Bệnh Gai Cột Sống
Đặt lịch ngayGai cột sống là bệnh lý xương khớp xảy ra phổ biến ở người cao tuổi và cả người trưởng thành bị lão hóa sớm. Sự xuất hiện bất thường của các gai xương trên cột sống gây ảnh hưởng không nhỏ đến cấu trúc và chức năng cột sống. Hậu quả là các biến chứng nguy hiểm về khả năng vận động, thậm chí cả tính mạng của người bệnh.
Tổng quan
Gai cột sống còn được gọi là gai đốt sống (tên tiếng Anh là Osteophytes) là tình trạng mọc các gai xương ra bên ngoài và hai cạnh bên của đốt sống. Đây là một hệ quả của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, nhằm nỗ lực chống lại sự lão hóa, giảm bớt áp lực và ổn định cấu trúc, chức năng cột sống.
Bản chất của quá trình hình thành gai xương thường là do sự lắng đọng canxi tại dây chằng, đĩa sụn của đốt sống, do viêm cột sống hoặc chấn thương. 2 vị trí dễ bị gai cột sống nhất là cổ và thắt lưng. Bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết với yếu tố lão hóa, càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh càng cao. Trong đó, nam giới dưới 45 tuổi và nữ giới sau 45 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn so với các đối tượng khác.
Phân loại
Dựa vào vị trí cột sống mọc gai, bệnh được chia làm 2 dạng chính gồm:
Gai cột sống cổ (Cervical Osteophytes):
Tổn thương xuất hiện chủ yếu ở các đốt sống cổ. Biểu hiện dễ nhận biết nhất là người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội khi thực hiện các động tác cúi đầu, xoay ngang trái phải... Bệnh gây cản trở chức năng hoạt động do gai xương chèn ép lên các dây thần kinh đốt sống cổ.
Tùy vào vị trí bị chèn ép gây các biến chứng kèm theo như: Hội chứng động mạch đốt sống thân mềm; Hội chứng cổ vai; Hội chứng chèn ép tủy cổ; Hội chứng cổ vai cánh tay;
Gai cột sống thắt lưng (Lumbar Osteophytes):
Quá trình xơ hóa sụn khớp và xương dưới sụn của cột sống lưng. Mọi vị trí trên thắt lưng đều có thể mọc gai xương bất thường. Phần lớn các trường hợp bị gai cột sống thắt lưng đều không có dấu hiệu viêm, tiến triển bệnh tăng dần đến mức gây biến dạng.
Xem thêm: Bệnh gai cột sống lưng: Triệu chứng và cách chữa trị phù hợp
Nguyên nhân
Bản chất của gai cột sống là do sự điều chỉnh, sửa chữa tự nhiên của cơ thể khi có sự thoái hóa hoặc tổn thương. Cơ chế hoạt động bằng cách tăng sản sinh lượng canxi ở gần khu vực bị tổn thương, bao bọc các đầu khớp xương, sụn đệm lại để giảm tổn thương. Tuy nhiên, quá trình này vô tình lại gây ra mọc gai xương trên cột sống.
Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra tình trạng này như:
Tuổi tác: Càng lớn tuổi quá trình lão hóa càng diễn ra nhanh hơn. Cột sống cũng không nằm ngoài sự lão hóa này và dẫn đến gai cột sống.
Ảnh hưởng từ các bệnh cột sống: Thoái hóa cột sống, viêm cột sống mãn tính... là những bệnh lý hàng đầu khiến sụn khớp bị bào mòn, nứt vỡ và tổn thương. Lúc này, cơ thể sẽ ngay lập tức "bù canxi" vào để sửa chữa, phần canxi thừa lại tích tụ lâu ngày sẽ hình thành gai xương.
Chấn thương: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã khi chơi thể thao, làm tổn thương đĩa đệm, sụn khớp, xương... Tăng nguy cơ hình thành gai xương cột sống.
Sai tư thế hoạt động: Người thường xuyên mang vác vật nặng sai tư thế, thực hiện các tư thế nằm, ngồi, đi, đứng... trong thời gian dài có thể gây ra các tổn thương cột sống, hình thành gai xương.
Các yếu tố nguy cơ khác: Di truyền, thừa cân béo phì, nghiện rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác, ảnh hưởng từ bệnh gút, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp...
Triệu chứng & chẩn đoán
Triệu chứng gai cột sống diễn tiến qua từng giai đoạn và thường không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Đây là lý do vì sao nhiều bệnh nhân thường không biết mình mắc bệnh. Chỉ đến các giai đoạn nặng triệu chứng bệnh mới bùng phát, điển hình như:
- Đau nhói từng cơn ở vùng cổ hoặc thắt lưng, tăng nặng hơn khi vận động;
- Đau lan xuống vai, tay hoặc lan dọc xuống hai chân;
- Tê bì, rối loạn cảm giác tay chân do gai xương chèn ép lên các dây thần kinh;
- Rối loạn dây thần kinh thực vật, mất kiểm soát đại tiểu tiện;
- Mất cảm giác tại vùng cột sống mọc gai, kèm theo yếu cơ, đau đầu, mệt mỏi...;
- Rối loạn chèn ép dây thần kinh gây khó thở, tụt huyết áp đột ngột, vã mồ hôi...;
Dựa vào các triệu chứng trên, người bệnh có thể tự đánh giá sơ bộ về việc bản thân có bị gai cột sống hay không. Nhưng để chắc chắn hơn, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các chẩn đoán y tế sau: Chụp X quang, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính CT scan, đo điện cơ EMG, chụp CT Myelogram.
Biến chứng & tiên lượng
Sự tồn tại của gai xương gây ảnh hưởng tiêu cực đến cấu trúc cột sống, hệ thống các dây thần kinh, hậu quả gây phát sinh hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như:
- Rối loạn thần kinh thực vật: Biến chứng này gây tăng hoặc tụt huyết áp đột ngột, kèm theo rối loạn hô hấp. Biến chứng sẽ rất nguy hiểm nếu người bệnh không được sơ cấp cứu kịp thời.
- Thoát vị đĩa đệm: Sự chèn ép quá mức của các gai xương lên các rễ dây thần kinh khiến cột sống dần bị thoái hóa, gây thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng gây biến chứng teo cơ, bại liệt.
- Rối loạn tiền đình: Thường xảy ra ở những bệnh nhân bị tổn thương cột sống cổ, cản trở quá trình tuần hoàn máu lên não, gây rối loạn tiền đình với các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai...
- Teo cơ, bại liệt: Người bệnh gai cột sống có xu hướng ít vận động do đau nhức. Lâu ngày khiến hệ thống cơ gân khớp bị thoái hóa, teo cơ, mất dần khả năng vận động dẫn đến bại liệt, tàn phế vĩnh viễn.
Tương tự như những bệnh lý tổn thương cột sống khác, gai cột sống rất khó có thể chữa khỏi dứt điểm hoàn toàn. Việc áp dụng các biện pháp điều trị nhằm mục đích làm chậm tiến triển bệnh và cải thiện triệu chứng là chủ yếu. Điều trị càng sớm càng giúp bảo tồn chức năng cột sống và khả năng vận động.
Điều trị
Có nhiều biện pháp chữa gai cột sống, tùy theo nguyên nhân, mức độ và triệu chứng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Hiện nay, có 3 phương pháp được áp dụng chính trong điều trị gồm:
1. Điều trị không dùng thuốc
Những trường hợp gai cột sống vừa khởi phát, chưa gây đau nhức hoặc quá nhiều triệu chứng kèm theo có thể điều trị bằng các biện pháp đơn giản sau:
- Vật lý trị liệu bằng các bài tập phục hồi chức năng;
- Vật lý trị liệu bằng thiết bị máy móc như điện xung, tia hồng ngoại, sóng ngắn...;
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh giúp giảm đau nhức;
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế vận động để tạo điều kiện cho cột sống phục hồi;
- Xoa bóp, massage, châm cứu, bấm huyệt;
2. Điều trị bằng thuốc
Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn bùng phát triệu chứng, gây đau nhức, tê bì, giảm vận động, bệnh nhân sẽ được yêu cầu phải nằm nghỉ ngơi đúng tư thế và dùng thuốc theo chỉ định.
Các loại thuốc thường dùng như:
- Thuốc giãn cơ: Giúp giảm co thắt cơ do mọc gai cột sống. Điển hình như Tizanidine hoặc Cyclobenzaprine.
- Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid: Có tác dụng cắt giảm cơn đau cột sống nhanh chóng. Các loại phổ biến như Naproxen, Ibuprofen, Acetaminiphen, Paracetamol hoặc Tramadol...
Lưu ý tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, dùng đúng liều lượng và thời gian quy định. Tránh lạm dụng quá mức gây ra tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.
3. Phẫu thuật
Trường hợp gai cột sống nghiêm trọng, có biến chứng nặng, chẩn đoán cho thấy các đốt sống tổn thương nghiêm trọng hoặc không đáp ứng điều trị bằng thuốc sẽ được chỉ định phẫu thuật loại bỏ gai xương.
Cần hết sức thận trọng trước khi quyết định có nên thực hiện phẫu thuật hay không. Vì phẫu thuật tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nhất là sau khi phẫu thuật gai xương cột sống vẫn có thể mọc trở lại, ngay tại vị trí ban đầu. Ngoài ra, chi phí phẫu thuật khá cao và đòi hỏi nhiều yếu tố khác về sức khỏe, thể trạng nên không phải ai cũng áp dụng được.
Phòng ngừa
Chủ động thực hiện lối sống sinh hoạt, ăn uống khoa học ngay từ khi còn trẻ khỏe là giải pháp phòng ngừa gai cột sống khi về già tốt nhất.
Ăn uống khoa học, đủ chất, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho xương khớp.
Tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi, vận động đúng tư thế, nhẹ nhàng và chậm rãi.
Hạn chế khuân vác vật nặng quá thường xuyên và sai tư thế để giảm thiểu tổn thương.
Tập thể dục thể thao hàng ngày vừa giúp tăng cường miễn dịch vừa giúp xương khớp khỏe mạnh, giảm tổn thương ngăn ngừa nguy cơ mọc gai xương cột sống.
Tham khảo ý kiến chuyên gia về việc bổ sung các sản phẩm thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp ngay từ sớm để chủ động ngăn chặn quá trình lão hóa.
Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần hoặc chủ động khám bệnh ngay khi có các dấu hiệu đau nhức bất thường về xương khớp để có hướng điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.
Gợi ý: Các bài tập Yoga chữa gai cột sống dễ thực hiện tại nhà
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị đau cột sống dai dẳng là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân và mức độ về tình trạng gai cột sống của tôi?
3. Bệnh ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe thể chất và khả năng vận động hàng ngày của tôi?
4. Bị gai cột sống có chữa khỏi dứt điểm được không?
5. Tôi cần thực hiện các chẩn đoán xét nghiệm nào?
6. Với tình trạng bệnh hiện tại, tôi nên điều trị bằng phương pháp nào tốt nhất?
7. Dùng thuốc trị gai cột sống như thế nào để đạt hiệu quả cao, ít gây tác dụng phụ?
8. Bị gai cột sống có phải phẫu thuật không? Lợi ích và rủi ro liên quan?
9. Chi phí điều trị gai cột sống hết bao nhiêu?
10. Tôi có cần phải tái khám sau khi điều trị khỏi bệnh không?
Gai cột sống là bệnh lý xương khớp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày và khả năng vận động của bệnh nhân. Những biến chứng của bệnh rất đáng lo ngại và nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, không nên chủ quan với bất kỳ biểu hiện bất thường nào về xương khớp và chủ động thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt để phòng ngừa biến chứng.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh gai đôi cột sống và giải pháp hiệu quả từ y học cổ truyền
- Gai cột sống chèn dây thần kinh và phương pháp điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!