Khí hư ra nhiều – Nguyên nhân và cách xử lý
Hầu hết các tình trạng khí hư ra nhiều không gây biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, một số trường hợp, dịch tiết âm đạo quá nhiều cần được chăm sóc y tế để ngăn ngừa các vấn đề khác.
Nguyên nhân khí hư ra nhiều
1. Rụng trứng
Khi gần đến ngày rụng trứng, dịch tiết âm đạo có thể trở nên ẩm ướt, trong và nhiều hơn bình thường.
Sau khi quá trình rụng trứng xảy ra, khí hư sẽ giảm, đục và dày hơn. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Tăng nhiệt độ cơ thể
- Đau ở một bên bụng
- Xuất hiện các đốm nâu hoặc hồng nhạt trên quần lót
Đọc thêm: Không Ra Khí Hư (Huyết Trắng) Có Nguy Hiểm Không?
2. Âm đạo bị kích thích
Khi một người phụ nữ bị kích thích tình dục, các mạch máu sẽ giãn ra. Điều này dẫn đến việc cơ thể tiết ra một lượng lớn dịch âm đạo để bôi trơn, làm ẩm và bảo vệ âm hộ, âm đạo.
3. Mất cân bằng nội tiết tố
Mất cân bằng nội tiết tố do căng thẳng hoặc một số tình trạng sức khỏe khác (như Hội chứng buồng trứng đa nang) cũng có thể gây khí hư ra nhiều.
Một số bệnh nhân khác có thể xuất hiện các triệu chứng như:
- Phát triển lông ở mặt và cơ thể
- Tăng cân không rõ lý do
- Rối loạn kinh nguyệt
- Khó thụ thai
4. Phản ứng dị ứng
Khi bị dị ứng, cơ thể thường tiết ra nhiều khí hư để bảo vệ âm hộ và chống lại các tác nhân gây kích ứng. Ngoài ra, các triệu chứng dị ứng khác có thể bao gồm:
- Ngứa, đỏ, rát ở âm hộ hoặc âm đạo
- Đau khi quan hệ tình dục
- Tiểu rắt, tiểu buốt, khó tiểu
Các nguyên nhân phổ biến gây dị ứng ở âm đạo có thể bao gồm:
- Dung dịch vệ sinh phụ nữ
- Dụng cụ hỗ trợ tình dục
- Dị ứng bao cao su
- Giấy vệ sinh
- Băng vệ sinh, tampon, cốc nguyệt san
- Quần áo
5. Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh
Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ thống vi khuẩn trong âm đạo. Các triệu chứng đặc trưng thường là gia tăng dịch tiết âm đạo, khí hư giống phô mai hoặc loãng như nước.
6. Có dị vật trong âm đạo
Một số phụ nữ có thể vô tình để quên tampon, cốc nguyệt san, bao cao su, đồ chơi tình dục,… trong âm đạo. Điều này có thể dẫn đến một loạt các phản ứng tại âm đạo bao gồm ra nhiều khí hư.
Trong trường hợp này, âm đạo có thể tiết ra nhiều khí hư, khí hư có màu xanh hoặc nâu, mùi hôi, tanh gây khó chịu.
7. Biện pháp tránh thai
Một số biện pháp tránh thai như đặt vòng tránh thai vào tử cung có thể dẫn đến kích ứng các mô nhạy cảm. Ngoài ra, phụ nữ thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc áp dụng biện pháp tránh thai nội tiết cũng có thể ra nhiều khí hư.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài với lượng máu nhiều hơn bình thường
- Xuất hiện mụn trứng cá và u nang
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Tuyến vú mềm
- Suy giảm ham muốn tình dục
8. Dấu hiệu mang thai
Hầu hết tất cả trường hợp, trong giai đoạn đầu của thai kỳ cơ thể đều tiết ra nhiều khí hư. Lúc này khí hư có thể giúp bảo vệ thai nhi khỏi các bệnh nhiễm trùng từ âm đạo và tử cung.
Các dấu hiệu mang thai sớm khác có thể bao gồm:
- Mất chu kỳ kinh nguyệt
- Tuyến vú mềm
- Buồn nôn hoặc nôn
- Thường xuyên mệt mỏi
- Đi tiểu nhiều lần
- Đau nhẹ ở bụng dưới
- Đầy hơi chướng bụng
Gợi ý: Huyết Trắng Vón Cục: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị Hiệu Quả
9. Dấu hiệu nhiễm nấm men
Nhiễm trùng nấm men, đặc biệt là nhiễm nấm Candida âm đạo ảnh hưởng đến 75% phụ nữ. Các triệu chứng phổ biến thường bao gồm:
- Khí hư ra nhiều, dày đặc
- Ngứa, rát, đỏ ở âm đạo
- Đau khi quan hệ tình dục
- Khó tiểu hoặc đau khi đi tiểu
10. Nhiễm khuẩn âm đạo
Viêm âm đạo do vi khuẩn là tình trạng vi khuẩn có hại trong âm đạo phát triển quá mức. Điều này có thể dẫn đến viêm và ra nhiều khí hư. Lúc này khí hư có thể mỏng, màu xám, xanh hoặc trắng đi kèm mùi tanh, hôi.
11. Dấu hiệu bệnh lây qua đường tình dục
Bệnh xã hội như bệnh lậu hoặc Chlamydia có thể không gây ra các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, khi nhiễm trùng phát triển, người bệnh có thể bị tăng tiết dịch âm đạo kèm mùi hôi, tanh. Thậm chí trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt.
Xem thêm: Tinh trùng có màu trắng trong, trắng sữa có bình thường không?
Cách xử lý khi ra nhiều khí hư
Do đó, nếu việc ra nhiều khí hư làm suy giảm chất lượng cuộc sống, bạn có thể áp dụng một số cách quản lý như:
- Sử dụng băng vệ sinh hàng ngày hoặc miếng lót âm đạo.
- Mặc quần lót bằng vải cotton hoặc các chất liệu tự nhiên.
- Vệ sinh âm đạo đúng cách, lau từ trước ra sau để giảm các nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp. Chọn các sản phẩm độ có độ pH phù hợp.
- Không thụt rửa quá sâu vào bên trong âm đạo.
- Thay đổi lối sống, ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống khoa học, luyện tập thể thao đều đặn có thể cải thiện sức khỏe tổng thể.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Đau, ngứa, phát ban hoặc xuất hiện vết loét ở âm đạo.
- Sốt.
- Dịch tiết âm đạo có mùi bất thường.
- Khí hư màu xanh như nước mũi, vàng hoặc xám.
- Chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh nguyệt.
Mặc dù khí hư ra nhiều thường không nguy hiểm nhưng nếu bạn gặp phải các triệu chứng bất thường khác, thì cách tốt nhất là đến bệnh viện để được tư vấn, chăm sóc và có biện pháp điều trị hợp lý. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn nếu có bất cứ câu hỏi hoặc thắc mắc nào có liên quan.
Có thể bạn quan tâm:
- Huyết trắng màu đen có nguy hiểm không? Chữa trị như thế nào?
- Ra Huyết Trắng (Khí Hư) Bị Kiến Bu Thể Hiện Điều Gì?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!