
Hiện tượng này gây ra các biểu hiện đặc trưng như dễ mất thăng bằng, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, dễ bị buồn nôn, vã mồ hôi, nghiêm trọng hơn là ngất xỉu... Bệnh nhân lên cơn rối loạn tiền đình cấp tính cần được áp dụng ngay các biện pháp sơ cứu khẩn cấp để ngăn biến chứng.
Phân loại
Dựa vào triệu chứng và các biểu hiện đặc trưng của bệnh, rối loạn tiền đình được phân chia làm 2 dạng chính gồm:
Đây là dạng rối loạn tiền đình tương đối lành tính, chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và người bệnh vẫn có thể đi lại được. Dạng bệnh này đặc trưng với tình trạng: Chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột như chuyển từ nằm sang ngồi hoặc lắc đầu; cơn chóng mặt chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và thoáng qua;
Một số trường hợp nặng, cơn chóng mặt cũng có thể kéo dài và kèm theo nôn ói, suy giảm thính lực, choáng váng, nặng đầu, sợ ánh sáng, mất tập trung...;
Các tổn thương, va chạm hoặc chấn thương ở vùng đầu, tổn thương tai trong, viêm tai xương chũm mãn tính hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý mạch máu sau cổ là những nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh. Ngoài ra tác dụng phụ của các loại thuốc như kháng sinh nhóm aminoglycosis, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu, độc tố của rượu... có thể gây tổn thương và suy giảm chức năng tiền đình.
Rối loạn tiền đình trung ương
Dạng bệnh này đặc trưng với các biểu hiện của chứng thiểu năng tuần hoàn não, bao gồm: Thường xuyên mệt mỏi, đi đứng khó khăn; Mất ngủ, chóng mặt, choáng váng, giảm trí nhớ, hay quên, khó tập trung, nôn ói...;
Phần lớn trường hợp rối loạn tiền đình trung ương xuất phát từ các tổn thương não, tổn thương nhân tiền đình và các đường liên hệ ở thân não, tiểu não. Tình trạng gây cản trở tuần hoàn máu mang dưỡng chất đến não bộ. Dựa vào cơ chế này, những người bị xơ vữa động mạch, thoái hóa cột sống cổ, tụt huyết áp... là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này.
Xem thêm: Rối loạn tiền đình ở người già: Dấu hiệu và các khắc phục
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình, nhưng về cơ bản có thể chia làm 2 nhóm chính là:
- Nguyên nhân trực tiếp: Là hậu quả của tổn thương dây thần kinh số 8, gồm: U dây thần kinh; u não; bệnh xơ cứng rải rác; nhồi máu não; xuất huyết não; viêm tai giữa cấp; ngộ độc tai; chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV); viêm thần kinh tiền đình; viêm mê nhĩ; bệnh Migraine tiền đình; cống tiền đình giãn rộng (EVA); các bệnh rối loạn chuyển hóa...
- Nguyên nhân gián tiếp: Là những nguyên nhân gián tiếp gây tổn thương đến các dây thần kinh dẫn truyền từ hệ thống tiền đình như: Mất ngủ; huyết áp thấp; tắc nghẽn động mạch; stress, căng thẳng kéo dài; các yếu tố về thói quen sinh hoạt hàng ngày và môi trường kém lành mạnh, chế độ dinh dưỡng không khó học, ô nhiễm tiếng ồn...
Yếu tố nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân trên, còn nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ phát sinh rối loạn tiền đình như:
- Thời tiết thay đổi đột ngột, nhất là khi giao mùa trời trở lạnh hoặc khi nắng gắt; nạp vào cơ thể các loại thức ăn bị nhiễm độc; virus gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh.
- Người làm việc văn phòng phải ngồi nhiều, ít vận động khiến các động mạch cột sống thân nền bị co thắt, cản trở tuần hoàn, thiếu máu nuôi dưỡng não bộ, lâu ngày gây rối loạn tiền đình.
- Phụ nữ tiền mãn kinh; người cao tuổi (> 65 tuổi); người hay say tàu xe; những người mắc chứng song thị (nhìn đôi) có nguy cơ cao mắc rối loạn tiền đình.
- Người hay lo lắng và có nhiều rắc rối cũng như vấn đề trong cuộc sống, thường xuyên phải căng thẳng đầu óc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
Triệu chứng & chẩn đoán
Triệu chứng
Người bị rối loạn tiền đình thường có các biểu hiện đặc trưng là chóng mặt, hoa mắt, đầu óc quay cuồng, cảm giác như đồ vật đang xoay xung quanh, kèm theo ù tai, buồn nôn, đi lại không vững, dễ té ngã.
Cụ thể như sau:
- Chóng mặt: 100% trường hợp khởi phát rối loạn tiền đình gặp triệu chứng này. Đây là biểu hiện đặc trưng khi các dây thần kinh não bộ bị chèn ép, tổn thương. Ban đầu, cơn chóng mặt xuất hiện thoáng qua, sau đó tần suất và mức độ tăng dần. Chóng mặt đến xuất hiện ảo giác, cảm thấy mọi thứ bay vòng tròn, kèm theo buồn nôn, nôn, mờ mắt, tay chân yếu, vã mồ hôi...
- Mất thăng bằng: Người bị rối loạn tiền đình rất dễ mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng, dễ té ngã. Thường xảy ra đồng thời khi bị chóng mặt. Lúc này, vùng tiền đình đã mất nhận thức và không nắm thông tin về các cử động của cơ thể, khiến người bệnh có cảm giác lâng lâng. Người bệnh nên ngồi yên tại chỗ, tránh đi lại để hạn chế nguy hiểm.
- Rung giật nhãn cầu: Là tình trạng cả hai nhãn cầu bị rung giật tự động một cách liên tục, đều đặn và nhịp nhàng, thay đổi hướng xen kẽ nhau, theo nhiều hướng... Rung giật nhãn cầu khiến người bệnh không thể nhìn rõ được mọi thứ, khả năng và tầm nhìn bị giảm, nhãn cầu chuyển động bất thường.
- Ngất xỉu: Một số trường hợp nghiêm trọng, lượng máu lên não giảm đột ngột, huyết áp giảm thấp, rối loạn nhịp tim... khiến bệnh nhân ngất xỉu. Triệu chứng này sẽ rất nguy hiểm khi người bệnh đang tham gia giao thông, làm các công việc trên cao hoặc làm việc gần máy móc...
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán rối loạn tiền đình được thực hiện dựa trên những đánh giá về triệu chứng lâm sàng, thông tin, tiền sử bệnh do bệnh nhân cung cấp. Đồng thời, tùy từng trường hợp mà bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm đánh giá chức năng tiền đình và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như:
- Rung giật nhãn cầu (ENG): Phương pháp này sử dụng các dây điện cực nhỏ với nguồn điện vừa phải, đặt lên vùng da quanh mắt nhằm đo mức độ chuyển động mắt. Từ đó giúp so sánh với các triệu chứng rối loạn tiền đình để đánh giá tình trạng bệnh nặng, nhẹ và có phương pháp điều trị phù hợp.
- Xét nghiệm xoay vòng: Đây là xét nghiệm giúp đánh giá sự phối hợp hoạt động của tai và mắt có vấn đề gì hay không. Tai và mắt là bộ phận có mối liên quan mật thiết đến hệ thống tiền đình trung ương và ngoại biên, ốc tai. Từ đánh giá này, bác sĩ có thể xác định được tình trạng tiền đình.
- Đo âm ốc tai (OAE): Xét nghiệm này đem lại kết quả cụ thể về các tế bào lông bên trong ốc tai có hoạt động bình thường hay không. Được thực hiện bằng cách đo mức độ đáp ứng của các tế bào tóc khi tiếp xúc với những cú giật được tao ra từ một chiếc loa chèn vào bên trong ốc tai.
- Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống tìm kiếm và phát hiện các mảng xơ vữa động mạch bị bóc tách gây hẹp hoặc tắc mạch; Chụp CT Scan hoặc MRI giúp quan sát rõ cấu trúc não bộ, chụp cột sống cổ, phát hiện các khối u bất thường, các mô mềm tổn thương, tầm soát nguy cơ đột quy...
Có thể bạn quan tâm: Chóng mặt do rối loạn tiền đình nên làm gì cho nhanh hết?
Biến chứng
Rối loạn tiền đình là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Dưới sự tác động tiêu cực của các triệu chứng rối loạn tiền đình, tuy có thể phục hồi nhưng những di chứng mà nó để lại rất khó lường.
Ngoài những ảnh hưởng như mệt mỏi, suy nhược cơ thể, suy giảm trí nhớ, dễ té ngã, gặp tai nạn do mất thăng bằng, bệnh còn làm tăng nguy cơ khởi phát các biến chứng tiền đình nguy hiểm như:
- Các tổn thương về mắt như suy giảm thị lực, mất khả năng xác định phương hướng;
- Đau đầu thường xuyên gây các bệnh như Parkinson, Alzheimer, nhồi máu não, tai biến mạch máu não...;
- Trường hợp thiếu oxy lên não có thể khởi phát các triệu chứng tim mạch, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, tiểu đường...;
- Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể gây biến chứng rối loạn chức năng não như liệt nửa người hoặc thất ngôn;
- Rối loạn tiền đình thường gây chóng mặt, mất thăng bằng, dễ té ngã, dễ gặp tai nạn...
- Nghiêm trọng nhất là đột quỵ não có thể đe dọa trực tiếp đến mạng sống của người bệnh;
Điều trị
Rối loạn tiền đình là một bệnh mãn tính khó điều trị dứt điểm, do bệnh dễ tái phát khi gặp các yếu tố thuận lợi. Mục tiêu điều trị rối loạn tiền đình chủ yếu là giảm thiểu thấp nhất tần suất tái phát và mức độ triệu chứng, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.
Có nhiều biện pháp điều trị rối loạn tiền đình khác nhau tùy theo từng hợp bệnh. Về cơ bản chia làm 2 hướng là điều trị không dùng thuốc và dùng thuốc.
1. Điều trị không dùng thuốc
Đối với bệnh nhân rối loạn tiền đình mức độ nhẹ, chỉ cần nhắm mắt, nghỉ ngơi, các triệu chứng sẽ thuyên giảm. Nhưng với bệnh nhân lên cơn rối loạn tiền đình cấp tính, ngất xỉu tại chỗ cần phải được sơ cứu khẩn cứu bằng các bước sau:
- Di chuyển người bệnh đến nơi thoáng gió, yên tĩnh, nằm trong tư thế thoải mái và hạn chế di chuyển sau đó để giảm tổn thương;
- Nếu bệnh nhân buồn nôn, nôn ói, hãy kích thích cổ họng để nôn hết ra, sau đó tiến hành bù nước, bù điện giải ngay;
- Bôi dầu gió lên thái dương, massage nhẹ nhàng trong vòng vài phút;
- Sau đó cho bệnh nhân uống một ly nước chanh, cam, nước gừng ấm hoặc cốc sữa ấm nhỏ để bệnh nhân sớm tỉnh táo;
- Cố gắng giữ cho bệnh nhân tránh khỏi các tác nhân kích thích như hoảng hốt, căng thẳng, mệt mỏi, mùi vị mạnh...;
- Sau đó, nếu triệu chứng vẫn không thuyên giảm hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế;
Sau đó, nếu kết quả chẩn đoán rối loạn tiền đình không quá nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định ưu tiên áp dụng các bài tập chức năng phục hồi tiền đình. Mục tiêu của liệu pháp này là kích thích thị giác gây chóng mặt thông qua các động tác lặp đi lặp lại. Chỉ cần kiên trì, sau một thời gian cảm giác chóng mặt sẽ thuyên giảm do não bộ đã quen với các cử động này.
Một số động tác đơn giản trong bài tập này như sau:
- Thở chậm & đều: Thả lỏng toàn thân, nhún vai nhẹ và xoay tròn vài vòng, thở đều, chậm, mỗi nhịp khoảng 4 - 6 giây.
- Lắc khi mở và nhắm mắt: Đầu tiên, lắc đầu sang 2 bên khoảng 10 lần, liên tục trong vòng 10 giây, liên tiếp 2 đợt. Khi đã quen, bắt đầu tập lắc đầu khi nhắm mắt, thực hiện tương tự như ban đầu.
- Gật đầu khi mở và nhắm mắt: Thả lỏng toàn thân, đặc biệt là phần vai cổ. Gật đầu lên xuống liên tục khoảng 10 lần trong vòng 10 giây. Chú ý cố gắng di chuyển đầu càng xa càng tốt. Khi đã quen, kết hợp nhắm mắt khi gật đầu.
- Lắc đầu nhìn thẳng: Đặt 1 ngón tay trước mặt, giữ cố định và tập trung ánh mắt vào vị trí này. Đồng thời, thực hiện động tác lắc đầu liên tục sang 2 bên, khoảng 10 lần trong vòng 10 giây, liên tiếp 2 đợt để đạt hiệu quả tốt nhất.
Kết hợp chăm sóc tích cực
Ngoài các biện pháp trên, bệnh nhân cũng có thể kết hợp áp dụng các biện pháp đơn giản dưới đây để cải thiện rối loạn tiền đình hiệu quả hơn.
- Ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ;
- Xoa bóp, massage cơ thể;
- Day ấn các huyệt vị tại ấn đường, huyệt nội quan, hợp cốc, tam âm giao... 5 - 10 phút trước khi đi ngủ;
- Tập yoga;
- Ưu tiên ăn những món tốt cho sức khỏe tiền đình, giàu acid folic, vitamin nhóm B, C, D...;
2. Điều trị bằng thuốc
Tùy theo các triệu chứng rối loạn tiền đình bộc phát dưới dạng cấp tính hay mạn tính mà bác sĩ sẽ kê toa dùng thuốc phù hợp. Nếu trong giai đoạn cấp tính, thường ưu tiên dùng thuốc kiểm soát triệu chứng, còn trong giai đoạn mãn tính, dùng thuốc có tác dụng phục hồi chức năng tiền đình thường được ưu tiên hơn.
Thuốc điều trị triệu chứng
- Thuốc ức chế tiền đình: Thường là nhóm thuốc Benzodiazepines, điển hình như Diazepam (Valium), Lorazepam, Clonazepam, Alprazolam... là các loại thuốc trị trầm cảm, rối loạn lo âu phổ biến. Tuy nhiên, khi sử dụng liều thấp, thuốc còn có khả năng ức chế tiền đình khá tốt, đem lại hiệu quả cải thiện nhanh chóng triệu chứng chóng mặt, đau đầu cấp tính. Tránh lạm dụng vì thuốc có thể gây nghiện, nhưng cũng không nên ngưng đột ngột.
- Nhóm thuốc kháng histamin: Thường dùng là dimenhydrinate, promethazine, meclizine (antivert) hoặc diphenhydramine (benadryl). Đây là các thuốc thường dùng cho bệnh nhân say tàu xe và giảm thiểu mức độ triệu chứng tiền đình. Tuy nhiên, mờ mắt và khô miệng có thể tăng lên do tác dụng phụ của thuốc.
- Thuốc chống nôn: Bệnh nhân rối loạn tiền đình nôn ói dữ dội sẽ phải dùng thêm thuốc chống nôn để kiểm soát tình trạng. Các loại thuốc dạng uống thường được chỉ định dùng cho bệnh nhân bị buồn nôn mức độ nhẹ và bệnh nhân điều trị ngoại trú. Các loại dùng phổ biến như: Promethazine (Phenergan, Phenameth), Metoclopramide (Domperidone hoặc Reglan), Prochlorperazine (Compazine)...
Thuốc điều trị nguyên nhân
Dựa vào kết quả chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn tiền đình mà bác sĩ sẽ kê toa dùng loại thuốc đặc trị bệnh phù hợp:
- Bệnh Migraine tiền đình: Thường được áp dụng phác đồ điều trị chứng đau nửa đầu. Gồm các loại thuốc như thuốc chẹn kênh canxi (Verapamil), thuốc chẹn β (metoprolol hoặc propranolol), thuốc chống trầm cảm (fluoxetine, amitriptyline hoặc venfafaxin), thuốc chống co giật (topiramate hoặc valproate), các hoạt chất ức chế anhydrase carbonic (acetazolamid).
- Bệnh viêm dây thần kinh tiền đình: Bệnh lý này gây rối loạn tiền đình cấp tính kèm theo rung giật nhãn cầu. Vì nguyên nhân gây bệnh chính là do sự tái nhiễm của virus Herpes bên trong các dây thần kinh tiền đình. Phác đồ thuốc thường dùng là thuốc kháng virus kết hợp methylprednisolone (Medrol).
- Bệnh Ménière: Đây là bệnh lý về tai phổ biến gây ra rối loạn tiền đình. Dùng thuốc nhằm cải thiện mức độ chóng mặt, cảm giác ù tai và bảo tồn thính lực. Loại thuốc thường dùng là thuốc lợi tiểu dạng nhẹ như maxide (hydrochlorothiazide - triamterene) hoặc dyazide kết hợp Betahistine.
- Các loại thuốc khác: Thuốc chống viêm điều trị viêm tai giữa; Thuốc hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu lên não...
Lưu ý, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ dùng thuốc và các chỉ định cụ thể của bác sĩ về liều dùng, cách sử dụng, thời gian dùng thuốc để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuyệt đối không được lạm dụng hoặc tự ý dùng thuốc khi chưa biết rõ nguyên nhân gây ra để tránh gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Ngoài các cách trên, một số trường hợp rối loạn tiền đình nghiêm trọng do ảnh hưởng từ các bệnh lý nguy hiểm, không đáp ứng điều trị nội khoa sẽ được cân nhắc thực hiện phẫu thuật.
Phòng ngừa
Để tránh khỏi những ảnh hưởng khó lường của bệnh rối loạn tiền đình đến sức khỏe và cuộc sống, mỗi người chúng ta cần ý thức trong việc chăm sóc tích cực hơn, thông qua các biện pháp sau:
Những người thường xuyên làm việc bằng mắt, ngồi nhiều, ít vận động phải tuân thủ nguyên tắc 50/10. Tức là cứ 50 phút làm việc sẽ dành 10 phút nghỉ ngơi.
Tập luyện thể dục thể thao điều độ, vận động rèn luyện thể chất, ưu tiên những môn tác động tích cực đến vùng dưới gót chân.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nhiều rau xanh, củ quả, trái cây và uống đủ nước.
Tránh xa những yếu tố căng thẳng, mệt mỏi, lo âu quá mức hoặc môi trường ô nhiễm tiếng ồn, âm thanh lớn gây ảnh hưởng đến tai.
Duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ, lạc quan và tích cực.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi hay bị chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đau đầu có phải là dấu hiệu của rối loạn tiền đình không?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị rối loạn tiền đình?
3. Bị rối loạn rối loạn tiền đình nên khám ở chuyên khoa nào?
4. Bệnh rối loạn tiền đình có nguy hiểm không?
5. Tiên lượng điều trị đối với tình trạng bệnh của tôi như thế nào?
6. Rối loạn tiền đình có chữa khỏi dứt điểm được không?
7. Phương pháp điều trị rối loạn tiền đình phù hợp nhất dành cho tôi?
8. Các loại thuốc trị rối loạn tiền đình tốt nhất tôi nên dùng?
9. Quá trình điều trị rối loạn tiền đình mất bao lâu?
10. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để hỗ trợ quá trình điều trị?
Rối loạn tiền đình có thể chữa khỏi nhưng hay tái phát và dễ biến chứng. Do đó, tuyệt đối không nên chủ quan trước những triệu chứng xảy ra rõ ràng. Ngoài tiếp nhận phác đồ điều trị theo chỉ định y tế, bạn cũng phải chủ động điều chỉnh lối sống sinh hoạt khoa học hơn để dự phòng tái phát và ngăn chặn các biến chứng khó lường về sau.
Xem thêm:
- Rối loạn tiền đình nên ăn gì, kiêng gì nhanh khỏe?
- Cách Chăm Sóc Bệnh Nhân Rối Loạn Tiền Đình Nhanh Khỏi
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!