Thiếu máu do thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt là một dạng thiếu máu thường gặp, xảy ra do cơ thể thiếu hụt chất sắt, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các tế bào hồng cầu chứa huyết sắc tố. Bệnh liên quan đến chế độ ăn uống kém, mất máu và ảnh hưởng từ các bệnh lý, vấn đề sức khỏe khác. Điều trị thiếu máu thiếu sắt chủ yếu dựa vào bổ sung thực phẩm và các chế phẩm chứa sắt. 

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng cơ thể không có đủ sắt để sản sinh các tế bào hồng cầu chứa hemoglobin

Tổng quan

Thiếu máu do thiếu sắt (Iron Deficiency anemia - IDA) xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt để tạo ra các huyết sắc tố được gọi là Hemoglobin. Đây là một loại protein quan trọng hiện diện trong các tế bào hồng cầu giúp mang oxy phân bổ khắp cơ thể.

Hậu quả của việc thiếu máu do thiếu sắt kéo dài đó là khiến các mô, cơ quan hoạt động kém đi, gây ra hàng loạt các vấn đề sức khỏe bất ổn như hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, khó thở, da dẻ xanh xao... Một số trường hợp thiếu máu nặng còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe tim mạch hoặc biến chứng thai kỳ.

Phân loại

Có 2 dạng thiếu máu do thiếu sắt gồm:

  • Thiếu máu do thiếu sắt tuyệt đối: Xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng sắt dự trữ.
  • Thiếu máu do thiếu sắt chức năng: Xảy ra khi cơ thể có đủ lượng sắt cần thiết nhưng lại không được cơ thể sử dụng đúng cách.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Chất sắt thường được dung nạp vào cơ thể thông qua thực phẩm hoặc được cơ thể tái chế lại từ các tế bào hồng cầu cũ nhằm tạo ra hemoglobin. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó khiến cơ thể mất quá nhiều sắt hoặc không đủ lượng sắt dự trữ để tiêu thụ, cơ thể sẽ không thể sản xuất đủ các tế bào hồng cầu và gây ra bệnh thiếu máu thiếu sắt.

Tình trạng này diễn ra qua 3 giai đoạn gồm:

  • Giai đoạn thứ 1: Khi nguồn sắt dự trữ đã cạn kiệt và nguồn cung cấp sắt đang giảm dần. Tuy nhiên, vẫn chưa ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào hồng cầu.
  • Giai đoạn thứ 2: Bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi quá trình sản xuất hồng cầu do lượng sắt dự trữ quá thấp. Giai đoạn này còn được gọi là thiếu sắt tiềm ẩn. Lúc này, tủy xương vẫn sẽ sản xuất ra các tế bào hồng cầu nhưng thiếu hụt huyết sắc tố.
  • Giai đoạn thứ 3: Nồng độ huyết sắc tố giảm xuống mức thấp đáng báo động. Cơ thể bạn sẽ bộc phát các triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt rõ ràng.

Chế độ ăn uống thiếu sắt do kiêng khem quá mức là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu máu thiếu sắt

Có rất nhiều nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt, chẳng hạn như:

  • Chế độ ăn uống: Thiếu sắt trong chế độ ăn uống là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thiếu máu. Thực đơn ăn uống hàng ngày thiếu đi các loại thực phẩm giàu sắt như thịt, trứng, sữa, thịt đỏ, đậu... sẽ khiến cơ thể không có đủ nguồn sắt dữ trữ, dễ gây ra thiếu máu.
  • Mất máu quá nhiều: Có nhiều nguyên nhân gây mất máu như chấn thương, phẫu thuật, xuất huyết đường tiêu hóa do viêm loét, polyp hoặc ung thư ruột kết, sử dụng thuốc aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid trong thời gian dài...
  • Giảm hoặc mất khả năng hấp thụ sắt: Có nhiều lý do khiến cơ thể không thể hấp thụ sắt như:
    • Mắc các bệnh đường ruột như Celiac, viêm ruột hoặc viêm dạ dày tự miễn như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng;
    • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori trong dạ dày;
    • Tiền sử phẫu thuật đường tiêu hóa hoăc cắt bỏ dạ dày;
    • Mắc các bệnh di truyền hiếm gặp gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt của cơ thể. Thường là bệnh máu khó đông và bệnh von Willebrand;
  • Bệnh thận mãn tính: Thiếu máu thiếu sắt cũng có thể là một trong những biến chứng của bệnh thận mãn tính (CKD). Đây là tình trạng thận hư hỏng và không còn khả năng lọc máu hiệu quả, gây tích tụ chất lỏng và chất thải trong cơ thể.
  • Viêm nhiễm: Có rất nhiều vấn đề sức khỏe gây ra viêm nhiễm khởi phát thiếu máu do thiếu sắt. Cơ chế chung là khi viêm nhiễm sẽ khiến gan tạo ra nhiều hormone hepcidin. Chúng có khả năng ngăn không cho sắt rời khỏi các tế bào ban đầu trong ruột non. Do đó, dù bạn có đủ lượng sắt dự trữ, viêm nhiễm cũng sẽ khiến cơ thể không thể sử dụng và hấp thụ sắt đúng cách.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây thiếu máu do thiếu sắt như:

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu máu thiếu sắt

  • Chế độ ăn uống không phù hợp ở trẻ em trong độ tuổi dậy thì, người già, phụ nữ đang cho con bú, ăn uống kiêng khem, người nghiện rượu bia...;
  • Chế độ ăn thuần chay không tiêu thụ các loại thực phẩm giàu sắt;
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 1 - 2 tuổi có nguy cơ thiếu sắt cao do sữa mẹ không đảm bảo chất lượng hoặc uống nhiều sữa bò nên không nhận đủ chất sắt;
  • Phụ nữ mang thai cũng rất dễ bị thiếu sắt gây thiếu máu, xảy ra do cơ thể không có đủ lượng sắt cần thiết cung cấp cho thai nhi phát triển;
  • Phụ nữ đang trong giai đoạn hành kinh nhưng có chu kỳ kéo dài gây mất một lượng máu lớn;
  • Phụ nữ tử 15 - 49 có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu do thiếu sắt cao hơn nam giới đồng tuổi;
  • Hiến máu quá thường xuyên;
  • Người mắc các bệnh lý mãn tính như rối loạn tự miễn hoặc rối loạn tủy xương;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt, các triệu chứng bệnh có thể biểu hiện khác nhau. Những trường hợp thiếu sắt nhẹ có thể không gây triệu chứng, nhưng với những trường hợp nặng sẽ gây ra một số triệu chứng sau:

Bị thiếu máu thiếu sắt gây mệt mỏi mãn tính, suy nhược, khó thở, đau đầu, da nhợt nhạt...

  • Mệt mỏi, uể oải, thiếu tập trung;
  • Tim đập nhanh, đau tức ngực gây khó thở, thở gấp, hụt hơi;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Sốt nhẹ, ớn lạnh;
  • Đau đầu;
  • Xuất hiện các vết bầm tím trên da;
  • Hội chứng tay chân bồn chồn, không yên;
  • Tình trạng Pica (mô tả cảm giác thèm ăn những thứ không phải thực phẩm như đá, sơn, phấn, tinh bột, đất sét...);

Ngoài các triệu chứng chung trên, những người bị thiếu máu nặng do thiếu sắt còn có các biểu hiện khác như:

  • Móng tay giòn, dễ gãy và lõm xuống có hình thìa (hội chứng Koilonychia);
  • Dễ bị nứt khóe miệng;
  • Có cảm giác đau lưỡi, viêm lưỡi;
  • Làn da nhợt nhạt, xanh xao;
  • Tay chân lạnh;
  • Ăn uống kém;
  • Ù tai;

Chẩn đoán 

Người bệnh có thể tự phát hiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt của mình thông qua các triệu chứng điển hình như mệt mỏi mãn tính, khó thở, hụt hơi, chóng mặt, đau đầu, da dẻ xanh xao... Tuy nhiên, vẫn cần phải thăm khám chuyên khoa để chẩn đoán xác nhận tình trạng bệnh và tìm ra căn nguyên.

Xét nghiệm máu là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán chính xác mức độ và nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt

Bao gồm các biện pháp sau:

  • Khám sức khỏe: Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân cung cấp, kết hợp tìm kiếm các dấu hiệu khác của thiếu máu thiếu sắt. Tiến hành nghe tim, kiểm tra hơi thở và sờ bụng để kiểm tra xem gan, lá lách có to ra hay không.
  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC): Đây là biện pháp chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt chính xác nhất, cho phép đánh giá các chỉ số quan trọng như số lượng hồng cầu, lượng huyết sắc tố, hematocrit hoặc thể tích hồng cầu trung bình... Cụ thể như sau:
    • Xét nghiệm hematocrit: Kiểm tra thể tích máu và so sánh kết quả xét nghiệm với mức hematocrit bình thường. Đối với nam giới là 41 - 51%, nữ giới là 36 - 48%.
    • Xét nghiệm huyết sắc tố: Nhằm kiểm tra mức độ huyết sắc tố để đánh giá thiếu máu. Phạm vi huyết sắc tố bình thường được đo bằng đơn bị gam trên decilit (g/dL). Mức thông thường đối với nam giới là 13.5 - 17.5 g/dL, nữ giới là 12,0 - 15.5g/dL.
    • Xét nghiệm mức độ ferritin: Nhằm đánh giá mức độ protein trong máu. Nồng độ ferritin càng thấp cho thấy khả năng dự trữ sắt cũng thấp.
    • Xét nghiệm số lượng hồng cầu lưới: Nhằm đánh giá xem liệu số lượng hồng cầu mới được sản sinh ra có thấp hơn bình thường hay không.
    • Phết tế bào ngoại vi: Với những người bị thiếu máu thiếu sắt nặng, số bach cầu và tiểu cầu sẽ tăng cao hoặc giảm thấp bất thường.
  • Một số xét nghiệm khác: Bệnh thiếu máu thiếu sắt gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các biện pháp hỗ trợ chẩn đoán khác để đánh giá bệnh:
    • Siêu âm trong trường hợp chảy máu kinh nguyệt nhiều;
    • Nội soi đường tiêu hóa hoặc nội soi thực quản kiểm tra có dấu hiệu xuất huyết hay không;
  • Chẩn đoán phân biệt: Thiếu máu xảy ra do đa dạng nguyên nhân, do đó để chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt, cần loại trừ các dạng thiếu máu phổ biến khác như:
    • Thiếu máu ác tính;
    • Thiếu máu tán huyết;
    • Thiếu máu bất sản;

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh thiếu máu do thiếu sắt tuy phổ biến nhưng được cảnh báo gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và không được can thiệp điều trị kịp thời, bệnh sẽ có xu hướng tiến triển nặng, gây ra nhiều biến chứng khó lường như:

Bị thiếu máu thiếu sắt nghiêm trọng có thể gây các vấn đề về sức khỏe tim mạch, nhiễm trùng nguy hiểm

  • Nhiễm trùng: Các chuyên gia đã chứng minh mối liên hệ giữa bệnh thiếu máu  thiếu sắt và hệ thống miễn dịch. Bệnh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mạn tính, nhiễm khuẩn thường xuyên, kèm theo nhiễm trùng huyết nặng đe dọa tính mạng.
  • Các vấn đề về tim mạch: Thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra các vấn đề về tim mạch như rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh hoặc không đều, khiến các tế bào hồng cầu mang huyết sắc tố phải làm việc nhiều hơn để vận chuyển mang máu giàu oxy đi khắp cơ thể. Hậu quả dẫn đến suy tim và nhiều vấn đề tim mạch tiềm ẩn khác.
  • Các vấn đề về tăng trưởng: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị thiếu máu thiếu sắt có thể thể gặp các vấn đề về phát triển, tăng trưởng thể chất. Chẳng hạn như chậm tăng cân, chiều cao và suy giảm trí tuệ, khả năng nhận thức, hành vi và tâm lý vận động kém.
  • Các biến chứng khi mang thai: Phụ nữ mang thai bị thiếu máu thiếu sắt làm tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra thấp còi, nhẹ cân...
  • Trầm cảm: Ngoài các triệu chứng thể chất kể trên, tình trạng thiếu máu thiếu sắt kéo dài cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, lo lắng, rối loạn lo âu và nhiều vấn đề sức khỏe tinh thần khác.

Đa số các trường hợp được chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt đều không quá nghiêm trọng và có thể phục hồi thể trạng bằng các biện pháp tích cực. Tiên lượng bệnh thường tốt nếu được phát hiệu sớm và áp dụng điều trị kịp thời.

Điều trị

Mục tiêu điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt là bổ sung lượng sắt thiếu hụt, điều tị nguyên nhân gây chảy máu và xử lý các biến chứng liên quan do thiếu máu nặng, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe.

Tùy mức độ thiếu máu thiếu sắt nặng hay nhẹ và nguyên nhân gây ra thiếu sắt mà bác sĩ sẽ hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp.

Điều trị tại nhà

Với những trường hợp bệnh nhẹ, chỉ cần điều chỉnh lối sống và ăn uống khoa học sẽ giúp cải thiện nồng độ sắt trong máu.

Chế độ ăn uống

Sắt thường được bổ sung nhiều thông qua chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Có 2 loại sắt gồm heme iron và non-heme iron. Trong đó, heme iron có nhiều trong các loại thịt đỏ, còn non-heme iron xuất hiện chủ yếu trong thực vật. Chỉ cần bổ sung đủ 2 loại này, cơ thể sẽ có đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể.

Điều chỉnh thực đơn ăn uống giàu sắt giúp bù đắp lượng sắt thiếu hụt

Các loại thực phẩm giàu sắt như:

  • Thịt đỏ (thịt bò, trâu, dê, nai...), thịt gia cầm (gà, vịt, ngỗng...), hải sản, trứng;
  • Các loại rau có lá màu xanh đậm như rau bina, rau ngót, rau muống, rau dền...;
  • Trái cây như cam, quýt, quả chà là, quả sung, nho khô... giàu vitamin C;
  • Các loại ngũ cốc, sữa giàu canxi giúp tăng khả năng hấp thu sắt;
  • Mật ong, trái cây sấy khô, socola đen...;

Tránh sử dụng các loại trà, cà phê, rượu bia... khi đang ăn một bữa ăn có nhiều thực phẩm giàu sắt. Vì chúng có khả năng ức chế sự hấp thụ sắt trong cơ thể. Ngoài ra, cần lưu ý đối với các loại thịt bò giàu sắt và protein nhưng cũng chứa nhiều cholesterol. Do đó, chỉ nên bổ sung vừa phải để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe.

Điều trị bằng thuốc

Trường hợp thiếu sắt nhiều hơn và các triệu chứng thiếu máu thiếu sắt không cải thiện nhiều thông qua thực phẩm. Bác sĩ sẽ khuyến nghị sử dụng thuốc hoặc các chế phẩm bổ sung sắt qua đường uống, tiêm đường tĩnh mạch. Liều bổ sung sắt được khuyến cáo cho người lớn là từ 100 - 200mg/ ngày.

Tăng lượng sắt trong cơ thể thông qua các chế phẩm bổ sung sắt dạng uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch

Ngoài các loại thuốc không kê toa, trường hợp bị thiếu máu thiếu sắt trọng hơn, bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị cụ thể, bao gồm các nhóm thuốc sau:

  • Sắt sulfat: Liều dùng khuyến cáo 100 - 200mg/ ngày, dùng dưới dạng uống và chỉ uống khi bụng đói để hấp thụ tốt hơn.
  • Tiêm Erythropoietin (EPO): Đây là hoạt chất có khả năng kích thích tủy xương hoạt động hiệu quả nhằm tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn. Biện pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp bị thiếu máu thiếu sắt do bệnh thận hoặc ung thư.
  • Liệu pháp truyền sắt: Là phương pháp đưa sắt trực tiếp và cơ thể thông qua đường tĩnh mạch. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao, cải thiện nhanh chóng nồng độ sắt và giảm nguy cơ phải truyền máu.

Điều trị căn nguyên

Bên cạnh bổ sung sắt, bệnh nhân cũng cần phải tập trung vào phác đồ điều trị căn nguyên gây ra thiếu máu thiếu sắt. Chẳng hạn như:

  • Dùng thuốc tránh thai nhằm giảm lượng máu kinh hàng tháng;
  • Xuất huyết đường tiêu hóa trong do polyp đại tràng hoặc loét dạ dày có thể điều trị bằng thuốc cầm máu, thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật;

Với những trường hợp bệnh nặng, gây các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, bệnh nhân cần phải nhập viện để điều trị bệnh bằng các biện pháp sau:

Truyền máu trong những trường hợp thiếu máu cấp cứu như phẫu thuật hoặc chấn thương

  • Truyền máu: Truyền máu là cách nhanh nhất để thay mới các tế bào hồng cầu không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, phương pháp này thường chỉ được chỉ định trong trường hợp cấp bách, bệnh nhân mất máu nhiều do phẫu thuật hoặc chấn thương.
  • Phẫu thuật: Các vết loét chảy máu hoặc vết rách dạ dày cần được phẫu thuật sửa chữa ngay nhằm ngăn chặn chảy máu và giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, những trường hợp có polyp, khối u, xơ cũng có thể cần phẫu thuật để loại bỏ giảm nguy cơ mất máu quá nhiều. Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là nội soi bằng tia laser.

Phòng ngừa

Bệnh thiếu máu do thiếu sắt hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp tích cực sau:

Duy trì lối sống khoa học, sinh hoạt điều độ và ăn uống đủ chất giúp phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt

Chế độ ăn uống

Ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt giúp phòng ngừa bệnh thiếu máu thiếu sắt. Một chế độ ăn uống phù hợp là khi tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt như thịt gà, thịt nạc, rau lá màu xanh đậm, đậu hạt...;
  • Ăn nhiều thực phẩm giúp hấp thụ sắt tốt như các loại rau xanh, củ quả, trái cây tươi giàu vitamin C;
  • Đảm bảo ăn uống đủ chất và lành mạnh, cân đối nguồn dinh dưỡng, không bổ sung riêng một nhóm thực phẩm nào với lượng quá nhiều;
  • Tránh sử dụng caffein vì có thể khiến cơ thể khó hấp thụ sắt;

Chế độ sinh hoạt

  • Ngủ đủ giấc để kiểm soát cảm giác mệt mỏi. Đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 tiếng/ đêm và dành khoảng 20 - 30 phút/ ngày cho giấc ngủ ngắn vào buổi trưa.
  • Tập thể dục điều độ hàng ngày, khi tập vừa sức sẽ giúp cơ thể khỏe khoắn, giảm cảm giác mệt mỏi và tăng năng lượng.
  • Tránh cảm giác căng thẳng, lo âu quá mức, học cách kiểm soát áp lực bằng các biện pháp tích cực như thiền, yoga, hít thở sâu, nghe nhạc, vận động...
  • Tránh rượu bia, cà phê và các chất kích thích khác.
  • Uống nhiều nước, bao gồm cả nước lọc, nước ép trái cây và các loại nước bổ sung khoáng chất để duy trì năng lượng cho cơ thể.
  • Giữ ấm cơ thể, nhất là bàn tay và bàn chân.
  • Phụ nữ mang thai tăng cường bổ sung sắt theo liều dùng khuyến cáo của bác sĩ.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, suy nhược, da xanh xao, khó thở... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi phải làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu?

3. Nguyên nhân tại sao tôi bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu?

4. Bệnh thiếu máu thiếu sắt gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của tôi?

5. Tôi đang mang thai bị thiếu máu thiếu sắt có nguy hiểm không?

6. Phương pháp điều trị bệnh thiếu máu thiếu sắt tốt nhất dành cho tôi?

7. Chế độ ăn uống phù hợp dành cho trường hợp thiếu sắt thiếu máu?

8. Điều trị thiếu máu thiếu sắt nội trú hay ngoại trú?

9. Dùng thuốc sắt có gây tác dụng phụ nào không? Tôi cần làm gì để xử lý?

10. Mất bao lâu thì tôi phục hồi lại sức khỏe bình thường?

Thiếu máu thiếu sắt có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ đến người lớn và gây ra những ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo hãy tuân thủ chế độ ăn uống giàu sắt và sinh hoạt lành mạnh để giảm nguy cơ mắc bệnh. Đồng thời, chú ý theo dõi các triệu chứng bất thường nghi ngờ thiếu máu thiếu sắt để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Phân loại ung thư máu Bệnh Ung thư máu
Ung thư máu là dạng ung thư gây ảnh hưởng đến các tế bào máu khỏe mạnh trong cơ thể, chủ yếu là ở bạch cầu, tủy xương hoặc hệ…
Hạ Kali Máu
Hạ kali máu là tình trạng nồng độ kali máu…
Thiếu men G6PD
Thiếu men G6PD là một dạng rối loạn di truyền…
Hội chứng đổ mồ hôi máu
Hội chứng đổ mồ hôi máu xảy ra khi một…
Bệnh Hồng Cầu Hình Liềm

Hồng cầu hình liềm là bệnh thiếu máu di truyền từ bố và mẹ cùng mắc bệnh. Gen bệnh truyền…

Bệnh Ung thư hạch không Hodgkin

Ung thư hạch không Hodgkin là dạng ung thư máu phát triển trong hệ thống hạch bạch huyết, gây ảnh…

Bệnh Máu Khó Đông (Hemophilia)

Máu khó đông là một dạng rối loạn chảy máu di truyền kèm theo các bất thường về chức năng…

Bệnh Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em

Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em là một rối loạn hiếm gặp khiến trẻ có nồng độ bạch…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua