Viêm Hang Vị Dạ Dày
Đặt lịch ngayViêm hang vị dạ dày là bệnh về đường tiêu hóa thường gặp ở người lớn tuổi, người trung niên. Bản chất bệnh không quá nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị sẽ gây biến chứng khó lường như viêm loét, xuất huyết, thủng dạ dày, thậm chí ung thư...
Tổng quan
Theo cấu trúc giải phẫu, hang vị dạ dày nằm ở gần phía cuối dạ dày, kích thước khoảng 3 - 5cm và được bao bọc bởi một lớp niêm mạc. Hang vị có nhiệm vụ tiếp nhận và chuyển hóa thức ăn nhỏ lại, taọ điều kiện cho cơ thể dễ dàng hấp thu.
Vì đặc trưng vị trí hang vị nằm ở vùng đáy dạ dày nên dễ bị lắng đọng thức ăn, có nguy cơ viêm nhiễm cao. Viêm hang vị dạ dày (tên tiếng Anh là Gastric Antrum) là tình trạng viêm lớp niêm mạc trong hang vị bị bào mòn, mỏng dần đi và sưng viêm. Nếu không được kiểm soát kịp thời, hang vị dạ dày bị viêm dần lan rộng, hình thành vết loét và nhiều vấn đề nguy hiểm khác.
Phân loại
Dựa vào đặc điểm tổn thương thực thể, viêm hang vị dạ dày được chia làm 2 dạng chính gồm:
- Viêm xung huyết hang vị dạ dày: Niêm mạc hang vị bị viêm nhiễm làm các mạch máu giãn nở quá mức dẫn đến xung huyết, khiến vùng dạ dày này càng sưng viêm, tấy đỏ nặng hơn. Bệnh có thể xảy ra cấp tính hoặc diễn tiến mãn tính liên quan đến tình trạng đau dạ dày và tiềm ẩn biến chứng nếu không được điều trị sớm.
- Viêm trợt xước hang vị dạ dày: Bề mặt niêm mạc hang vị tiếp xúc với thức ăn, cọ xát quá mức và gây tổn thương, hình thành các vết trợt xước, sưng phù và đau nhức, cản trở quá trình hấp thụ thức ăn. Viêm trợt hang vị dạ dày có 3 loại gồm: Viêm trợt hang môn vị; Viêm trợt lồi hang vị dạ dày; Viêm trợt xung huyết hang vị.
Nguyên nhân & yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây ra viêm hang vị dạ dày là nhiễm vi khuẩn H.pylori (Helicobacter pylori). H.pylori là vi khuẩn sống được trong môi trường axit của dạ dày. Khi số lượng vi khuẩn Hp tăng lên quá mức, chúng tấn công làm mòn niêm mạc dạ dày bằng cách tiết ra men urease tạo ra amoniac. Chỉ số amoniac quá cao làm tăng độ pH vượt ngượng 6.5, gây tác động tiêu cực lên các tế bào niêm mạc dạ dày.
Ngoài ra, sự xuất hiện của H.pylori làm giảm lượng chất nhầy bảo vệ thành dạ dày. Khi axit dịch vị tiết ra để tiêu hóa thức ăn, vô tình tiếp xúc với niêm mạc gây tổn thương viêm nhiễm.
Yếu tố nguy cơ
Người lạm dụng các thuốc NSAIDs, thuốc chống viêm steroid; nghiện rượu bia, thuốc lá; stress, căng thẳng quá mức; thói quen ăn uống không khoa học; ảnh hưởng từ các bệnh nền như HIV/ AIDS, nhiễm ký sinh trùng... làm tăng nguy cơ mắc viêm hang vị dạ dày.
=>Xem thêm: Viêm hang vị dạ dày trào ngược dịch mật – Biểu hiện và Điều trị
Triệu chứng & chẩn đoán
Triệu chứng viêm hang vị dạ dày khá giống với các bệnh lý dạ dày khác, không rõ ràng nên thường khó chẩn đoán thông qua lâm sàng.
- Chướng bụng, khó tiêu;
- Đau bụng trên rốn, âm ỉ hoặc dữ dội;
- Đầy hơi, ợ chua, ợ hơi;
- Thường xuyên buồn nôn, nôn ói;
- Tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng, nát;
- Chán ăn, sụt cân; xanh xao, suy nhược;
Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ viêm hang vị dạ dày như: Nội soi dạ dày; xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở tìm vi khuẩn H.pylori; chụp X quang (nếu cần thiết).
Biến chứng & tiên lượng
Bản chất của viêm hang vị dạ dày không quá nguy hiểm, chỉ khi không điều trị bệnh mới phát phát sinh biến chứng nguy hiểm.
- Xuất huyết tiêu hóa: Tổn thương tại niêm mạc hang vị bị viêm chảy máu, kéo dài có thể gây thiếu máu, mất máu, đe dọa sức khỏe, tính mạng do trụy tim.
- Thủng dạ dày: Xuất huyết dạ dày thời gian dài kéo theo biến chứng thủng dạ dày. Không kịp xử lý gây viêm phúc mạng, tăng nguy cơ sốc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng.
- Hẹp môn vị: Viêm hang vị làm hẹp môn vị, cản trở đường đi của thức ăn xuống ruột. Biểu hiện là đau nhức vùng thượng vị, đau bụng, buồn nôn, ăn ít nhưng nhanh no...
- Ung thư dạ dày: Người bị viêm hang vị dạ dày đã có tất cả các biến chứng kể trên, diễn tiến hơn 10 năm không điều trị có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày.
Điều trị
1. Thuốc trị viêm hang vị dạ dày
Thuốc Tây giúp cải thiện triệu chứng hoặc loại trừ nguyên nhân gây viêm hang vị dạ dày.
- Nhóm thuốc kháng thụ thể H2 (Anti H2): Cimetidin, Ranitidin... giúp giảm tiết acid dạ dày.
- Nhóm thuốc kháng acid: Maalox, Actapulgite... giúp trung hòa acid dạ dày, giảm triệu chứng đau rát.
- Nhóm ức chế bơm Proton (PPI): Omeprazole, Rabeprazole, Esomeprazole, Pantoprazole... giúp ức chế tăng tiết acid dạ dày.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc: Sucrafate, Bismuth, Prostaglandin... giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tổn thương, phục hồi nhanh hơn.
- Thuốc kháng sinh: Metronidazol, Clarithmycin, Amoxicillin... có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn Hp.
Tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế các tác dụng phụ như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, suy giảm chức năng gan...
2. Điều chỉnh thói quen ăn uống
Kết hợp thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học góp phần phục hồi, làm lành tổn thương hiệu quả hơn.
Về chế độ ăn uống
- Tăng cường ăn rau củ, trái cây tươi như bông cải xanh, bông cải trắng, bắp cải, măng tây, ớt chuông, rau chân vịt... bổ sung vitamin, khoáng chất.
- Bổ sung thực phẩm giúp bồi dưỡng thể chất như thịt nạc, cá hồi, thịt gà, sữa chua...
- Ăn đủ bữa, ăn đúng giờ giấc, không bỏ bữa sáng, hạn chế ăn đêm, ăn chậm nhai kỹ, ưu tiên những món dễ tiêu.
- Tránh ăn thực phẩm chua, cay, chiên xào nhiều dầu mỡ.
- Nói không với rượu bia, cà phê, thuốc lá.
Về chế độ sinh hoạt
- Tập thể dục mỗi ngày nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng.
- Đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn hỗ trợ tiêu hóa.
- Sinh hoạt, làm việc khoa học, ngủ đủ giấc, đúng giờ.
- Kiểm soát stress, căng thẳng.
- Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Mách bạn: Viêm Xung Huyết Hang Vị Dạ Dày Nên Ăn Và Kiêng Gì Tốt?
Phòng ngừa
Chủ động phòng ngừa viêm hang vị dạ dày bằng các biện pháp sau:
Có chế độ ăn uống khoa học, ăn thanh đạm, ít gia vị, hạn chế các món cay nóng.
Rửa sạch thực phẩm trước khi sử dụng hoặc chế biến chín kỹ.
Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
Tránh xa các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
Không tùy tiện sử dụng thuốc Tây khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Thăm khám định kỳ để sớm phát hiện các bất thường về sức khỏe đường tiêu hóa.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
Gợi ý một số câu hỏi cần biết khi đi khám bệnh viêm hang vị dạ dày:
1. Tôi mắc bệnh gì? Tại sao mắc bệnh?
2. Bệnh của tôi có nghiêm trọng không? Ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày?
3. Tiên lượng bệnh có tốt không?
4. Tôi phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh? Khi nào tôi biết kết quả xét nghiệm?
5. Với tình trạng bệnh hiện tại tôi phải điều trị bằng cách nào?
6. Phác đồ điều trị kéo dài bao lâu?
7. Chi phí điều trị có đắt không?
8. Nếu dùng thuốc trị viêm hang vị dạ dày gây tác dụng phụ phải làm gì để xử lý?
9. Tôi có cần phẫu thuật không? Tại sao?
Viêm hang vị dạ dày có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện và can thiệp sớm. Chỉ cần bệnh nhân chủ động phối hợp với bác sĩ áp dụng phác đồ phù hợp sẽ đẩy lùi bệnh nhanh chóng, phòng ngừa các biến chứng ngoài ý muốn.
Có thể bạn quan tâm:
- 9 Cách Chữa Viêm Hang Vị Dạ Dày Bằng Thuốc Nam Hay Nhất
- Viêm Hang Vị Dạ Dày Nên Uống Thuốc Gì? 3 Loại Phổ Biến
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!