Hội chứng Mallory-Weiss
Hội chứng Mallory Weiss là tình trạng xảy ra vết rách ở niêm mạc thực quản do nôn ói quá nhiều hoặc nhiều tác nhân gây áp lực khác lên ổ bụng. Bệnh này đặc trưng bởi sự xuất huyết tiêu hóa cấp tính, tuy nhiên đa số trường hợp đều không quá nghiêm trọng và có thể tự cầm máu, tự lành sau vài ngày. Nhưng với những trường hợp vết rách thực quản nặng gây tổn thương nghiêm trọng cần phải phẫu thuật để ngăn ngừa biến chứng.
Tổng quan
Hội chứng Mallory-Weiss (Mallory-Weiss syndrome) là vết rách niêm mạc bên trong thực quản hoặc đoạn gần dạ dày. Tình trạng này xảy ra do tăng đột ngột và mạnh mẽ áp lực trong ổ bụng, gây xuất huyết tiêu hóa cấp tính. Hội chứng này chiếm khoảng 8 - 15% trong tổng số các trường hợp xuất huyết tiêu hóa.
Hội chứng này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1929, đặt tên theo 2 bác sĩ phát hiện ra nó là Kenneth Mallory và Soma Weiss. Vết rách ở thực quản được tìm thấy ở những người nôn ói dữ dội và liên tục sau khi uống nhiều rượu. Độ tuổi được phát hiện mắc hội chứng này phổ biến nhất là từ 40 - 60 tuổi. Trong đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 4 lần so với nữ giới, hiếm khi xảy ra ở trẻ em.
Đa số các trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên/ dưới do hội chứng Mallory Weiss đều có thể tự lành cầm. Nhưng khoảng 10% trong số các ca mắc bị xuất huyết dữ dội và phải tiến hành điều trị cấp cứu y tế kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng khó lường.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Theo các chuyên gia, hội chứng Mallory Weiss có liên quan đến việc tăng đột ngột áp lực mạnh bên trong ổ bụng. Điều này khiến các chất trong dạ dày đi vào thực quản và tác động mạnh dẫn đến rách. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tăng áp lực ổ bụng này như:
- Nôn ói dữ dội và liên tục;
- Căng thẳng;
- Ho khan kéo dài hoặc hắt hơi mạnh;
- Nâng vác vật nặng;
- Chấn thương vùng bụng, ngực;
- Hô hấp nhân tạo;
- Ảnh hưởng từ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc các tình trạng hô hấp khác như hen suyễn;
Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng gây rách thực quản Mallory Weiss như:
- Uống nhiều rượu: Đây là yếu tố hàng đầu gây ra hội chứng Mallory Weiss, chiếm tỷ lệ khoảng 50 - 70%.
- Rối loạn ăn uống: Điển hình là chứng Bulimia, một dạng cuồng ăn vô độ đến mức gây nôn mửa dữ dội.
- Hội chứng nôn mửa theo chu kỳ: Đây là bệnh lý đặc trưng bởi những cơn buồn nôn, nôn ói liên tục, lặp đi lặp lại đến mức kiệt sức.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng.
- Chấn thương: Vết rách do hội chứng Mallory Weiss cũng có thể xảy ra do chấn thương ở thực quản hoặc dạ dày. Nguyên nhân có thể xuất phát từ tai nạn hoặc thực hiện các thủ thuật y tế.
- Các yếu tố khác:
- Giãn tĩnh mạch thực quản;
- Buồn nôn, nôn ói quá mức khi mang thai;
- Tăng huyết áp trong tĩnh mạch;
- Thoát vị hoành;
- Viêm dạ dày;
- Co giật;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Một người khi mắc hội chứng Mallory Weiss có thể gặp một số triệu chứng sau đây:
- Đau bụng trên dữ dội và dai dẳng;
- Nôn ra máu, máu có màu đỏ tươi hoặc nâu sẵm;
- Nôn khan;
- Phân sẫm màu, dính nhớp do lẫn máu, chất nôn;
- Gây khó nuốt, khó thở;
- Chóng mặt, ngất xỉu;
Chẩn đoán
Chẩn đoán vết rách do hội chứng Mallory Weiss gây ra thường dựa trên đánh giá các triệu chứng lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh, lối sống cá nhân của người bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc kiểm tra sức khỏe thể chất toàn diện để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại, kiểm tra các dấu hiệu chảy máu hoặc các biến chứng khác.
Kết hợp thực hiện một số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm máu: Giúp đánh giá công thức máu máu toàn bộ, khả năng đog6 máu và kiểm tra chức năng thận.
- Nội soi thực quản (EGD): Phương pháp nội soi giúp chẩn đoán vết rách hội chứng Mallory Weiss và loại trừ một số rối loạn bất thường khác trên thực quản.
Ngoài ra, cần chẩn đoán phân biệt hội chứng Mallory Weiss với các vấn đề sức khỏe khác gây ra những triệu chứng tương tự như:
- Hội chứng Boerhaave gây vỡ thực quản do nôn mửa;
- Hội chứng Zollinger Ellison;
- Bệnh viêm dạ dày ăn mòn mãn tính;
- Thủng thực quản;
- Loét dạ dày tá tràng;
Biến chứng và tiên lượng
Đa số các trường hợp xuất hiện vết rách thực quản do hội chứng Mallory Weiss đều có xu hướng tự lành lại sau khoảng 72 giờ mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp xuất huyết nghiêm trọng do tổn thương nặng bắt buộc can thiệp phẫu thuật sửa chữa vết rách thực quản để giảm thiểu tối đa biến chứng.
Ngoài ra, nếu hội chứng Mallory Weiss không được điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng và hệ lụy khó lường cho sức khỏe như:
- Thiếu máu, khó thở và thường xuyên mệt mỏi;
- Tim đập nhanh;
- Buồn nôn, nhợn ói liên tục;
- Xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng;
Nếu xuất huyết nghiêm trọng do không điều trị sớm, bệnh nhân có thể rơi vào hôn mê, ý thức lơ mơ, huyết áp giảm thấp... và đe dọa đến tính mạng. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần phải được cấp cứu ngay lập tức để điều trị kiểm soát bệnh.
Do đó, nếu chưa xác định được nguyên nhân gây hội chứng Mallory Weiss là gì cũng như mức độ bệnh có nghiêm trọng hay không. Tốt nhất bạn nên chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tư vấn điều trị bằng phương pháp phù hợp, giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng khó lường.
Điều trị
Theo Tổ chức Quốc gia về các Rối loạn hiếm gặp, khoảng 80-90% trường hợp mắc hội chứng Mallory Weiss không cần điều trị, vết rách nhỏ có thể tự lành lại sau vài ngày, vài tuần. Việc can thiệp điều trị y tế chỉ áp dụng cho những trường hợp xuất huyết kéo dài, kèm theo các dấu hiệu nghiêm trọng như khó thở, tụt huyết áp, hôn mê...
Một số biện pháp điều trị thường được chỉ định áp dụng đối với hội chứng Mallory Weiss như:
Điều trị nội soi
Phương pháp nội soi đường tiêu hóa trên (Esophagogastroduodenoscopy) vừa được sử dụng để chẩn đoán vừa điều trị hội chứng Mallory Weiss. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, an toàn hơn so với các phẫu thuật xâm lấn nhiều rủi ro.
Một số biện pháp nội soi được áp dụng phổ biến như:
- Liệu pháp tiêm nội soi: Bác sĩ sẽ tiến hành tiêm epinephrine thông qua ống nội soi. Thuốc khi đã vào trong thực quản sẽ giúp cầm máu nhanh chóng nhờ cơ chế đóng kín các mach máu xung quanh vết rách. Tuy nhiên, vì thuốc epinephrine có thể gây ảnh hưởng đến tim nên những bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh động mạch vành được chống chỉ định áp dụng biện pháp này.
- Liệu pháp đông máu: Hay còn được gọi là liệu pháp đốt điện nội soi, sử dụng nhiệt từ dòng điện để bịt kín vết rách tại thực quản. Cách này được thực hiện bằng cách đưa một đầu dò vào trong ống nội soi và truyền dòng diện thông qua nó để đến các mô bị tổn thương.
- Liệu pháp kẹp cầm máu nội soi: Phương pháp này sử dụng một chiếc kẹp kim loại nhỏ vào trong ống nội soi, tiếp cận đến vết rách và tiến hành kẹp chặt vết rách.
- Liệu pháp thắt băng nội soi: Sử dụng một ống chèn dài đưa thông qua ống nội soi, ống này giúp hút các mô hoại tử vào, sau đó quấn một dải băng xung quanh vết rách. Điều này giúp cắt đứt lưu lượng máu đến khu vực này và cầm máu nhanh chóng.
Liệu pháp điều trị động mạch
Phương pháp này được xem xét và cân nhắc chỉ định cho những trường hợp thực hiện nội soi không có kết quả. Kỹ thuật này được thực hiện nhắm vào các mạch máu đang cung cấp máu cho khu vực vết rách thực quản. Quá trình thực hiện gồm 2 bước cơ bản sau:
- Tiếp cận động mạch máu bằng ống thông;
- Thông qua ống thông này, bác sĩ sẽ tiêm vào trong một loại thuốc như vasopressin có tác dụng đóng kín động mạch này lại;
Phẫu thuật
Trong một số tình huống nghiêm trọng khẩn cấp, liệu pháp nội soi và điều trị động mạch chưa đủ để cầm máu. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số biện pháp khác tác động mạnh hơn để ngăn chặn vết rách tiến triển nặng hơn. Điển hình là phương pháp phẫu thuật nội soi khâu vết rách thực quản.
Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc là biện pháp điều trị hỗ trợ nhằm cải thiện các triệu chứng có liên quan đến hội chứng Mallory Weiss. Trong đó, nhóm thuốc làm giảm sản xuất axit dạ dày, điển hình như lansoprazole (Prevacid) và famotidine (Pepcid). Tuy nhiên, do hiệu quả của chúng vẫn còn đang được nghiên cứu nên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được kê đơn dùng thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen, kết hợp uống nhiều nước và ăn thức ăn lỏng cho đến khi vết rách lành lại hoàn toàn.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa hội chứng Mallory Weiss, mỗi chúng ta có thể thực hiện các biện pháp đơn giản sau:
- Ngăn chặn những đợt nôn mửa kéo dài ngoài ý muốn thông qua việc hạn chế uống rượu, ăn uống khoa học hoặc dùng thuốc kiểm soát cảm giác buồn nôn, nôn ói.
- Điều chỉnh thực đơn ăn uống khoa học, tăng cường các loại thực phẩm lành mạnh, ít gia vị, tránh thực phẩm cay nóng, chứa axit có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản và dạ dày...
- Uống nhiều nước để tránh gây mất nước, nhất là khi nôn ói quá nhiều.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi mắc hội chứng Mallory Weiss?
2. Hội chứng Mallory Weiss có nguy hiểm không?
3. Mức độ rách thực quản của tôi có nghiêm trọng không?
4. Nếu không điều trị, vết rách thực quản có tự khỏi không?
5. Phương pháp điều trị hội chứng Mallory Weiss hiệu quả nhất dành cho tôi?
6. Trường hợp bệnh của tôi có cần phẫu thuật không?
7. Sau phẫu thuật, mất bao lâu tôi có thể khỏe lại hoàn toàn?
8. Tôi cần lưu ý những gì trong quá trình điều trị hội chứng Mallory Weiss?
Hội chứng Mallory Weiss gây rách thực quản tuy không quá phổ biến nhưng một khi mắc phải có thể gây đau nhức, khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Nhiều trường hợp nghiêm trọng có thể phát sinh biến chứng khó lường đe dọa tính mạng. Do đó, hãy thăm khám sớm và tuân thủ tư vấn điều trị của bác sĩ để ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.
ĐỌC NGAY:
- Hội Chứng Boerhaave - Nhận Biết Bệnh Lý Nguy Hiểm
- Phác Đồ Điều Trị Xuất Huyết Tiêu Hóa Của Bộ Y Tế
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!