Viêm Loét Giác Mạc

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Viêm loét giác mạc là bệnh về mắt phổ biến, xảy ra do các tác nhân nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng. Tình trạng viêm khiến mắt sưng viêm, đỏ, đau nhức và suy giảm tầm nhìn. Khuyến cáo điều trị viêm loét giác mạc sớm bằng thuốc kết hợp chăm sóc mắt tích cực để bảo tồn thị lực, ngăn ngừa biến chứng mù lòa. 

Viêm loét giác mạc là tình trạng nhiễm trùng, tổn thương giác mạc gây suy giảm một phần hoặc toàn bộ thị lực

Tổng quan

Viêm loét giác mạc (Keratitis) là tình trạng nhiễm trùng lớp giác mạc mỏng của mắt do vi khuẩn, virus, nấm hoặc chấn thương mắt. Bệnh đặc trưng với triệu chứng đau nhức, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng. Nếu viêm loét giác mạc không được điều trị sẽ dẫn đến mù lòa.

Tỷ lệ mắc viêm loét giác mạc ngày càng tăng cao do sự phát triển của các tác nhân gây hại cho mắt như chấn thương, ô nhiễm môi trường. Một số trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng gây viêm loét giác mạc có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc dùng chung đồ vật bị nhiễm khuẩn.

Phân loại

# Dựa vào tính chất truyền nhiễm, viêm loét giác mạc được chia làm 2 dạng chính gồm nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Cụ thể như:

Viêm loét giác mạc được chia làm 2 loại chính là nhiễm trùng và không nhiễm trùng

  • Viêm loét giác mạc không nhiễm trùng: Các chấn thương do tai nạn hoặc sau phẫu thuật khiến giác mạc mắt suy yếu, sưng đau gây viêm loét.
  • Viêm loét giác mạc nhiễm trùng: Thể bệnh này thường xảy ra khi giác mạc đã bị tổn thương, sau đó bị các vi sinh vật có hại tấn công vào mắt, gây nhiễm trùng giác mạc. Các tác nhân đó có thể là vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng... Trong đó, phổ biến nhất là dạng viêm loét giác mạc do vi khuẩn.

# Dựa vào nguyên nhân, viêm loét giác mạc được chia làm 4 nhóm chính gồm:

  • Viêm loét giác mạc do tiếp xúc: Thể bệnh này có liên quan đến các tổn thương giác mạc gây khô mắt mãn tính, khiến mí mắt đóng không đúng cách, tăng tần suất chớp mắt. Đây là tình trạng nhẹ, không nghiêm trọng và dễ điều trị.
  • Viêm loét giác mạc ánh sáng: Xảy ra khi bạn tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím (tia UV) trong ánh nắng tự nhiên hoặc đèn nhân tạo dẫn đến viêm loét giác mạc ánh sáng. Tình trạng này gây ra hiện tượng mù tuyết, cháy nắng giác mạc, đau nhức và mất thị lực tạm thời.
  • Viêm loét giác mạc thần kinh: Đây là một dạng rối loạn khá hiếm gặp. Xảy ra khi hệ thống các dây thần kinh tham gia điều phối chức năng giác mạc hoạt động bất bình thường. Tình trạng này khiến giác mạc mắt tổn thương, đau, đỏ, sưng viêm, suy giảm thị lực và nhạy cảm với ánh sáng.
  • Viêm loét giác mạc do kính áp tròng: Tỷ lệ bệnh nhân viêm loét giác mạc do sử dụng kính áp tròng đang ngày càng tăng cao. Bệnh xuất phát từ việc sử dụng kính áp tròng sai cách gây tổn thương giác mạc và tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng phát triển.

# Dựa vào vị trí và hình dạng giác mạc, bệnh viêm loét giác mạc được phân chia đa dạng các thể khác nhau gồm:

  • Viêm loét giác mạc dạng phiến lan tỏa;
  • Viêm loét giác mạc hình đĩa;
  • Viêm loét giác mạc dạng sợi;
  • Viêm loét giác mạc biểu mô;
  • Viêm loét giác mạc thâm nhiễm;
  • Viêm loét giác mạc kẽ;
  • Viêm loét giác mạc cận biên;
  • Viêm loét giác mạc sắc tố;
  • Viêm loét giác mạc chấm;
  • Viêm loét giác mạc ngoại biên;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Trong 2 nhóm bệnh là nhiễm trùng và không nhiễm trùng, có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây viêm loét giác mạc như:

Nguyên nhân viêm loét giác mạc không nhiễm trùng

Dạng viêm loét giác mạc có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:

Đeo kính áp tròng sai cách và không vệ sinh là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét giác mạc

  • Đeo kính áp tròng quá lâu;
  • Xuất hiện dị vật trong mắt như khói bụi, kim loại, cát, thủy tinh, mảnh gỗ vụn...;
  • Thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím;
  • Phẫu thuật mắt gây chấn thương hoặc để lại sẹo;
  • Tổn thương mắt với các vết trầy xước hoặc vết thủng;
  • Khô mắt, bỏng mắt;
  • Thiếu vitamin A;
  • Dị ứng mắt do lông mi dài cọ vào mắt, ô nhiễm môi trường, trang điểm hoặc phấn hoa;

Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc truyền nhiễm

Loại viêm loét giác mạc này thường xảy ra sau khi giác mạc mắt bị tổn thương. Một số vi sinh vật gây viêm phổ biến như:

Vi khuẩn, virus, nấm, amip là những tác nhân nhiễm trùng phổ biến gây ra viêm loét giác mạc

  • Vi khuẩn: Hầu hết các trường hợp bị viêm loét giác mạc nhiễm trùng đều là do vi khuẩn. Có 2 loại vi khuẩn được phát hiện nhiều nhất đó là Staphylococcus aureus và Pseudomonas aeruginosa. Nguyên nhân gây nhiễm 2 loại vi khuẩn này chủ yếu là do sử dụng kính áp tròng không vệ sinh. Ngoài ra, còn nhiều loại vi khuẩn khác ít phỏ biến hơn như:
    • Vi khuẩn Gram (+): Steptococcus pneumonia, Staphylococcus epidermidis, Mycobacterium, Nocardia…
    • Vi khuẩn Gram (-): Moraxella, Hemophilus influenza,…
  • Virus: Loại virus gây viêm loét giác mạc chủ yếu là virus herpes hoặc herpes simplex, herpes zoster. Chúng không trực tiếp gây viêm loét giác mạc, mà thường sẽ tiến triển từ viêm kết mạc mắt và lan sang giác mạc.
  • Nấm: Sử dụng kính áp tròng sai cách, không vệ sinh kỹ lưỡng là điều kiện thuận lợi để nấm phát triển. Một số loại nấm gây viêm loét giác mạc như Aspergillus, Fusarium, Candida, Histoblasma, Cephalosporum,…
  • Ký sinh trùng: Viêm loét giác mạc do Acanthamoeba là nguyên nhân phổ biến nhất. Đây là loại ký sinh trùng đơn bào (amip) dễ mắc phải khi đeo kính áp tròng tắm hồ bơi hoặc tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân chính trên, còn rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét giác mạc như:

  • Sử dụng kính áp tròng không đúng cách, không vệ sinh sau khi dùng, đeo khi tắm hồ bơi, tắm nước nóng, khi ngủ...
  • Khô mắt trong thời gian dài;
  • Lạm dụng Corticosteroid;
  • Người mắc hội chứng khô mắt;
  • Hệ miễn dịch yếu kém;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm loét giác mạc, các triệu chứng bệnh sẽ được biểu hiện khác nhau và thay đổi mức độ tùy từng trường hợp cụ thể. Nhưng nhìn chung sẽ có các triệu chứng điển hình sau:

Đau, đỏ, mờ, chảy nước mắt và sợ ánh sáng, khó mở mắt là những dấu hiệu điển hình của viêm loét giác mạc

  • Đau mắt;
  • Đỏ mắt;
  • Kích ứng, sưng viêm quanh mắt;
  • Nóng rát, ngứa và cộm mắt;
  • Giảm thị lực, mắt mờ đục hoặc mất hoàn toàn thị lực;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Khó mở mắt;
  • Chảy nước mắt;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán viêm loét giác mạc, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp các thông tin về tiền sử bệnh, yếu tố nghi ngờ gây bệnh và mô tả đầy đủ các triệu chứng lâm sàng, thời gian và tần suất. Sau đó, kết hợp thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:

Khám mắt toàn diện bằng các xét nghiệm tiêu chuẩn như đo thị lực, chiếu đèn khe... giúp phát hiện tổn thương viêm loét giác mạc

  • Khám mắt toàn diện: Nhằm mục đích kiểm tra thị lực và các vấn đề chung về mắt của bạn. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ, thiết bị, đèn chiếu... để quan sát mắt. Hầu hết các xét nghiệm này thường không gây đau, chỉ hơi khó chịu. Khám mắt giúp phát hiện các vấn đề bất thường, thay đổi về thị lực... góp phần chẩn đoán bệnh viêm loét giác mạc. Một số xét nghiệm tiêu chuẩn khi khám mắt gồm:
    • Kiểm tra thị lực;
    • Sử dụng máy đo khúc xạ tự động;
    • Kiểm tra thị lực ngoại vi đo trường thị giác;
    • Soi đáy mắt;
    • Kiểm tra mắt bằng đèn khe;
    • Nghiệm pháp Tonometry kiểm tra nhãn áp;
    • Chụp ảnh đáy mắt kết hợp chụp cắt lớp quang học (OCT);
  • Nuôi cấy dịch tiết: Lấy mẫu dịch tiết trong mắt của bạn để mang đi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Kết quả nuôi cấy cho biết chính xác tác nhân gây viêm loét giác mạc là do vi sinh vật nào. Từ đó giúp xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
  • Kiểm tra huỳnh quang: Được thực hiện bằng cách nhỏ vào mắt một loại thuốc nhuộm, sau đó chiếu đèn màu xanh lam để kích hoạt thuốc. Kiểm tra này giúp đánh giá các tổn thương trong mắt, bao gồm giác mác, phát hiện các dấu hiệu của viêm loét.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm loét giác mạc là bệnh lý về mắt nghiêm trọng do tiến triển nhanh chóng và khó lường. Ngay khi bộc phát triệu chứng, người bệnh cần được chăm sóc y tế lập tức để loại trừ viêm nhiễm, bảo tồn giác mạc, phục hồi thị lực và ngăn ngừa các vấn đề tiêu cực khác.

Viêm loét giác mạc tiến triển nặng có thể gây thủng giác mạc, xẹp mắt, teo nhãn và mù mắt

Trường hợp viêm loét giác mạc không được điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Hình thành vết loét hở trên bề mặt mắt, sẹo đục, thủng giác mạc, teo nhãn cầu, lồi mắt cua gây mờ mắt;
  • Tăng nhãn áp, suy giảm tầm nhìn của mắt;
  • Mù lòa vĩnh viễn;

Do đó, để giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm này, hãy chủ động thăm khám ngay để được chẩn đoán và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, ngăn tiến triển bệnh ngày càng tệ hơn.

Tiên lượng về bệnh viêm loét giác mạc khá tốt, có thể điều trị khỏi bằng cách dùng thuốc chống nhiễm trùng. Kết hợp chăm sóc tích cực, bảo vệ mắt khỏi các tác nhân có hại. Sau thời gian ngắn, giác mạc mắt và thị lực dần phục hồi. Với những trường hợp nghiêm trọng, vẫn có tỷ lệ cao chữa khỏi bệnh nếu được phẫu thuật ghép giác mạc sớm.

Điều trị

Bước đầu tiên trong điều trị viêm loét giác mạc đó là ngưng sử dụng kính áp tròng cho đến khi trị khỏi bệnh. Sau đó, tùy theo kết quả chẩn đoán mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp.

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc điều trị viêm loét giác mạc chủ yếu tập trung vào việc kiểm soát loại bỏ nhiễm trùng hoặc xử lý tác nhân không nhiễm trùng. Bao gồm:

Phác đồ thuốc điều trị viêm loét giác mạc tùy tác nhân gây bệnh với nhiều loại thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống

Viêm loét giác mạc do vi khuẩn

Trường hợp nhẹ sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn. Ưu tiên dùng các loại thuốc nhỏ mắt chứa thành phần như tobramycin 0.3% hoặc levofloxacin 0.5% (đối với vi khuẩn gram âm), ofloxacin 0.3% hoặc moxifloxacin 0.5% (đối với vi khuẩn gram dương). Liều khuyến cáo nhỏ mắt liên tục, mỗi lần cách nhau 30 phút, những ngày sau dùng khoảng 10 lần/ngày.

Trường hợp nặng sử dụng thuốc kháng sinh đường uống. Các loại điển hình như Cefuroxime, Ofloxacin, liều 2 - 3 viên x 2 lần/ngày, dùng liên tục trong vòng 5 - 7 ngày. Kết hợp rửa mắt thường xuyên bằng kháng sinh Gentamycin (khoảng 2 ống 4mg) và dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0.9% 200ml.

Viêm loét giác mạc do nấm

Dùng thuốc nhỏ mắt chống viêm không steroid và thuốc kháng nấm dạng uống đặc hiệu. Một số loại thuốc được dùng phổ biến như:

  • Natamycin hoặc Ketoconazole nhỏ mắt 10 - 15 lần/ ngày;
  • Rửa mắt liên tục với dung dịch pha giữa amphotericin B và glucose 0.02% hoặc nhỏ mắt với nồng độ 0.15%;
  • Nếu ổ viêm loét nặng có thể tiêm thuốc amphotericin B 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần, liều tiêm 1 lần 5µg/0,1 ml;
  • Kết hợp chấm lugol 5% vào ổ loét và điện di IK 2% hàng ngày;

Viêm loét giác mạc do virus

Các loại thuốc thường dùng để loại bỏ virus gây viêm loét giác mạc như:

  • Thuốc nhỏ mắt:
    • Acyclovir 3%, dùng 5 lần/ ngày;
    • Trifluoro Thymidin (TFT) dạng nước hoặc mỡ, dùng 5 lần/ ngày;
    • IDU (5 lodo 2 dezoxyuridin) dạng nước hoặc mỡ, dùng 5 lần/ ngày;
  • Thuốc uống: Acyclovir (Zovirax) là loại thuốc uống được dùng phổ biến để điều trị virus gây viêm loét giác mạc. Liều dùng tối đa 200mg, tối đa 5 viên chia làm 5 lần dùng trong 7 - 10 ngày. Một số loại khác có thể dùng thay thế như Valacyclovir (Valtrex), Famciclovir (Famvir)...
  • Các loại thuốc khác:
    • Thuốc chống bội nhiễm Ofloxacin và Tobramycin nhỏ mắt 5 lần/ ngày;
    • Thuốc chống viêm steroid cho các trường hợp viêm giác mạc hình đĩa hoặc viêm nhu mô kẽ kèm theo các phản ứng của màng bồ đào;
    • Thuốc giãn đồng tử atropin 1 - 4% nhỏ mắt;

Viêm loét giác mạc do ký sinh trùng

Thường là do amip acanthamoeba gây ra. Phác đồ điều trị thuốc cụ thể như sau:

  • Dùng thuốc nhỏ mắt đặc hiệu là propamidin isethionat 0.1%, cách 2 tiếng/lần;
  • Phối hợp 3 loại kháng sinh nhỏ mắt gồm polymyxin B, neomyxin và gramicidin, dùng khoảng 8 - 10 lần/ngày;
  • Kết hợp dùng thuốc chống nấm nhóm imidazol dạng nhỏ mắt hoặc dạng uống. Điển hình là Itraconazol 100mg x 2 viên/ ngày hoặc Ketoconazol 200mg/ 2 viên/ ngày;
  • Nếu ổ loét rộng kết hợp chấm lugol 5%, nhỏ mắt bằng indomethacin hoặc atropin 1 hoặc 2%;
  • Giảm phù nề bằng thuốc chống viêm;

Hầu hết các trường hợp bị viêm loét giác mạc khi điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và đường uống đều đáp ứng tốt, đem lại kết quả khả quan. Để đạt được điều này, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định của bác sĩ, dùng đúng thuốc, đúng liều lượng và trong thời gian quy định.

Nếu xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng trong quá trình dùng thuốc, hãy thông báo cho bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Can thiệp ngoại khoa

Phẫu thuật ghép giác mạc được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Viêm loét giác mạc nghiêm trọng, gây tổn thương không phục hồi;
  • Không đáp ứng điều trị nội khoa;
  • Có sẹo trên giác mạc;

Phẫu thuật tạo hình và thay giác mạc chỉ định cho những trường hợp có sẹo hoặc không đáp ứng điều trị nội khoa

Phẫu thuật này được thực hiện nhằm thay thế lớp giác mạc trong suốt, có 3 kỹ thuật chính gồm:

  • Tạo hình giác mạc xuyên thấu;
  • Tạo hình giác mạc nội mô;
  • Tạo hình giác mạc lớp mỏng trước sâu;

Sau phẫu thuật, bạn sẽ có những kích ứng mắt khó chịu và nhạy cảm với ánh sáng. Lúc này, cần dùng thuốc giảm đau và đeo miếng che mắt để tránh tiếp xúc với ánh sáng. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên đeo kính bảo vệ mắt trong một khoảng thời gian ngắn sau đó để mắt có điều kiện thuận lợi phục hồi hoàn toàn.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm loét giác mạc, hãy thực hiện các biện pháp sau đây:

Đeo kính áp tròng đúng cách, vệ sinh trước và sau khi sử dụng phòng ngừa viêm nhiễm

  • Sử dụng kính áp tròng đúng cách, trong thời gian cho phép và tuân thủ các hướng dẫn về vệ sinh kính áp tròng trước & sau khi sử dụng.
  • Không nên đeo kính áp tròng khi ngủ, tắm hồ bơi hoặc tắm nước nóng.
  • Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chạm vào kính áp tròng để đưa vào mắt.
  • Không sử dụng kính áp tròng đã hết hạn sử dụng.
  • Bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời bằng kính râm, nón rộng vành, kính bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, tia lửa khi hàn, tiện...
  • Những người dễ bị khô mắt nên sử dụng thuốc nhỏ mắt, ưu tiên các loại nước mắt nhân tạo lành tính cho mắt được bác chuyên gia khuyến cáo.
  • Không dùng chung thuốc nhỏ mắt với người khác để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn nếu muốn chạm tay vào mắt.
  • Không nên dụi mắt liên tục.
  • Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với các chất dị ứng để giảm nguy cơ làm tổn thương giác mạc.
  • Tránh các sang chấn mạnh ở mắt, nếu có tổn thương (nhất là ở giác mạc) phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để rửa mắt và dùng thuốc sát khuẩn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất. Tăng cường bổ sung vitamin A thông qua thực phẩm hoặc các loại viên uống vitamin tổng hợp.
  • Kiểm soát và điều trị dứt điểm các bệnh lý về mắt. Vì đây là những yếu tố thuận lợi gây viêm loét giác mạc, như chứng hở mi, lông xiêu, lông quặm...
  • Khám mắt định kỳ kiểm tra thị lực và phát hiện các tổn thương tiềm ẩn trong mắt.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị sưng đau, đỏ mắt, mờ mắt, chảy nước mắt, nhạy ánh sáng là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm loét giác mạc?

4. Tôi mắc viêm loét giác mạc thể nào? Có nguy hiểm không?

5. Bệnh viêm loét giác mạc có chữa khỏi được không?

6. Nếu không điều trị, tôi có bị mù vĩnh viễn không?

7. Tôi nên điều trị viêm loét giác mạc bằng phương pháp nào tốt nhất?

8. Dùng thuốc kháng sinh có điều trị khỏi viêm loét giác mạc không?

9. Những rủi ro tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc?

10. Quá trình điều trị viêm loét giác mạc mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

Viêm loét giác mạc gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực của bạn, thậm chí mù lòa nếu không điều trị kịp thời. Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc chấn thương mắt, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán, tư vấn hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chia sẻ:
Cận Thị
Cận thị là tật khúc xạ mắt phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng tăng cao qua từng năm. Tình trạng này xuất hiện nhiều trong học đường hoặc…
Bệnh Giun ký sinh trong mắt
Giun ký sinh trong mắt là một trong những bệnh…
Bệnh Nhược Thị
Nhược thị xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh…
Bệnh Đục Thủy Tinh Thể
Đục thủy tinh thể là bệnh lý về mắt phổ…
Bệnh Mù Màu

Mù màu là bệnh lý về mắt phổ biến ở mọi đối tượng. Xảy ra ở những người không thể…

Bệnh Giác Mạc Hình Chóp

Giác mạc hình chóp là một rối loạn về chức năng giác mạc phổ biến. Đặc trưng với tình trạng…

Bệnh Quáng Gà

Quáng gà là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về mắt từ nhẹ đến nặng hoặc do thiếu hụt…

Song Thị

Song thị là vấn đề thị lực tạm thời hoặc cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua