Bệnh Thoát Vị Đùi

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Thoát vị đùi là một trong những dạng thoát vị khá hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro biến chứng nguy hiểm. Bệnh chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành, chủ yếu là nữ giới, hiếm khi xảy ra ở trẻ em. Khối thoát vị ở đùi nếu không được xử lý sớm và đúng cách có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe và cả tính mạng người bệnh.

Thoát vị đùi là một dạng thoát vị xảy ra khi các tạng trong ổ bụng di chuyển xuống mặt trước đùi

Tổng quan

Thoát vị đùi (Femoral hernia) là tình trạng các tạng trong ổ bụng bị đẩy qua vùng cơ tam giác Scarpa, giữa thành cơ của háng hoặc đùi trong. Vị trí nơi các tạng chui qua là một vùng cơ yếu ở ống xương đùi. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng như xuất hiện khối u ở mặt trong đùi, háng, gây khó chịu kèm theo một số triệu chứng tại đường tiêu hóa.

Dạng thoát vị này thường ít phổ biến, chỉ chiếm khoảng 3% trên tổng số các trường hợp mắc bệnh thoát vị và khoảng 6% trên tổng các ca thoát vị bẹn. Bệnh chủ yếu xảy ra ở nữ giới (chiếm tỷ lệ 53 - 65%).

Phân loại

Dựa theo mức độ và tính chất tiến triển khi bị thoát vị đùi, bệnh được chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Thoát vị không hoàn toànLà tình trạng các tạng chui xuống vùng tam giác Scarpa, hướng ra phía trước đùi và nằm dưới cân sàng.
  • Thoát vị hoàn toànLà tình trạng các tạng di chuyển xuyên qua lỗ bầu dục, nằm ở phía trước cân sàng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hệ thống cơ bắp con người khi khỏe mạnh có nhiệm vụ giữ cho ruột và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể ở đúng vị trí của chúng. Tuy nhiên, khi gặp yếu tố tác động nào đó, các mô cơ trong ổ bụng trở nên lỏng lẻo, khiến các tạng dễ dàng bị đẩy qua một vị trí khác. Và một trong những nơi phổ biến nhất chính là thoát vị đùi.

Phụ nữ mang thai, sinh đẻ nhiều lần là đối tượng có nguy cơ cao bị thoát vị đùi

Có nhiều yếu tố tác động làm yếu cơ dẫn đến thoát vị đùi như:

  • Phụ nữ mang thai và sinh đẻ nhiều lần khiến các cơ thành bụng suy yếu;
  • Khung chậu không dẻo dai, ít co giãn trong quá trình sinh nở;
  • Thừa cân béo phì;
  • Hoạt động khuân vác vật nặng quá sức;
  • Ho dai dẳng, táo bón hoặc rặn mạnh khi đại tiện;
  • Người nghiện thuốc lá hoặc mắc các bệnh lý về phổi, xơ nang...;
  • Người từng có tiền sử thực hiện thẩm phân phúc mạc (lọc máu) để điều trị bệnh về thận;
  • Một số ít trường hợp thoát vị đùi là do bẩm sinh do liên quan đến dị tật thai kỳ hoặc thừa hưởng gen từ gia đình;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Người bị thoát vị đùi thường có các triệu chứng điển hình như:

Xuất hiện khối phồng to ở đùi, kèm theo sưng phì, đau tức nhẹ vùng bẹn, hông

  • Đùi phình to bất thường, nhất là mặt đùi trước và háng, tình trạng này càng nghiêm trọng khi người bệnh đi lại quá nhiều hoặc khi duỗi thẳng chân;
  • Sau đó có thể tự thu nhỏ lại khi nằm nghỉ ngơi;
  • Gây đau nhức và khó chịu mặt đùi trong;
  • Kèm theo đau vùng hông do thoát vị đùi nằm ở vị trí gần với xương hông;
  • Các triệu chứng thoát vị nghẹt do đường ruột bị cản trở như buồn nôn, nôn ói, táo bón, đau nhức dữ dội và rối loạn nhịp tim;

Đây là các triệu chứng đặc trưng của thoát vị đùi, tuy nhiên chúng thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Nên đã có không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thoát vị đùi nặng khó kiểm soát nhưng lại không hề hay biết chính xác bệnh.

Chẩn đoán 

Chẩn đoán thoát vị đùi được chuyên gia thực hiện thông qua thu thập các triệu chứng cơ năng lâm sàng do bệnh nhân cung cấp. Đồng thời, kết hợp thăm khám tại chỗ nhằm đánh giá các triệu chứng thực thể về khối phồng to ở đùi:

  • Thường có hình bầu dục hoặc hình tròn, nằm ở nếp lằn bẹn, kích thước không quá to;
  • Mềm, sờ vào không đau;
  • Nắn mạnh khiến khối phồng nhỏ lại nhưng khó hơn thoát vị bẹn;
  • Gõ vào khối thoát vị đùi nghe tiếng vang, óc ách;
  • Bắt được động mạch bẹn ở bên ngoài khối phồng;
  • Vùng da bên ngoài vị trí bị thoát vị đùi chuyển sang màu đỏ, tím sẫm màu;

Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số kỹ thuật chẩn đoán hiện đại khác để đánh giá bệnh và đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Chẩn đoán thoát vị đùi bằng các kỹ thuật và xét nghiệm tân tiến như chụp X quang ngực, CT hoặc MRI

  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • Chụp X quang ngực;
  • Siêu âm, chụp CT scan hoặc MRI;
  • Đo điện tâm đồ (ECG);
  • ...

Ngoài ra, trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ cũng sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt giữa thoát vị đùi với các bệnh lý khác có triệu chứng nổi khối phồng tương tự như:

  • Thoát vị bẹn;
  • Áp xe lạnh;
  • Viêm hạch bẹn;
  • Khối phồng tĩnh mạch;
  • ...

Biến chứng và tiên lượng

Biến chứng nghiêm trọng nhất của thoát vị đùi là thoát vị nghẹt. Đây là một trong những vấn đề sức khỏe y tế cần được cấp cứu khẩn cấp. Lúc này, sự bóp nghẹt của khối thoát vị khiến ruột và các mô ruột thiếu máu để duy trì hoạt động sống, gây tắc ruột, dễ bị hoại tử, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không điều trị kịp thời.

Do đó, khi phát hiện các triệu chứng nghiêm trọng của thoát vị đùi như đau bụng, đau háng, hông, buồn nôn và nôn mửa dữ dội mất kiểm soát hãy gọi 115 ngay lập tức để được chăm sóc y tế ngay lập tức, bảo toàn tính mạng. Tiên lượng điều trị thoát vị đùi tương đối cao nếu được phát hiện kịp thời và bệnh nhân phối hợp với phác đồ điều trị được chỉ định. Tỷ lệ tái phát thoát vị đùi sau phẫu thuật là khá thấp.

Điều trị

Tùy theo mức độ và tiến triển thoát vị đùi mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

1. Trường hợp thoát vị đùi nhẹ

Thông thường, với những trường hợp thoát vị đùi mức độ nhẹ, không nhất thiết phải can thiệp ngoại khoa, thay vào đó chỉ cần theo dõi tình triệu chứng và tái khám thường xuyên để kịp thời áp dụng biện pháp xử lý phù hợp, ngăn chặn biến chứng.

Đồng thời, có thể được cân nhắc đến phương pháp đeo băng. Cách này thường được áp dụng với người cao tuổi, già yếu, thể trạng sức khỏe không đáp ứng với phương pháp phẫu thuật, nhằm mục đích giảm đau và hỗ trợ ngăn ngừa biến chứng.

2. Trường hợp thoát vị đùi nặng

Còn với những trường hợp thoát vị đùi mức độ nặng, phẫu thuật là phương pháp duy nhất được chỉ định nhằm điều trị dứt điểm và loại bỏ triệt để khối thoát vị. Phẫu thuật nhằm mục đích đẩy khối thoát vị là các tạng, ruột về đúng vị trí trong ổ bụng. Tùy vào kích thước khối thoát vị và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật mổ phù hợp.

Phẫu thuật thoát vị đùi bằng 2 phương pháp chính là mổ hở hoặc mổ nội soi

Có 2 phương pháp mổ thường được áp dụng là mổ hở và mổ nội soi:

Mổ nội soi

Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu, ít đau đớn, ít chảy máu, vết mổ nhỏ, nhanh hồi phục và ít để lại biến chứng. Phương pháp này được thực hiện khi bệnh nhân được gây mê toàn thân. Tuy hiệu quả nhưng phương pháp này chỉ phù hợp với những người có khối thoát bị đùi nhỏ.

  • Sử dụng ống nhỏ, mỏng có gắn camera nội soi, đưa vào trong cơ thể thông qua vết rạch nhỏ, tiếp cận đến vị trí thoát vị đùi;
  • Tiến hành di chuyển các mô phồng (các tạng) trở về vị trí trong ổ bụng;
  • Sau đó sửa chữa vùng cơ bị suy yếu bằng vật liệu lưới nhân tạo.

Mổ hở

Bệnh nhân được gây mê toàn thân hoặc gây tê cục bộ tùy từng trường hợp cụ thể.

Quy trình thực hiện cơ bản như sau:

  • Rạch một đường tại vùng da ở háng, thẳng từ cung đùi kéo dài đến vị trí thoát vị;
  • Mở túi thoát vị, kiểm tra các tạng và đẩy ngược trở về ổ bụng;
  • Sửa chữa ống xương đùi;
  • Dùng một miếng vật liệu nhân tạo dạng lưới đặt vào vị trí bị thoát vị nhằm tạo điểm tựa củng cố sự vững chắc, phòng tránh tái phát thoát vị;
  • Khâu vết mổ phục hồi;

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc giảm đau, chống viêm và cả thuốc nhuận tràng nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng, ngăn các biến chứng hậu phẫu như chảy máu, hình thành các cục máu khó đông, tiểu khó, các tác dụng phụ của thuốc gây mê, gây tê, nhiễm trùng vết mổ, tổn thương các cơ quan nội tạng, yếu cơ chân tạm thời...

Bên cạnh tuân thủ chỉ định dùng thuốc, bệnh nhân cần lưu ý các vấn đề sau:

Chăm sóc vết mổ kỹ lưỡng giúp ngăn chặn biến chứng nhiễm trùng hậu phẫu

  • Vệ sinh vết mổ thường xuyên, giữ sạch sẽ, da khô ráo, thoáng mát và tránh các ma sát mạnh đến vị trí này.
  • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tránh mặc quần bó sát vào đùi;
  • Tránh thực hiện những động tác xoắn người, thay đổi tư thế đột ngột, lái xe đường dài, khuân vác vật nặng quá sức để tránh làm vết thương bung chỉ;
  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng nhằm hỗ trợ phục hồi vết mổ nhanh hơn;
  • Tránh căng thẳng mệt mỏi, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi để phục hồi nhanh hơn;

Quá trình phục hồi sau phẫu thuật thoát vị đùi thường mất khoáng 6 tuần hoặc lâu hơn tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp người bệnh đều có thể phục hồi khả năng hoạt động nhẹ nhàng trở lại sau 2 tuần.

Phòng ngừa

Cũng như nhiều dạng thoát vị khác, thoát vị đùi thường không có biện pháp đặc hiệu phòng ngừa. Vì bản chất của thoát vị đùi là sự suy yếu của các cơ bắp từ trong chính cơ thể. Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh bằng một lối sống khoa học và lành mạnh.

Lối sống lành mạnh trong sinh hoạt, ăn uống và vận động là giải pháp phòng ngừa thoát vị đùi tốt nhất

  • Tập thể dục hàng ngày, tăng cường sức khỏe cơ bắp, dẻo dai và linh hoạt, giảm thiểu nguy cơ suy yếu cơ bắp dẫn đến thoát vị.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung và cân bằng các dưỡng chất cần thiết, không kiêng khem quá mức, chia nhỏ các bữa ăn và tránh những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, chất kích thích... Đặc biệt, tăng cường chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi dễ tiêu hóa, phòng ngừa táo bón mạn tính.
  • Nói không với thuốc lá nhằm giảm nguy cơ ho mãn tính, giảm thiểu nguy cơ bị thoát vị đùi.
  • Hạn chế làm những công việc đòi hỏi phải vận động quá sức như khuân vác hoặc đứng nhiều, đứng lâu trong thời gian dài.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để đánh giá sức khỏe toàn diện, tầm soát bệnh lý hoặc vấn đề bất thường làm tăng nguy cơ phát sinh thoát vị đùi.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị thoát vị đùi là gì?

2. Tình trạng thoát vị đùi có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp?

3. Bệnh thoát vị đùi có chữa khỏi được không?

4. Chẩn đoán thoát vị đùi bằng kỹ thuật nào chính xác nhất?

5. Phương pháp điều trị thoát vị đùi tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?

6. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị thoát vị đùi?

7. Quá trình điều trị thoát vị đùi mất bao lâu để khỏi hoàn toàn?

8. Phẫu thuật thoát vị đùi khi nào được chỉ định?

9. Sau phẫu thuật thoát vị đùi có tái phát không?

10. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe hậu phẫu thoát vị đùi?

Có thể thấy những hệ lụy của thoát vị đùi là rất khó lường, có thể đe dọa đến cả tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Do đó, người bệnh cần hết sức thận trọng và chú ý theo dõi kỹ các triệu chứng bất thường để kịp thời thăm khám, chẩn đoán, điều trị bằng phương pháp phù hợp, bảo toàn tính mạng. Đồng thời, duy trì lối sống tích cực để phòng ngừa bệnh tái phát.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Ung Thư Ruột Non
Ung thư ruột non là dạng ung thư khá hiếm gặp và khó phát hiện, xảy ra tại ruột non - một cơ quan quan trọng trong đường tiêu hóa.…
Bệnh Thoát Vị Khe Hoành
Thoát vị khe hoành là một dạng thoát vị phổ…
Hội chứng Mallory-Weiss
Hội chứng Mallory Weiss là tình trạng xảy ra vết…
Bệnh Viêm hạch mạc treo
Viêm hạch mạc treo là một trong những bệnh lý…
Bệnh Ung Thư Thực Quản

Ung thư thực quản nằm trong top 10 loại ung thư phổ biến toàn cầu, trong đó có Việt Nam.…

Bệnh Viêm Ruột Do Virus

Viêm ruột do virus là bệnh lý viêm đường tiêu hóa phổ biến, có tỷ lệ mắc cao bên cạnh…

Nguyên nhân gây hội chứng ruột ngắn Hội chứng ruột ngắn

Hội chứng ruột ngắn là tình trạng kém hấp thu dinh dưỡng ở ruột non do liên quan đến yếu…

Bệnh Ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn là bệnh ung thư nguy hiểm, tiến triển nhanh chóng và dẫn đến tử vong nếu…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua