Bệnh Hồng ban nút
Hồng ban nút là những tổn thương dưới da do viêm, đặc trưng bởi các nốt sẩn tròn sưng đỏ và đau nhức xung quanh cẳng chân, mắt cá chân... Bệnh lý này phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Bệnh lý này khá lành tính và có khả năng tự khỏi sau vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần điều trị y tế để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng.
Tổng quan
Hồng ban nút (Erythema Nodosum) là một dạng tổn thương da do viêm khá phổ biến, đặc trưng bởi các nốt đỏ, sưng đau. Vị trí thường xuất hiện ở chi dưới, nhất là vùng dưới đầu gối, cẳng chân hoặc quanh mắt cá chân.
Bản chất của các nốt sưng đỏ đau này là phản ứng viêm của các tế bào mỡ dưới da (panniculitis). Các tổn thương thường xuất hiện đột ngột, gây đau nhức khó chịu nhưng không nguy hiểm đến sức khỏe hay tính mạng. Có khả năng tự biến mất sau vài tuần, nhưng có tính chất tái phát dai dẳng.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh hồng ban nút. Nhưng phổ biến nhất là ở phụ nữ, trong độ tuổi từ 20 - 30. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ nhưng những người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn, bệnh Crohn, chảy máu do viêm đại trực tràng, phụ nữ mang thai... thường có nguy cơ mắc bệnh cao.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh hồng ban nút vẫn chưa được xác định rõ. Theo thống kê, có khoảng 25 - 50% trường hợp không thể tìm ra căn nguyên, còn những trường hợp còn lại là do liên quan mật thiết đến các tác nhân sau:
- Nhiễm trùng: Tại Việt Nam, nhiễm trùng do vi khuẩn lao và nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hồng ban nút. Ngoài ra, một số dạng nhiễm trùng khác hiếm gặp hơn như:
- Chlamydia;
- Yersinia;
- Salmonela;
- Viêm gan A, B & C;
- Mycobacterium leprae (tác nhân gây bệnh phong);
- Vi khuẩn Brucelose;
- Nhiễm nấm: Một số ít trường hợp phát triển bệnh hồng ban nút do nhiễm nấm Coccidioidomycosis - tác nhân gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp trên.
- Các bệnh gây viêm: Các bệnh viêm có liên quan mật thiết đến sự phát triển của bệnh hồng ban nút là viêm loét đại tràng, viêm đường ruột, bệnh Crohn...
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại kháng sinh (như penicillin, amixiciliin...) hoặc lạm dụng thuốc tránh thai cũng có thể kích hoạt sự phát triển của hồng ban nút.
- Các yếu tố nguy cơ khác:
- Bệnh u hạt (tình trạng phổ biến gây viêm nhiều nơi cùng lúc trong cơ thể);
- Ung thư;
- Mang thai;
Ngoài ra, một thông tin khác quan trọng đó là bệnh hồng ban nút không phải một căn bệnh di truyền.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tổn thương hồng ban nút xuất hiện đặc trưng với các dấu hiệu sau:
Triệu chứng thực thể
Tổn thương hồng ban nút có biểu hiện và hình thái điển hình sau:
- Nổi ban đỏ, nổi u cục sẩn cứng gây đau rát, nóng đỏ;
- Tổn thương hình tròn hoặc ovan;
- Kích thước lớn bé khác nhau, dao động từ 1 - 10cm;
- Số lượng nốt từ 2 - 50 nốt tùy theo mức độ tổn thương;
- Màu sắc ban đầu màu đỏ, chuyển dần sang màu tím;
- Vị trí xuất hiện tổn thương chủ yếu là mặt trước cẳng chân 2 bên và có tính chất đối xứng. Các vị trí khác ít gặp như đùi, thân, mặt...;
- Tổn thương thường kéo dài trong vòng 2 - 6 tuần và lành lại;
Triệu chứng toàn thân
- Sốt, ớn lạnh;
- Mệt mỏi;
- Đau nhức khớp chân;
- Sưng phồng mắt cá chân;
- Đau họng, ho;
- Sưng hạch bạch huyết;
- Tiêu chảy, đau dạ dày;
Chẩn đoán
Các tổn thương hồng ban nút không quá nghiêm trọng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên cần phải chẩn đoán ngay từ sớm để dễ dàng điều trị. Việc chẩn đoán cụ thể thường thông qua các biện pháp sau:
- Khám lâm sàng: Chẩn đoán hồng ban nút chủ yếu dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng, kiểm tra xem có sự xuất hiện của các nốt sẩn cục tròn đỏ trên da, nhất là ở các vị trí chi dưới.
- Xét nghiệm thường quy: Một số xét nghiệm thường quy như xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc nuôi cấy phân giúp kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn. Đồng thời, xác định tác nhân nhiễm trùng kích hoạt bệnh hồng ban nút.
- Kiểm tra hình ảnh: Kỹ thuật chụp X quang ngực cũng cho phép tìm ra nguyên nhân gây ra hồng ban nút.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh hồng ban nút là bệnh da liễu phổ biến và lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, sự phát triển của các tổn thương trên da gây đau rát, ngứa ngáy và khó chịu làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất, tinh thần, kéo theo nhiều phiền toái trong đời sống hàng ngày.
Đa số các trường hợp hồng ban nút đều có xu hướng tự khỏi trong vòng 3 - 6 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh có tính chất dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần (tỷ lệ 12 - 14%) rất khó điều trị khỏi dứt điểm. Bệnh không có khả năng lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp nên những người xung quanh không cần quá lo lắng.
Điều trị
Với những trường hợp nhẹ, tổn thương hồng ban nút có khả năng tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Hoặc chỉ cần chăm sóc tại nhà, tổn thương sẽ tự biến mất trong thời gian ngắn. Nhưng ngược lại, với những trường hợp tổn thương nặng nề, tiến triển nghiêm trọng cần phải điều trị để ngăn ngừa biến chứng.
Tùy theo nguyên nhân gây ra, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp phù hợp. Mục tiêu điều trị chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng ngoài da, kiểm soát tiến triển bệnh. Các phương pháp điều trị thường áp dụng bao gồm:
Điều trị y tế
Điều trị cho người bình thường
Dùng thuốc là phương pháp điều trị hiệu quả và nhanh chóng nhất giúp kiểm soát các triệu chứng sưng viêm, đau ngứa. Các loại thuốc thường dùng là:
- Thuốc kháng sinh có chứa hoạt chất Penicillin hoặc Sulfa;
- Thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Aspirin hoặc Naproxen;
- Thuốc Corticosteroid dạng tiêm hoặc toàn thân;
- Thuốc chứa Kali Clorua liều cơ bản là 400 - 900 mcg mỗi ngày, liên tục trong 1 tháng giúp ổn định hệ thống miễn dịch và thúc đẩy hoạt động chức năng tuyến giáp;
- Thuốc chứa hoạt chất Bromide, thường có trong các loại thuốc an thần giúp cải thiện hiệu quả các cơn đau;
- Thuốc Thalidomid cũng được chỉ định sử dụng trong trường hợp bùng phát hồng ban nút do nhiễm Mycobacterium leprae gây bệnh phong;
Điều trị cho phụ nữ mang thai
Đối với phụ nữ mang thai, việc điều trị hồng ban nút có thể không cần thiết. Nguyên nhân là do rối loạn hormone nội tiết, cụ thể là hormone estrogen tăng cao đột biến trong thai kỳ. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết vẫn phải dùng thuốc để điều trị, tuy nhiên cần phải tuân thủ chỉ định sử dụng của bác sĩ.
Chăm sóc cải thiện triệu chứng
Song song với điều trị y tế hoặc dù không điều trị y tế, bệnh nhân hồng ban nút có thể tự thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực dưới đây để cải thiện triệu chứng. Chẳng hạn như:
- Chườm đá lạnh nhiều lần trong ngày, mỗi lần khoảng 15 - 20 phút để cải thiện triệu chứng sưng đau;
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế đi lại và luôn kê cao chân, mang tất nén để giảm sưng;
- Tắm rửa vệ sinh thân thể sạch sẽ, nhất là ở những vùng da nổi sẩn đỏ. Đảm bảo giữ cho vùng da này luôn khô thoáng, tránh mặc quần áo chật để giảm thiểu kích ứng da;
- Có thể tắm muối Epsom để giảm triệu chứng sưng viêm, ngứa ngáy;
Phòng ngừa
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hồng ban nút nên việc phòng tránh tuyệt đối gần như là không thể. Vì không có biện pháp phòng ngừa cụ thể, nên chỉ cần thực hiện các biện tích cực dưới đây để nâng cao hệ thống miễn dịch để sẽ giảm nguy cơ phát triển hồng ban nút.
- Ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm và tránh sử dụng các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe.
- Tập thể dục điều độ hàng ngày, vừa nâng cao thể chất vừa giúp ổn định miễn dịch.
- Sinh hoạt khoa học, đúng giờ giấc, ngủ đủ giấc, tránh stress để phòng ngừa bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao vùng da cẳng chân, xung quanh mắt cá chân, đùi của tôi bị nổi sẩn đỏ, đau rát và ngứa ngáy?
2. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh hồng ban nút?
3. Tôi cần làm những xét nghiệm gì để chẩn đoán xác nhận hồng ban nút?
4. Bệnh hồng ban nút có nguy hiểm không?
5. Bệnh hồng ban nút có tự khỏi khi không điều trị không?
6. Phương pháp điều trị bệnh hồng ban nút phù hợp dành cho trường hợp của tôi?
7. Tôi cần làm gì để chăm sóc cải thiện triệu chứng nhanh hơn?
8. Tôi cần làm gì để phòng ngừa tái phát hồng ban nút?
Bệnh hồng ban nút tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng trong một vài trường hợp cần thiết vẫn phải can thiệp điều trị y tế để ngăn ngừa các biến chứng. Khuyến khích mỗi người cần chú ý các triệu chứng ngoài da bất thường để kịp thời chẩn đoán và điều trị sớm bằng phương pháp phù hợp.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Bệnh hồng ban nút đi khám ở đâu tốt và uy tín nhất?
- Mụn dị ứng có nên nặn không? Lời khuyên từ bác sĩ
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!