Bệnh Tiểu Đường

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính phổ biến có tỷ lệ mắc cao hiện nay. Bệnh có thể kiểm soát được thông qua liệu pháp insulin nhân tạo và kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động tích cực mỗi ngày. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những biến chứng nguy hiểm do tiểu đường gây ra là rất đáng lo ngại. Do đó, khuyến cáo người bệnh nên chủ động thăm khám chẩn đoán và điều trị sớm bằng các biện pháp phù hợp. 

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính có liên quan đến sự rối loạn bất thường về lượng đường trong máu

Tổng quan

Đường là nguồn năng lượng quan trọng đối với cơ thể con người, được bổ sung thông qua các loại thực phẩm được nạp vào cơ thể hàng ngày. Tiểu đường (Diabetes) hay còn được gọi là đái tháo đường, là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu tăng cao quá mức, vượt ngưỡng cho phép. Một người mắc bệnh tiểu đường là do cơ chế ngăn chặn sản sinh insulin hoặc cản trở quá trình sử dụng insulin. Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản sinh ra, giúp glucose trong thức ăn được hấp thụ dễ dàng và tạo ra năng lượng.

Theo thời gian, lượng glucose này tích tụ trong máu quá mức, làm tổn thương các tế bào, gây bệnh tiểu đường và nhiều biến chứng nguy hiểm khác tại thận, tim, thần kinh, mắt... Tiểu đường là bệnh lý mạn tính không thể chữa khỏi dứt điểm được. Việc điều trị chủ yếu thông qua các biện pháp tích cực kiểm soát đường huyết, duy trì sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng khó lường.

Phân loại

Dựa theo mức độ rối loạn chuyển hóa nội tiết và triệu chứng bệnh, bệnh tiểu đường được phân chia làm 4 dạng chính gồm:

Tiểu đường type 1

Đa phần bệnh nhân tiểu đường type 1 thường xuất phát từ các nguyên nhân tự miễn, tuyến tụy sản sinh không đủ hoặc không tạo ra insulin nữa khiến lượng đường trong máu tăng cao bất thường.

Dạng tiểu đường type 1 chiếm tỷ lệ khoảng 7 - 10% trong tổng số các ca tiểu đường. Chủ yếu xảy ra ở độ tuổi thanh thiếu niên, người trưởng thành. Nhưng theo sự phát triển của xã hội hiện đại, độ tuổi mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa, thậm chí ở cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tiểu đường type 2

Hay còn được gọi là tiểu đường tuổi trung niên, chiếm tỷ lệ khoảng 90% và là dạng tiểu đường phổ biến nhất hiện nay. Đây là hậu quả của các bệnh lý và vấn đề sức khỏe liên quan đến tình trạng kháng insulin và ức chế khả năng bài tiết insulin. Một số yếu tố suy giảm chức năng ruột, thận, gan, thần kinh... cũng có mối liên hệ mật thiết với tình trạng này.

Người lớn tuổi, trung niên là đối tượng dễ bị tiểu đường type 2 nhất do tình trạng kháng insulin

Người cao tuổi mắc các bệnh lý nền như cao huyết áp, rối loạn lipid máu, đang sử dụng các loại thuốc làm tăng chỉ số đường huyết hoặc phụ nữ sinh con nặng > 4kg, tiền sử gia đình thường có nguy cơ cao bị tiểu đường type 2. So với tiểu đường type 1, các triệu chứng thể bệnh này ít hơn nên rất khó phát hiện sớm, tăng nguy cơ biến chứng nặng khi phát hiện ở giai đoạn muộn.

Tiểu đường thai kỳ 

Đây là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến trong giai đoạn mang thai, chủ yếu xảy ra sau tuần thứ 24 của thai kỳ. Nguyên nhân chính là do tình trạng kháng insulin cộng với việc mẹ bầu ăn uống không đúng cách gây thừa đường trong máu.

Khám thai định kỳ luôn yêu cầu mẹ bầu phải kiểm tra đường huyết để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp. Bởi tiểu đường thai kỳ rất nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Chẳng hạn như: thai chậm phát triển, thai to, nguy cơ dị tật cao, dễ sẩy, sinh khó...

Tiểu đường thứ phát (tiền tiểu đường)

Là nhóm tiểu đường khởi phát từ những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ thứ phát như:

  • Tác dụng phụ của thuốc;
  • Các khiếm khuyết về gen di truyền;
  • Thừa cân béo phì;
  • Lười vận động;
  • Hút thuốc lá;
  • Buồng trứng đa nang;
  • ...

Đối với những trường hợp này, cần phải thực hiện tầm soát định kỳ mới có thể phát hiện và điều trị bệnh bằng các phác đồ riêng biệt, giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Tìm hiểu: Bệnh tiểu đường tuýp 3 là gì, có nguy hiểm không?

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cơ chế sinh bệnh tiểu đường là tình trạng rối loạn quá trình chuyển hóa glucose. Cơ thể không có đủ năng lượng để cung cấp cho các tế bào, tích tụ trong máu. Hiện tượng mất cân bằng này được gọi là tiểu đường.

Những người ăn uống kém lành mạnh và thừa cân béo phì có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường, bao gồm:

Nguyên nhân

  • Tiểu đường type 1Thường là do bệnh nhân hụt insulin vì chức năng tuyến tụy bị suy giảm, sản sinh ít hoặc không còn khả năng sản sinh insulin.
  • Tiểu đường type 2Thường là do cơ chế tự đề kháng với insulin. Hiểu đơn giản là tình trạng cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng cơ thể lại không thể chuyển hóa chúng thành glucose.
  • Các thể tiểu đường khác:
    • Các tổn thương liên quan đến tuyến tụy, điển hình như các bệnh như viêm tụy, xơ nang, bệnh huyết sắc tố, cắt bỏ tuyến tụy...;
    • Các bệnh lý nội tiết như hội chứng Cushing, to đầu chi;
    • Sử dụng các loại thuốc tăng đường huyết như thuốc Glucocorticoid, thuốc ức chế protease, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế kiểm soát miễn dịch, thuốc chống loạn thần không điển hình, thuốc ức chế calcineurin...

Yếu tố nguy cơ 

  • Yếu tố di truyền, tiểu đường bẩm sinh;
  • Chế độ ăn uống kém lành mạnh, nhiều đạm từ thịt đỏ, chất béo, dư thừa chất bột đường, ít chất xơ, thiếu hụt vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin D...;
  • Các thói quen xấu như hay bỏ bữa sáng, ngủ không đủ giấc, thường xuyên thức khuya..;
  • Thừa cân béo phì, nhiều mỡ bụng;
  • Ít vận động, lười tập thể dục thể thao;
  • Stress, căng thẳng thần kinh kéo dài;
  • Nghiện hút thuốc lá;
  • Tuổi tác > 35 tuổi;
  • Sinh con lớn > 4kg;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh nhân tiểu đường thường có các triệu chứng đặc trưng gồm:

Khát nước và có nhu cầu uống nhiều nước liên tục là biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường

  • Nhanh khát, uống nhiều nước & tiểu nhiều: Một người đột nhiên có những thói quen bất thường như khát nước liên tục, nhu cầu uống nước tăng và tăng tần suất tiểu tiện, nhất là vào giữa đêm thường là biểu hiện của bệnh tiểu đường. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể nhằm cố gắng kiểm soát lượng đường cao trong máu.
  • Nhanh đói: Luôn có cảm giác đói bất thường, dù không hoạt động nhiều và có chế độ ăn uống bình thường cũng là triệu chứng điển hình của tiểu đường. Lượng glucose trong máu cao tích tụ ở các tế bào, khiến cơ thể không thể chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng để nuôi dưỡng tế bào. Hậu quả là người bệnh luôn có cảm giác đói dù đã ăn rất nhiều.
  • Sụt cân đột ngột: Chỉ số đường huyết tăng cao quá mức khiến trọng lượng cơ thể giảm xuống nhanh chóng. Nhiều trường hợp sụt đến 5 - 10kg chỉ trong 2 - 3 tháng do các tế bào không có năng lượng để hoạt động. Cơ thể bắt buộc phải phá hủy protein và sử dụng chất béo dư thừa để nguồn làm năng lượng thay thế duy trì sự sống, dẫn đến sụt cân.
  • Mệt mỏi, khó chịu: Triệu chứng điển hình của bệnh nhân tiểu đường là rất dễ mệt, do thiếu năng lượng. Kéo theo đó là các biểu hiện về tâm lý như dễ cáu gắt, khó chịu do cảm giác đói, mệt mỏi kéo dài.
  • Mờ mắt: Lượng glucose trong máu quá cao kích thích sản sinh một loại đường khác là sorbitol gây ảnh hưởng đến mắt, suy giảm thị lực của người bệnh.
  • Một số triệu chứng toàn thân khác:
    • Vết thương lâu lành;
    • Nhiễm trùng;
    • Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng âm đạo do nấm candida hoặc nấm men;
    • Ngứa ngáy ngoài da, nhất vùng âm đạo hoặc bẹn;
    • Tê bì bàn tay, bàn chân;
    • Các triệu chứng có liên quan đến suy giảm chức năng thận;
    • Khô da, khô miệng;
    • ...

Đây là những triệu chứng chung điển hình của bệnh tiểu đường. Tùy theo từng trường hợp mắc tiểu đường type nào mà triệu chứng sẽ được biểu hiện khác nhau.

  • Giai đoạn tiền tiểu đường: Đây là giai đoạn bắt đầu sự nhen nhóm của quá trình tăng chỉ số đường huyết. Hầu như không có triệu chứng và chỉ có thể phát hiện thông qua xét nghiệm máu định kỳ.
  • Tiểu đường type 1: Đặc trưng với các triệu chứng như khát nước, uống nhiều nước, sụt cân đột ngột... Đây là dấu hiệu cho thấy có khoảng 80 - 90% tế bào beta tụy tự miễn bị tổn thương.
  • Tiểu đường type 2: Thường ít triệu chứng hơn tiểu đường type 1, tiến triển bệnh từ từ và chỉ bùng phát nặng chỉ khi cơ thể kém đáp ứng insulin.
  • Tiểu đường thai kỳ: Phụ nữ mang thai bị tiểu đường thường không có nhiều triệu chứng đặc hiệu vì dễ nhầm lẫn với triệu chứng mang thai. Nhưng thường tiểu đường thai kỳ sẽ kèm theo tăng huyết áp.

Chẩn đoán

Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng sẽ rất khó chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường. Do đó, nếu nghi ngờ mắc tiểu đường, hãy nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, kiểm tra và chẩn đoán bệnh chính xác, đồng thời tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Kiểm tra đường huyết là xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường đơn giản và đem lại hiệu quả cao

Một số xét nghiệm cần được thực hiện để chẩn đoán bệnh tiểu đường như:

  • Xét nghiệm đường huyết (FPG): Được thực hiện lúc sáng sớm, chưa ăn gì nhằm đảm bảo kết quả chính xác nhất. Một người bị tiểu đường sẽ có kết quả xét nghiệm đường huyết buổi sáng > 125mg/dL, thay vì bình thường là < 100mg/dL. Xét nghiệm này cần được thực hiện nhiều ngày liên tiếp nhằm xác định chính xác đó là do chứng rối loạn dung nạp đường huyết hay là do biểu hiện sớm của tiểu đường.
  • Nghiệm pháp dung nạp Glucose (OGTT): Bệnh nhân cần nạp vào cơ thể khoảng 150 - 200gr carbohydrate trong vòng 3 ngày trước khi kiểm tra và nhịn ăn từ nửa đêm hôm trước. Tiến hành thực hiện bằng cách uống 1 cốc nước lọc 250 - 300ml pha với 75g glucose. Đợi 2 tiếng, nếu chỉ số đường huyết < 140mg/dL chứng tỏ sức khỏe bình thường. Còn nếu chỉ số đường huyết > 200mg/dL (tương đương 11.1mmol/L) sẽ được kết luận mắc bệnh tiểu đường.
  • Xét nghiệm định lượng HbA1C: Biện pháp này giúp đo chỉ số đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng thông qua chức năng đánh giá lượng glucose có liên kết với hồng cầu. Đọc kết quả xét nghiệm định lượng HbA1C như sau: ở người bị tiểu đường giá trị này > 6.4%, còn người khỏe mạnh giá trị này < 5.7%.

Biến chứng và tiên lượng

Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng cao. Nếu người bệnh chủ quan, lơ là trong việc điều trị, kiểm soát ổn định chỉ số đường huyết, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường như:

Bệnh võng mạc tiểu đường là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường giai đoạn nặng

  • Nhiễm toan Ceton:
    • Tiểu đường gây biến chứng nhiễm toan Ceton (DKA) là tình trạng tích tụ Ceton (là sản phẩm phụ được tạo ra khi cơ thể phân hủy chất béo dùng làm năng lượng thay thế cho glucose) quá mức trong cơ thể và bộc phát triệu chứng dưới dạng cấp tính;
    • Tình trạng này đặc trưng với các triệu chứng như đường huyết tăng cao, khát nước, hụt hơi, xuất hiện Ceton niệu, mệt mỏi, khó thở, da khô, buồn nôn, hơi thở có mùi trái cây... Hiện tượng này thường bùng phát đột ngột trong vài giờ và có khả năng gây tử vong nếu không điều trị kịp thời;
    • Một số trường hợp còn kèm theo các biến chứng cấp tính như hạ glucose máu, hôn mê nhiễm toan lactic, hôn mê tăng glucose máu không nhiễm toan ceton hoặc các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính;
  • Các biến chứng toàn thân do tiểu đường mạn tính: Tiểu đường kéo dài hoặc bệnh tiểu đường xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng có thể gây ra nhiều biến chứng toàn thân nguy hiểm như:
    • Biến chứng tim mạch: Tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao gấp 4 lần so với bình thường, hội chứng mạch vành cấp, xơ vữa động mạch ngoại vi tắc mạch và xơ vữa động mạch cảnh gây đột quỵ...;
    • Biến chứng về mắt: Tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực, bệnh võng mạc (Diabetic Retinipathy) và mù lòa, đặc biệt ở người lớn tuổi;
    • Biến chứng về thận: Gây biến chứng suy thận, thận đái tháo đường, phải lọc máu duy trì sự sống;
    • Các biến chứng khác:
      • Loét bàn chân đái tháo đường, biến chứng nhiễm trùng nặng phải cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc cắt cụt chi;
      • Nhiễm trùng miệng da nấm, vi khuẩn, tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu, răng, miệng;
      • Hội chứng rối loạn thần kinh cảm giác - vận động, chứng thần kinh tự động do các dây thần kinh bị tổn thương;
      • Đối với phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ có thể gây sinh non, sẩy thai, thai chết lưu, nặng ký quá mức, có nguy cơ cao bị vàng da, mắc các bệnh lý hô hấp hoặc đái tháo đường bẩm sinh...;

Điều trị

Tiểu đường là bệnh lý mạn tính về rối loạn nội tiết và chuyển hóa phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị chuyên biệt dành cho bệnh lý này. Việc điều trị chủ yếu nhằm hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

1. Điều trị bằng thuốc

Tùy vào tiểu đường type nào, nguyên nhân và mức độ triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp. Hiện nay, có 2 nhóm thuốc trị bệnh tiểu đường chính gồm:

# Liệu pháp Insulin

Insulin được sử dụng phổ biến trong điều trị tiểu đường type 1. Vì điểm đặc trưng của dạng tiểu đường này là tuyến tụy không còn khả năng sản sinh ra insulin. Insulin nhân tạo được tiêm trực tiếp vào cơ thể, có tác dụng thay thế cho hormone tự nhiên của cơ thể, kích hoạt quá trình giải phóng lượng đường dư thừa tích tụ trong máu.

Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường type 2 cũng có thể sử dụng Insulin phối hợp với các loại thuốc khác nhằm duy trì nồng độ insulin ở ngưỡng phù hợp và an toàn.

Điều trị tiểu đường bằng liệu pháp Insulin thường dành cho bệnh nhân tiểu đường type 1

Liệu pháp này được dùng dưới dạng tiêm trực tiếp vào máu thông qua niêm mạc da. Việc sử dụng insulin dạng uống rất hạn chế vì các enzyme ở dạ dày gây cản trở lớn đến quá trình hấp thu insulin, không đem lại hiệu quả cao, nhất là với những trường hợp tiểu đường nặng. Bệnh nhân có thể tự tiêm theo cách thủ công hoặc dùng máy bơm insulin tự động.

Điều trị tiểu đường bằng liệu pháp insulin đòi hỏi phải được thực hiện liên tục và đều đặn, tự tiêm tại nhà hoặc tiêm ở bệnh viện tùy từng trường hợp. Hiện nay, y học ghi nhận có 4 loại insulin thường dùng trong điều trị tiểu đường gồm:

  • Insulin tác dụng nhanh: phát huy tác dụng nhanh trong vài phút và hiệu quả kéo dài từ 2 - 4 tiếng. Như Insulin glulisine (Apidra), Insulin aspart (NovoRapid), nsulin lispro (Humalog)...;
  • Insulin tác dụng ngắn: phát huy tác dụng trong vòng 30 phút và hiệu quả kéo dài từ 3 - 6 tiếng;
  • Insulin tác dụng trung bình: phát huy tác dụng trong vòng 2 - 4 tiếng và hiệu quả kéo dài lên đến 18 tiếng;
  • Insulin tác dụng kéo dài: phát huy tác dụng trong vòng 6 - 10 tiếng và kéo dài > 24 tiếng. Như Insulin degludec (Tresiba), Insulin glargine (Toujeo), Insulin detemir (Levemir),  Insulin glargine (Lantus),...;

Tùy theo kết quả xét nghiệm đường huyết và đo nhu cầu insulin trong cơ thể, bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng loại insulin phù hợp nhất. Trong quá trình thực hiện liệu pháp insulin, người bệnh cần phải đo và theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên để theo dõi sự cải thiện hoặc biến động để có sự điều chỉnh về liều dùng hoặc phương pháp điều trị cho phù hợp.

Chú ý tuân thủ liều dùng, vì Insulin có thể gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn do dùng quá liều như tụt huyết áp, da dẻ nhợt nhạt, choáng váng, ngất xỉu... Liều dùng khuyến cáo như sau:

  • Tiểu đường type 1 liều khởi đầu từ 0.4 - 0.5UI/ kg/ ngày;
  • Tiểu đường type 2 liều khởi đầu khoảng 0.2UI/ kg/ ngày;

# Nhóm thuốc hạ đường huyết 

Thường được chỉ định áp dụng cho những trường hợp bị tiểu đường type 2. Một số loại thuốc có tác dụng hạ đường huyết điển hình như:

Kết hợp dùng một số thuốc hạ đường huyết, kích thích tuyến tụy tăng sinh insulin dành cho bệnh nhân tiểu đường type 2

  • Thuốc kích thích tăng sản sinh insulin của tuyến tụy: Thường dùng nhất là nhóm thuốc Sulfonylureas như Chlorpropamide (Diabinese), Glipizide (Glucotrol), Nateglinide (Starlix), Glimepiride (Amaryl), Glyburide (Diabeta hoặc Micronase), Repaglinide (Prandin);
  • Thuốc giảm hấp thu ở đường ruột: như Miglitol (Glyset) hoặc Acarbose (Precose). Đây là nhóm thuốc ức chế men alpha - glucosidase, có tác dụng làm giảm lượng glucose trong máu thông qua cơ chế trì hoãn quá trình phân hủy carbohydrate và ức chế ruột non hấp thu glucose;
  • Thuốc hỗ trợ các tế bào mỡ sử dụng insulin: Thường dùng nhất là nhóm thuốc Thiazolidinediones như Rosiglitazone (Avandia) hoặc Pioglitazone (Actos);
  • Thuốc giúp tăng sinh insulin/ tăng nồng độ máu hoặc ức chế gan sản xuất đường: như Alogliptin (Nesina), Albiglutide (Tanzeum) và Dulaglutide (Trulicity);
  • Thuốc ức chế SGTLT2: Các loại thường dùng như Dapagliflozin, Canagliflozin, Empagliflozin... giúp ức chế quá trình hấp thu glucose ở ống thận và kiểm soát chỉ số đường huyết hiệu quả, làm chậm tiến triển phát sinh biến chứng suy thận hoặc tử vong;
  • Thuốc ức chế men Dipentidyl peptidase-4 (DPP-4): Giúp ức chế men DPP-4, duy trì hoạt động của incretin và làm giảm lượng đường trong máu. Các loại thuốc thường dùng như Saxagliptin (Onglyza), Sitagliptin (Januvia), Linagliptin (Trajenta), Vildagliptin (Galvus);
  • Thuốc giảm sản xuất glucose ở gan, tăng cường sức đề kháng insulin và làm chậm quá trình chuyển hóa carbohydrate thành đường: điển hình là Metformin (Glucophage, Glucofast, Glucophage XR hoặc Panfor...);
  • Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1: Loại thuốc trị tiểu đường này được điều chế tương tự như hormone tự nhiên incretin trong cơ thể. Có tác dụng kích thích sự phát triển các tế bào B và duy trì ổn định lượng insulin đủ để cơ thể dùng. Thường dùng cho những bệnh nhân tiểu đường kèm theo các bệnh lý nền như suy tim, xơ vữa động mạch, suy thận mạn tính... Điển hình như Semaglutide (Ozempic), Liraglutide (Victoza), Exenatide (Byetta)...

Ngoài các loại thuốc đặc trị dành cho bệnh tiểu đường vừa kể trên, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm một số loại thuốc hỗ trợ như thuốc cao huyết áp, thuốc điều hòa cholesterol,... với liều dùng phù hợp. Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định dùng thuốc của bác sĩ về liều dùng, cách dùng để đạt hiệu quả tối đa và giảm nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.

2. Điều chỉnh lối sống, sinh hoạt 

Thay đổi lối sống lành mạnh và khoa học hơn là biện pháp tích cực đem lại hiệu quả bền vững nhất. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết để giúp quá trình dùng thuốc phát huy hiệu quả tối đa, kiểm soát chỉ số đường huyết ổn định và phòng ngừa các biến chứng khó lường.

Ăn uống và vận động tích cực là 2 yếu tố có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường

Về chế độ vận động

  • Tập thể dục ít nhất 150 phút/ tuần giúp cải thiện rõ rệt tình trạng kháng insulin và tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2;
  • Vận động tích cực còn giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm viêm, phục hồi chức năng thần kinh... có lợi cho bệnh nhân tiểu đường;
  • Ưu tiên những bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe hoặc các bài tập đa chức năng như hít đất, squats, nâng tạ...;

Về chế độ ăn uống

  • Kết hợp chế độ ăn uống dinh dưỡng, đủ chất và điều độ giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất, kiểm soát cân nặng;
  • Đặc biệt với bệnh nhân tiểu đường type 1, nên ăn 3 bữa chính và 3 - 4 bữa phụ/ ngày nhằm duy trì ổn định lượng đường và insulin trong máu;
  • Cân bằng lượng chất béo, protein và carbohydrate, trong đó chất béo bão hòa không vượt hơn 7%;

Tìm hiểu: Tê tay chân ở người tiểu đường: Thông tin cần biết

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh tiểu đường rất đơn giản, chỉ cần bạn có một lối sống khoa học và tác động tích cực đến sức khỏe chung thông qua các biện pháp sau:

Phòng ngừa tiểu đường thông qua chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh

  • Duy trì lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, tránh làm việc quá sức, luôn trong trạng thái tích cực, tránh stress...
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường sử dụng các nhóm thực phẩm giàu vitamin khoáng chất, chất xơ, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều đường, chất béo, carbohydrate tinh chế...
  • Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày, vận động tích cực, vừa sức với những bộ môn tốt cho sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga...
  • Nói không với các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...
  • Điều trị dứt điểm và kiểm soát các bệnh lý nền như rối loạn lipid máu, cao huyết áp...
  • Tự kiểm tra đường huyết tại nhà bằng thiết bị đo đơn giản.
  • Tầm soát sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần, đặc biệt nếu bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao bị tiểu đường để kịp thời phát hiện bất thường và điều trị hiệu quả.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?

2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh tiểu đường?

3. Tôi bị tiểu đường type mấy? Có đáng lo ngại không?

4. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán đái tháo đường?

5. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn đối với tình trạng tiểu đường của tôi?

6. Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả nhất dành cho tôi?

7. Điều trị tiểu đường bằng thuốc gì tốt nhất? Có gây tác dụng phụ không?

8. Những rủi ro và lợi ích liên quan đến phác đồ điều trị tiểu đường chỉ định cho tôi?

9. Bệnh tiểu đường có chữa khỏi dứt điểm được không?

10. Tôi cần làm gì trong quá trình điều trị tiểu đường để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng?

Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh tiểu đường cũng như những ảnh hưởng nguy hiểm của bệnh, cách điều trị và phòng ngừa tích cực. Hy vọng những kiến thức này đã giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về bản chất của tiểu đường và chủ động xây dựng lối sống khoa học, sinh hoạt lành mạnh để ngăn biến chứng, phòng ngừa bệnh hiệu quả, duy trì sức khỏe toàn diện.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Viêm Gan B
Viêm gan B được xem là mối hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người. Bệnh xảy ra do nhiễm virus viêm gan siêu vi B, chúng phát…
Bệnh Barrett thực quản
Barrett thực quản là một bệnh đường tiêu hóa phổ…
Bệnh Ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn là bệnh ung thư nguy hiểm,…
Bệnh Thoát Vị Đùi
Thoát vị đùi là một trong những dạng thoát vị…
Bệnh Gan Nhiễm Mỡ

Gan nhiễm mỡ là bệnh lý về gan phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ biến chứng…

Bệnh trĩ Bệnh Trĩ

Bệnh trĩ là nỗi ám ảnh của hơn 45% dân số Việt Nam. Phần lớn nguyên nhân gây trĩ là…

Bệnh Hẹp môn vị phì đại

Hẹp môn vị phì đại là sự thu hẹp của cơ môn vị làm tắc nghẽn đường dẫn thức ăn…

Hội chứng Boerhaave

Hội chứng Boerhaave là tình trạng vỡ tự phát của thực quản do chịu áp lực và căng thẳng quá…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua