Các bệnh về Họng thường gặp và cách xử lý
Viêm amidan, viêm họng, nhiễm trùng dây thanh quản, sỏi amidan,… là các bệnh về họng thường gặp. Hầu hết các bệnh lý này đều có mức độ nhẹ và chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu không khắc phục kịp thời, tổn thương ở họng có thể lây lan sang những cơ quan lân cận như xoang mũi và tai.
Các bệnh lý về họng thường gặp
Họng bao gồm cổ họng, thanh quản, amidan và dây thanh âm. Cơ quan này đảm nhiệm vai trò phát âm và vận chuyển thức ăn uống xuống thực quản.
Trong giai đoạn đầu đời, các cơ quan bên trong họng còn đảm nhiệm vai chức năng miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Vì vậy phần lớn các bệnh lý về họng đều xảy ra ở trẻ nhỏ và giảm dần khi trưởng thành.
Bài viết đã tổng hợp các bệnh lý về họng thường gặp nhất, bao gồm:
1. Viêm họng
Viêm họng là tình trạng virus, vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng các niêm mạc ở họng. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng đau rát cổ họng, vướng khi nuốt, ho, khó nói, sưng họng, sưng hạch bạch huyết ở hàm hoặc cổ, sốt, chán ăn, buồn nôn, nhức mỏi,…
Các triệu chứng của viêm họng thường đột ngột và nặng nề ở giai đoạn cấp tính. Nếu không điều trị dứt điểm, nhiễm trùng cổ họng có thể tiến triển mãn tính và gây ảnh hưởng đến những cơ quan xung quanh.
2. Viêm họng hạt
Viêm họng hạt là tình trạng vòm họng xuất hiện những hạt nhỏ màu đỏ và không đau. Bệnh lý này là một trong những giai đoạn của viêm họng mãn tính. Nguyên nhân gây ra viêm họng hạt là do các tế bào lympho ở hầu họng phải hoạt động và tấn công vi khuẩn trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng sưng viêm và tạo thành các hạt nhỏ.
Viêm họng hạt có triệu chứng tương tự như viêm họng, tuy nhiên mức độ của các triệu chứng thường nhẹ hơn so với giai đoạn khởi phát.
3. Viêm amidan
Amidan là cơ quan miễn dịch nằm hai bên cổ họng, có vai trò bảo vệ đường hô hấp dưới và cơ thể khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên amidan có thể bị tổn thương và nhiễm trùng nếu sức khỏe suy giảm hoặc do virus và vi khuẩn tấn công ồ ạt.
Bệnh viêm amidan đặc trưng bởi tình trạng sưng viêm và tấy đỏ ở hai hạch lympho nằm ở cổ họng. Ngoài ra các triệu chứng khác của bệnh khá tương tự với tình trạng nhiễm trùng hầu họng.
Nếu không kịp thời điều trị viêm amidan cấp tính, tổn thương ở cơ quan này có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính và tụ mủ.
4. Sỏi amidan
Sỏi amidan là hiện tượng vôi hóa canxi và các thành phần có trong thực phẩm tại các kẽ của amidan. Đặc điểm nhận biết bệnh lý này là khi quan sát cổ họng, nhận thấy các đốm trắng hoặc vàng nằm trên hạch lympho.
Khi sỏi có kích thước nhỏ, bệnh có thể không làm phát sinh bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên trong trường hợp sỏi gia tăng kích thích và chèn ép lên amidan, cơ quan này có thể bị sưng đỏ, đau rát và viêm nặng nề.
Ở một số trường hợp không kịp thời can thiệp, sỏi có thể phát triển lớn, gây hư hại cấu trúc của amidan và phải tiến hành cắt bỏ cơ quan này.
5. Viêm thanh quản
Viêm thanh quản là tình trạng viêm nhiễm dây thanh quản ở cổ họng. Bệnh lý này thường là hệ quả do cảm lạnh hoặc cảm cúm gây ra. Viêm thanh quản gây ra các triệu chứng như ho khan hoặc có đờm, sốt, chảy nước mũi, khó khăn khi nói chuyện, đau họng và sưng hạch bạch huyết ở cổ.
Tương tự như các bệnh lý về họng khác, viêm thanh quản cấp có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
6. Ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra khi vòm họng xuất hiện khối u ác tính. Bệnh gây ra các triệu chứng nặng nề như nghẹt mũi, nuốt vướng, đau cổ họng, mệt mỏi, người sụt cân bất thường, nghẹt thở, khó khăn khi nói chuyện, ù tai, giảm thính lực,…
Ung thư vòm họng có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Đây là bệnh lý về họng có mức độ nghiêm trọng nhất.
7. Áp xe thành sau họng
Áp xe thành sau họng là một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Bệnh lý này thường là biến chứng do viêm VA, viêm amidan, viêm họng và viêm mũi xoang kéo dài.
Áp xe thành sau họng đặc trưng vởi triệu chứng sốt cao, lưỡi bẩn, da xanh tái, người rét run, lưỡi bẩn, giọng nói thay đổi, khó thở, hơi thở có mùi hôi,…
Nếu phát hiện sớm, bệnh có khả năng điều trị hoàn toàn. Ngược lại, tình trạng chậm trễ trong quá trình chẩn đoán có thể khiến vi khuẩn đi vào các cơ quan bên trong và gây nhiễm độc nặng. Khi xảy ra tình trạng này, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.
Các biện pháp xử lý các bệnh về họng
Các phương pháp điều trị được áp dụng tùy vào từng bệnh lý cụ thể. Vì vậy khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường, bạn nên đến phòng khám để được chẩn đoán và tiến hành điều trị kịp thời.
1. Điều trị y tế
Dưới đây là một số phương pháp xử lý thường được áp dụng cho các bệnh lý ở cổ họng, bao gồm:
- Dùng thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc tùy vào bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh. Kháng sinh thường được dùng cho tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Với những trường hợp do virus, bệnh thường có xu hướng tự thuyên giảm sau khoảng vài ngày. Bên cạnh đó, các loại thuốc hạ sốt, giảm đau và ho cũng được chỉ định nhằm làm giảm triệu chứng do các bệnh lý về họng gây ra.
- Phẫu thuật: Biện pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân bị ung thư vòm họng, sỏi amidan có kích thước lớn và viêm amidan dai dẳng. Can thiệp ngoại khoa có thể gây ra các biến chứng tiềm ẩn, vì vậy phương pháp này chỉ được thực hiện khi điều trị bảo tồn thất bại.
- Xâm lấn tối thiểu: Các thủ thuật xâm lấn tối thiểu như laser, áp lạnh,… có thể được áp dụng cho bệnh nhân viêm họng hạt và sỏi amidan.
- Xạ trị: Xạ trị được thực hiện với bệnh nhân ung thư vòm họng. Phương pháp này thường được kết hợp với hóa trị (sử dụng thuốc ức chế tế bào ác tính).
Hầu hết các bệnh lý về họng đều có đáp ứng tốt khi được phát hiện và điều trị sớm. Trong khi đó, tình trạng phát hiện bệnh muộn có thể gây bất lợi trong quá trình chữa trị và làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm.
2. Điều trị tại nhà
Song song với các biện pháp điều trị chuyên sâu, bạn có thể thực hiện một số cách chăm sóc tại nhà để làm giảm triệu chứng của bệnh lý ở cổ họng.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà bạn có thể áp dụng, bao gồm:
- Giữ ấm cổ họng trong trường hợp bị viêm amidan và viêm họng cấp tính.
- Uống đủ 2 lít nước, bổ sung nước ép và sữa để làm dịu niêm mạc, cải thiện triệu chứng đau rát và ngứa cổ họng.
- Giữ vệ sinh răng miệng bằng cách súc miệng bằng nước muối, giấm táo pha loãng và chải răng 2 – 3 lần/ ngày.
- Chế biến thực phẩm lỏng, mềm và dễ nuốt để hạn chế triệu chứng vướng nghẹn và đau rát khi nhai nuốt.
- Nghỉ ngơi trong thời gian điều trị để cơ thể phục hồi và tránh lây nhiễm bệnh sang cho người khác.
- Bổ sung các thảo dược có khả năng giảm đau họng như tỏi, gừng, nghệ và mật ong vào chế độ ăn để hỗ trợ quá trình điều trị.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm để tránh gây khô rát và kích ứng cổ họng.
Biện pháp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về họng
Họng là cơ quan có mối liên hệ mật thiết với tai, mũi và thực quản. Do đó khi các cơ quan của họng bị nhiễm trùng và tổn thương, vi khuẩn rất dễ lây lan sang những cơ quan khác.
Chính vì vậy, bạn cần chủ động phòng ngừa các bệnh lý ở họng với các biện pháp sau:
- Khi thời tiết chuyển lạnh, bạn nên giữ ấm cho cơ thể và hạn chế di chuyển ngoài trời.
- Vệ sinh tay trước và sau khi ăn nhằm tránh tình trạng vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng hầu họng.
- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá và ăn thực phẩm cay nóng, chế biến sẵn. Các thói quen này không chỉ tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về họng thông thường mà còn tạo điều kiện cho khối u ác tính phát triển.
- Không nên la hét hoặc nói trong thời gian dài. Áp lực từ những hoạt động này có thể khiến dây thanh quản bị tổn thương và sưng viêm.
- Tránh uống quá nhiều nước đá lạnh, nhất là trong thời tiết khô hanh và nhiệt độ thấp.
- Thường xuyên luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch. Từ đó giúp cơ thể chống chọi với các virus và vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý nhằm tăng cường thể trạng và cải thiện hoạt động đề kháng của cơ thể.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý như viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản,… Những bệnh lý kéo dài là điều kiện thuật lợi giúp vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng cổ họng.
Bài viết đã tổng hợp các bệnh lý về họng thường gặp và gợi ý một số cách khắc phục. Tuy nhiên để có hướng điều trị và chăm sóc cụ thể, bạn cần chủ động liên hệ với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
ĐỌC NGAY:
- Đau họng không ho không sốt có phải ung thư vòm họng?
- Đau họng ngậm gì? 5 thứ “đảm bảo khỏi nhanh”
Bình luận (1)
Em nhạt là có cục thịt ở cuốn họng chạy ra trước