Bệnh Ung Thư Gan

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

Ung thư gan là bệnh ung thư ác tính gây ảnh hưởng đến chức năng gan và đường ống dẫn mật trong gan. Các tế bào ung thư phát triển nhanh chóng, lây lan và di căn xa đến các bộ phận khác, ảnh hưởng sức khỏe và đe dọa tính mạng người bệnh. Điều trị ung thư gan tùy thuộc vào nhiều yếu tố như thể trạng sức khỏe, mức độ nghiêm trọng của bệnh và biến chứng. 

Tổng quan

Ung thư gan (Liver Cancer) là tình trạng tăng sinh bất thường của các mô tế bào gan. Có nhiều tế bào gan có liên quan đến ung thư như tế bào biểu mô, tế bào lót ống dẫn mật... Chúng phát triển nhanh chóng và xâm lấn sang các mô lân cận hoặc di căn xa đến những bộ phận khác trên cơ thể.

Khối u ung thư gan phát triển tại gan được gọi là ung thư nguyên phát, nếu khối u bắt đầu ở vị trí khác và di căn đến gan được gọi là ung thư gan thứ phát. Mỗi loại có đặc điểm và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Nhưng nhìn chung, ung thư gan là căn bệnh rất nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí tử vong.

Ung thư gan là tình trạng các tế bào gan đột biến và chuyển hóa thành khối u ung thư

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan khác nhau, tùy thuộc vào vị trí khối u, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể để áp dụng biện pháp phù hợp nhất.

Ung thư gan phổ biến ở các nước châu Á hơn các nước phương Tây. Những người trong độ tuổi từ 60 - 70 có nguy cơ mắc bệnh cao, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nữ giới.

Phân loại

Ung thư gan được chia làm 5 loại chính gồm:

Ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư ống dẫn mật là 2 dạng ung thư gan thường gặp nhất

  • Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma - HCC): Đây là dạng ung thư gan có tỷ lệ mắc cao nhất. Các khối u ác tính phát triển từ trong gan, thường liên quan đến xơ gan, viêm gan B, C và bệnh gan nhiễm mỡ không liên quan đến rượu (NAFLD).
  • Ung thư tế bào ống dẫn mật (Intrahepatic cancer - IHC): Có khoảng 10 - 20% trường hợp mắc bệnh ung thư gan dạng này. Khối u ung thư bắt đầu phát triển trong các tế bào ống mật, có cấu trúc hình ống dẫn từ gan đến túi mật (nơi tích trữ chất lỏng để tiêu hóa thức ăn). Thể ung thư gan này cũng có liên quan mật thiết đến viêm gan B, C, chứng viêm đường mật và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
  • Thể ung thư Angiosarcoma gan: Loại ung thư này phát triển dọc theo các lớp lót nằm bên trong tế bào máu và tế bào bạch huyết. Người lớn tuổi khoảng 60 - 70 rất dễ gặp thể ung thư này, một số ít trường hợp trẻ em cũng có thể mắc phải. Tiên lượng thể ung thư này khá nghiêm trọng và thường khởi phát do tiếp xúc hóa chất công nghiệp.
  • Thể ung thư biểu mô tế bào sợi phiến (FLL-HCC): Dạng ung thư này khá hiếm gặp, chủ yếu gặp ở thanh thiếu niên và người trưởng thành < 40 tuổi. Bệnh có thể xảy ra dù không có tiền sử hoặc các yếu tố nguy cơ về gan.

Ngoài ra, bệnh ung thư gan cũng được phân chia làm 4 giai đoạn chính dựa vào đặc điểm, tính chất khối u gan ác tính, gồm:

  • Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn ung thư gan sớm vừa khởi phát. Chỉ có duy nhất 1 khối u gan được phát hiện, kích thước < 2cm và kết quả xét nghiệm máu không có bất thường.
  • Giai đoạn A: Đây là giai đoạn đầu của ung thư gan. Kích thước khối u tăng tối đa 5cm hoặc có nhiều khối u < 3cm. Chúng có hoặc chưa lan đến mạch máu lân cận.
  • Giai đoạn B: Đây là giai đoạn trung gian ung thư gan. Bạn có một hoặc nhiều khối u có kích thước > 5cm. Chúng đã lan đến các hạch bạch huyết, mạch máu lớn hoặc các cơ quan lân cận khác.
  • Giai đoạn C: Giai đoạn tiến triển ung thư gan. Đây là giai đoạn nặng khi khối u ung thư gan đã lan rộng đến các hạch bạch huyết và di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, xương, não...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Gan là cơ quan rắn có kích thước lớn nhất trong cơ thể và đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng. Trong đó, chức năng chính của gan là lọc thải độc tố khỏi máu, dự trữ năng lượng dưới dạng glycogen và tổng hợp sản sinh dịch mật hỗ trợ tiêu hóa. Bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào cũng có thể là yếu tố nguy cơ  khởi phát ung thư gan.

Trên thực tế, nguyên nhân gây ung thư gan vẫn chưa được xác định rõ. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là ở người ung thư gan có dấu hiệu của đột biến DNA, làm thay đổi gen, khiến các tế bào phát triển bất thường, tăng sinh đột biến và kích hoạt gen ung thư hoặc ngăn chặn gen ức chế khối u. Đặc biệt, sau khi chuyển hóa thành tế bào ung thư ác tính, chúng có khả năng xâm lấn và di căn sang các bộ phận trong cơ thể.

Ngoài ra, di truyền cũng là nguyên nhân gây ung thư gan. Xảy ra khi bố mẹ truyền gen bệnh cho con cái. Nguyên nhân này không thể kiểm soát, chỉ có thể thực hiện các biện pháp làm giảm các yếu tố rủi ro khởi phát bệnh.

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố nguy cơ khởi phát ung thư gan bao gồm:

Xơ gan là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra ung thư gan

Ngoài ra, một số điều kiện y tế và di truyền sau cũng làm tăng nguy cơ khởi phát ung thư gan:

  • Bệnh Hemochroatosis (xảy ra do tích tụ dư sắt trong máu);
  • Bệnh dự trữ glycogen (khiến cơ thể bị rối loạn cách sử dụng và dự trữ đường);
  • Bệnh Wilson (do cơ thể dư thừa đồng);
  • Tình trạng thiếu protein bảo vệ alpha-1 antitrypsin;
  • Bệnh Porphyrin (xảy ra do các vấn đề về quá trình tổng hợp tế bào máu);

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tương tự nhiều loại ung thư khác, ung thư gan tiến triển qua nhiều giai đoạn. Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư gan trong giai đoạn đầu thường có không có biểu hiện. Chỉ ở giai đoạn nặng, các triệu chứng mới bộc phát rõ ràng.

Bệnh nhân ung thư gan thường sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi và đau tức vùng bụng trên bên phải

Trong đó, triệu chứng ung thư biểu mô tế bào gan và ung thư đường mật trong gan thường phát triển tương tự, bao gồm:

  • Xuất hiện khối u gồ lên bên dưới khung xương sườn;
  • Đau tức, khó chịu vùng bụng bên phải hoặc gần xương bả vai phải;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Ăn uống không ngon;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Vàng da, vàng mắt
  • Sốt;
  • Da dễ bầm tím hoặc chảy máu bất thường;
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Phân nhạt màu;

Ngoài các dấu hiệu chung, tùy từng trường hợp bệnh còn có một số các biểu hiện về rối loạn hormone. Xảy ra do khối u tác động đến các khối u ngoài gan (còn được gọi là hội chứng Paraneoplastic), bao gồm:

  • Tăng calci máu gây táo bón, buồn nôn, tiểu nhiều, dễ nhầm lẫn, suy nhược cơ thể hoặc các vấn đề về nhược cơ;
  • Tụt đường huyết gây mệt mỏi, dễ ngất;
  • Tăng chỉ số hồng cầu gây nổi mẩn đỏ, mờ mắt, đỏ mặt, chảy máu cam;
  • Nồng độ cholesterol máu cao;
  • Nam giới bị sưng đau tinh hoàn hoặc nở ngực lớn như nữ giới;

Chẩn đoán

Có nhiều phương pháp chẩn đoán ung thư gan, bao gồm các kỹ thuật sau:

Chẩn đoán ung thư gan bằng các kỹ thuật kiểm tra như chụp CT, MRI, X quang kết hợp sinh thiết, xét nghiệm máu

  • Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ tiến hành khám thực thể cho bệnh nhân thông qua các bước gồm đánh giá và kiểm tra các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp, khai thác và thảo luận tiền sử bệnh cá nhân, gia đình.
  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện ung thư chính xác nhờ các chỉ số kiểm tra chức năng gan như men gan, protein, glucose & canxi cùng một số chất khác. Trong đó, kiểm tra quan trọng nhất là đo nồng độ chất đánh dấu khối u (alpha - fetoprotein AFP). Ở bệnh nhân ung thư gan, nồng độ chất này rất cao do các tế bào khối u giải phóng vào máu.
  • Kiểm tra hình ảnh: Một số chẩn đoán hình ảnh giúp phát hiện khối u ung thư gan, xác định vị trí, kích thước khối u nhằm phục vụ công tác điều trị. Bao gồm:
    • Siêu âm;
    • Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
    • Chụp cộng hưởng từ MRI;
    • Angiogram;
    • Quét xương;
    • Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP) hoặc chụp đường mật xuyên gan qua da (PTC) nếu nghi ngờ ung thư tế bào ống dẫn mật;
  • Sinh thiết: Là phương pháp kiểm tra ung thư chính xác thông qua mẫu mô bệnh phẩm của người bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định làm sinh thiết bằng kim, nội soi hoặc phẫu thuật.

Biến chứng và tiên lượng

Gan là cơ quan quan trọng đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể. Sự tồn tại và phát triển của các tế bào ung thư ác tính khiến gan suy yếu, giảm hoặc mất các chức năng như lọc máu, sản sinh các chất đông máu, hỗ trợ tiêu hóa, xử lý lưu trữ dưỡng chất...

Tiên lượng tuổi thọ của người bị ung thư gan còn phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ bệnh

Hàng loạt các vấn đề này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Theo thống kê, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư gan khác nhau tùy từng thể bệnh:

  • Ung thư biểu mô tế bào gan: 35% trong giai đoạn đầu, 3 - 5% trong giai đoạn khối u ác tính di căn sang hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác;
  • Ung thư ống mật trong gan: 24% trong giai đoạn đầu và 2 - 9% nếu khối u đã lan rộng hơn sang các cơ quan ngoài gan;

Tiên lượng bệnh ung thư gan ngày càng khả quan nhờ sự phát triển của y học hiện đại. Điều trị bệnh càng sớm tỷ lệ khỏi bệnh càng cao, ít biến chứng, kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, về bản chất thì đây vẫn là căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khuyến cáo bệnh nhân không nên chủ quan, chủ động thăm khám sớm và tích cực điều trị ngay từ đầu.

Điều trị

Tùy thuộc tình trạng sức khỏe của gan, giai đoạn và mức độ ung thư gan nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu điều trị chính là giảm nhẹ triệu chứng và tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh, dự phòng tối đa nguy cơ biến chứng.

Ung thư gan có thể được điều trị bằng các biện pháp sau:

Phẫu thuật 

Có nhiều dạng phẫu thuật khác nhau gồm:

Phẫu thuật cắt gan

Phẫu thuật cắt bỏ gan chứa tế bào ung thư là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của chúng sang các tế bào bên cạnh. Tùy mức độ nghiêm trọng có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ gan.

Đây là biện pháp ưu tiên thường áp dụng cho những trường hợp ung thư gan nguyên phát trong giai đoạn đầu có khối u giới hạn, khu trú tại chỗ và chưa di căn. Bệnh nhân sau khi được cắt gan vẫn giữ được phần gan khỏe mạnh và duy trì tốt chức năng đảm bảo sức khỏe.

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ gan nhằm loại bỏ khối u ung thư ác tính trong gan

Nhưng với những bệnh nhân ung thư gan do xơ gan thường không được chỉ định phẫu thuật. Vì trường hợp này gan không đủ khả năng phục hồi kích thước và chức năng sau phẫu thuật.

Hiện nay, phẫu thuật cắt gan có thể được thực hiện bằng kỹ thuật mổ hở hoặc mổ nội soi. Trong đó, mổ nội soi là phương pháp hiện đại xâm lấn gan tối thiểu đang được ứng dụng phổ biến. Ưu điểm của phương pháp này là vết rạch nhỏ, ít chảy máu, giảm thiểu rủi ro biến chứng và thời gian phục hồi ngắn.

Phẫu thuật ghép gan

Phẫu thuật ghép gan là kỹ thuật rất phức tạp, được thực hiện nhằm mục đích cắt bỏ gan cũ bị tổn thương và thay thế bằng lá gan mới được hiến tặng. Những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối, có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao thường được chỉ định áp dụng phương pháp này.

Có 2 kỹ thuật ghép gan được áp dụng phổ biến là:

  • Phương pháp chỉnh hình: Đây là phẫu thuật ghép gan phổ biến nhất. Được thực hiện bằng cách cắt bỏ lá gan tổn thương và ghép lá gan mới khỏe mạnh vào thay thế.
  • Phương pháp tiếp cận dị vị trí: Kỹ thuật này thường không phổ biến và chỉ dành riêng cho một số trường hợp có nguy cơ rủi ro ro cao khi thực hiện phương pháp chỉnh hình. Trong ca cấy ghép dị vị trí, lá gan cũ của bệnh nhân vẫn được giữ nguyên vị trí, còn lá gan được hiến tặng sẽ được gắn vào một vị trí ngoài gan.

Xạ trị

Xạ trị là kỹ thuật sử dụng nguồn năng lượng với bức xạ cao nhằm phá hủy các vật liệu di truyền đột biến trong tế bào ung thư gan ác tính. Đồng thời, xạ trị còn trợ giảm bớt sự khó chịu cho gan, ức chế tình trạng lá lách to.

Hiện nay, điều trị ung thư gan còn được áp dụng hình thức thuyên tắc phóng xạ hiện đại. Được thực hiện bằng cách tiêm các hạt phóng xạ nhỏ vào trong động mạch gan. Dưới tác động của bức xạ, chúng sẽ di chuyển đến gần khối u gan và tác động làm giảm triệu chứng.

Hoá trị

Phương pháp này sử dụng kết hợp 2 - 3 loại thuốc nhằm ức chế sự phát triện hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư gan ác tính.

Hóa trị liệu được bơm truyền vào động mạch gan nhằm làm chậm hoặc tiêu diệt sự phát triển của các tế bào ung thư

Tùy từng trường hợp mà bá sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm tại chỗ hoặc truyền tĩnh mạch. Trong đó, phương pháp phổ biến nhất là thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị bơm nối với gan để truyền thuốc thông qua động mạch gan.

Liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích

Bên cạnh hóa trị, bệnh nhân ung thư gan cũng có thể sử dụng một số loại thuốc hỗ trợ điều trị khác như:

  • Thuốc trị liệu miễn dịch: Phương pháp này sử dụng các loại thuốc có khả năng tăng cường phản ứng tích cực của hệ thống miễn dịch tự nhiên trong cơ thể người bệnh. Nhờ đó, giúp ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư gan. Một số loại thuốc trị liệu miễn dịch được chấp thuận sử dụng như:
    • Yervoy (Ipilimumab);
    • Jemperli (Dostarlimab);
    • Tecentriq (Atezolizumab);
    • Avastin (Bevacizumab);
    • Keytruda (Pembrolizumab);
    • Opdivo (Nivolumab);
  • Thuốc điều trị nhắm mục tiêu: Bản chất của những loại thuốc này là những chất có khả năng tìm kiếm, xác định và tiêu diệt các tế bào ung thư, ít gây gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác. Loại thuốc này chỉ được áp dụng cho những khối u gan ác tính đã lan sang những cơ quan khác. Một số loại thường dùng như:
    • Lenvina (Lenvatinib);
    • Avastin (Bevacizumab);
    • Nexavar (Sorafenib);
    • Stivarga (Regoragenib);
    • Cyramza (Ramucirumab);
    • Cabometyx (Cabozantinib);

Một số biện pháp điều trị khác 

Ngoài các biện pháp chính trên, ung thư gan cũng có thể được điều trị bằng một số phương pháp cục bộ nhằm mục đích hỗ trợ, bao gồm:

  • Kỹ thuật áp lạnh: Nguồn khí lạnh được truyền vào khối u nhằm đóng băng và gây tê liệt, ức chế sự hoạt động của các tế bào ung thư.
  • Phẫu thuật cắt bỏ bằng sóng vô tuyến: Nguồn sóng vô tuyến năng lượng cao được phát ra từ kim châm vào vị trí khối u và tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả.
  • Liệu pháp thuyên tắc: Được thực hiện bằng cách tiêm trực tiếp hoạt chất chuyên biệt vào thẳng động mạch gan để ức chế hoặc làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến khối u gan. Khi nguồn nuôi dưỡng khối u bị cắt đứt, chúng sẽ dần chết đi và biến mất.
  • Cắt bỏ bằng Ethanol: Đây là phương pháp điều trị mới và chưa được áp dụng phổ biến. Rượu nguyên chất đậm đặc được tiêm trực tiếp vào trong khối u để tạo ra các tổn thương cho tế bào u gan ác tính và tự chết dần đi.
  • Cắt bỏ bằng vi sóng: Nguồn nhiệt vi sóng được truyền vào trong các tế bào ung thư gan ác tính nhằm cắt bỏ động mạch nuôi dưỡng tế bào ung thư.

Phòng ngừa

Ung thư gan hay bất kỳ bệnh ung thư nào khác cũng đều không có cách phòng ngừa đặc hiệu. Bạn chỉ có thể thực hiện những biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Chẳng hạn như:

Tiêm phòng vắc xin viêm gan B để giảm nguy cơ nhiễm virus viêm gan, phòng ngừa ung thư gan

  • Tiêm phòng vắc xin viêm gan B nhằm giảm nguy cơ nhiễm virus gây các bệnh về gan, tăng nguy cơ ung thư gan. Tất cả mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi đều được khuyến cáo tiêm phòng loại vắc xin này.
  • Không có vắc xin phòng ngừa viêm gan C. Tuy nhiên, bạn có dự phòng nhiễm bệnh bằng cách không sử dụng chung đồ dùng cá nhân dễ dính máu như dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng...
  • Không uống nhiều rượu, cai thuốc lá.
  • Quan hệ tình dục an toàn bằng bao cao su.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục điều độ và duy trì cân nặng phù hợp góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh xơ gan, yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư gan.
  • Những đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư gan nên chủ động thăm khám định kỳ để làm xét nghiệm, tầm soát nguy cơ và phát hiện bệnh sớm (nếu có) nhằm điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi đau tức vùng bụng trên bên phải kèm theo vàng da, sụt cân, buồn nôn, mệt mỏi là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm chẩn đoán nào?

3. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh ung thư gan?

4. Tôi bị ung thư gan giai đoạn mấy?

5. Tiên lượng mức độ ung thư gan của tôi có nguy hiểm không?

6. Tôi bị ung thư gan giai đoạn cuối còn sống được bao lâu?

7. Ung thư gan có chữa khỏi được không?

8. Tôi nên điều trị ung thư gan bằng phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị là tốt nhất?

9. Quá trình điều trị ung thư gan mất bao lâu thì chuyển biến tốt?

10. Điều trị ung thư gan tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

Ung thư gan là bệnh lý nguy hiểm đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể sống khỏe và kéo dài tuổi thọ lâu hơn nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực, thăm khám thường xuyên để phát hiện các bất thường. Đồng thời, duy trì lối sống khoa học để bảo vệ lá gan khỏe mạnh, phòng tránh viêm gan, xơ gan.

TÌM HIỂU THÊM

Chia sẻ:
Bệnh Viêm Gan Tự Miễn
Viêm gan tự miễn là một trong những bệnh lý tự miễn có tỷ lệ mắc cao hiện nay. Đây là dạng viêm gan mạn tính, đăc đặc trưng với…
Hội chứng Gardner
Hội chứng Gardner là một rối loạn di truyền hiếm…
Bệnh Dị Ứng Thực Phẩm
Dị ứng thực phẩm xảy ra phổ biến ở trẻ…
Bệnh Viêm Ruột Do Virus
Viêm ruột do virus là bệnh lý viêm đường tiêu…
Bệnh Viêm Gan B

Viêm gan B được xem là mối hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe con người. Bệnh xảy ra…

Bệnh Viêm Gan A

Viêm gan A là bệnh nhiễm trùng gan cấp tính khá phổ biến do virus HAV gây ra. Bệnh này…

Trào ngược dạ dày Bệnh Trào Ngược Dạ Dày

Trào ngược dạ dày là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, thường xảy ra ở những người có thói…

Bệnh Lao ruột

Lao ruột là một trong những bệnh lao ít gặp. Tuy nhiên nếu mắc phải lại rất nguy hiểm vì…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác Sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan

Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua