Bệnh Dị Ứng Thời Tiết

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Dị ứng thời tiết là bệnh lý xảy ra phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Đặc trưng của bệnh là những tổn thương ngoài da, nổi mề đay ngứa ngáy và kèm theo phản ứng viêm hô hấp. Các kiểu thời tiết dễ gây dị ứng nhất là thời tiết lạnh, giao mùa, độ ẩm thấp, nhiều dị nguyên trong không khí. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. 

Tổng quan

Dị ứng thời tiết (Weather Allergic) là phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch dưới sự thay đổi của thời tiết như độ ẩm, nhiệt độ nóng lạnh. Những yếu tố này làm tác động đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc, tăng số lượng phấn hoa trong không khí... và gây kích ứng đường thở, tăng mạnh phản ứng dị ứng.

Dị ứng thời tiết là một dạng rối loạn bất thường của hệ miễn dịch khi thời tiết thay đổi đột ngột

Người bị dị ứng thời tiết đặc trưng với các tổn thương ngoài da như nổi mề đay, phát ban, ngứa ngáy... Kèm theo đó là những biểu hiện dị ứng trên đường hô hấp như mũi, họng... gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Đây là dạng bệnh dị ứng phổ biến, có thể xảy ra ở cả trẻ em lẫn người lớn. Nhất là những người có sẵn cơ địa dị ứng bẩm sinh hoặc tiền sử mắc các bệnh dị ứng khác. Tùy theo mức độ triệu chứng và tiến triển bệnh ở từng trường hợp cụ thể để đánh giá dị ứng cấp (24h - 6 tiếng) hoặc mạn tính (> 6 tuần).

Tham khảo: Bệnh dị ứng thời tiết ở trẻ em – Triệu chứng và cách trị

Phân loại

Dựa vào điều kiện thời tiết, bệnh được phân chia làm 2 dạng gồm:

Dị ứng thời tiết lạnh là dạng dị ứng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ thấp

Dị ứng thời tiết nóng (phong nhiệt)

  • Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao dao động trong khoảng từ 35 - 40 độ C, độ ẩm không khí > 70%. Với điều kiện nhiệt độ này, nhân nhiệt cũng theo đó mà tăng lên, khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi, lỗ chân lông nở to, làn da luôn trong trạng thái ẩm ướt, chất sừng da khô hơn, khiến protein bị biến đổi.
  • Cộng với sự tấn công của các tác nhân dị ứng từ môi trường bên ngoài gây kích thích phản ứng dị ứng sản cholin - đặc trưng với các triệu chứng ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, mề đay...
  • Triệu chứng có thể tự thuyên giảm sau làn da được làm mát. Phản ứng có thể tái phát trở lại khi tiếp tục gặp thời tiết nóng hoặc biến mất hẳn tùy theo cơ địa của từng người.

Dị ứng thời tiết lạnh (phong hàn)

  • Thường xảy ra vào thời điểm giao mùa, chuyển từ thời nhiệt độ nóng sang lạnh, nhiệt độ giảm thấp còn khoảng < 20 độ C, độ ẩm thấp khiến không khí trở nên hanh khô.
  • Khi cơ thể cảm nhận được sự thay đổi này sẽ kích hoạt ngay cơ chế sản sinh histamin để chống lại. Điều này vô tình gây ra hàng loạt các triệu chứng dị ứng, nổi mẩn, sưng tấy da... Ngoài giao mùa, các yếu tố như mưa, tuyết, tắm nước lạnh... cũng làm tăng nguy cơ phát sinh dị ứng.

Dựa theo tiến triển, thời gian và mức độ triệu chứng dị ứng, bệnh được chia làm 2 thể gồm:

  • Dị ứng thời tiết cấp tính: Các triệu chứng thường bùng phát đột ngột, có thể tự thuyên giảm trong vòng 24 tiếng - < 6 tuần tùy từng trường hợp. Hầu hết các trường hợp đều có thể tự khỏi trong giai đoạn đầu ngay cả khi không dùng thuốc. Nhưng cũng có nhiều trường hợp đợt cấp bùng phát nghiêm trọng gây triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí sốc phản vệ.
  • Dị ứng thời tiết mạn tính: Thời gian ủ bệnh thường > 6 tuần và kéo dài dai dẳng. Các triệu chứng dị ứng mạn tính tiến triển chậm, tuy ít nghiêm trọng hơn các đợt cấp. Nhưng nếu kéo dài có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm khác, thường là gây các bệnh ở đường hô hấp.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Dị ứng thời tiết được hiệu đơn giản là tình trạng cơ thể phản ứng lại với thời tiết thông qua triệu chứng sức khỏe. Đó có thể là do cơ địa bẩm sinh hoặc do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của thời tiết nên hình thành phản ứng dị ứng.

Theo khía cạnh khoa học, khi hệ miễn dịch bị rối loạn sẽ sản sinh ra hàng loạt các hoạt chất trung gian histamin và kháng thể để chống lại tác nhân dị ứng. Đây là cơ chế hình chung đối với tất cả các dạng dị ứng hiện nay, bao gồm cả dị ứng thời tiết.

Dị ứng thời tiết có mối liên hệ mật thiết với yếu tố cơ địa

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng thời tiết như:

  • Điều kiện thời tiết bất lợi: Nhiệt độ quá cao, quá thấp, độ ẩm thấp tạo điều kiện làm tăng các chất dị ứng trong không khí. Tình trạng này xảy ra đột ngột khiến hệ miễn dịch không kịp thích nghi và gây dị ứng.
  • Cơ địa dị ứng bẩm sinh: Những người có cơ địa dị ứng, mắc các bệnh như viêm da, tổ đỉa, mề đay mạn tính, hen suyễn... thường có nguy cơ bị dị ứng thời tiết cao hơn.
  • Suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch yếu kém hoặc suy giảm đột ngột tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của các yếu tố kích ứng tạo thành phản ứng dị ứng. Điển hình như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường, nhiễm HIV...
  • Yếu tố di truyền: Gen dị ứng có khả năng di truyền từ thế trước sang thế hệ sau. Một thống kê cho thấy, nhiều trường hợp bố mẹ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng thì con cái cũng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng dị ứng thời tiết thường bùng phát dưới dạng cấp, đột ngột và dễ nhận biết thông qua quan sát bằng mắt thường. Cụ thể gồm:

Phát ban ngứa ngáy ngoài da là tổn thương đặc trưng của người bị dị ứng thời tiết

  • Phát ban: Xuất hiện từng đốm hoặc mảng da đỏ tại tay, chân, lưng, mặt... Chúng mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám, gây ngứa ngáy, khiến người bệnh có xu hướng cào gãi mạnh tạo điều kiện cho các nốt mẩn ngày càng lan rộng.
  • Nổi mề đay cấp: Rất nhiều trường hợp dị ứng thời tiết kèm theo phát sinh nổi mề đay cấp. Đặc trưng với các triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy lan rộng toàn thân, có cảm giác nóng rát trên da, sưng phù vòm họng và lưỡi. Trong đợt cấp, phản ứng quá mẫn có thể gây sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp, co giật và thậm chí tử vong.
  • Viêm mũi dị ứng: Cơ chế dị ứng của hệ miễn dịch kéo theo các triệu chứng tại mũi như ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nước mắt...
  • Chàm bội nhiễm: Xảy ra ở những trường hợp dị ứng thời tiết mức độ nặng. Vùng da bị tổn thương xuất hiện các nốt mụn nước, rỉ dịch, ngứa ngáy. Một số trường hợp còn kèm theo sốt cao do nhiễm trùng, đau nhức khắp người, sưng hạch bạch huyết...
  • Khó thở, thở khò khè: Dị ứng thời tiết gây ra những biểu hiện rõ rệt tại đường hô hấp, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh, điển hình như thở khò khè, khó thở. Bệnh nhân cần phải thăm khám ngay để chẩn đoán và điều trị kiểm soát hen phế quản.

Chẩn đoán dị ứng thời tiết thường thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng và điều tra tiền sử bệnh lý cá nhân, tiền sử gia đình. Một số trường hợp cần thiết sẽ tiến hành test dị ứng da hoặc xét nghiệm máu đo định lượng IgE nhằm đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân, cơ chế khởi phát dị ứng thời tiết.

Biến chứng và tiên lượng

Về cơ bản, hiện tượng dị ứng xảy ra sau khi tiếp xúc với sự thay đổi của môi trường, thời tiết là cơ chế tự vệ chính đáng của cơ thể. Tuy nhiên, trong những trường hợp quá mẫn, phản ứng dị ứng bùng phát nghiêm trọng, mất kiểm soát sẽ gây ra những hệ lụy khó lường cho sức khỏe, chất lượng giấc ngủ, đời sống sinh hoạt và tính thẩm mỹ làn da.

Nếu không điều trị tích cực, bệnh nhanh chóng chuyển sang mãn tính và tái đi tái lại với mức độ nghiêm trọng tăng dần. Trong những đợt bùng phát dị ứng nặng có thể gây tụt huyết áp, suy hô hấp, sốc phản vệ, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Điều trị

Dị ứng thời tiết là bệnh dị ứng mãn tính có liên quan đến yếu tố cơ địa và môi trường. Đây là những yếu tố gần như không thể thay đổi được nên rất khó có thể chữa khỏi bệnh dứt điểm hoàn toàn. Mục tiêu điều trị bệnh chủ yếu là kiểm soát triệu chứng, ức chế phản ứng dị ứng, ngăn ngừa rủi ro và dự phòng tái phát.

1. Loại bỏ tác nhân gây kích ứng 

Nếu thời tiết thay đổi chính là nguyên nhân gây phản ứng dị ứng, tốt nhất bạn cần cách ly bản thân với các yếu tố này. Trong những trường hợp phản ứng dị ứng nhẹ, không quá nghiêm trọng chỉ cần cách ly với dị nguyên, bệnh sẽ khỏi hẳn mà không cần can thiệp điều trị y tế.

  • Kiêng gió, ánh nắng mặt trời, hạn chế ra ngoài hoặc khi ra ngoài phải che chắn kỹ cơ thể để tránh tiếp xúc với các tác nhân dị ứng.
  • Sử dụng máy lọc không khí và máy tạo độ ẩm trong nhà để loại bỏ các chất dị ứng.
  • Nếu dùng điều hòa, chú ý không nên chỉnh nhiệt độ quá thấp, chỉ nên duy trì độ chênh lệch từ 1 - 2 độ so với nhiệt độ ngoài trời.
  • Tránh cào gãi, chà xát mạnh lên vùng da bị tổn thương để giảm nguy cơ bội nhiễm.
  • Tránh sử dụng các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thịt bò, sữa, đậu phộng... khi đang bùng phát các triệu chứng dị ứng thời tiết.
  • Uống nhiều nước hơn, kết hợp bù nước và các chất điện giải bằng sữa, nước trái cây giúp hỗ trợ loại bỏ độc tố dị ứng khỏi cơ thể.

2. Dùng thuốc kiểm soát dị ứng 

Trong những trường hợp phản ứng dị ứng bùng phát nghiêm trọng và có xu hướng tăng nặng hơn theo thời gian, bác sĩ thường kê toa thuốc phù hợp nhằm kiểm soát phản ứng dị ứng. Một số thuốc trị dị ứng thời tiết thường dùng như:

Thuốc kháng histamin H1, H2, Prednisolon, Corticoid... là các loại thuốc kiểm soát dị ứng hiệu quả

  • Thuốc kháng histamin H1: Có tác dụng ức chế chọn lọc các thụ thể histamine H1 nhằm giảm mức độ dị ứng, hỗ trợ cải thiện các triệu chứng như nghẹt mũi, ngứa mũi, nổi mề đay, phát ban... Điển hình như Loratadine hoặc Certirizine...
  • Thuốc ức chế leukotriene: Hay còn gọi là thuốc đối vận thụ thể Leukotriene giúp kiểm soát phản ứng dị ứng mức độ nặng. Được chỉ định dùng thay thế khi thuốc kháng histamine H1 không hiệu quả.
  • Thuốc Prednisolone: Trong trường hợp dị ứng thời tiết có kèm triệu chứng nổi mề đay, phù mạch sẽ được chỉ định dùng Prednisolone.
  • Thuốc Corticoid dạng uống: Được dùng trong điều trị và phòng ngừa các phản ứng dị ứng tái phát liên tục, giảm thiểu các triệu chứng kéo dài của bệnh.

Lưu ý: Không phải trường hợp dị ứng thời tiết nào cũng phải dùng thuốc để trị bệnh. Bệnh nhân chỉ được dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ sau thăm khám. Tuân thủ tuyệt đối các hướng dẫn dùng thuốc để đạt hiệu quả tối ưu, giảm thiểu nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.

3. Chăm sóc cải thiện triệu chứng tại nhà 

Nhằm góp phần cải thiện đẩy lùi phản ứng và các triệu chứng dị ứng do thời tiết, người bệnh cần kết hợp thực hiện các biện pháp:

Bôi kem dưỡng ẩm xoa dịu kích ứng dị ứng tổn thương da

  • Chườm mát da: Để cải thiện phản ứng dị da do thời tiết nóng, bạn có thể tiến hành chườm mát tại chỗ. Nhiệt mát giúp làm co mạch, giảm lượng máu lưu thông đến vùng da bị tổn thương và cải thiện rõ rệt phản ứng sưng đỏ, phù nề, ngứa ngáy trên da.
  • Bôi kem dưỡng ẩm: Với các tổn thương dị ứng ngoài da như ngứa ngáy, thô ráp, nứt nẻ..., bạn hãy tích cực bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày. Ưu tiên chọn những loại lành tính, giúp xoa dịu kích ứng, dưỡng ẩm da và ngăn chặn tổn thương lan rộng, dành riêng cho người có làn da nhạy cảm, chiết xuất organic.
  • Xông hơi: Tùy theo nhu cầu mà bạn có thể chọn xông mũi hoặc xông toàn thân bằng nước muối hoặc nước xông thảo dược nhằm cải thiện triệu chứng ngứa ngáy, sổ mũi khó chịu.
  • Một số biện pháp khác:
    • Uống trà thảo mộc;
    • Tắm lá thảo dược;
    • Súc miệng nước muối;
    • Rửa mũi bằng nước muối sinh lý;
    • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, không bó sát cơ thể;
    • ...

Phòng ngừa

Dị ứng thời tiết là căn bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm. Việc điều trị chỉ nhằm cải thiện triệu chứng và duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Khi gặp điều kiện thuận lợi, bệnh vẫn sẽ bộc phát và gây ảnh hưởng sức khỏe.

Do đó, cách tốt nhất để tránh những tác động tiêu cực của bệnh, mỗi người trong chúng ta đều cần tự nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân dị ứng.

Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân thay đổi thời tiết để phòng ngừa nguy cơ dị ứng

  • Đeo khẩu trang che chắn mũi họng kỹ lưỡng mỗi khi tiếp xúc với môi trường tự nhiên bên ngoài.
  • Hạn chế đến những nơi mà môi trường chứa nhiều dị nguyên như khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất, lông động vật, phấn hoa...
  • Giữ ấm đường hô hấp, đặc biệt là vùng đầu, mũi, họng, cổ... Nhất là khi thời tiết bắt đầu thay đổi, chuyển giao để thích nghi sớm, tránh phát sinh dị ứng.
  • Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, súc miệng, súc họng, đánh răng thường xuyên để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng.
  • Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là các chất giúp tăng cường sức đề kháng từ rau xanh, củ quả, trái cây tươi... Tránh các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như thịt bò, đậu phộng, hải sản...
  • Duy trì lối sống sinh hoạt khoa học, lành mạnh, nghỉ ngơi thư giãn, làm việc đúng giờ giấc, tránh làm việc quá sức để nâng cao sức đề kháng khỏe mạnh, chống lại mọi bệnh tật.
  • Nói không với các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe chung.
  • Dưỡng ẩm làn da kỹ lưỡng bằng sản phẩm phù hợp, nhưng không nên dùng quá nhiều loại mỹ phẩm cùng lúc trên da, nhất là các sản phẩm không chất lượng để tránh gây kích ứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao khi thời tiết thay đổi đột ngột tôi lại bị nổi ban đỏ, ngứa ngáy khắp người?

2. Nguyên nhân khiến tôi bị dị ứng thời tiết?

3. Nếu tôi không điều trị, bệnh có tự khỏi được không?

4. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn đối với tình trạng bệnh của tôi?

5. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán dị ứng thời tiết?

6. Điều trị dị ứng thời tiết bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Thuốc chống dị ứng dùng trong thời gian dài có gây tác dụng phụ không?

8. Tôi cần tránh làm gì để hạn chế nguy cơ tái phát dị ứng thời tiết?

9. Điều trị dị ứng thời tiết mất bao lâu thì khỏi?

10. Tôi có cần tái khám lại sau điều trị dị ứng thời tiết không?

Dị ứng thời tiết khiến bạn phải rơi vào cảnh ngứa ngáy, mệt mỏi, suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong những trường hợp bệnh nặng, nếu không được điều trị và chăm sóc tích cực có thể biến chứng sốc phản vệ đe dọa tính mạng. Do đó, không nên chủ quan trước những triệu chứng dị ứng thông thường, chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Xem thêm:

Ngày đăng 10:04 - 14/06/2023 - Cập nhật lúc: 10:00 - 30/05/2024
Chia sẻ:
Bệnh Nấm móng
Nấm móng là tình trạng nhiễm trùng phổ biến ở nấm móng tay hoặc móng chân. Bệnh có thể được gây ra bởi nhiều loại vi nấm khác nhau, phổ…
Bệnh Nhọt nách
Nhọt nách là căn bệnh da liễu phổ biến và…
Bệnh U Máu
U máu là những khối u lành tính, không phải…
Bệnh Phong
Bệnh phong là bệnh lý nhiễm trùng do trực khuẩn…
Hội Chứng Lyell

Hội chứng Lyell đặc trưng bởi các tổn thương da phồng rộp, bong tróc nghiêm trọng và đe dọa đến…

Bệnh Xơ cứng bì

Xơ cứng bì là nhóm bệnh hiếm gặp liên quan đến tình trạng xơ cứng, dày cứng da và các…

Bệnh Nấm nách

Nấm nách là một bệnh nhiễm trùng do nấm khá phổ biến, xảy ra ở vùng da nách, bên dưới…

Bệnh Giời Leo

Giời leo là tình trạng phát ban ngoài da kèm theo nổi mụn nước li ti do virus Varicella-zoster gây…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua