Bệnh Cường Lách

Cường lách là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng lách to và thiếu máu. Có rất nhiều nguyên nhân gây cường lách như mắc các bệnh về gan, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chuyển hóa... Bệnh xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không điều trị kịp thời.  

Tổng quan

Lá lách là cơ quan có kích thước nhỏ bằng nắm tay, nằm ở vị trí sau dạ dày và dưới khung xương sườn trái. Nó có 2 nhiệm vụ chính là lưu trữ máu và loại bỏ các tế bào máu già, cũ, hỏng ra khỏi máu. Ngoài ra, giúp cơ thể chống nhiễm trùng.

Cường lách là kết quả của việc lách hoạt động quá mức làm tăng kích thước lá lách và dẫn đến thiếu máu

Cường lách (Hypersplenism) là tình trạng lá lách hoạt động quá mức, lọc bỏ máu sớm với số lượng nhiều. Bao gồm cả các tế bào máu khỏe mạnh, khiến cơ thể thiếu máu (gồm cả tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Kèm theo biểu hiện lách to bất thường.

Bệnh có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng tùy vào mức độ thiếu hụt của các tế bào máu. Nhiều người thường nhầm lẫn bệnh cường lách là tình trạng lách to. Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến lá lách to lên bất thường, một trong số đó là bệnh cường lách. Nhưng không phải trường hợp lách to nào cũng phát triển cường lách.

Phân loại

Bệnh cường lách được chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Cường lách nguyên phát: Thường là kết quả của một quá trình tổn thương tại lá lách.
  • Cường lách thứ phát: Là tình trạng phát sinh cường lách có liên quan đến nhiều rối loạn khác.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Cường lách đặc trưng với tình trạng lá lách tăng sản bất thường làm tăng thể tích. Điều này đồng nghĩa với việc lượng máu trong lách tăng lên, bao gồm tế bào máu khỏe mạnh và già cỗi. Hậu quả khiến các tế bào máu khỏe mạnh không thể thực hiện tốt chức năng vốn có và gây nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Nhiễm trùng, các bệnh về gan, ung thư, rối loạn chuyển hóa... là những nguyên nhân chính gây ra cường lách

Một số nguyên nhân khiến lách to dẫn đến cường lách như:

  • Bệnh gan: Bệnh viêm gan mãn tính hoặc xơ gan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan. Lưu lượng máu di chuyển qua gan và lá lách lớn tạo áp lực trong các mạch máu, khiến lá lách sưng to lên và gây cường lách.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh tự miễn dịch: Các bệnh lý miễn dịch gây viêm mạn tính như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh sarcoid có thể kích thích hoạt động phản ứng miễn dịch quá mức và khiến lá lách hoạt động quá mức dẫn đến cường lách.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng cũng là nguyên nhân hàng đầu gây cường lách. Có nhiều dạng nhiễm trùng xuất phát từ các vi sinh vật có hại như:
    • Virus gây HIV, Epstein-Barr (bệnh bạch cầu đơn nhân)...;
    • Vi khuẩn lao (Tuberculosis), viêm nội tâm mạc...;
    • Ký sinh trùng gây sốt rét hoặc bệnh Toxoplasmosis...;
  • Ung thư: Các dạng ung thư máu phổ biến như u lympho, u nguyên bào tủy (MPN) hoặc ung thư bạch cầu... có thể di căn xâm nhập vào lá lách và phát triển cường lách.
  • Rối loạn máu: Một số rối loạn máu di truyền như thiếu máu tán huyết (thalassemia) hoặc chứng giảm bạch cầu trung tính có thể làm phá hủy các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Điều này tạo áp lực cho lá lách trong việc đào thải chúng và hoạt động quá mức.
  • Rối loạn chuyển hóa di truyền: Đây là những bệnh gây tích tụ và lưu trữ nhiều chất khác nhau trong các cơ quan, sau đó xâm nhập vào lá lách và gây cường lách. Chẳng hạn như bệnh tế bào hồng cầu hình liềm, bệnh Gaucher và bệnh Niemann - Pick...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Các triệu chứng cường lách thường gặp như:

  • Triệu chứng lá lách to:
    • Đau vùng bụng bên trái;
    • Ăn nhanh no;
  • Triệu chứng thiếu máu: Thiếu hụt các tế bào hồng cầu mang oxy đến đến mô cơ quan, gây:
    • Dễ chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt;
    • Đau đầu;
    • Da xanh xao, nhợt nhạt;

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh cường lách thường được thực hiện thông qua các biện pháp sau:

Chẩn đoán cường lách thông qua đánh giá triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng

  • Khám sức khỏe tổng quát: Bệnh nhân sẽ được kiểm tra thể chất toàn diện. Kết hợp khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng và thu thập các vấn đề sức khỏe bất thường trong quá khứ hoặc thời gian gần đây.
  • Xét nghiệm máu: Đo nồng độ hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu của bạn để phát hiện các bất thường như thiếu hụt lượng hồng cầu khỏe mạnh.
  • Kiểm tra hình ảnh: Siêu âm, chụp CT hoặc chụp điện tâm đồ cho phép quan sát chi tiết hình ảnh lá lách, dễ dàng phát hiện các dấu hiệu tổn thương.
  • Sinh thiết tủy xương: Sau các chẩn đoán trên, nếu nghi ngờ mắc bệnh cường lách, bệnh nhân sẽ phải thực hiện sinh thiết tủy xương để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh cường lách khiến lá lách to bất thường và gây thiếu máu trầm trọng. Tình trạng này nếu kéo dài và không điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng sau:

Bệnh nhân cường lách có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng do suy giảm hệ thống miễn dịch

  • Nhiễm trùng: Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu khỏe mạnh trong máu. Sự ảnh hưởng của thiếu máu không chỉ khiến các cơ quan nội tạng ngày càng suy yếu mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Vỡ lá lách: Lá lách thường mềm và dễ bị tổn thương, nhất là khi bị cường lách khiến nó to ra bất thường. Vỡ lá lách rất dễ xảy ra khi gặp các điều kiện thuận lợi như tai nạn giao thông, té ngã... Tình trạng này gây xuất huyết ổ bụng, đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh cường lách có thể điều trị được bằng cách khắc phục nguyên nhân và triệu chứng. Tiên lượng của bệnh tùy thuộc vào tình trạng bệnh, một số trường hợp chỉ xuất hiện tạm thời, nhưng cũng có thể mãn tính, tiến triển ngày càng nặng và đe dọa sức khỏe, tính mạng.

Điều trị

Điều trị bệnh cường lách phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng, loại bỏ căn nguyên và ngăn ngừa biến chứng.

Một số phương pháp được áp dụng phổ biến như:

Điều trị triệu chứng

Trường hợp cường lách mức độ nhẹ có thể được cải thiện rõ rệt nhờ các biện pháp tích cực sau:

Bệnh nhân cường lách được truyền máu nhằm phục hồi số lượng tế bào máu cần thiết

  • Truyền máu;
  • Thay đổi chế độ ăn uống;
  • Dùng thuốc lợi tiểu nhằm loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa;
  • Điều trị nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc diệt ký sinh trùng;
  • Thuốc hóa trị chữa ung thư;

Xạ trị

Bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân tiến hành xạ trị trong một số trường hợp nhất định nhằm thu nhỏ lá lách. Tia bức xạ liều thấp đã được chứng minh có khả năng giảm kích thước lá lách và cải thiện tình trạng thiếu máu.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ lá lách được chỉ định thực hiện khi tất cả các biện pháp điều trị khác không đáp ứng hiệu quả. Tùy mức độ nghiêm trọng của cường lách, bệnh nhân có thể được cắt một phần hoặc toàn bộ lá lách.

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lá lách tùy theo mức độ tổn thương

Tuy nhiên, phương pháp này cần được cân nhắc kỹ trước khi thực hiện. Bạn có thể sống mà không có lá lách, nhưng sức khỏe sẽ rất kém, suy giảm hệ thống miễn dịch và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Do đó, bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân sau khi cắt lách nên tiêm đầy đủ các loại vắc xin hoặc điều trị dự phòng bằng kháng sinh.

Phòng ngừa

Ngoại trừ những bệnh lý hoặc điều kiện di truyền gây cường lách, những tác nhân khác đều có thể phòng ngừa được.

  • Tiêm phòng vắc xin đầy đủ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng có liên quan đến bệnh cường lách.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng và cân bằng các chất.
  • Tập thể dục thể thao điều độ, chú ý tập vừa sức và chọn những bộ môn nhẹ nhàng, tránh chơi những môn thể thao đối kháng.
  • Khám sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc thăm khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi được chẩn đoán thiếu máu và lách to là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh cường lách?

3. Bệnh cường lách có nguy hiểm không?

4. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh cường lách?

5. Mức độ cường lách của tôi có nguy hiểm không?

6. Phương pháp điều trị cường lách hiệu quả nhất?

7. Tôi nên điều trị cường lách ngoại trú hay nội trú?

8. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe hỗ trợ điều trị cường lách?

9. Quá trình điều trị cường lách mất bao lâu thì khỏi?

10. Phẫu thuật cắt bỏ lách khi nào được chỉ định?

Cường lách gây những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và gián tiếp đe dọa tính mạng do phát triển các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp cường lách đều có tiên lượng tốt nhờ được phát hiện sớm và điều trị phù hợp. Khuyến cáo mỗi người cần tự nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe và bảo tồn chức lá lách.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt là một dạng thiếu máu thường gặp, xảy ra do cơ thể thiếu hụt chất sắt, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất các tế…
Bệnh U lympho tế bào thần kinh
U lympho tế bào thần kinh là một dạng ung…
Hội chứng đổ mồ hôi máu
Hội chứng đổ mồ hôi máu xảy ra khi một…
Bệnh Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em
Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ em là một…
Bệnh Buerger

Bệnh Buerger là một dạng hiếm gặp của tình trạng viêm thuyên tắc các mạch máu ở tay và chân.…

Thiếu men G6PD

Thiếu men G6PD là một dạng rối loạn di truyền gây ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu. Tình…

Hạ Kali Máu

Hạ kali máu là tình trạng nồng độ kali máu thấp hơn nhu cầu của cơ thể. Giảm kali máu…

Bệnh Máu Khó Đông (Hemophilia)

Máu khó đông là một dạng rối loạn chảy máu di truyền kèm theo các bất thường về chức năng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua