Bệnh Trĩ
Đặt lịch ngayBệnh trĩ là nỗi ám ảnh của hơn 45% dân số Việt Nam. Phần lớn nguyên nhân gây trĩ là do thói quen sinh hoạt, ăn uống hàng ngày kém khoa học. Không chỉ đơn thuần gây ra các triệu chứng khó chịu ở hậu môn mà bệnh lý này còn phát sinh nhiều biến chứng khó lường gây hại cho sức khỏe.
Tổng quan
Bệnh trĩ, hay dân gian còn gọi là lòi dom, là hiện tượng xuất hiện khi các tĩnh mạch trong và ngoài hậu môn cùng vùng xung quanh trực tràng bị sung huyết.
Tại Nam, khoảng 40 - 50% dân số mắc bệnh này. Đáng chú ý là hầu hết những người mắc bệnh thường không tìm kiếm sự chữa trị kịp thời do không nhận biết được các triệu chứng giai đoạn đầu hoặc coi thường vấn đề sức khỏe này.
Mặc dù bệnh trĩ không đe dọa tính mạng, nhưng nó có thể gây ra nhiều vấn đề và phiền toái trong cuộc sống hàng ngày, như đau đớn, khó chịu, và giảm chất lượng cuộc sống.
Do đó, việc tìm hiểu về biện pháp phòng ngừa, điều trị phù hợp là rất quan trọng để giảm thiểu tác động của bệnh trĩ đối với sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Phân loại
Trĩ có hai loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại, mỗi loại đều có đặc điểm riêng, được phân biệt dựa vào vị trí trên đường răng lược. Đường răng lược là ranh giới chia ống hậu môn thành phần trên chiếm ⅔ và phần dưới chiếm ⅓, là ranh giới giữa lớp trong cùng của hậu môn và trực tràng.
- Trĩ nội: Trĩ nội thường xuất hiện bên trong ống hậu môn, ở phía trên đường răng lược. Do nằm trong nên khi đi tiêu hóa, búi trĩ nội thường bị đẩy ra ngoài. Búi trĩ nội phát triển qua bốn giai đoạn, các giai đoạn đầu có thể tự co lại, nhưng các giai đoạn sau thường cần sự can thiệp như đẩy vào hoặc phải điều trị bằng cách nào đó.
- Trĩ ngoại: Trĩ ngoại, ngược lại, xuất hiện bên ngoài hậu môn, ở phía dưới đường răng lược và có da phủ bên ngoài. Búi trĩ ngoại thường dễ nhìn thấy, dễ cảm nhận và gây đau rát và khó chịu hơn so với trĩ nội do tiếp xúc với áp lực và cọ xát nhiều hơn. Trĩ ngoại thường gây ra đau và chảy máu do tình trạng tắc mạch và ngứa rát.
=> Xem thêm: Bệnh trĩ thường gặp ở độ tuổi nào? Người trẻ có bị không?
Nguyên nhân & yếu tố nguy cơ
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh trĩ, từ trẻ nhỏ cho đến người trưởng thành. Tuy nhiên, nguy cơ cao nhất thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 - 60, đặc biệt là nữ giới (khoảng 61% theo thống kê mới đây).
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ:
- Táo bón hoặc tiêu chảy: Rặn quá mạnh khi đi đại tiện hoặc đại tiện nhiều lần gây áp lực cho hậu môn và trực tràng.
- Thừa cân - béo phì: Người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao hơn do áp lực xung quanh trực tràng tăng lên.
- Mang thai và sinh nở: Thai nghén, căng thẳng và sinh nở có thể khiến phụ nữ dễ mắc bệnh trĩ.
- Ngồi lâu và ít vận động: Nguy cơ mắc trĩ cao hơn ở những người làm việc văn phòng, ngồi lâu một chỗ và ít vận động.
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý: Các bệnh lý có khối u như u tử cung, u trực tràng và chấn thương tủy sống cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc trĩ.
- Các nguyên nhân khác: Lão hóa, căng thẳng, quan hệ qua đường hậu môn, ăn uống thiếu chất xơ, uống ít nước và lạm dụng chất kích thích cũng làm tăng nguy cơ mắc trĩ.
Ngồi yên một chỗ quá lâu và ít vận động được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trĩ.
Triệu chứng & chẩn đoán
Triệu chứng phổ biến khi bị trĩ bao gồm:
- Chảy máu khi đại tiện: Máu có thể chảy thành giọt hoặc bắn tia trong quá trình đi đại tiện.
- Cảm giác căng tức và khó chịu tại vùng hậu môn: Cảm giác nặng nề, căng thẳng và khó chịu ở khu vực xung quanh hậu môn.
- Búi trĩ sa ra ngoài: Đối với trĩ nội, có thể xuất hiện búi trĩ sa ra ngoài hậu môn với các mức độ khác nhau.
- Sưng đỏ, đau rát, ẩm ướt, ngứa ngáy: Triệu chứng này thường đi kèm với tiết dịch nhờn ở khu vực hậu môn.
Quá trình chẩn đoán thường bao gồm:
- Quan sát hậu môn và trực tràng để kiểm tra và sờ nắn búi trĩ, đánh giá mức độ trương lực cơ thắt của hậu môn.
- Yêu cầu bệnh nhân ngồi xổm như khi rặn đại tiện để đánh giá mức độ chảy máu và búi trĩ.
- Sử dụng nội soi hậu môn và trực tràng để xem màu sắc, kích thước và độ sa của búi trĩ.
- Kết hợp xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác như áp xe hậu môn, polyp hậu môn, nứt kẽ hậu môn.
Biến chứng & tiên lượng
Nếu không được điều trị phù hợp, bệnh trĩ có thể gây:
- Thiếu máu mãn tính: Chảy máu liên tục từ hậu môn có thể gây thiếu máu mãn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện.
- Tắc mạch: Búi trĩ có thể gây tắc mạch, đau nhức và khó chịu.
- Sa nghẹt búi trĩ: Gây ra ức chế lưu thông máu đến búi trĩ, tăng nguy cơ biến chứng hoại tử.
- Nhiễm trùng: Nguy cơ nhiễm trùng cao do tiết dịch nhờn làm ẩm ướt hậu môn.
- Ung thư đại trực tràng: Nguy cơ cao gấp 2.9 lần so với người bình thường.
- Nhiễm trùng máu: Biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.
Rất ít người tự khỏi bệnh trĩ, hầu hết cần thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ là trĩ, nên thăm khám ngay tại các bệnh viện chuyên khoa.
Điều trị
1. Điều trị nội khoa
Nhằm mục đích bảo tồn thông qua cải thiện triệu chứng và đảm bảo chất lượng sinh hoạt.
Các phương pháp bao gồm:
- Sử dụng thuốc: Bao gồm viên uống, thuốc đặt và thuốc bôi ngoài hậu môn để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sinh hoạt.
- Ngâm hậu môn trong nước ấm: Giúp giảm ngứa, đau rát và sưng viêm.
- Điều chỉnh ăn uống: Tăng cường chất xơ để hỗ trợ đại tiện và giảm xuất huyết.
- Thay đổi thói quen đi đại tiện: Điều chỉnh tư thế và hạn chế thời gian ngồi hoặc đứng quá lâu.
2. Can thiệp ngoại khoa
Trường hợp bệnh trĩ nhẹ: Thủ thuật chích xơ mạch máu hoặc thắt dây chun búi trĩ: Ngăn chặn máu lưu thông đến búi trĩ.
Trường hợp bệnh trĩ nặng:
- Phẫu thuật Milligan Morgan: Cắt bỏ từng búi trĩ, tuy hiệu quả nhưng gây đau đớn và thời gian phục hồi dài.
- Phẫu thuật Longo: Giảm thiểu đau đớn và thời gian phục hồi bằng cách không cắt bỏ hoàn toàn búi trĩ.
Phòng ngừa
Để tránh nguy cơ mắc bệnh trĩ, bạn có thể:
- Tăng cường chất xơ từ rau xanh và trái cây giúp giảm táo bón và nguy cơ trĩ.
- Ăn uống khoa học: Hạn chế thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, gia vị, và chất kích thích.
- Uống đủ nước, khoảng 2 - 3 lít nước mỗi ngày để duy trì sức khỏe đường ruột.
- Đi đại tiện đúng cách, tránh nín nhịn và cố rặn mạnh khi đi đại tiện.
- Vận động thường xuyên, tập thể dục giúp cải thiện lưu thông máu và giảm áp lực trực tràng.
- Tránh ngồi lâu một chỗ, đặc biệt quan trọng đối với những người làm việc văn phòng.
- Dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, tránh stress và tạo điều kiện cho cơ thể nghỉ ngơi.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
Trong quá trình thăm khám trực tiếp với bác sĩ, việc chủ động trong đặt các câu hỏi liên quan là "chìa khóa" quan trọng giúp đạt được kết quả điều trị tối ưu. Dưới đây là những câu hỏi người mắc bệnh trĩ được các chuyên gia bác sĩ khuyến khích bạn nên hỏi:
1. Các triệu chứng tôi vừa liệt kê và kết quả nội soi có ý nghĩa gì?
2. Hỏi rõ về nguyên nhân và mức độ bệnh trĩ của bản thân?
3. Bệnh trĩ đang ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của tôi?
4. Tôi phải điều trị bệnh bằng phương pháp nào tốt nhất?
5. Có cách điều trị nào khác tốt hơn không?
6. Nếu dùng thuốc sẽ dùng loại nào? Cách dùng ra sao để không gây tác dụng phụ?
7. Nếu quên uống thuốc có sao không? Cách xử lý
8. Chế độ ăn uống hàng ngày như thế nào trong quá trình điều trị?
9. Bệnh trĩ có được quan hệ tình dục không?
10. Tôi có cần tái khám không? Khi nào tái khám?
Bệnh trĩ là bệnh lý hậu môn - trực tràng khá lành tính, nhưng vẫn sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Do đó, hãy chủ động thăm khám sớm và tích cực điều trị bằng các phương pháp phù hợp với từng cấp độ, dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa để sớm thoát khỏi bệnh và phòng ngừa tái phát dài lâu.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh trĩ kiêng gì trong sinh hoạt, ăn uống? Muốn khỏi phải biết
- Thuốc và cách giảm đau bệnh trĩ nhanh chóng, hiệu quả
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!