Bệnh Ung thư hậu môn
Ung thư hậu môn là bệnh ung thư nguy hiểm, tiến triển nhanh chóng và dẫn đến tử vong nếu điều trị chậm trễ. Tùy theo kết quả chẩn đoán giai đoạn ung thư mắc phải, bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng và phác đồ điều trị phù hợp nhằm kiểm soát bệnh. Các chọn lựa điều trị ung thư hậu môn phổ biến hiện nay là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị kết hợp chế độ chăm sóc giảm nhẹ.
Tổng quan
Ung thư hậu môn (Anus cancer/ Anal cancer) là tình trạng các tế bào niêm mạc trong ống hậu môn phát triển bất thường, tăng sinh quá mức tích tụ thành khối u ác tính có khả năng xâm lấn và di căn sang các cơ quan nội tạng khác. Có 2 dạng ung thư hậu môn chính gồm ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến.
Tỷ lệ mắc ung thư hậu môn khá hiếm, đặc trưng với các triệu chứng như chảy máu khi đại tiện, ngứa ngáy, đau rát hậu môn... Tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tính mạng của người bệnh.
Theo một thống kê vào năm 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư hậu môn tại Việt Nam có khoảng 579 ca, trong đó có 321 ca tử vong. Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 9000 người được chẩn đoán mắc ung thư hậu môn vào năm 2023.
Xem thêm: Hậu môn trực tràng là gì, nằm ở đâu? Các bệnh lý thường gặp
Phân loại
Tương tự như những loại ung thư khác, ung thư hậu môn cũng được phân chia làm nhiều loại nhằm phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị.
# Dựa vào phân loại dựa vào vị trí, tính chất đặc điểm, kích thước và mức độ di căn của tế bào ung thư, bao gồm:
- Ung thư ống hậu môn: Đây là thể ung thư phổ biến nhất, chiếm khoảng 95% trong tổng các trường hợp ung thư hậu môn.
- Ung thư da quanh hậu môn: Dạng này ít phổ biến hơn, xảy ra khi vùng da xung quanh hậu môn viêm nhiễm kéo dài và phát triển đột biến trở thành ung thư hậu môn.
Ngoài ra, dựa vào tính chất phát triển của khối u, ung thư hậu môn được phân chia làm nhiều loại khác gồm:
- Khối u lành tính: Đây là những khối u phát triển nhưng không có khả năng chuyển biến thành ung thư.
- Khối u ác tính: Bản chất của những khối u này là ác tính, chúng khởi phát từ các tế bào nội biểu mô (AIN) hoặc tế bào nội biểu mô vảy hậu môn (ASIL).
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Hay còn được gọi là bệnh Bowen, xảy ra khi các tế bào vảy phát triển đột biến bất thường trên bề mặt da xung quanh hậu môn.
- Ung thư biểu mô tế bào đáy: Đây là một dạng ung thư da xảy ra ở hậu môn. Tuy nhiên, tỷ lệ phát triển thể ung thư này rất hiếm.
- Ung thư biểu mô tuyến: Dạng ung thư này khởi phát từ các tuyến nằm xung quanh ống hậu môn.
# Dựa vào tính chất phát triển khối u và mức độ di căn, ung thư hậu môn được chia làm 5 giai đoạn chính gồm:
- Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn đầu của bệnh, khi các tế bào ung thư vừa phát triển đột biến nhưng vẫn còn khu trú trong lớp trên cùng của niêm mạc hậu môn.
- Giai đoạn 1: Ở giai đoạn này, các tế bào đột biến đã phát triển sâu hơn, kích thước khối u lớn > 2cm nhưng vẫn chưa có khả năng xâm lấn đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
- Giai đoạn 2: Khối u ung thư phát triển có kích thước > 5cm nhưng vẫn chưa xâm lấn đến các cơ quan lân cận. Dựa vào tính chất phát triển của khối u, được chia nhỏ làm 2 giai đoạn gồm 2A và 2B.
- Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã phát triển và xâm lấn sâu đến các tế bào niêm mạc, lan sang một số hạch bạch huyết và các cơ quan lân cận. Gồm 3 giai đoạn nhỏ là giai đoạn 3A, 3B và 3C.
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối của ung thư hậu môn, có khả năng di căn sang nhiều cơ quan nội tạng khác như não, xương, gan, phổi... Tiên lượng sống ở giai đoạn này rất thấp, tử vong do suy đa tạng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư hậu môn vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến sự phát triển ung thư hậu môn, bao gồm:
- Nhiễm virus HPV: Nhắc đến virus HPV, nhiều người nghĩ rằng loại virus chỉ có khả năng gây ung thư cổ tử cung ở chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nó cũng có khả năng gây ra ung thư hậu môn và ung thư vòm họng. Nguyên nhân do virus dễ lây nhiễm sang người khác khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường miệng hoặc hậu môn.
- Suy giảm sức đề kháng: Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng và liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư hậu môn. Chủ yếu xảy ra ở những người bị nhiễm virus HIV/AIDS, những người đang trong quá trình điều trị bệnh lý mạn tính, người lớn tuổi...
- Viêm nhiễm kéo dài: Viêm nhiễm hậu môn xảy ra do nhiều tác nhân như vệ sinh kém, táo bón, tiêu chảy... kéo dài làm tăng nguy cơ phát triển ung thư hậu môn.
- Nghiện hút thuốc lá: Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại có hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh lý ung thư. Chẳng hạn như ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư vòm họng và cả ung thư hậu môn.
- Chế độ ăn uống: Những người có chế độ ăn ít chất xơ, không ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc... dễ phát triển bệnh trĩ, khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đại tiện. Trĩ kéo dài có thể gây biến chứng nứt kẽ hậu môn, viêm nhiễm kéo dài làm tăng nguy cơ phát triển ung thư hậu môn.
- Các yếu tố nguy cơ khác:
- Những người từ 55 tuổi trở lên là nhóm đối tượng thường được chẩn đoán ung thư hậu môn;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc đặc trị làm suy yếu hệ thống miễn dịch gây ức chế quá trình bài tiết;
- Phụ nữ mắc các bệnh ung thư âm đạo, ung thư cổ tử cung... cũng có nguy cơ phát triển ung thư hậu môn;
- Quan hệ tình dục bừa bãi, nhiều người, không sử dụng bao cao su...;
- Tiền sử thực hiện xạ trị điều trị ung thư ở vùng da hậu môn;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng ung thư hậu môn giai đoạn đầu thường mờ nhạt và không rõ ràng. Nhưng ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ rệt hơn, nhưng lại không đặc hiệu, tương tự như nhiều vấn đề khác. Bao gồm:
- Chảy máu trực tràng, máu rỉ liên tục hoặc chảy nhiều khi đại tiện;
- Xuất hiện khối u nhô ra khỏi lỗ hậu môn;
- Ngứa ngáy, đau rát;
- Rò rỉ phân do thay đổi nhu động ruột;
- Luôn có cảm giác mắc đại tiện;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác ung thư hậu môn cần kết hợp nhiều bước kiểm tra và xét nghiệm, bao gồm:
- Thăm khám lâm sàng: Trước tiên, bệnh nhân mô tả rõ những triệu chứng mà bản thân gặp phải, tiền sử bệnh trước đây đã từng mắc, loại thuốc đang sử dụng, thói quen ăn uống, sinh hoạt... Kết hợp kiểm tra tình trạng sức khỏe thể chất, đánh giá các bất thường để nhận định bệnh cũng như loại trừ các bệnh lý khác.
- Xét nghiệm thường quy: Để xác nhận có sự hiện diện của khối u trong cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm như:
- Xét nghiệm công thức máu;
- Xét nghiệm chỉ số CEA;
- Xét nghiệm tìm kiếm máu lẫn trong phân;
- Xét nghiệm đánh giá chức năng gan;
- Xét nghiệm HIV/AIDS;
- Xét nghiệm HPV;
- Xét nghiệm phết tế bào hậu môn: Được thực hiện bằng cách thu thập mẫu mô tại niêm mạc hậu môn để làm nghiên cứu, kiểm tra dấu hiệu bất thường liên quan đến ung thư.
- Nội soi ống tiêu hóa: Đây là phương pháp tiêu chuẩn được áp dụng trong chẩn đoán ung thư đường tiêu hóa nói chung và ung thư hậu môn nói riêng. Phương pháp này được thực hiện bằng thiết bị ống nội soi mềm, có gắn camera để quan sát toàn bộ trực tràng và ống hậu môn. Khi phát hiện hình ảnh tổn thương bất thường, sẽ kết hợp lấy mẫu sinh thiết để phân tích xác định dấu hiệu ung thư hậu môn.
- Các kiểm tra hình ảnh khác: Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dưới đây cũng có thể được chỉ định nhằm hỗ trợ chẩn đoán phát hiện dấu hiệu ung thư hậu môn. Chẳng hạn như:
- Chụp X quang;
- Siêu âm hậu môn;
- Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
- Chụp cộng hưởng từ MRI;
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (quét PET);
Từ những kết quả chẩn đoán trên, bác sĩ sẽ tiến hành tổng hợp và phân tích từng thông tin để đưa ra kết luận chính xác về việc bạn có mắc ung thư hậu môn hay không. Ngoài ra, những thông tin khác cũng được cung cấp đầy đủ như giai đoạn ung thư, mức độ triệu chứng, kích thước khối u, khả năng lây lan, di căn... Nhờ đó để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp bệnh cụ thể.
Biến chứng và tiên lượng
Như nhiều loại ung thư khác, ung thư hậu môn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị sớm. Biến chứng nhẹ có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, thay đổi thói quen đại tiện và mệt mỏi kéo dài, thiếu máu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Những trường hợp gặp biến chứng ung thư hậu môn nặng, do phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối thường có tiên lượng chữa khỏi thấp, nguy cơ cao di căn đến các cơ quan nội tạng khác và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, biến chứng của ung thư hậu môn còn xuất phát từ quá trình điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
Tiên lượng ung thư hậu môn được tính theo mức tỷ lệ sống sót sau 5 năm chẩn đoán. Tùy theo vị trí, mức độ và giai đoạn ung thư, thể trạng sức khỏe cũng như khả năng đáp ứng điều trị mà mỗi bệnh nhân sẽ có mức tiên lượng khác nhau.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chẩn đoán ở từng giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn 1 - 2: 83%;
- Giai đoạn 3: 67%;
- Giai đoạn 4: 36%;
Điều này đồng nghĩa với việc phát hiện và điều trị ung thư hậu môn càng sớm, tiên lượng bệnh càng cao và ngược lại. Nếu chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị, ung thư hậu môn tiến triển đến giai đoạn cuối, di căn xa ảnh hưởng đến cac các cơ quan nội tạng khác gây suy đa tạng, người bệnh sẽ rất nhanh tử vong sau thời gian ngắn phát hiện bệnh.
Điều trị
Phác đồ điều trị ung thư hậu môn cũng giống như các dạng ung thư khác. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá và các chỉ định áp dụng từng phương pháp cho phù hợp, có thể thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp để tăng hiệu quả, loại bỏ tế bào ung thư hoặc ngăn ngừa tái phát.
Cụ thể thông tin một số phương pháp điều trị ung thư hậu môn như:
Phẫu thuật loại bỏ khối u
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ưu tiên đối với ung thư hậu môn. Tùy mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phẫu thuật phù hợp với từng bệnh nhân.
Đối với khối u có kích thước nhỏ
Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp ung thư hậu môn giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ, nằm khu trú tại chỗ và thể trạng sức khỏe bệnh nhân còn tốt, phù hợp với phẫu thuật. Khối u thường được cắt bỏ bằng phương pháp cắt nội soi hoặc mổ hở tùy từng trường hợp.
Có thể kết hợp xạ trị để làm thu nhỏ khối u trước phẫu thuật hoặc làm sạch các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
Đối với khối u có kích thước lớn
Nhưng trong trường hợp khối u ung thư có kích thước lớn hoặc đã xâm lấn sang các cấu trúc lân cận, bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ ống hậu môn và một phần của các cơ quan lân cận để ngăn chặn sự lây lan. Phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến hiện nay là kỹ thuật APR (Abdominoperineal).
Phương pháp này được thực hiện bằng kỹ thuật mổ hở, sau khi cắt bỏ ống hậu môn, bác sĩ tiến hành tạo một lỗ thoát trên bụng, sau đó nối đoạn còn lại của đại tràng vào hậu môn nhân tạo đã được cấy ghép. Nhờ vật dụng này, chất thải trong cơ thể được chứa trong túi gắn ở lỗ hậu môn.
Nhược điểm của phương pháp này là dễ nhiễm trùng đoạn nối hậu môn nhân tạo, tăng nguy cơ dính ruột, rối loạn tiêu hóa và đau bụng,...
Kết hợp xạ - hóa trị
Để tăng hiệu quả điều trị ung thư hậu môn, đa số bệnh nhân thường phải kết hợp cả hai phương pháp xạ trị và hóa trị. Tác dụng chính của cả 2 phương pháp này là tiêu diệt các tế bào ung thư và hỗ trợ cải thiện triệu chứng, ngăn chặn hoặc làm chậm tiến triển bệnh.
- Xạ trị: Sử dụng nguồn tia bức xạ năng lượng cao (thường là tia X hoặc tia proton) chiếu trực tiếp đến các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Tần suất xạ trị sẽ được chỉ định cụ thể ở từng trường hợp bệnh. Tuy đem lại hiệu quả cao nhưng xạ trị có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, lở loét...
- Hóa trị: Các loại thuốc hóa chất được dùng dưới dạng viên uống hoặc tiêm tĩnh mạch khi hòa vào máu sẽ di chuyển khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể áp dụng trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau phẫu thuật để làm sạch các tế bào ung thư còn sót lại. Tác dụng phụ của phương pháp này là rụng tóc, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, khó thở, lở miệng...
Tùy theo tình trạng bệnh của từng người mà phác đồ hóa - xạ trị với tần suất và thời điểm phù hợp.
Nếu bước vào giai đoạn các biện pháp điều trị đặc hiệu không còn hiệu quả, hãy chấp nhận bệnh và tập trung vào chăm sóc sức khỏe, điều trị chuyên sâu cải thiện triệu chứng, giảm bớt đau đớn cũng như ổn định tinh thần cho bệnh nhân. Tốt nhất nên chọn chế độ chăm sóc theo nguyện vọng của người bệnh để đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt nhất trong giai đoạn cuối đời.
Phòng ngừa
Ung thư hậu môn là căn bệnh nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường và không có biện pháp nào có thể phòng ngừa tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu thực hiện tốt các biện pháp tích cực dưới đây, có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ phát triển bệnh:
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy, sử dụng bao cao su dù giao hợp qua bất kỳ đường nào như âm đạo, hậu môn hay miệng để giảm nguy cơ lây nhiễm các loại virus làm tăng nguy cơ khởi phát ung thư hậu môn.
- Khuyến cáo tiêm phòng vắc xin ngừa virus HPV ở cả nam và nữ giới để giảm nguy cơ lây nhiễm phát bệnh.
- Cai thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với những môi trường chứa khói thuốc lá để giảm nguy cơ phát triển ung thư hậu môn.
- Thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để luôn duy trì trạng thái thể chất tốt nhất, giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh ung thư hậu môn?
2. Giai đoạn ung thư hậu môn tôi đang mắc phải?
3. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?
4. Những biến chứng tôi có thể gặp phải khi mắc ung thư hậu môn?
5. Thời gian sống của tôi còn bao lâu?
6. Phác đồ điều trị tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
7. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị ung thư hậu môn?
8. Cần làm gì để chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng trong quá trình điều trị?
9. Quá trình điều trị mất bao lâu thì bệnh thuyên giảm hẳn?
10. Chi phí điều trị ung thư hậu môn có tốn kém không? Có được dùng BHYT không?
Ung thư hậu môn phát triển do liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó phổ biến nhất là quan hệ tình dục không an toàn lây nhiễm các loại virus có hại. Do đó, để giảm thiểu nguy cơ mắc phải cũng như bảo vệ sức khỏe của bản thân, hãy chọn lối sống an toàn trong tình dục cũng như các vấn đề khác. Tốt nhất nên định kỳ thăm khám, trao đổi với bác sĩ và làm xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh.
Thông tin thêm
- Sưng 1 cục ở hậu môn – Có thể dấu hiệu bệnh nguy hiểm
- Đau rát hậu môn khi đi đại tiện - Bị bệnh trĩ hay ung thư?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!