Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung



Viêm lộ tuyến tử cung là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở nữ giới, nhất là các chị em đang trong độ tuổi sinh sản. Đây là bệnh lý đáng lo ngại, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường về sức khỏe sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh hoặc ung thư.
Tổng quan
Lộ tuyến cổ tử cung có bản chất lành tính, xảy ra đơn thuần do chỉ số nội tiết tố trong cơ thể cao quá mức bình thường, kích thích các tế bào bên trong cổ tử cung phát triển ra bên ngoài. Hiện tượng này thường không gây ra các triệu chứng đặc hiệu, rất khó phát hiện trừ khi vô tình thăm khám kiểm tra phụ khoa.
Viêm lộ tuyến tử cung (tên tiếng Anh là Cervical Ectropion) là tình trạng viêm nhiễm phần lộ tuyến được hình thành theo cơ chế vừa nêu trên. Bệnh gây ra các biểu hiện đặc trưng như chảy máu sau khi quan hệ, tăng tiết dịch nhầy, gây ngứa ngáy khó chịu...
Vì bản chất của khối lộ tuyến chính là duy trì độ ẩm, cân bằng chỉ số pH cho âm đạo. Nhưng khi phát triển ra ngoài, chức năng này vô tình tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, phát sinh viêm nhiễm. Sau chẩn đoán viêm lộ tuyến tử cung, bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng ngoài ý muốn.

Phân loại
Viêm lộ tuyến tử cung được chia làm 3 cấp độ gồm dựa theo mức độ và triệu chứng. Bao gồm:
Viêm lộ tuyến cấp độ 1:
Là giai đoạn bệnh vừa bắt đầu, các tế bào lộ tuyến bên trong âm đạo có xu hướng phát triển ra bên ngoài. Mức độ tổn thương ở giai đoạn này là khoảng 30%.
Các triệu chứng chưa rõ ràng nên rất khó phát hiện sớm. Phổ biến nhất là cảm giác ngứa ngáy, ra nhiều khí hư, chuyển sang màu sắc khác lạ, có mùi tanh hôi... Ở thể bệnh này, bệnh chưa nguy hiểm, ít ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, sinh lý.
Mức độ tổn thương ở giai đoạn này ở mức khoảng 50 - 70%, đặc trưng với các triệu chứng như ra nhiều khí hư, ngứa ngáy vùng kín, đau rát hoặc chảy máu khi quan hệ...
Giai đoạn này là dấu hiệu cảnh báo các biến chứng nguy hiểm, chị em cần thăm khám và điều trị ngay bằng phác đồ phù hợp.
Là cấp độ nghiêm trọng và cũng là giai đoạn phát sinh các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh. Mức độ tổn thương trong giai đoạn này là > 70%, các triệu chứng biểu hiện rõ ràng và thường xuyên như: ra nhiều khí hư, màu sắc thay đổi, chảy máu khi quan hệ, tiểu rát, buốt, đau bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt,...
Nguyên nhân
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, nguyên nhân gây ra viêm lộ tuyến thường bắt nguồn từ những tổn thương cơ học hoặc viêm nhiễm bên trong cơ quan này. Do đó, phần lớn bệnh nhân đều là những chị em đã quan hệ tình dục, đã trải qua sinh nở, sảy thai hoặc nạo phá thai...
Các loại vi khuẩn gây bệnh viêm lộ tuyến phổ biến nhất là tụ cầu vàng, lậu cầu, vi khuẩn Chlamydia trachomatis...
Cụ thể như sau:
- Quan hệ tình dục thiếu an toàn: Quan hệ thô bạo, sử dụng đồ chơi tình dục sắc nhọn, quan hệ với nhiều người, không sử dụng bao cao su hay bất kỳ biện pháp tránh thai nào... dễ gây ra viêm lộ tuyến tử cung. Không những vậy, quan hệ không an toàn còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, lậu, sùi mào gà, HIV/ AIDS...
- Vệ sinh vùng kín không sạch sẽ: Vùng kín không sạch sẽ vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm. Những thói quen xấu khiến môi trường âm đạo bị thay đổi như lạm dụng băng vệ sinh hàng ngày, sử dụng dung dịch vệ sinh không phù hợp, thụt rửa âm đạo quá sâu, không thay băng vệ sinh 4 tiếng/ lần khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt,...
- Tăng đột biến nội tiết tố estrogen: Nồng độ estrogen trong cơ thể nữ giới luôn duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tránh thai chứa hàm lượng estrogen cao hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc khác khiến lượng hormone nội tiết này tăng cao bất thường. Tình trạng này kích thích các tế bào lộ tuyến phát triển quá mức, lộ ra ngoài và bị viêm nhiễm.
- Sảy thai hoặc nạo hút thai nhiều lần: Những chị em nạo hút phá thai hoặc sảy thai quá nhiều lần khiến cổ tử cung ngày càng suy yếu, giảm độ đàn hồi, dễ bị tổn thương và nhiễm trùng. Tình trạng này làm tăng nguy cơ phát sinh các viêm nhiễm cơ quan sinh dục và gây viêm lộ tuyến tử cung.
- Lạm dụng thủ thuật vùng kín: Lạm dụng các thủ thuật phụ khoa khác như đặt dụng cụ, đặt vòng âm đạo, khám phụ khoa bằng mỏ vịt thường xuyên và không đảm bảo các yếu tố vệ sinh, thực hiện các thủ thuật làm đẹp vùng kín... cũng khiến cổ tử cung dễ bị tổn thương và viêm nhiễm.
- Các nguyên nhân khác: Phụ nữ sinh đẻ nhiều, từ 3 con trở lên thường có nguy cơ bị viêm lộ tuyến cao hơn so với những chị em chỉ sinh 1 - 2 con; Nữ giới quan hệ tình dục quá sớm khi vẫn đang ở độ tuổi vị thành niên, tử cung chưa thực sự hoàn thiện dễ bị tổn thương và phát sinh viêm nhiễm; chủ quan với các vấn đề phụ khoa.
Triệu chứng & chẩn đoán
Rất nhiều trường hợp bị viêm lộ tuyến tử cung không có các triệu chứng đặc hiệu, nhất là trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, về cơ bản bệnh vẫn có các biểu hiện riêng nhằm hỗ trợ công tác chẩn đoán như:
- Xuất hiện mảng đỏ tại cơ quan sinh dục - dấu hiệu của viêm cổ tử cung;
- Khí hư ra nhiều, màu sắc bất thường (xanh, vàng), có lẫn mủ, bọt, có mùi tanh hôi;
- Ngứa ngáy vùng kín; ngứa râm ran hoặc ngứa dữ dội liên tục
- Có hiện tượng chảy máu và đau rát khi quan hệ tình dục;
- Đau quặn vùng bụng dưới, đau vùng xương chậu, eo lưng;
- Tiểu buốt, tiểu rát, tiểu nhiều do nhiễm trùng lây lan sang niệu đạo và bàng quang;
- Suy nhươc cơ thể, uể oải, mệt mỏi kéo dài, cảm giác thiếu sức sống;
- Rối loạn kinh nguyệt, thống kinh hoặc rong kinh, chậm kinh;
Để xác định các triệu chứng lâm sàng được ghi nhận ở từng trường hợp có phải là do viêm lộ tuyến cổ tử cung hay không, nguyên nhân và mức độ bệnh... bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm cần thiết gồm: Siêu âm đầu dò nhằm quan sát các tổn thương bên trong âm đạo; xét nghiệm dịch âm đạo giúp phát hiện tác nhân gây viêm nhiễm, chẩn đoán nguyên nhân.
Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp, đẩy lùi bệnh hiệu quả và đảm bảo an toàn, phòng ngừa biến chứng rủi ro ngoài ý muốn.
Biến chứng & tiên lượng
Viêm lộ tuyến tử cung được đánh giá lá bệnh lý phụ khoa lành tính. Nhưng nếu chị em lơ là, chủ quan, không can thiệp điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh sản, tình dục và sức khỏe thể chất nói chung. Một số biến chứng của viêm lộ tuyến tử cung thường gặp như:
- Tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn: Khối lộ tuyến tử cung bị viêm nhiễm kéo dài làm tăng lượng khí hư, dịch tiết âm đạo làm giảm khả năng thụ thai của trứng và tinh trùng. Ngoài ra, viêm nhiễm còn làm thay đổi môi trường âm đạo, khiến lượng tinh trùng sống sót để thụ thai còn rất ít hoặc không có. Về lâu dài dẫn đến khó có thai, vô sinh, hiếm muộn.
- Nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung: Cơ chế tự thân của các tế bào lộ tuyến chính là bài xích phản ứng tăng sinh đẩy lùi sự xấm lấn của ổ viêm nhiễm. Quá trình này vô tình hình thành các tổn thương tái đi tái lại gây ung thư ác tính.
- Tăng nguy cơ phát sinh các bệnh lý phụ khoa: Viêm lộ tuyến tử cung không được kiểm soát đúng cách khiến ổ viêm nhiễm lây lan sang các cơ quan khác gây viêm nội mạc cổ tử cung, viêm dính tắc vòi trứng, viêm tiểu khung...
- Giảm khoái cảm khi quan hệ: Các triệu chứng viêm lộ tuyến tử cung như đau rát, ngứa ngáy, chảy máu... khiến chị em gặp khó khăn trong việc tận hưởng trải nghiệm khoái cảm tình dục. Về lâu dài khiến đời sống tình dục đi xuống, ảnh hưởng đến tâm lý, tự ti, căng thẳng dẫn đến lãnh cảm, tan vỡ hạnh gia đình.
- Ảnh hưởng sức khỏe thai kỳ: Phụ nữ mang thai bị viêm lộ tuyến tử cung không điều trị đúng cách gây biến chứng nguy hiểm như sảy thai, thai lưu, vỡ ối sớm, sinh non... Không những vậy, mẹ mắc bệnh nhưng sinh thường qua ngả âm đạo có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng da, đường hô hấp, tiêu hóa...
- Ảnh hưởng chất lượng cuộc sống: Tình trạng âm đạo ẩm ướt, ngứa ngáy, khó chịu, tỏa mùi hôi tanh... do viêm lộ tuyến tử cung gây ra khiến chị em ám ảnh, kém tự tin, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
Điều trị
Với sự phát triển của y học hiện đại, điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung ở chị em phụ nữ không còn quá khó. Đối với phụ nữ mang thai, không cần can thiệp điều trị chuyên sâu, các triệu chứng bệnh vẫn sẽ tự thuyên giảm và biến mất trong vòng 3 - 6 tháng sau sinh.
Tuy nhiên, với những trường hợp còn lại cần áp dụng đúng phương pháp để kiểm soát triệu chứng, loại bỏ tổn thương, ngăn ngừa biến chứng và dự phòng tái phát. Một số biện pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung được áp dụng phổ biến như:
1. Điều trị bằng thuốc
Hầu hết các trường hợp bị viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ nhẹ đều đáp ứng khá tốt với phác đồ dùng thuốc. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa chỉ định dùng thuốc phù hợp, trong đó thuốc kháng sinh dạng viên uống và viên nén đặt âm đạo được ưu tiên sử dụng hàng đầu.
Thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn, loại bỏ các loại vi khuẩn đang tồn tại trong tử cung, cân bằng nồng độ pH và cải thiện các triệu chứng bệnh. Tùy tùng trường hợp mà sử dụng loại thuốc kháng sinh phù hợp.
- Thuốc kháng sinh dạng đặt: Liệu trình điều trị đặt thuốc thường kéo dài tối đa 10 ngày trong giai đoạn 1 và khoảng 7 ngày trong giai đoạn 2, 2 đợt cách nhau 3 - 7 ngày.
- Thuốc kháng sinh toàn thân: nhóm Cephalosporin (Cefixime và Ceftriaxone) diệt vi khuẩn lậu cầu, nhóm Macrolid (Azithromycin), nhóm Tetracycline (Doxycyclin), nhóm Quinolon (Levofloxacin)... có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn Chlamydia.
Ngoài thuốc kháng sinh, chị em mắc bệnh viêm lộ tuyến còn được bác sĩ chỉ định sử dụng kết hợp một số loại thuốc khác như:
- Nhóm thuốc chống nấm: Thường là nấm Candida albicans, dùng dưới dạng thuốc uống Fluconazole hoặc viên đặt âm đạo như Econazole, Clotrimazole... Kết hợp dùng Betadine rửa và Gentian bôi tại chỗ;
- Nhóm thuốc kháng virus: Các thuốc thường dùng như Famciclovir, Acyclovir, Valacyclovir...;
- Nhóm thuốc diệt ký sinh trùng: Thường là loại Trichomonas vaginalis và điều trị bằng Metronidazole;
- Nhóm thuốc giảm đau, chống viêm: Dùng Paracetamol giảm đau rát vùng kín hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Diclofenac, Ibuprofen... Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể thay thế bằng Tramadol và Codein...;
- Bạc nitrat: Dung dịch bạc nitrat bôi tại chỗ nhằm ức chế mức độ viêm mạn tính;
2. Can thiệp ngoại khoa
Những trường hợp viêm lộ tuyến cổ tử cung cấp độ 2 & 3 thường được cân nhắc can thiệp điều trị y tế chuyên khoa để kiểm soát bệnh. Các phương pháp điều trị xâm lấn được chỉ định thực hiện sau khi xử lý sạch viêm nhiễm nhằm loại bỏ các tế bào tuyến cổ tử cung . Một số kỹ thuật được áp dụng phổ biến như:
- Đốt điện: Đốt cháy vùng viêm lộ tuyến bằng dòng điện tần số cao. Nhờ đó giúp kiểm soát các triệu chứng viêm nhiễm liên quan như ra nhiều khí hư, xuất huyết âm đạo... hiệu quả.
- Đốt laser: Các tế bào lộ tuyến xâm lấn bị tiêu diệt nhanh chóng bằng chùm tia laser carbon dioxide mà không gây ra đau rát. Quy trình thực hiện nhanh chóng, có độ chính xác cao.
- Áp lạnh: Hay còn gọi là phẫu lạnh, sử dụng nguồn khí nitơ nhiệt độ thấp nhằm đông cứng các tế bào viêm lộ tuyến xâm lấn. Ưu điểm của phương pháp này là nhanh chóng, chỉ diễn ra trong vòng 1 - 2 phút, tuy nhiên lại khá tốn kém
- Cắt LEEP: Kỹ thuật này sử dụng dao điện kết hợp nguồn điện cao tần phát ra nhiệt lượng để cắt bỏ các tế bào tổn thương trong cổ tử cung. Kỹ thuật này được đánh giá cao khi không làm ảnh hưởng đến các mô lân cận, đảm bảo duy trì tốt khả năng mang thai của chị em.
Tuy đem lại hiệu quả cao, nhưng hầu hết trường hợp sau điều trị xâm lấn viêm lộ tuyến cổ tử cung đều để lại biến chứng như các khối sẹo xơ cứng, thu hẹp cổ tử cung, yếu làm giảm khả năng thụ thai, tình trạng ứ đọng dịch/ máu kinh... Chị em cần theo dõi thêm và tái khám khi cần thiết để được xử lý biến chứng kịp thời.
Gợi ý: Chi phí chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung theo giai đoạn bệnh
Phòng ngừa
Để tránh khỏi những hệ lụy, biến chứng nguy hiểm từ bệnh viêm lộ tuyến tử cung và bảo vệ cơ quan sinh dục khỏi các tác nhân có hại, chị em cần nâng cao ý thức trong việc chăm sóc và điều chỉnh lối sống, sinh hoạt khoa học mỗi ngày.
Vệ sinh vùng kín hàng ngày, rửa bằng dung dịch chuyên biệt cho âm đạo hoặc nước ấm, rửa nhẹ nhàng, không thụt rửa sâu.
Vệ sinh kỹ trước và sau khi quan hệ tình dục, trong giai đoạn hành kinh,
Giữ cho vùng kín luôn khô thoáng, mặc quần áo vừa vặn, không bó chật, tránh mặc đồ ẩm ướt.
Quan hệ tình dục an toàn, không nên sử dụng dụng cụ tình dục và sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp. Hạn chế sử dụng các thuốc tránh thai chứa thành phần hoạt chất làm tăng estrogen.
Nếu có thể không nên thực hiện nạo phá thai để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa viêm nhiễm.
Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm lành mạnh, nói không với chất kích thích, rượu bia, thuốc lá...
Tập thể dục điều độ, rèn luyện thể chất mỗi ngày nâng cao sức khỏe thể trạng, tăng cường sức đề kháng chống lại các tác nhân vi khuẩn, virus gây bệnh.
Thăm khám phụ khoa định kỳ tối thiểu 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các bất thường, có hướng điều trị kịp thời.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung?
2. Các triệu chứng viêm lộ tuyến cổ tử cung tôi cần theo dõi thêm là gì?
3. Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung? Bệnh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của tôi?
4. Các chẩn đoán cần thiết tôi cần thực hiện để xác định nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung?
5. Phác đồ điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi là gì? Những lợi ích và rủi ro liên quan?
6. Dùng thuốc trị viêm lộ tuyến cổ tử cung dạng đặt hay dạng uống là tốt nhất?
7. Tôi cần làm gì để xử lý tác dụng phụ của thuốc?
8. Có nên phẫu thuật viêm lộ tuyến cổ tử cung không? Chi phí và quy trình thực hiện ra sao?
9. Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung có khỏi dứt điểm được không? Điều gì xảy ra nếu tôi không điều trị?
10. Tôi nên làm gì để chăm sóc sức khỏe phụ khoa và hỗ trợ điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung tại nhà?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là bệnh lý phụ khoa cần được can thiệp điều trị sớm và đúng cách. Chị em không nên chủ quan, bỏ qua triệu chứng và chấp nhận chung sống với bệnh để ngăn ngừa các biến chứng rủi ro khó lường về sau. Quá trình chẩn đoán và điều trị nên được thực hiện tại cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm để đạt hiệu quả tối ưu.
Xem thêm:
- Viêm lộ tuyến cổ tử cung có nên đốt không, đốt khi nào?
- Cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung hiệu quả nhất hiện nay