Gan Nhiễm Mỡ
Đặt lịch ngayGan nhiễm mỡ là bệnh lý về gan phổ biến, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Nghiện rượu bia là nguyên nhân hàng đầu khiến gan nhiễm mỡ. Đặc trưng với các biểu hiện về tiêu hóa, rối loạn nội tiết, suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng... Điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu bằng cách cai rượu và điều chỉnh lối sống, ăn uống.
Tổng quan
Gan là một trong số các cơ quan nội tạng quan trọng, đảm nhiệm chức năng quan trọng trong hệ tiêu hóa, chuyển hóa, dự trữ, giải độc, tạo máu nhằm duy trì hoạt động sống cho con người. Một người có lá gan khỏe là khi cấu trúc, hình dạng, màu sắc gan đồng nhất, khối lượng ~ 1.2 - 1.6kg và hoạt động ổn định.
Gan nhiễm mỡ (Fatty liver Disease hoặc Hepatic steatosis) là một trong những vấn đề sức khỏe về gan phổ biến. Đây là tình trạng gan tích trữ lượng lớn chất béo, cao hơn 5% trọng lượng của gan, quan sát dưới kính hiển vi sẽ thấy vô số các tế bào gan chứa hạt mỡ và bị có hiện tượng viêm nhiễm.
Đây là bệnh lý khá phổ biến, thường gặp ở những người nghiện rượu bia, chế độ ăn uống, thừa cân béo phì hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý như suy giáp, đái tháo đường, buồng trứng đa nang, suy tuyến yên...
Gan nhiễm mỡ có nguy cơ mắc cao và rất dễ biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Theo thống kê, có khoảng 20% trường hợp các ca mắc bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển thành xơ gan. Những biểu hiện của bệnh thường mờ nhạt nên rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Phân loại
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, gan nhiễm mỡ được chia làm 2 loại chính gồm:
Gan nhiễm mỡ do rượu (ALD): Nghiện rượu là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra gan nhiễm mỡ. Bệnh thường diễn tiến trong thời gian dài, âm thầm và ít gây ra triệu chứng. Bệnh chỉ có thể được cải thiện khi người bệnh ngưng sử dụng rượu. Ngược lại nếu không điều trị và ngưng uống rượu, gan bị giảm dần chức năng chuyển hóa mỡ, gây biến chứng viêm gan hoặc xơ gan nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao.
Gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD): Nhóm bệnh này thường xuất phát do nguyên nhân rối loạn chức năng chuyển hóa mỡ. Hiện tượng này đặc trưng với các triệu chứng điển hình như tăng huyết áp, cholesterol LDL, triglyceride, chỉ số đường huyết, bụng tích trữ lượng lớn mỡ và kháng insulin. NAFLD được phát hiện dưới nhiều dạng như dựa vào tính chất và mức độ nguy hiểm của bệnh:
Gan nhiễm mỡ đơn thuần (Simple fatty liver): là tình trạng gan tích tụ lượng lớn chất béo dư thừa nhưng không làm tổn thương gan;
Gan nhiễm mỡ gây viêm gan không do rượu (NASH): là tình trạng gan nhiễm mỡ nguy hiểm, gây tổn thương các tế bào gan, dẫn đến viêm nhiễm và có nguy cơ cao biến chứng hình thành sẹo gan, xơ gan và ung thư gan;
Dựa vào các biểu hiện và đặc điểm gan khi bị gan nhiễm mỡ, bệnh được chia làm 3 cấp độ chính gồm:
Gan nhiễm mỡ độ 1: Hàm lượng mỡ trong gan chiếm khoảng 5 - 10% trọng lượng gan. Hình ảnh siêu âm gan vẫn còn quan sát được vị trí cơ hoành và các đường bờ tĩnh mạch trong gan, tuy mức độ hút âm chưa nhiều nhưng đã có sự tăng nhẹ về độ hồi âm lan tỏa trong các nhu mô gan;
Gan nhiễm mỡ độ 2: Hàm lượng mỡ trong gan chiếm khoảng 10 - 25% trọng lượng gan. Hình ảnh siêu âm cho thấy mức độ hồi âm lan tỏa trong nhu mô gan tăng lên nhiều hơn. Đồng thời, khó xác định được vị trí của cơ hoành và đường bờ của các tĩnh mạch gan;
Gan nhiễm mỡ độ 3: Hàm lượng mỡ trong gan chiếm > 30% trọng lượng gan. Hình ảnh siêu âm thấy độ hồi âm lan tỏa tăng cao đột biến, mức độ hút âm mạnh bất thường gây khó xác định cơ hoành và đường bờ các tĩnh mạch trong gan;
Nguyên nhân & yếu tố nguy cơ
Đa phần các trường hợp mắc bệnh gan nhiễm mỡ đều xuất phát từ lối sống sinh hoạt kém lành mạnh. Bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng: Dung nạp nhiều thực phẩm chứa chất béo và đường; thói quen ăn nhanh, không nhai kỹ; uống nhiều rượu bia; thiếu hụt dinh dưỡng, sút cân nhanh cũng dẫn đến gan nhiễm mỡ;
- Thói quen sinh hoạt kém khoa học: Sinh hoạt không đúng giờ giấc; thức khuya thường xuyên, lười vận động khiến tiêu hóa bị ảnh hưởng; tress, căng thẳng kéo dài gây mệt mỏi, lười vận động...;
- Do bệnh lý và di truyền: Ảnh hưởng từ bệnh lý nội tiết như đái tháo đường, nhiễm HIV, các bệnh đường ruột, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nội tiết...; yếu tố từ gen di truyền từ gia đình...
- Do nhiễm độc: Gan nhiễm mỡ do nạp vào cơ thể lượng rượu bia lớn dẫn đến nhiễm độc rượu bia, nhiễm độc chì, phospho, Arsenic và nhiều hóa chất, tác nhân khác thông qua ăn uống, môi trường.
- Lạm dụng thuốc Tây: Tác dụng phụ từ các loại thuốc tân dược (thường là thuốc chống ung thư) như Corticoid, Tetracycline, thuốc điều hòa hormone sinh dục nữ...;
- Các nguyên nhân khác: Sức đề kháng yếu kém tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển, khởi phát gan nhiễm mỡ; người thừa cân béo phì có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao.
Ngoài ra, tùy theo dạng gan nhiễm mỡ cấp tính hay mạn tính mà các nguyên nhân gây bệnh được phân chia cụ thể hơn, gồm:
- Gan nhiễm mỡ cấp tính: Thường xảy ra ở phụ nữ mang thai; người mắc hội chứng Reye; chứng bệnh ói mửa Jamaican; bị ảnh hưởng bởi các độc tố dạng hợp chất như trichloroethylene, tetrachloride, fialuridine, phosphorus...; tác dụng phụ của các loại thuốc như Valproic acid, Glucocorticoids, Tetracycline, Amiodarone hoặc Tamoxifen;
- Gan nhiễm mỡ mạn tính: Thường xuất phát từ chứng tăng lipid máu; thiếu hụt protein; người nghiện rượu; mắc bệnh tiểu đường; thừa cân - béo phì; các rối loạn di truyền về acid béo và oxy hóa ở bệnh nhân ty lạp thể; ảnh hưởng từ các bệnh hệ thống như chứng AIDS gây suy giảm miễn dịch, viêm ruột hoặc các bệnh về gan như viêm gan C mạn tính, hội chứng Wilson...;
Triệu chứng & chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng gan nhiễm mỡ thường không đặc hiệu, dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Nhưng trên lâm sàng, một người mắc bệnh lý này sẽ có các biểu hiện đặc trưng sau:
- Chán ăn: Chức năng chuyển hoa suy giảm do gan nhiễm mỡ khiến lượng dinh dưỡng giảm đi, độc tố trong máu tăng lên khiến cơ thể nhiễm độc và suy yếu. Do đó, người bệnh gan nhiễm mỡ thường hay mệt mỏi, ăn uống không ngon, chán ăn bất thường;
- Rối loạn tiêu hóa: Các tế bào gan bị nhiễm mỡ quá mức cản trở quá trình chuyển hóa và giải độc dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như: đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đại tiên phân lỏng, màu xám, nước tiểu sậm màu...;
- Vàng da: Bệnh nhân gan nhiễm mỡ khiến chức năng thải độc suy giảm, khiến lượng bilirubin tích tụ trong cơ thể, lâu ngày sẽ biểu hiện ra ngoài thông qua tình trạng vàng da;
- Rối loạn nội tiết: Nam giới bị gan nhiễm mỡ thường bị rối loạn nội tiết tăng phát triển tuyến vú, teo tinh hoàn, rối loạn cương dương... Còn nữ giới dễ bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, tắc kinh...;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán gan nhiễm mỡ, ngoài các triệu chứng lâm sàng kể trên, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận chính xác về tình trạng bệnh.
Xét nghiệm máu: Phân tích công thức máu nhằm kiểm tra các chỉ số như men gan AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT, Cholesterol, Triglycerid...; nếu nghi ngờ gan nhiễm mỡ biến chứng xơ gan cần kiểm tra chỉ số Albumin, Bilirubin, protein máu, chức năng đông máu cơn bản...;
Xét nghiệm virus viêm gan: Nhằm tìm kiếm và phát hiện các loại virus gây viêm gan như HAV, HBV, HCV... Đồng thời, tầm soát các bệnh lý về gan khác như suy gan, xơ gan, ung thư gan...;
Siêu âm ổ bụng: Hình ảnh siêu âm ổ bụng giúp bác sĩ dễ dàng quan sát cấu trúc và phát hiện các bất thường trong gan. Đặc biệt, những trường hợp gan nhiễm mỡ nghi ngờ có biến chứng xơ gan có thể thực hiện siêu âm đo mức độ đàn hồi của gan;
Một số xét nghiệm khác: Như chụp cắt lớp vi tính CT scan, chụp cộng hưởng từ MRI, sinh thiết gan... để chẩn đoán chính xác tình trạng, chức năng gan và các vấn đề bất thường khác từ gan là hệ quả của gan nhiễm mỡ.
Biến chứng & tiên lượng
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh có tiên lượng khá tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Áp dụng đúng phương pháp, đúng thời điểm sẽ giúp chữa khỏi bệnh dứt điểm hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng hay rủi ro nguy hiểm nào cho sức khỏe. Tuy nhiên, có rất ít trường hợp phát hiện ra bệnh ở giai đoạn sớm, trừ khi vô tình thực hiện xét nghiệm máu khi gặp các vấn đề sức khỏe khác.
Bệnh có tiến triển chậm, nhưng đến khi bộc phát sẽ biểu hiện rõ ràng và có nguy cơ biến chứng cao như:
- Viêm gan nhiễm mỡ: Các tế bào gan nhiễm mỡ ngày càng nặng khiến gan không thể hoạt động bình thường, dễ viêm nhiễm do chức năng chống độc suy giảm, tạo điều kiện cho các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm... xâm nhập từ đường ruột vào trong gan gây viêm gan nhiễm mỡ.
- Xơ gan: Là tình trạng gan hình thành các sợi xơ do các tế bào gan hoạt động quá mức. Lâu ngày hình thành các mô sẹo khiến gan trở nên chai cứng, cản trở hoạt động và không còn khả năng phục hồi vĩnh viễn gây biến chứng xơ gan. Xơ gan là nguyên nhân dẫn đến ung thư gan nguy hiểm.
- Ung thư gan: Là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh gan nhiễm mỡ. Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, không phải ai mắc gan nhiễm mỡ cũng có nguy cơ bị ung thư gan. Đây là hậu quả từ xơ gan do thoái hóa mỡ biến chứng từ gan bị nhiễm mỡ không được điều trị.
- Biến chứng khác: Ngoài các biến chứng tại gan, bệnh gan nhiễm mỡ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, các bệnh về chuyển hóa như loạn dưỡng mỡ, loãng xương, thiếu hụt vitamin D, bệnh dự trữ glycogen, ung thư trực tràng... Các bệnh lý này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.
Điều trị
Hầu hết các trường hợp gan nhiễm mỡ được phát hiện đều ở giai đoạn mạn tính, khó điều trị. Phác đồ điều trị cần có sự kết hợp giữa nhiều biện pháp khác nhau để tăng hiệu quả, ngăn tiến triển bệnh, phòng tránh biến chứng và dự phòng tái phát.
1. Điều trị bằng thuốc
Cho đến hiện nay, vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị nào dành cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Việc dùng thuốc chủ yếu nhằm cải thiện triệu chứng và hạn chế tiến triển của bệnh. Dùng thuốc được chỉ định dựa theo nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ như:
- Thuốc Lovastatin giúp hạ lượng cholesterol trong máu;
- Thuốc Avandia hoặc Actos trị bệnh tiểu đường;
- Với những bệnh nhân không bị tiểu đường, có thể cân nhắc sử dụng vitamin E. Lưu ý không dùng cho nam giới đã từng mắc hoặc có tiền sử gia đình bị ung thư tiền liệt tuyến;
2. Chăm sóc tích cực
Dùng thuốc chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng tạm thời. Để có thể thoát khỏi hoàn toàn bệnh gan nhiễm mỡ thì điều quan trọng nhất chính là giảm thiểu các yếu tố nguy cơ bằng cách:
- Nói không với các loại thức uống có cồn, đặc biệt là rượu bia;
- Kiểm soát rối loạn lipd máu, ổn định chỉ số đường huyết và Cholesterol trong máu bằng các statin không chuyển hóa;
- Giảm cân là điều bắt buộc đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ do béo phì. Bệnh nhân có thể chọn cách giảm cân khoa học bằng cách đều chỉnh lối sống, sinh hoạt và ăn uống. Trường hợp thừa cân béo phì quá mức có thể cân nhắc đến phương pháp phẫu thuật giảm cân tại các cơ sở y tế an toàn (nếu phù hợp). Không nên chọn những cách giảm cân cấp tốc để tránh khiến bệnh nặng hơn;
Phòng ngừa
Để phòng ngừa gan nhiễm mỡ cần tiêm phòng vắc xin ngăn ngừa viêm gan A, B & C để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus gây tổn thương đến gan. Đồng thời, bạn hãy thực hiện các biện pháp tích cực sau:
Về chế độ ăn uống:
Nên kiêng các loại thực phẩm chứa nhiều Cholesterol, chất béo, mỡ xấu từ đông vật, thức ăn nhanh, chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản...;
Hạn chế các loại thịt đỏ giàu protein gây áp lực cho gan;
Giảm ăn các loại trái cây chứa nhiều đường fructose như nho khô, lựu, vải, chà là, việt quất...;
Hạn chế hoặc không uống bia, rượu, các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích khác;
Nên ăn uống khoa học, cân bằng các chất dinh dưỡng, giảm chất béo và tăng cường chất xơ từ rau xanh, củ quả, trái cây tươi...;
Về chế độ sinh hoạt:
Tập thể dục điều độ mỗi ngày, ít nhất 30 phút cho một lần tập để đạt hiệu quả tốt nhất;
Ưu tiên những bộ môn tốt cho sức khỏe chung như đi bộ, bơi lội, đạp xe, yoga, dưỡng sinh, bóng bàn...
Sinh hoạt đúng giờ, đúng giấc, ngủ sớm, không thức khuya, không làm việc quá sức, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ;
Cai thuốc lá và rượu bia;
Thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần để tầm soát các bất thường trong cơ thể, bao gồm chức năng gan để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng;
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân khiến tôi bị gan nhiễm mỡ?
2. Bệnh gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
3. Bị gan nhiễm mỡ có ảnh hưởng đến sinh sản không?
4. Thừa cân béo phì có phải dấu hiệu của gan nhiễm mỡ không?
5. Tôi cần thực hiện xét nghiệm cần thiết nào để chẩn đoán gan nhiễm mỡ?
6. Bệnh gan nhiễm mỡ có chữa khỏi dứt điểm được không?
7. Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ tốt nhất dành cho tôi?
8. Có thuốc đặc trị gan nhiễm mỡ không?
9. Cai rượu nhưng không dùng thuốc bệnh có tự khỏi không?
10. Tôi có cần tái khám sau điều trị gan nhiễm mỡ không?
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh dễ biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nhưng cũng không quá khó để kiểm soát và điều trị. Bản thân mỗi người chỉ cần tự ý thức trong việc duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, hạn chế hoặc tránh xa rượu bia, vận động tích cực sẽ giúp lá gan hoạt động khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật.
Xem thêm:
- Gan nhiễm mỡ nên ăn gì, kiêng gì tốt? Thực đơn chuẩn
- 15 Cách trị gan nhiễm mỡ từ thiên nhiên - Không cần thuốc
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!