Chỉ số men gan là gì? Bao nhiêu là cao và nguy hiểm?

Chỉ số men gan là các giá trị được xác định trong xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng và chức năng của gan. Các chỉ số này thường bao gồm AST, ALT, GGT và ALP, giúp phát hiện viêm hoặc tổn thương gan.
Men gan (hay còn gọi là enzyme gan) là các protein đặc biệt giúp thúc đẩy các phản ứng hóa học trong gan. Các enzyme gan chính bao gồm alanine aminotransferase (ALT), aspartate aminotransferase (AST), alkaline phosphatase (ALP), và gamma-glutamyl transferase (GGT). Chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng, phá hủy độc tố, sản xuất các protein quan trọng và nhiều chức năng khác của gan.

Chỉ số men gan là các giá trị đo lường hoạt động của các enzyme trong gan được xác định thông qua xét nghiệm máu. Những chỉ số này giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của gan, phát hiện sớm các bệnh lý gan.
Chỉ số men gan cao hay thấp đều cho thấy có thể có sự bất thường trong chức năng của gan. Các chỉ số cao thường liên quan đến tổn thương gan, viêm gan, hoặc tắc nghẽn mật.
Trong khi đó, chỉ số men gan thấp có thể là do suy dinh dưỡng hoặc tình trạng y tế khác ảnh hưởng đến gan. Để hiểu rõ nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được bác sĩ chuyên khoa yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm khác.
Xem thêm:Các xét nghiệm chức năng gan phổ biến nhất hiện nay
Chỉ số men gan bình thường
Khi các tế bào gan bị già và chết đi, các men gan sẽ nhanh chóng phóng thích vào máu bệnh nhân với một ngưỡng nhất định. Chỉ số men gan bình thường có thể khác nhau giữa nam và nữ. Dưới đây là một số giá trị tham khảo chung cho các enzyme gan chính:
- ALT: Từ 20 – 40 IU/l
- AST: Từ 20 – 40 UI/L
- ALP: Từ 30 – 110 UI/L
- GGT: Từ 20 – 40UI/L.
Đây là chỉ số men gan chuẩn được thống nhất thông qua các kết quả nghiên cứu, xét nghiệm ở con người. Trong đó, chỉ số ALT, AST liên quan đến các bệnh lý về gan, chỉ sự tổn thương nghiêm trọng ở các tế bào gan.
Thông qua chỉ số này, bác sĩ sẽ biết được các trường hợp gan bị nhiễm độc, viêm gan. Chỉ số men gan GGT bị chi phối bởi rượu, bia, các độc tố gây hại cho gan, được tìm thấy ở thận, lá lách, tuyến tụy, gan,…
Tuy nhiên, các giá trị này có thể thay đổi tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm và tiêu chuẩn cụ thể của từng phòng thí nghiệm.
Chỉ số men gan bao nhiêu là cao?
Chỉ số men gan qua xét nghiệm máu nếu vượt quá ngưỡng bình thường ở trên được gọi là men gan cao. Tình trạng này phản ánh gan đang bị tổn thương do mắc các bệnh lý như gan nhiễm mỡ, ung thư gan, viêm gan, xơ gan,…
Đôi khi, chỉ số men gan cao còn là dấu hiệu cảnh báo tình trạng tổn thương ở thận và tim. Do đó, khi phát hiện men gan cao quá mức, bác sĩ thường sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm khác nhằm kiểm tra chức năng của tim và thận, từ đó có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Tìm hiểu thêm: Men gan cao có nguy hiểm không? Chuyên gia nói gì?
Chỉ số men gan bao nhiêu là nguy hiểm?
Nếu chỉ số men gan tăng 1 – 2 lần so với bình thường là mức độ nhẹ, tăng trên 2 – 5 lần là ở mức độ trung bình, nhưng tăng trên 5 lần là chỉ số men gan quá cao và ở mức đáng báo động.
Với những bệnh nhân uống nhiều rượu, men gan cao với chỉ số gấp 2 – 10 lần so với bình thường. Riêng bệnh nhân bị suy gan cấp thì chỉ số này có thể tăng cao ở mức 5.000 U/L.
Mức độ nguy hiểm của bệnh men gan cao còn tùy thuộc rất nhiều vào chỉ số men gan ở từng người bệnh. Chỉ số men gan càng cao, tăng đột biến đồng nghĩa với việc mức tổn thương gan càng nhiều.
Do vậy, nếu phát hiện thấy nồng độ men gan tăng cao bất thường dù ở mức độ nào, bệnh nhân cũng cần chú trọng điều trị để nhanh chóng kiểm soát, đưa các chỉ số về ngưỡng an toàn nhằm tránh phát sinh các tổn thương nghiêm trọng hơn.
7 Biện pháp phòng ngừa men gan tăng
Chỉ số men gan cao chủ yếu được phát hiện ở những bệnh nhân thường xuyên sử dụng rượu, bia, các chất kích thích, uống nhiều thuốc Tây hoặc mắc các bệnh như viêm gan A, B, C, viêm tuyến đường mật,… Tình trạng này kéo dài sẽ phá hủy các tế bào gan và nhiều biến chứng nguy hiểm.

Để duy trì sự ổn định của nồng độ men gan và ngăn ngừa tình trạng men gan cao, bạn cần chú ý:
- Không được uống nhiều bia, rượu
- Tránh căng thẳng, lo lắng quá mức
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể và hỗ trợ cải thiện chức năng chuyển hóa tại gan.
- Uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả để thanh lọc và đào thải các độc tố ra khỏi gan
- Sử dụng các loại trà thảo mộc như atiso, nhân trần, lá sen, cà gai leo,… để giúp hạ men gan
- Đi ngủ sớm vào buổi tối và ngủ đủ giấc để tổn thương trong gan được tái tạo, không thức quá khuya.
- Tiến hành xét nghiệm và thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý về gan, tim, thận.
Chỉ số men gan cao hay thấp đều không tốt cho sức khỏe. Do đó, nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào trong kết quả xét nghiệm men gan, bạn nên tham vấn bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
- 5 Thuốc giảm men gan tốt nhất cho người men gan cao
- Bệnh men gan cao nên ăn gì, kiêng gì giảm nhanh?
