Bệnh Giãn Tĩnh Mạch Thừng Tinh
Giãn mạch thừng tinh là bệnh lý nam khoa phổ biến, thường xảy ra ở trẻ dậy thì và trẻ thành niên. Bệnh lý này không quá nguy hiểm, nhưng nếu không điều trị khi bệnh ở giai đoạn bùng phát có thể gây biến chứng vô sinh hiếm muộn và nhiều rủi ro khác về sức khỏe. Phương pháp điều trị giãn mạch thừng tinh phổ biến nhất hiện nay là thuyên tắc tĩnh mạch hoặc phẫu thuật loại bỏ các tĩnh mạch bị giãn.
Tổng quan
Thừng tinh là ống nối từ tinh hoàn lên phần dưới ổ bụng. Theo cấu trúc giải phẫu, trong thừng tinh có chứa ống dẫn tinh, các mạch bạch huyết, mạch máu và dây thần kinh. Tĩnh mạch thừng tinh là hệ thống dẫn máu lưu thông từ bìu, tinh hoàn, đi theo ống bẹn để về hệ thống tuần hoàn chung, đảm bảo quá trình trao đổi chất và thực hiện chức năng sản xuất hormone sinh dục nam, nuôi dưỡng tinh trùng.
Giãn mạch thừng tinh (Scrotal Varicocele) là tình trạng các tính tĩnh mạch tinh và đám rối tĩnh mạch tinh bị giãn ra bất thường. Hiện tượng này có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 bên tinh hoàn, nhưng đa phần các trường hợp phát hiện giãn mạch thừng tinh xảy ra bên trái (chiếm tỷ lệ 90%). Do cấu trúc của bìu trái và bìu phải không giống nhau hoàn toàn, việc xảy ra giãn mạch thừng tinh ở cả 2 bên rất hiếm khi xảy ra.
Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, nhưng phổ biến nhất là ở nam giới sau tuổi dậy thì hoặc tuổi thanh thiếu niên. Bệnh không quá nguy hiểm, có thể chữa khỏi được nhưng nếu điều trị muộn ở giai đoạn đã có biến chứng sẽ rất phức tạp. Tăng nguy cơ gây suy giảm chức năng tinh hoàn, khả năng sản xuất tinh dịch, chất lượng tinh trùng giảm và dễ vô sinh hiếm muộn.
Phân loại
Bệnh giãn mạch thừng tinh được chia làm 3 mức độ dựa theo tiến triển và các triệu chứng bệnh:
- Giai đoạn 1: Chỉ nhìn thấy hoặc sờ thấy sự khác thường về các triệu chứng giãn mạch thừng tinh khi dùng tay kéo căng bìu;
- Giai đoạn 2: Có thể sờ thấy nhưng không nhìn thấy mỗi khi đứng thẳng mà không cần phải thực hiện nghiệm pháp Valsava;
- Giai đoạn 3: Các triệu chứng giãn mạch thừng tinh biểu hiện rõ ở vùng da bịu mỗi khi người bệnh đứng thẳng;
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Theo các chuyên gia, cơ chế bệnh sinh giãn mạch thừng tinh là do chức năng hệ thống van tĩnh mạch bị suy yếu, khiến máu tĩnh mạch chủ lưu thông ngược về hệ thống tĩnh mạch tinh (sinh dục). Theo thời gian, các đám rối tĩnh mạch tinh ở bìu, bẹn bị giãn rộng, gây ứ trệ máu huyết tại đây, tăng nhiệt độ tinh hoàn và ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
Tuy có cơ chế rõ ràng nhưng nguyên nhân làm giãn mạch thừng tinh vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng, nên đa phần các trường hợp bệnh này đều được xếp vào nhóm bệnh tự phát (idiopathy). Nhưng theo nhiều giả thuyết, nguyên nhân gây giãn mạch thừng tinh có thể xuất phát từ:
- Ảnh hưởng từ chứng bệnh suy van tĩnh mạch;
- Những người bị tác động mạnh tạo áp lực lên ổ bụng như có khối u ở phía sau phúc mạc hoặc ở vùng tiểu khung;
- Bất thường về quá trình lưu thông máu từ tĩnh mạch tinh vào tĩnh mạch chủ bụng hoặc tĩnh mạch thận trái;
- Các yếu tố nguy cơ khác như:
- Rối loạn nội tiết tại tinh hoàn;
- Lười vận động;
- Thừa cân - béo phì;
- Yếu tố di truyền, tiền sử gia đình;
Triệu chứng và chẩn đoán
Hầu hết những ca bệnh giãn mạch thừng tinh đều ít khi gây ra triệu chứng cụ thể trong giai đoạn đầu và chỉ được phát hiện khi khám sức khỏe tiền hôn nhân hoặc khám vô sinh. Nhưng khi bệnh tiến triển đến các giai đoạn sau, bệnh nặng hơn sẽ gây ra hàng loạt các triệu chứng bất thường như:
- Gây đau nhức và cảm giác đau tức, nặng bìu khó chịu;
- Mức độ đau càng tăng lên khi nằm hoặc đứng quá lâu, sau khi hoạt động mạnh quá sức;
- Tần suất đau nhiều nhất là khi về chiều;
- Quan sát bằng mắt thường sẽ thấy một bên bìu sẽ lớn hơn bên còn lại. Biểu hiện này thường xuất hiện ở những người bị giãn mạch thừng tinh lâu năm, gây biến chứng teo tinh hoàn;
Bệnh nhân giãn mạch thừng tinh thường được phát hiện khi khám hiếm muộn. Để chẩn đoán giãn mạch thừng tinh, trước tiên bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý và thu thập các thông tin về triệu chứng lâm sàng, đánh giá hình dạng và các biểu hiện bên ngoài của người bệnh. Sau đó, mới tiến hành thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Cụ thể như sau:
- Khám lâm sàng: Thông qua khai thác tiền sử bệnh nhằm kiểm tra xem có hiện tượng sưng đau bìu hay không.
- Nghiệm pháp Valsalva: Được thực hiện nhằm mục đích chẩn đoán mức độ giãn của các tĩnh mạch thừng tinh nhỏ. Bệnh nhân đứng thẳng người, hít thở sâu và gắng sức thở mạnh ra có xu hướng rặn gần giống như rặn khi đại tiện. Cùng lúc đó, bệnh nhân dùng tay bịt mũi lại và giữ nguyên tư thế này trong vòng 10 giây. Quá trình này sẽ được bác sĩ theo dõi và quan sát kỹ để kiểm tra tinh hoàn.
- Siêu âm bìu: Một số trường hợp giãn mạch thừng tinh được chỉ định siêu âm Doppler để nghe thấy âm thanh của quá trình máu trào ngược dòng qua van. Kết quả đường kính tĩnh mạch tinh > 2.5mm được chẩn đoán là giãn mạch thừng tinh. Đồng thời, kết hợp đo nhiệt độ của tinh hoàn bằng công nghệ cảm biến hồng ngoại hiện đại, giúp phát hiện những khu vực nhiệt độ cao tức có máu tụ lại do giãn mạch thừng tinh
Biến chứng và tiên lượng
Theo một thống kê mới nhất, có khoảng 40% ca hiếm muộn nguyên phát và 80% ca hiếm muộn thứ phát bắt nguồn từ bệnh giãn mạch thừng tinh. Giãn tinh mạch thừng tinh là căn bệnh nam khoa không thể tự khỏi, vì cơ bản đám tĩnh mạch đã giãn ra sẽ không thể tự phục hồi lại. Nhưng có thể chữa khỏi được nếu điều trị đúng cách và tích cực.
Bệnh có thể gây ra vô sinh vì các lý do sau:
- Máu ứ đọng tại các tĩnh mạch làm tăng nhiệt độ bên trong bìu, làm suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, từ đó giảm chức năng sinh sản;
- Nếu bệnh xảy ra ở trẻ trong độ tuổi thiếu niên, bên bìu bị giãn mạch thừng tinh sẽ phát triển kém hơn bên còn lại, lâu ngày dẫn đến teo tinh hoàn và gây vô sinh, ảnh hưởng đến thẩm mỹ;
Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ vô sinh hiếm muộn do giãn mạch thừng tinh không quá cao. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân giãn mạch thừng tinh độ 3 nhưng vẫn có con. Do đó, nếu mắc bệnh nhưng không gây ra các bất thường về tinh hoàn thì chức năng sinh sản sẽ không bị ảnh hưởng và cũng không nhất thiết phải điều trị.
Việc điều trị giãn mạch thừng tinh chỉ được thực hiện khi bị vô sinh không rõ nguyên nhân, xét nghiệm tinh dịch đồ thấy tinh trùng ít, loãng, kém chất lượng.
Điều trị
Tùy theo mức độ và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
1. Điều trị nội khoa
Trường hợp giãn mạch thừng tinh độ 1 với mức độ các triệu chứng không quá nặng, chưa có biến chứng nặng thường được ưu tiên điều trị nội khoa dùng thuốc kháng sinh.
Tại Việt Nam, loại thuốc trị giãn mạch thừng tinh được chỉ định sử dụng phổ biến nhất là Daflon 500mg, hoạt chất cụ thể là Diosmin. Ngoài ra, một số trường hợp còn được kết hợp dùng thuốc giảm đau không kê đơn, điển hình như Paracetamol. Lưu ý tuân thủ liều dùng thuốc được chỉ định bởi bác sĩ, tuyệt đối không lạm dụng quá mức để tránh gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu sự khó chịu, hãy thực hiện các biện pháp tích cực sau:
- Mặc quần lót thoải mái, chất liệu mềm mại, tránh ôm sát quá mức;
- Chườm lạnh giảm đau;
- Tập yoga;
- Thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ và chất chống oxy hóa;
- Kiêng các loại thực phẩm có hại, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá trong quá trình điều trị...;
2. Phẫu thuật
Những trường hợp bị giãn mạch thừng tinh nặng, gây biến chứng và không đáp ứng điều trị nội khoa sẽ được chỉ định phẫu thuật. Hiện nay, can thiệp phẫu thuật giãn mạch thừng tinh được thực hiện bằng 2 phương pháp chính là:
# Gây thuyên tắc tĩnh mạch thừng tinh
Đây là phương pháp gây can thiệp để chặn nguồn máu cung cấp đến tinh hoàn tạm thời. Thủ thuật này được thực hiện sau khi bệnh nhân đã được gây mê cục bộ, sau đó rạch một đường ở tĩnh mạch bẹn, luồn kim vào tiếp cận đến các tĩnh mạch thừng tinh bị giãn và khóa tạm thời chúng lại.
Tỷ lệ thành công của phương pháp này khoảng 80% và vẫn có nguy cơ tái phát. Sau khi khóa tạm thời, máu sẽ không thể lưu thông đến các tĩnh mạch tinh bị giãn nên sẽ không còn gây đau nhức, sưng viêm nữa.
# Thắt tĩnh mạch thừng tinh
Phương pháp này được thực hiện nhằm xử lý các biến chứng giãn mạch thừng tinh, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe sinh sản và chức năng tình dục ở nam giới. Tỷ lệ thành công sau khi phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh là khoảng 95%.
Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân trong suốt quá trình phẫu thuật cắt bỏ hoặc thắt tĩnh mạch thừng tinh bị giãn. Tùy trường hợp mà bệnh nhân sẽ được chỉ định mổ nội soi ổ bụng hoặc mổ mở ngả bẹn. Hiện nay, còn có phương pháp vi phẫu cũng được áp dụng trong điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Quá trình phẫu thuật chỉ mất khoảng 1 tiếng, bệnh nhân ở lại bệnh viện để theo dõi và có thể ra về trong ngày nếu không có biến chứng xảy ra.
Tuy phẫu thuật đem lại hiệu quả cao nhưng phương pháp này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro biến chứng hậu phẫu như xuất huyết, nhiễm trùng, áp xe mưng mủ, teo tinh hoàn không hồi phục... Do đó, hãy cân nhắc, thận trọng trước khi quyết định phẫu thuật giãn mạch thừng tinh và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
3. Chăm sóc hậu phẫu
Để giảm thiểu các tổn thương và biến chứng nhiễm trùng sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được chăm sóc kỹ lưỡng bằng các biện pháp sau:
- Trong vòng 24 tiếng sau phẫu thuật, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại giường nhiều hơn, có thể tắm nhưng không được ngâm bồn;
- Sau 48 tiếng kể từ thời điểm phẫu thuật, bệnh nhân có thể sinh hoạt trở lại bình thường, nhưng hạn chế vận động mạnh như quan hệ tình dục hoặc khuân vác đồ vật;
- Đối với cảm giác ngứa ngáy, rỉ dịch tại vết mổ là bình thường, hãy vệ sinh bằng nước muối sinh lý và đắp gạc thuốc theo chỉ định của bác sĩ;
- Dùng thuốc giảm đau sau khi thuốc gây tê/ gây mê hết tác dụng trong vòng 48 giờ đầu;
- Sau 2 tuần chăm sóc tại nhà, hãy tái khám lại để kiểm tra vết mổ;
- 3 tháng sau mổ, hãy trở lại bệnh viện để kiểm tra chất lượng tinh trùng. Bước này cần được thực hiện thường xuyên để thấy chất lượng tinh trùng sẽ tăng dần theo thời gian;
Phòng ngừa
Để phòng ngừa giãn mạch thừng tinh, nam giới cần thực hiện lối sống sinh hoạt lành mạnh thông qua các biện pháp sau:
- Không nên mặc quần lót quá chật, ôm sát cơ quan sinh dục hoặc làm từ chất liệu không thấm hút mồ hôi.
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng cách tắm gội thường xuyên, tránh dùng các sản phẩm chứa chất kích ứng tại vùng này.
- Tắm nước ấm hoặc nước mát, không nên tắm hoặc ngâm mình trong nước nóng vì tĩnh mạch thừng tinh rất dễ bị giãn nỡ, tăng nguy cơ bị giãn mạch thừng tinh mức độ nặng;
- Khi khuân vác đồ vật, hãy chú ý thực hiện đúng tư thế, không cố gắng quá sức, không đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ để tránh làm giãn mạch thừng tinh.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các tổn thương và bất thường tại cơ quan sinh dục để kịp thời xử lý, ngăn ngừa các biến chứng khó lường.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh giãn mạch thừng tinh có nguy hiểm không?
2. Nguyên nhân khiến tôi bị giãn mạch thừng tinh là gì?
3. Bị giãn mạch thừng tinh có con được không?
4. Chẩn đoán giãn mạch thừng tinh bằng biện pháp nào?
5. Phương pháp điều trị giãn mạch thừng tinh tốt nhất?
6. Khi nào cần phẫu thuật giãn mạch thừng tinh?
7. Phương pháp phẫu thuật nào tốt nhất và phù hợp với tình trạng bệnh của tôi?
8. Những rủi ro tiềm ẩn khi phẫu thuật tôi có thể gặp phải và cách xử lý?
9. Quá trình điều trị giãn mạch thừng tinh mất bao lâu thì khỏi?
10. Sau điều trị, tôi có thể bị tái phát giãn mạch thừng tinh không?
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là căn bệnh phổ biến ở nam giới và tương đối lành tính. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ một số bệnh nhân gặp phải biến chứng vô sinh hiếm muộn rất khó điều trị. Do đó, hãy chủ động thăm khám sức khỏe, tầm soát các bệnh lý liên quan đến hệ sinh sản, sớm phát hiện giãn mạch thừng tinh và tiếp nhận điều trị bằng phác đồ phù hợp, ngăn ngừa các rủi ro khó lường về sau.
ĐỌC THÊM
- Dấu hiệu viêm tinh hoàn sau quai bị và phương pháp điều trị
- Bị đau tinh hoàn khám ở đâu, bệnh viện nào uy tín và tốt nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!