Viêm nhiễm phụ khoa là gì? Dấu hiệu, điều trị & phòng ngừa

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Đỗ Thanh Hà

Trưởng khoa Phụ Sản

Viêm nhiễm phụ khoa là hiện tượng viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục nữ do vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng gây ra. Bệnh có những dấu hiệu đặc trưng như đau bụng dưới, ra nhiều huyết trắng, vùng kín ngứa ngáy hoặc có mùi hôi khó chịu… Để chữa viêm phụ khoa, các thuốc kháng sinh, chống nấm có thể được chỉ định tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Viêm nhiễm phụ khoa là gì?

Bệnh viêm phụ khoa là thuật ngữ chung dùng để chỉ tình trạng nhiễm trùng, sưng viêm ở các bộ phận nằm trong cơ quan sinh dục của phụ nữ, chẳng hạn như âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, đường tiết niệu hay buồng trứng. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến những người đã từng quan hệ tình dục hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên ngày nay, tỷ lệ nữ giới trẻ tuổi mắc bệnh viêm phụ khoa ngày càng cao do vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc do rối loạn nội tiết tố ở tuổi dậy thì.

Viêm nhiễm phụ khoa là gì?
Bệnh viêm phụ khoa ảnh hưởng đến các cơ quan như âm đạo, tử cung hay buồng trứng

Nếu được điều trị đúng cách ngay từ khi có dấu hiệu ban đầu, bệnh viêm phụ khoa có thể được chữa khỏi dứt điểm sau khoảng 1 tuần mà không gây bất kỳ ảnh hưởng xấu nào đến sức khỏe. Tuy nhiên, đây là một bệnh tế nhị nên nhiều người cố tình lờ đi các triệu chứng và cho qua khiến tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khôn lường. 

Nguyên nhân gây bệnh viêm phụ khoa

Bệnh phụ khoa ở nữ có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân dưới đây:

  • Không tắm rửa, thay quần áo thường xuyên: Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở nữ giới.
  • Rối loạn nội tiết: Mang thai, giai đoạn dậy thì, thức khuya, mãn kinh là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của nội tiết tố nữ và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Quan hệ tình dục bừa bãi: Phụ nữ quan hệ tình dục với nhiều đối tượng cùng lúc mà không mang bao cao su có thể bị lây mầm bệnh như nấm, vi khuẩn lậu cầu… dẫn đến viêm phụ khoa.
  •  Nạo phá thai: các tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa có thể lây lan từ dụng cụ phá thai không được tiệt trùng đúng theo quy định.

Xem thêm: Đặt Thuốc Phụ Khoa Bị Ngứa, Rát: Nguyên Nhân Và Xử Lý Như Thế Nào? 

Biểu hiện của bệnh viêm phụ khoa

Nhận biết sớm các dấu hiệu của viêm phụ khoa sẽ quá trình điều trị được dễ dàng và nhanh có kết quả hơn. Chị em cần thận trọng khi thấy các biểu hiện chung dưới đây:

  • Ra nhiều khí hư: Đây là một trong những dấu hiệu đến sớm của bệnh. Khu vực bị viêm nhiễm thường có biểu hiện tăng tiết dịch nhầy và khí hư. Thay vì có màu trắng trong như bình thường, khí hư của người bệnh thường có màu trắng đục như váng sữa, nặng thì có màu vàng hay màu xanh, mùi hôi khẳm khó chịu. Những chất này chảy ra cửa mình khiến đáy quần lót luôn trong tình trạng ẩm ướt.
  • Vùng kín ngứa ngáy dữ dội: Huyết trắng từ âm đạo chảy ra mang theo mầm bệnh tấn công vào da ngoài khu vực “tam giác vàng”. Chúng gây kích ứng da và gây ngứa ngáy dữ dội. Đôi khi vùng kín còn bị nổi mẩn ngứa
  • Đau bụng dưới hoặc khu vực xương chậu: Cơn đau có thể chỉ âm ỉ nhưng cũng có lúc xảy ra dữ dội, đặc biệt là trong những ngày hành kinh. Kèm theo đó, chị em có thể gặp những dấu hiệu bất thường khác như buồn nôn, chóng mặt, tay chân lạnh, tụt huyết áp, cơ thể vã mồ hôi hột.
  • Đau khi quan hệ: Việc quan hệ tình dục có thể đụng chạm đến khu vực bị tổn thương khiến cho người bệnh có cảm giác đau đớn, nghiêm trọng hơn còn bị chảy máu.
  • Xuất huyết âm đạo: Nếu không đang trong ngày đèn đỏ mà tự nhiên thấy chảy máu từ âm đạo ra thì nên đi khám bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy cơ quan sinh dục đang bị viêm nhiễm, tổn thương hoặc nguy hiểm hơn là bị ung thư.

Ngoài ra, tùy theo khu vực bị ảnh hưởng mà các bệnh viêm phụ khoa sẽ có những dấu hiệu đặc trưng riêng.

Biểu hiện của bệnh viêm phụ khoa
Ngứa vùng kín là triệu chứng đặc trưng của bệnh phụ khoa

Các bệnh viêm phụ khoa thường gặp

Bệnh viêm âm đạo, âm hộ, viêm lộ tuyến tử cung hay viêm vùng chậu là những căn bệnh viêm nhiễm ở cơ quan sinh dục thường gặp nhất ở nữ giới. Đặc điểm và dấu hiệu các bệnh phụ khoa này như sau:

  • Viêm âm hộ, âm đạo: Là tình trạng nhiễm trùng, tổn thương ở âm đạo do vi trùng, nấm men hay Trichomonas gây ra. Hầu hết phụ nữ đều mắc căn bệnh này ít nhất một lần trong suốt cuộc đời của họ. Các triệu chứng thường gặp là âm đạo tiết ra nhiều khí hư có mùi, màu trắng đục, vàng hay xanh, ngứa vùng kín, đi tiểu và giao hợp thấy đau, có thể chảy máu nhẹ ở âm đạo.
  • Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Bệnh xảy ra khi các tế bào tuyến nằm trong ống tử cung bị viêm nhiễm và phát triển vượt ra ngoài bề mặt của cổ tử cung. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là tình trạng đau bụng dưới, tăng tiết dịch âm đạo, khí hư có mùi hôi gây ẩm ướt, ngứa ngáy vùng kín. 
  • Bệnh viêm vùng chậu: Vùng chậu của nữ giới bao gồm nhiều cơ quan như tử cung, niệu đạo, ống dẫn trứng hay buồng trứng. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do quan hệ tình dục không an toàn, vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc nạo phá thai nhiều lần. Cần thận trọng với căn bệnh phụ khoa nữ này khi gặp các dấu hiệu như: Đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng chậu, đau bụng dưới, sốt, tiểu rắt, tiểu buốt, rối loạn kinh nguyệt, tăng tiết dịch âm đạo, quan hệ tình dục mạnh có thể gây đau và chảy máu âm đạo.
Các bệnh viêm phụ khoa thường gặp
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một trong những bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới

Bệnh viêm phụ khoa có nguy hiểm không?

Ở mức độ nhẹ, bệnh viêm nhiễm phụ khoa không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bệnh chỉ gây ra một số triệu chứng khiến chị em khó chịu và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Lúc này, nếu tiến hành điều trị ngay thì các dấu hiệu bệnh sẽ chấm dứt trong vòng vài ngày.

Tuy nhiên, nếu gây viêm nhiễm nặng, bệnh phụ khoa có thể gây ra nhiều biến chứng như:

  • Lây nhiễm chéo: Là hiện tượng lây nhiễm mầm bệnh giữa bộ phận bị viêm tới khu vực khác nằm trong cơ quan sinh sản của phụ nữ. Chẳng hạn như vi khuẩn gây bệnh viêm âm đạo có thể lây lan lên tử cung, buồng trứng hay đường tiết niệu khiến cho các bộ phận này bị viêm.
  • Khó thụ thai: Đặc điểm chung của các căn bệnh viêm phụ khoa là đều gây ra hiện tượng tăng tiết dịch nhầy ở âm đạo. Điều này có thể cản trở tinh trùng di chuyển vào bên trong tử cung để gặp trứng.
  • Vô sinh, hiếm muộn: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh viêm phụ khoa. Chị em có nguy cơ bị vô sinh hiếm muộn cao nếu tình trạng viêm tái diễn nhiều lần, đặc biệt là ở các bộ phận như tử cung hoặc buồng trứng.
  • Sinh non, sảy thai: Phụ nữ mang thai bị bệnh phụ khoa có nguy cơ bị sinh non, sảy thai cao. Trường hợp trẻ được sinh thường khi mẹ đang bị bệnh thì cũng rất dễ bị nhiễm nấm, vi khuẩn, vi trùng khi đi qua âm đạo của mẹ.

Bệnh viêm nhiễm phụ khoa có tự khỏi không?

Đây chính là thắc mắc được nhiều chị em quan tâm. Có một thực tế rất dễ nhận thấy là mặc dù bệnh viêm phụ khoa có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nữ giới, thậm chí gây vô sinh nhưng nhiều người tỏ ra thờ ơ, không đi khám và tiến hành điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh. Điều này một phần xuất phát từ tâm lý ngại ngùng và sự chủ quan khi nghĩ rằng bệnh phụ khoa nữ có thể tự khỏi được mà không cần chữa trị.

Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa lại cảnh báo ngược lại. Căn bệnh này không thể tự khỏi được. Cần có biện pháp đúng đắn để can thiệp từ sớm nhằm nhanh chóng khắc phục được bệnh, bảo vệ chức năng sinh sản.

Cách chữa viêm phụ khoa

Để chữa viêm phụ khoa có nhiều cách khác nhau, từ các mẹo dân gian cho đến thuốc Tây y hay thủ thuật đều có thể được áp dụng. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào còn tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ viêm ở khu vực ảnh hưởng.

1. Cách trị viêm phụ khoa tại nhà bằng mẹo tự nhiên

Những cách chữa bệnh viêm nhiễm phụ khoa tự nhiên có thể cho hiệu quả tích cực trong việc làm giảm triệu chứng bệnh nếu thực hiện kiên trì và đúng cách. Bạn có thể áp dụng ngay khi bệnh mới chớm phát triển và chưa gây ra nhiều biểu hiện ở bên ngoài.

– Mẹo chữa bệnh từ lá trà xanh

Trà xanh giàu EGCG – một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng sát trùng, làm giảm hoạt động của vi khuẩn, virus và nấm Candida gây bệnh phụ khoa nữ. Dân gian thường sử dụng loại lá này để chữa viêm phụ khoa theo cách sau:

  • Dùng 1 nắm lá trà xanh rửa sạch, vò nát
  • Đun sôi 1 lít nước rồi thả lá trà vào nấu thêm 5 phút nữa
  • Dùng xông vùng kín cho đến khi nước trà hết bốc hơi. Sau đó lấy ngâm và rửa hậu môn mà không cần phải rửa lại với nước sạch.
  • Áp dụng mẹo này mỗi ngày một lần giúp giảm bớt cảm giác ngứa ngáy khó chịu và ức chế không cho tình trạng viêm phụ khoa lan rộng hơn.
Cách trị viêm phụ khoa tại nhà bằng mẹo tự nhiên
Xông hơi và ngâm rửa vùng kín bằng nước trà xanh có tác dụng kháng khuẩn, giảm các biểu hiện của viêm phụ khoa

Cách chữa viêm phụ khoa bằng lá ngải cứu:

Ngải cứu có tác dụng giảm đau, chống viêm tự nhiên nên thường được dùng để chữa các bệnh như viêm khớp, đau đầu, viêm da, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến tử cung, đau bụng kinh cùng nhiều căn bệnh phụ khoa khác.

  • Chuẩn bị: 100g lá ngải cứu và 600ml nước sạch
  • Rửa sạch ngải cứu rồi cho vào ấm, đổ lượng nước đã chuẩn bị vào sắc đến lúc cạn còn 1/3 thì ngưng. Gạn thuốc sắc ra chén chia làm 3 lần dùng hết trong ngày.
  • Ngoài ra, có thể kết hợp dùng nước lá ngải cứu xông và rửa vùng kín 1 lần mỗi ngày cho đến khi khỏi bệnh.

– Rửa vùng kín bằng nước muối pha loãng

Đây là mẹo trị bệnh được nhiều người lựa chọn vì cho tác dụng giảm ngứa nhanh, cách thực hiện lại đơn giản. Thêm vào đó, với đặc tính sát trùng mạnh, nước muối có thể giúp làm suy yếu và tiêu diệt các tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa.

  • Lấy 2 thìa muối ăn đem pha với 500ml nước ấm
  • Quậy cho đến khi muối tan hoàn toàn
  • Dùng nước muối pha loãng để rửa bên ngoài vùng kín mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Cảm giác ngứa ngáy sẽ thuyên giảm đáng kể.

Khi áp dụng cách trị viêm phụ khoa bằng nước muối pha loãng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Không pha nước muối quá mặn
  • Không rửa nước muối nhiều lần trong ngày khiến cho vùng kín bị khô
  • Chỉ dùng bên ngoài, tránh thụt rửa sâu vào bên trong

– Bài thuốc chữa viêm nhiễm phụ khoa từ tỏi

Sở dĩ, tỏi được sử dụng để trị bệnh phụ khoa là nhờ chứa hoạt chất kháng sinh allicin. Chất này được giải phóng khi giã nát tỏi và để ngoài không khí từ tứ 5 – 10 phút. Nó hoạt động bằng cách ức chế sự phát triển của nấm candida và các tác nhân gây bệnh khác, giảm hiện tượng sưng viêm ở các bộ phận sinh dục.

Cách trị viêm phụ khoa tại nhà bằng mẹo tự nhiên
Tỏi chứa hoạt chất kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm phụ khoa

Cách sử dụng khá đơn giản như sau:

  • Ăn 1- 2 tép tỏi sống trong các bữa ăn chính để đẩy lùi bệnh từ bên trong
  • Lấy 4 – 5 tép tỏi, lột vỏ, giã nát, chắt nước cốt, hòa loãng với lượng nước vừa đủ để rửa vùng kín.

Những mẹo trị bệnh phụ khoa nữ ở trên mặc dù được áp dụng khá rộng rãi song chủ yếu thông qua hình thức truyền miệng, người này áp dụng theo kinh nghiệm của người khác chỉ lại. Một số còn chưa được chứng minh về hiệu quả cũng như mức độ an toàn khi thực hiện. Vì vậy, phái đẹp nên tham khảo qua ý kiến của các bác sĩ trước khi áp dụng để khắc phục bệnh tại nhà.

>>Tham khảo thêm: Các Phòng Khám Phụ Khoa Quận 7 Uy Tín Nhất Hiện Nay

2. Cách chữa viêm nhiễm phụ khoa bằng thuốc Tây

Các loại thuốc tân dược thường được bác sĩ chỉ định trong đơn thuốc của nữ giới bị viêm phụ khoa bao gồm:

– Thuốc kháng sinh:

Tùy theo thủ phạm gây bệnh mà sử dụng nhóm thuốc thích hợp:

  • Viêm phụ khoa do vi khuẩn hiếu khí: Dùng các thuốc thuộc nhóm cephalosporin
  • Viêm nhiễm phụ khoa do khuẩn lậu: Dùng Ceftriaxon 250mg ở dạng tiêm với 1 liều duy nhất
  • Do vi khuẩn chlamydia trachomatis: Uống Doxycyclin 100mg mỗi lần 1 viên x 2 lần một ngày, dùng trong 7 ngày liên tục.
  •  Bệnh phụ khoa do vi khuẩn kỵ khí và Trichomonas: Dùng thuốc kháng sinh thuộc nhóm Metronidazol theo đường uống. Liều lượng 2g x 1 lần/ngày hoặc 500mg x 2 lần/ngày liên tục trong 1 tuần.
  • Thuốc trị viêm âm đạo do tạp khuẩn: Chủng vi khuẩn này nhạy cảm với kháng sinh Cloxit
  • Nguyên nhân gây bệnh do trùng roi: Bệnh nhân thường được sử dụng Tinidazole hoặc Metronidazol. Uống 1 liều duy nhất.

– Thuốc kháng nấm:

Dùng cho các trường hợp bị viêm phụ khoa do nấm, phổ biến là nấm Candida. Bệnh nhân có thể uống thuốc Itraconazol 100mg với liều lượng 2 viên/ ngày trong 3 ngày liên tục.

– Thuốc đặt phụ khoa:

Các loại thuốc tiêm hoặc uống có thể được thay thế bằng thuốc đặt phụ khoa trong các trường hợp bị viêm niệu đạo, viêm âm đạo hay viêm lộ tuyến cổ tử cung. Nhóm thuốc này thường chứa hoạt chất kháng sinh, diệt nấm, giảm ngứa hoặc chất chống viêm có tác dụng tại chỗ.

Cách chữa viêm nhiễm phụ khoa bằng thuốc Tây
Các thuốc chữa viêm phụ khoa được chỉ định hầu hết là thuốc đặt

Thuốc được sử dụng bằng cách đặt sâu vào bên trong âm đạo mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc đặt cách ngày tùy theo loại thuốc được chỉ định.

Dùng thuốc tây chữa viêm phụ khoa có thể giúp nhanh chóng dập tắt các triệu chứng bệnh trong giai đoạn tiến triển. Cần tuân thủ dùng thuốc đúng theo phác đồ của bác sĩ để sớm điều trị bệnh khỏi dứt điểm, đồng thời tránh được các tác dụng phụ có hại của thuốc tây.

3. Điều trị viêm phụ khoa bằng thủ thuật

Một số trường hợp bị viêm lộ tuyến cổ tử cung có độ rộng hơn 5mm sẽ được áp dụng các kỹ thuật y khoa như đốt điện, đốt laser hay áp lạnh… Quá trình đốt lộ tuyến sẽ bắt đầu thực hiện sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc gây tê. Sau điều trị người bệnh có thể bị đau trong vòng vài ngày và cần nghỉ ngơi nhiều, đi lại nhẹ nhàng để tổn thương nhanh bình phục.

Một số rủi ro có thể xảy ra khi đốt viêm lộ tuyến tử cung như: Nhiễm trùng vết thương, hẹp cổ tử cung, hình thành vết sẹo ở cổ tử cung khiến tinh trùng di chuyển khó khăn hơn khi vào thụ tinh với trứng.

Gợi ý: Lá bàng chữa viêm phụ khoa có thực sự hiệu quả? Giải đáp thắc mắc 

Cách phòng ngừa bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Bệnh viêm phụ khoa rất dễ tái phát. Vì vậy, chị em phụ nữ nên chủ động thực hiện tốt công tác dự phòng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Bệnh phụ khoa ở nữ có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp đơn giản dưới đây:

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ:

  • Rửa vùng kín với nước ấm 2 – 3 lần mỗi ngày. Sau khi rửa xong nên dùng khăn mềm thấm khô “cô bé” trước khi mặc quần.
  • Nếu vùng kín ra nhiều mồ hôi, nên thay quần lót thường xuyên để ngăn ngừa mùi hôi khó chịu và ngăn không cho vi khuẩn, nấm men có cơ hội phát triển.
  • Tránh dùng xà phòng thụt rửa vào sâu bên trong vùng kín khiến âm đạo bị tổn thương và dễ bị nhiễm trùng
  • Không lạm dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ, nước hoa hay thuốc xịt âm đạo. Những sản phẩm này mặc dù có thể giúp vùng kín thơm tho và có cảm giác sạch hơn nhưng thực tế chúng lại chứa hóa chất tạo mùi và các chất độc hại làm mất cân bằng môi trường pH trong âm đạo và khiến vùng kín bị khô rát, kích ứng, viêm nhiễm. Thậm chí khi bị khô, “cô bé” càng phát sinh mùi hôi nặng nề hơn.
  • Khi đi vệ sinh chú ý dùng khăn giấy mềm nhẹ nhàng lau chùi sạch sẽ từ trước ra phía sau hậu môn, sau đó rửa lại bằng nước cho sạch sẽ. Tránh lau rửa theo chiều ngược lại khiến vi khuẩn dễ dàng lây lan từ hậu môn sang âm đạo.
Cách phòng ngừa bệnh viêm nhiễm phụ khoa
Vệ sinh vùng kín hàng ngày là cách đơn giản để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa

– Chăm sóc vùng kín đúng cách trong những ngày đặc biệt

  • Trong những ngày hành kinh, cứ sau 2 – 3 giờ bạn nên thay băng vệ sinh một lần. Nếu để quá lâu vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào máu kinh và sinh sôi nhanh chóng khiến cho vùng kín có mùi hôi, nặng hơn là bị viêm.
  • Sử dụng băng vệ sinh có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
  • Rửa vùng kín sạch sẽ sau mỗi lần thay băng, sau đó lau khô rồi mới mang băng mới vào.
  • Phụ nữ mang thai hoặc trong thòi kỳ hậu sản rất dễ bị viêm phụ khoa. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn một sản phẩm dung dịch vệ sinh phụ nữ an toàn, có thể sử dụng hàng ngày mà không gây kích ứng da.

– Mặc quần lót phù hợp

Lựa chọn những chiếc quần chip có kích thước vừa vặn, chắt liệu thoáng mát và có khả năng thấm hút mồ hôi để khu vực tam giác vàng luôn khô ráo. Đảm bảo thay quần lót mỗi ngày ít nhất 1 lần và giặt sạch, phơi khô hoàn toàn mới mặc lại. Không mặc quần lót khi còn ẩm ướt.

Tránh sử dụng quần lót ôm sát, quần dạng dây hoặc những chiếc quần có chất liệu bằng ren, len, da, lụa hay polyester. Khả năng thấm hút mồ hôi của chúng rất kém, thậm chí khi mặc còn gây kích ứng, tổn thương các mô mềm, tạo điều kiện cho nấm men phát triển.

– Có chế độ ăn uống đầy đủ

Chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học giúp đảm bảo cho chị em một sức khỏe tốt và khả năng miễn dịch cao khi bị các tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa tấn công. Phái đẹp nên tăng cường các thực phẩm có lợi dưới đây vào thực đơn:

  • Sữa chua: Ăn sữa chua giúp cân bằng nồng độ pH, bổ sung lợi khuẩn lactobacillus cho âm đạo có thể chống lại nấm candida và các hại khuẩn tốt hơn. Ngoài ra, ăn 1 – 2 hũ sữa chua mỗi ngày cũng là cách đơn giản để khử mùi hôi khó chịu ở vùng kín.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Loại vitamin này có tác dụng kháng viêm, làm tăng sức đề kháng của cơ thể, ngăn ngừa bệnh tật. Nguồn thực phẩm dồi dào vitamin C nhất phải kể đến cam, quýt, kiwi, cà chua, rau lá xanh…
  • Các thực phẩm chứa chất kháng sinh, chống viêm tự nhiên: Tỏi, gừng, súp lơ xanh, các loại cá béo, rau diếp cá…
  • Hạn chế ăn hải sản, dưa muối chua đồ ngọt, thịt đỏ, các món cay nóng, bia, rượu, đồ uống có tính kích thích.

Thăm khám phụ khoa định kỳ

Ngay cả khi không có dấu hiệu của viêm phụ khoa, chị em cũng nên đi khám định kỳ mỗi năm 2 lần để tầm soát, sớm phát hiện và điều trị bệnh nếu có. Bên cạnh đó, đừng ngại ngùng hay chần chừ trong việc thăm khám phụ khoa khi cơ thể có các triệu chứng bất thường như vùng kín ra nhiều khí hư bất thường, ngứa ngáy, đau bụng dưới…

Viêm nhiễm phụ khoa là vấn đề mà đa số chị em phụ nữ nào cũng mắc phải. Tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng vẫn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, cần nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời. 

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Các loại thuốc trị viêm phụ khoa tốt nhất và lưu ý

Bệnh viêm phụ khoa thường được điều trị bằng thuốc uống hoặc thuốc đặt âm đạo. Dưới đây là các…

Phương pháp thông tắc vòi trứng (ống dẫn trứng)

Thông tắc vòi trứng là một thủ thuật y tế nhằm mở lại hoặc loại bỏ tắc nghẽn trong ống…

Thuốc uống, thuốc đặt, cao giải độc có trong phác đồ điều trị Diệp Phụ Khang Chữa Phụ Khoa Cam Kết Chữa Từ Gốc KHÔNG Xâm Lấn – KHÔNG Loạn Khuẩn

Với thực trạng sức khỏe sinh sản phụ nữ Việt bị đe dọa bởi nhiều biến chứng của bệnh viêm…

Chi Phí Mổ U Nang Buồng Trứng Tại Một Số Bệnh Viện Lớn

Chi phí mổ u nang buồng trứng sẽ thay đổi phụ thuộc vào phương pháp mổ, kích thước u nang,…

Bác sĩ Thuốc dân tộc thăm khám và điều trị phụ khoa cho chị em Khơi Dậy Lửa Yêu, Không Lo Khô Hạn Với Bài Thuốc Diệp Phụ Khang Của Thuốc Dân Tộc

Theo thống kê, hiện nay, tình trạng yếu sinh lý ở nam giới chiếm 31%, trong khi đó yếu sinh…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua