Bệnh Thuyên tắc ối

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

Thuyên tắc ối là biến chứng rất nghiêm trọng, đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn thai nhi, có thể xảy ra trong hoặc ngay sau khi sinh. Do các triệu chứng không đặc hiệu nên thuyên tắc ối rất khó chẩn đoán và phát hiện sớm. Tỷ lệ mắc thuyên tắc ối tuy hiếm nhưng bệnh lại cực kỳ nguy hiểm và khó chữa trị. Các trường hợp đều phải điều trị cấp cứu để bảo toàn tính mạng cho mẹ và con. 

Tổng quan

Thuyên tắc ối (Amniotic Fluid Embolism - AFE) còn được gọi là hội chứng phản vệ khi mang thai. Đây là một biến chứng hiếm gặp cực kỳ nguy hiểm đe dọa tính mạng trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh nở. Tình trạng này xảy ra khi nước ối rò rỉ vào máu của người mẹ.

Thuyên tắc ối là tình trạng nước ối hoặc các tế bào của thai nhi rò rỉ, xâm nhập vào máu của người mẹ và gây phản ứng dị ứng

Hậu quả của tình trạng này là gây ra phản ứng giống như dị ứng, dẫn đến suy hô hấp, trụy tim mạch và suy đa tạng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Thuyên tắc ối có thể xảy ra đột ngột và không thể dự đoán trước. Đặc biệt rất khó điều trị và bắt buộc phải chăm sóc y tế khẩn cấp.

Theo thống kê, tỷ lệ thuyên tắc ối rất ít và hiếm gặp. Chỉ khoảng 1-12/100.000 ca sinh gặp phải biến chứng này.

Phân loại

Thuyên tắc ối có 2 dạng được phân chia tùy theo thời điểm khởi phát thuyên tắc ối. Bao gồm:

  • Loại 1: Đây là loại phổ biến nhất, xảy ra trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh nở.
  • Loại 2: Dạng này xuất hiện trong thời kỳ mang thai, nhất là ở những sản phụ gặp các bất thường về nhau thai như nhau bong non hoặc nhau tiền đạo.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chính xác gây thuyên tắc ối vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng bản chất của nó chỉ khởi phát khi nước ối xâm nhập vào máu của người mẹ, thông qua vết rách ở nhau thai, tử cung trong quá trình chuyển dạ, sinh non hoặc sau khi sảy thai, phá thai. Điều này có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch và khởi phát thuyên tắc ối.

Phụ nữ lớn tuổi mang thai hoặc mang đa thai rất dễ gặp phải các biến chứng thai kỳ, trong đó có thuyên tắc ối

Các chuyên gia cũng cho rằng, có rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát thuyên tắc ối bao gồm:

  • Mang thai khi đã lớn tuổi (> 35 tuổi);
  • Mang đa thai (sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn);
  • Thai nhi có bất thường về nhịp tim (suy thai);
  • Các vấn đề bất thường về nhau thai (nhau tiền đạo hoặc nhau bong non);
  • Có vất rách ở cổ tử cung;
  • Biến chứng tiền sản giật;
  • Dư nước ối;
  • Sinh mổ;
  • Sử dụng kẹp hoặc hút chân không khi sinh nở;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng thuyên tắc ối thường xuất hiện đột ngột và phát triển nhanh chóng. Bao gồm các dấu hiệu phổ biến sau:

Bị thuyên tắc ối thường gặp phải các triệu chứng đột ngột như khó thở, tụt huyết áp, tăng nhịp tim...

  • Đau tức ngực
  • Khó thở
  • Nhịp tim nhanh
  • Tụt huyết áp
  • Phù phổi (do tích tụ chất lỏng trong phổi)
  • Kích động, lo lắng và lú lẫn đột ngột;
  • Có cảm giác ớn lạnh;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Thay đổi màu da;
  • Suy thai;

Chẩn đoán

Chẩn đoán thuyên tắc ối thường dựa trên sự kết hợp của các triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân và các xét nghiệm cận lâm sàng. Chẳng hạn như:

Các xét nghiệm chẩn đoán thuyên tắc ối như xét nghiệm máu kiểm tra phản ứng dị ứng hoặc xét nghiệm hình ảnh

  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ có liên quan đến phản ứng dị ứng. Tiêu chí điển hình là tăng cao đột ngột nồng độ một số enzyme như histamine hoặc tryptase. Ngoài ra, các nghiên cứu về đông máu cũng có thể cho thấy những yếu tố bất thường về đông máu, một biến chứng thường gặp của thuyên tắc ối.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Chẳng hạn như siêu âm, chụp X quang ngực hoặc chụp CT scan giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường của về tim, phổi. Đồng thời, loại trừ các khả năng bệnh tật khác.
  • Các xét nghiệm khác: Siêu âm tim hoặc đo điện tâm đồ.

Biến chứng và tiên lượng

Thuyên tắc ối là biến chứng cực kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Trong đó, sản phụ bị thuyên tắc ối có thể gặp phải các biến chứng sau:

  • Suy tim, suy phổi;
  • Chảy máu quá mức;
  • Co giật;
  • Mất ý thức;
  • Rối loạn đông máu (chứng đông máu nội mạch lan tỏa);
  • Tổn thương não;
  • Đột quỵ;
  • Ngưng tim;
  • Tử vong;

Tiên lượng về tỷ lệ sống sót của thai phụ bị thuyên tắc ối rất khó chẩn đoán. Điều này còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Theo thống kê, có khoảng 50 - 60% trường hợp sản phụ tử vong trong vòng 1 giờ kể từ thời điểm khởi phát triệu chứng.

Thuyên tắc ối được cảnh báo có nguy cơ tử vong cao khoảng 50 - 60%

Trường hợp người mẹ vượt qua cơn nguy kịch và sống sót cũng sẽ phải đối mặt với các di chứng lâu dài như:

  • Tổn thương thần kinh (ảnh hưởng đến trí tuệ, trí nhớ);
  • Tổn thương hệ tim mạch;
  • Suy giảm chức năng thận;
  • Tăng tần suất đột quỵ;
  • Tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng và có cảm giác tội lỗi;
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD);

Đối với thai nhi sẽ có nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm tùy thuộc vào thời điểm người mẹ xảy ra tình trạng thuyên tắc ối. Trường hợp cần thiết có thể phải tiến hành mổ lấy con khẩn cấp nếu các triệu chứng khởi phát trước khi em bé chào đời.

Những trẻ sinh được sinh trong lúc mẹ bị thuyên tắc ối có thể bị thiếu oxy, gây suy giảm chức năng não hoặc toàn bộ hệ thống thần kinh. Đây là lý do tại sao hầu hết trẻ sau sinh đều được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt để được theo dõi hoặc điều trị.

Điều trị

Bất kỳ trường hợp thuyên tắc ối nào cũng đều nguy hiểm và cần được điều trị y tế khẩn cấp. Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng và duy trì ổn định các chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân, ngăn ngừa biến chứng. Quá trình điều trị thuyên tắc ối đòi hỏi sự nhanh chóng, tích cực và phối hợp của nhiều bác sĩ đa ngành như sản khoa, gây mê, hồi sức đặc biệt, chăm sóc tích cực...

Điều trị y tế đối với tình trạng thuyên tắc ối bao gồm thở oxy, truyền máu, dùng thuốc cải thiện tim mạch...

Cụ thể một số biện pháp điều trị thuyên tắc ối gồm:

  • Hồi sức cấp cứu: Đây là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng giúp duy trì hô hấp, duy trì hơi thở và hệ tuần hoàn của người mẹ. Được thực hiện bằng cách cung cấp oxy (đặt nội khí quản hoặc thở máy) và truyền dịch tĩnh mạch để duy trì chỉ số huyết áp.
  • Chăm sóc đặc biệt: Người mẹ được chăm sóc đặc biệt nhằm theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sốc, suy hô hấp, ngừng tim để kịp thời điều trị khi có bất thường.
  • Mổ cấp cứu: Trường hợp thuyên tắc ối xảy ra trong quá trình chuyển dạ, bác sĩ sẽ chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức để bảo toàn tính mạng cho thai nhi.
  • Truyền máu: Trường hợp mẹ mất máu quá nhiều cần được truyền máu ngay lập tức để thay thế lượng máu đã mất. Đồng thời, góp phần kiểm soát tình trạng rối loạn đông máu.
  • Dùng thuốc: Một số loại thuốc thường được chỉ định nhằm kiểm soát triệu chứng thuyên tắc ối như thuốc giãn phế quản, thuốc hạ huyết áp, thuốc corticosteroid... Liều dùng thuốc sẽ được bác sĩ kê toa phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại.
  • ECMO: Đây là biện pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể thường áp dụng cho những trường hợp thuyên tắc ối nghiêm trọng, suy tim, phổi nặng đe dọa tính mạng của người mẹ.

Phòng ngừa

Không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu đối với tình trạng thuyên tắc ối. Tuy nhiên, một số biện pháp tích cực dưới đây có thể giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng hoặc ngăn ngừa sự phát triển của thuyên tắc ối. Cụ thể như sau:

  • Chăm sóc sức khỏe tích cực trong suốt thai kỳ, khám thai định kỳ và thông báo cho vác sĩ các dấu hiệu bất thường để kịp thời phát hiện, điều trị, giảm nguy cơ khởi phát thuyên tắc ối.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống đủ chất, cân bằng các dưỡng chất, tập thể dục đều đặn mỗi ngày, nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát căng thẳng.
  • Hạn chế hoặc tránh thực hiện những can thiệp y tế không cần thiết trong quá trình mang thai, chuyển dạ hoặc sinh nở để giảm nguy cơ gây thuyên tắc ối. Chẳng hạn như rạch tầng sinh môn, sinh con bằng kẹp hoặc hút chân không...

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị khó thở, hụt hơi, buồn nôn, ớn lạnh, lú lẫn, suy thai... là dấu hiệu bình thường hay bất thường trong thai kỳ?

2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Tại sao tôi bị thuyên tắc ối? Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?

4. Tiên lượng tử vong đối với tình trạng thuyên tắc ối của tôi?

5. Tôi nên điều trị thuyên tắc ối bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Thuyên tắc ối có gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng không?

7. Những ảnh hưởng lâu dài có thể xảy ra đối với tôi sau khi đã điều trị thuyên tắc ối?

8. Tôi có thể tiếp tục sinh con khi đã từng bị thuyên tắc ối không?

Thuyên tắc ối tuy hiếm gặp nhưng lại được cảnh báo rất nguy hiểm, đe dọa tính mạng mẹ bầu hoặc trong quá trình chuyển dạ, sinh nở. Điều trị cấp cứu càng sớm càng tốt là yếu tố tiên quyết giúp duy trì tính mạng cho người mẹ và em bé trong bụng. Tuy không thể phòng ngừa thuyên tắc ối nhưng việc nhận biết sớm sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và điều trị kịp thời khi bộc phát.

ĐỌC NGAY: 

Chia sẻ:
Hội chứng Lesch-Nyhan
Hội chứng Lesch - Nyhan là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp. Xảy ra do sự thiếu hụt HPRT ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa purin. Hậu…
Hội Chứng XYY (hội chứng siêu nam)
Hội chứng XYY chỉ xảy ra ở trẻ nam sau…
Hội chứng Kallmann
Hội chứng Kallmann là một rối loạn di truyền hiếm…
Bệnh Sứt Môi Hở Hàm Ếch
Sứt môi hở hàm ếch là dị tật bẩm sinh…
Loạn Sản Cổ Tử Cung

Loạn sản cổ tử cung là tình trạng phát triển bất thường của các tế bào trên cổ tử cung…

Hội chứng Asherman

Hội chứng Asherman là tình trạng hiếm gặp gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe sinh sản của phụ…

Bệnh Down

Hội chứng Down là rối loạn di truyền do phát triển dư NST số 21 trong bộ gen. Trẻ bị…

Viêm lộ tuyến tử cung Bệnh Viêm Lộ Tuyến Cổ Tử Cung

Viêm lộ tuyến tử cung là bệnh lý phụ khoa thường gặp ở nữ giới, nhất là các chị em…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Hà Thị Dung

Cố vấn chuyên môn sản phụ khoa

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua