Cảm Cúm

Cảm cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, do nhiễm virus cúm Influenza. Bệnh gây các triệu chứng hô hấp kèm theo sốt, đau đầu, có thể nhẹ hoặc nặng tùy trường hợp. Đa phần trường hợp bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng cũng có thể tiến triển nặng, gây biến chứng tử vong. 

Tổng quan

Cảm cúm (Flu) là bệnh nhiễm trùng do virus cúm Influenza gây ra. Virus cúm có 4 type chính gồm cúm A, B, C và D khác nhau về mức độ phổ biến và mức độ nghiêm trọng. Bệnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, gồm mũi, cổ họng, phế quản và phổi. Đặc trưng bởi triệu chứng sốt, đau họng, đau cơ, mệt mỏi.

Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus cúm Influenza gây ra

Đa số các trường hợp nhiễm cúm thường không quá nghiêm trọng, có thể tự khỏi sau vài ngày. Nhưng với những người có hệ miễn dịch kém hoặc mắc các bệnh lý mạn tính, cảm cúm có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, biến chứng nặng và thậm chí tử vong.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể nhiễm cúm, từ trẻ em cho đến người lớn. Ước tính trên thế giới có khoảng 20 - 30% trẻ em và 5 - 10% người trưởng thành mắc cảm cúm mỗi năm. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy hàng năm có khoảng 1 - 1.8 triệu người mắc căn bệnh này.

Phân loại

Bệnh cảm cúm được chia làm 4 loại chính dựa vào loại virus gây bệnh, bao gồm:

Có 4 dạng cảm cúm chính, trong đó 3 loại lây bệnh ở người là virus cúm A, B và C

Cúm A

Đây là loại virus cúm phổ biến nhất, có khả năng lây nhiễm ở người và trên động vật. Loại cúm này được xác định là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca bệnh nặng và tử vong ở người.

Chủng virus cúm A được chia thành nhiều phân nhóm nhỏ khác nhau dựa vào hai loại protein trên bề mặt virus là hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Cụ thể gồm 18 phân nhóm H và 11 phân nhóm N, chúng kết hợp ngẫu nhiên với nhau tạo ra nhiều loại virus cúm A khác nhau gây bệnh ở người.

Chẳng hạn như:

  • Dịch cúm A H5N1;
  • Dịch cúm A H3N2;
  • Dịch cúm A H1N1;
  • ...

Cúm B 

Dạng virus cúm phổ biến thứ 2 là cúm B. Số lượng bệnh nhân nhiễm cúm B có tiên lượng nặng và tử vong ít hơn so với cúm A. Chủng cúm này chỉ lây lan ở người, lây lan mạnh nhưng ít có nguy cơ phát triển thành đại dịch.

Chúng không có khả năng phân nhóm như cúm A, nhưng chúng có 2 dòng chính gồm B/Yamagata và B/Victoria. Có khoảng 25% trường hợp nhiễm cúm B hàng năm.

Cúm C 

Cúm C là chủng virus cúm ít phổ biến hơn 2 chủng A và B. Nó ít có khả năng lây nhiễm hoặc khi lây nhiễm thường phát triển nhẹ, ít có triệu chứng lâm sàng điển hình.

Cúm D 

Đây là loại virus cúm mới được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2011, phát triển trên gia súc và không có khả năng gây bệnh cho người.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Bệnh cảm cúm ở người do virus cúm A, B và C gây ra, trong đó virus cúm A là phổ biến nhất. Cúm thường xuất hiện theo mùa, chủ yếu từ tháng 11 - tháng 3 năm sau. Mùa mưa và thời tiết lạnh cũng góp phần làm tăng đột biến số lượng ca mắc cúm. Ở những thời điểm còn lại, virus cúm vẫn hoạt động gây bệnh nhưng với số lượng ít.

Virus cúm lây lan từ người sang người qua nhiều con đường như nói chuyện, ho, hắt hơi...

Virus cúm có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người đã nhiễm bệnh. Cụ thể như sau:

  • Hít phải không khí chứa giọt bắn do người bệnh cúm phóng ra khi hắt hơi, ho hoặc nói chuyện;
  • Chạm tay trực tiếp vào tay/ mặt hoặc hôn người đang nhiễm bệnh cúm;
  • Chạm tay vào các bề mặt có khả năng nhiễm virus cúm như mặt bàn, tay nắm cửa, máy tính, điện thoại... sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng;
  • Sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người bị cúm như khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng...;

Yếu tố nguy cơ

Bất kỳ ai cũng có thể bị cảm cúm, nhưng những đối tượng dưới đây thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, thậm chí mắc bệnh với mức độ nặng, đe dọa tính mạng.

Bao gồm:

  • Người già > 65 tuổi và trẻ nhỏ < 5 tuổi;
  • Phụ nữ mang thai;
  • Người < 19 tuổi nhưng có thói quen sử dụng aspirin thường xuyên;
  • Người thừa cân - béo phì, có chỉ số BMI > 40;
  • Người bị hen suyễn, COPD hoặc các bệnh phổi mạn tính khác;
  • Người bị suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài;
  • Người mắc các rối loạn máu bất thường, như bệnh tế bào hồng cầu hình liềm;
  • Người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền sử mắc các bệnh về gan, thận, tim, thần kinh, đột quỵ...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Một số triệu chứng đặc trưng của cảm cúm hầu như người bệnh nào cũng gặp phải là:

Sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi là những dấu hiệu điển hình của cảm cúm

  • Sốt cao, ớn lạnh;
  • Đau họng;
  • Đau đầu;
  • Đau mỏi cơ thể;
  • Ho;
  • Sổ mũi;
  • Mệt mỏi, người yếu sức;
  • Tiêu chảy hoặc buồn nôn (chủ yếu xảy ra ở trẻ em);

Các triệu chứng bệnh cúm thường tiến triển qua từng giai đoạn. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày, sau đó bùng phát triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi kéo dài... Đến ngày thứ 8, các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm dần và khỏi bệnh hẳn sau 1 - 2 tuần tiếp theo.

Chẩn đoán

Hầu hết các trường hợp bệnh nhân có đầy đủ các triệu chứng lâm sàng trên, gần như chắc chắn sẽ được chẩn đoán mắc cảm cúm. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ có dấu hiệu bất thường hoặc đang trong đợt bùng phát các dịch bệnh khác (chẳng hạn như Covid-19), bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định bệnh.

Chẩn đoán cảm cúm thông qua đánh giá lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng

  • Xét nghiệm chẩn đoán cúm nhanh RIDT: Đây là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất được áp dụng để chẩn đoán bệnh cúm. Được thực hiện bằng cách lấy mẫu dịch tiết trong mũi bệnh nhân mang đi xét nghiệm, tìm kiếm sự hiện diện của virus cúm. Xét nghiệm này thường cho kết quả nhanh, trong vòng 15 - 30 phút.
  • Xét nghiệm nuôi cấy virus: Mẫu dịch tiết mũi của bệnh nhân được thu thập để và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, nhằm tìm kiếm sự hiện diện của virus cúm. Xét nghiệm này cho kết quả chính xác hơn so với xét nghiệm nhanh, nhưng mất nhiều thời gian và chi phí hơn.
  • Phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR): Chỉ những trường hợp cảm cúm nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm mới áp dụng kỹ thuật chẩn đoán này. Vì đây là xét nghiệm cúm cho kết quả chính xác nhất, ứng dụng quy trình phân tích các thành phần và cấu trúc di truyền của mẫu dịch tiết. Kết quả giúp xác định loại virus gây cúm là A, B hay dạng phân nhóm A cụ thể.
  • Kiểm tra hình ảnh: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp X quang ngực hoặc các kỹ thuật hình ảnh khác để kiểm tra các dấu hiệu tổn thương phổi và các biến chứng cúm nguy hiểm khác.

Biến chứng và tiên lượng

Virus cúm là tác nhân rất khó lường khi phát triển trong cơ thể con người. Trong đa số các trường hợp, bệnh cảm cúm có thể tự khỏi hoặc chữa khỏi bằng thuốc. Tuy nhiên, cũng có không ít người nhiễm virus nặng gây suy yếu hệ thống miễn dịch, tạo điều kiện cho hàng loạt các loại vi khuẩn khác phát triển, gây các nhiễm trùng thứ phát sau:

  • Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa);
  • Nhiễm trùng xoang;
  • Viêm họng;
  • Viêm phế quản;
  • Viêm phổi nặng, tăng nguy cơ gây hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS);

Nhiễm virus cúm nặng gây nhiều biến chứng nhiễm trùng thứ phát nghiêm trọng như viêm tai, viêm họng, viêm phổi...

Nguy hiểm hơn nếu phụ nữ mang thai nhiễm cảm cúm, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Virus cúm phát triển mạnh mẽ gây dị tật ống thần kinh ở thai nhi, tăng nguy sảy thai, thai chết lưu.

Ngoài ra, đối với trẻ em độ tuổi từ 2 - 16, mắc bệnh cúm nặng có thể gây hội chứng Reye cực kỳ nguy hiểm. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng sưng phù não, gan, tiên lượng xấu, tiến triển xấu trong thời gian ngắn, bệnh nhân lên cơn co giật, mê sảng, hôn mê sâu và tử vong ngay sau đó.

Tỷ lệ tử vong do cúm có xu hướng tăng cao hàng năm. Tại Mỹ, mỗi đợt cúm mùa xảy ra ước tính có khoảng 20.000 - 50.000 người chết vì cúm. Khoảng 300.000 - 500.000 người nhiễm virus cúm phải nhập viện điều trị và có tiên lượng nặng.

Điều trị

Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm do virus có thể điều trị khỏi. Mục tiêu điều trị là loại bỏ virus khỏi cơ thể, kiểm soát triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng. Tùy ntheo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ hướng dẫn áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.

Điều trị và chăm sóc tại nhà

Bệnh nhân mắc cảm cúm thông thường, không quá nặng có thể tự điều trị tại nhà bằng các biện pháp đơn giản sau:

Bệnh nhân cúm cần nghỉ ngơi nhiều, ăn uống đầy đủ và giữ vệ sinh để cải thiện triệu chứng

  • Cách ly bệnh nhân cúm với những người xung quanh, nhất là những người có thể trạng và hệ miễn dịch kém;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trên giường, phòng ngủ thoáng khí, không có gió lùa;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí giúp người bệnh dễ chịu, giảm tắc nghẽn mũi;
  • Uống nhiều nước, bao gồm nước lọc, nước ép trái cây hoặc các loại nước súp, canh hầm giúp ngăn ngừa mất nước;
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, ưu tiên ăn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu như cháo, súp, chế biến thanh đạm, ít gia vị nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất cần thiết;
  • Chườm nóng giúp giảm cảm giác đau cơ;
  • Đánh răng và súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lý;
  • Bơm rửa mũi hàng ngày làm thông thoáng đường thở;
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn;

Điều trị y tế

Với các triệu chứng cúm vừa và nặng, không thể tự thuyên giảm dù đã được chăm sóc tích cực, bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị hiệu quả.

Điều trị cúm bằng thuốc kháng virus kết hợp các loại thuốc không kê đơn OTC

Các loại thuốc điều trị cúm thường dùng như:

  • Thuốc kháng virus: Loại thuốc này thường được chỉ định trong những trường hợp cảm cúm nặng, đã có triệu chứng < 48 tiếng và có nguy cơ biến chứng cao. Một số loại thuốc kháng virus phổ biến như:
    • Zanamivir (Relenza): Dùng dưới dạng ống hít liên tục trong vài ngày để đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, chống chỉ định dùng cho bệnh nhân có các vấn đề về hô hấp nặng như hen suyễn hoặc COPD;
    • Oseltamivir (Tamiflu): Có thể dùng dạng viên uống hoặc dung dịch lỏng. Liều dùng cụ thể do bác sĩ chỉ định và có thể dùng trong vài ngày;
    • Peramivir (Rapivap): Dùng dưới dạng tiêm thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch. Đa số bệnh nhân chỉ cần dùng duy nhất 1 liều Peramivir.
    • Baloxavir marboxil (Xofluza): Bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng dưới nhiều dạng như viên uống hoặc thuốc dung dịch lỏng. Chỉ cần dùng 1 liều duy nhất để diệt virus cúm. Chống chỉ định dùng thuốc cho phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú hoặc có tiền sử mắc một số bệnh lý khác.
  • Thuốc điều trị triệu chứng: Chủ yếu dùng một số loại thuốc không kê đơn (OTC) gồm:
    • Thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol, Acetaminophen (Tylenol) hoặc nhóm NSAID (Advil, Motrin);
    • Thuốc giảm các cơn ho dai dẳng như Dextromethorphan;
    • Thuốc thông mũi dạng xịt hoặc dạng uống giúp giảm sổ mũi, nghẹt mũi như phenylephrine hoặc pseudoephedrine;
    • Thuốc long đờm hỗ trợ loại bỏ chất dịch nhầy khỏi phổi như Guaifenesin;
    • Aspirin liều cao trong trường hợp cần thiết;
  • Các liệu pháp thay thế:
    • Bổ sung vitamin liều cao;
    • Bổ sung kẽm vi lượng;

Bất kỳ loại thuốc nào cũng tiềm ẩn tác dụng phụ. Nhất là thuốc kháng virus có thể gây buồn nôn, tiêu chảy hoặc thuốc hít gây co thắt phế quản. Do đó, cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất.

Phòng ngừa

Bệnh cảm cúm rất dễ xảy ra nhưng cũng có thể dễ dàng phòng ngừa bằng các biện pháp sau:

Tiêm phòng vắc xin cúm là cách tốt nhất để bảo vệ bạn và gia đình khỏi virus cúm

  • Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm, nhất là với những đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và người mắc các bệnh mãn tính.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
  • Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang mắc cảm cúm.
  • Che miệng và mũi khi hắt hơi bằng khăn giấy, đồng thời tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Giữ ấm cơ thể kỹ lưỡng và che chắn đường hô hấp khi ra ngoài, nhất là vào những thời điểm bùng phát dịch cúm.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sốt, ho, sổ mũi, đau cơ, đau đầu... là những dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi phải làm xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh đang mắc phải?

3. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh cảm cúm là gì?

4. Tôi nhiễm loại virus cúm nào? Có nguy hiểm không?

5. Bệnh cảm cúm có tự khỏi không?

6. Tôi nên dùng thuốc nào để trị cảm cúm?

7. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe đẩy lùi bệnh cúm nhanh hơn?

8. Mất bao lâu tôi mới khỏi bệnh cúm?

9. Tôi cần chú ý những dấu hiệu nghiêm trọng nào? Có cần nhập viện điều trị không?

10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát nhiễm virus cúm?

Cúm là căn bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp phổ biến và gây bệnh từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám sớm để chẩn đoán bệnh, chăm sóc tích cực kết hợp điều trị y tế theo chỉ định của bác sĩ để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm khó lường.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Whitmore
Bệnh Whitmore không phải căn bệnh hiếm gặp, được phát hiện lần đầu tiên ở Myanmar. Tại Việt Nam, ca mắc đầu tiên được phát hiện ở Viện Pasteur TPHCM.…
Bệnh Chân Voi
Bệnh chân voi là bệnh nhiễm ký sinh trùng giun…
Bệnh Viêm mô hoại tử
Viêm mô hoại tử là căn bệnh hiếm gặp và…
Bệnh Thương hàn
Thương hàn là bệnh lý sốt nhiễm trùng do vi…
Bệnh Sốt mèo cào

Bệnh sốt mèo cào xảy ra rất phổ biến, nhất là ở trẻ em và trẻ vị thành niên từ…

Babesia (Nhiễm trùng do Babesia)

Babesia là bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Babesia gây ra. Chúng lây nhiễm vào cơ thể người thông…

Bệnh Lao Vú

Lao vú là một trong những thể lao ngoài phổi hiếm gặp. Cả nam và nữ giới đều có thể…

Bệnh Lậu

Bệnh lậu là căn bệnh nhiễm trùng phổ biến lây truyền qua đường tình dục, bên cạnh các bệnh khác…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua