Bệnh Lẹo mắt

Lẹo mắt là bệnh nhiễm trùng mắt cực kỳ phổ biến, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Mụt lẹo mắt gây cảm giác cộm đau, khó chịu và mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, đa số các trường hợp đều không nghiêm trọng, chúng có thể tự biến mất nếu được chăm sóc tích cực. Quan trọng người bệnh phải chú ý theo dõi để phát hiện sớm các bất thường liên quan để điều trị kịp thời bằng biện pháp y tế phù hợp. 

Lẹo mắt là khối u nổi lên ở mí mắt
Lẹo mắt là khối u nổi lên ở mí mắt trong hoặc ngoài gây sưng đau, khó chịu

Tổng quan

Lẹo mắt (Stye/ Hordeolum) còn được gọi là mụt lẹo, là một bệnh nhiễm trùng mắt rất phổ biến chủ yếu ảnh hưởng đến vùng mí mắt. Bệnh được gây ra bởi nhiễm trùng vi khuẩn, thường là vi khuẩn Staphylococcus aureus. Mụt lẹo có thể xuất hiện ở bên trong hoặc bên ngoài mí mắt.

Mụt lẹo mắt thường dễ bị nhầm lẫn với chắp mắt, là nốt đỏ cứng ở mí mắt do tắc nghẽn các chất bã gây tắc tuyến sụn mí mắt. Lẹo mắt là bệnh nhiễm trùng lành tính, có xu hướng tự khỏi sau một thời gian ngắn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, do có tính chất dai dẳng, hay tái phát nên dễ lây từ mí mắt này sang mí mắt khác.

Phân loại

Có 2 dạng lẹo mắt là dạng bên ngoài và bên trong. Trong đó:

  • Lẹo bên ngoài: Thường xảy ra ở bên ngoài mí mắt, do tình trạng nhiễm trùng tại các nang lông mi mắt.
  • Lẹo bên trong: Ít phổ biến hơn lẹo bên ngoài, thường là do nhiễm trùng các tuyến dầu của mí mắt.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hầu hết các trường hợp mọc lẹo mắt là do nhiễm trùng tụ cầu khuẩn Staphylococcus aureus. Loại vi khuẩn này thường được tìm thấy phổ biến trên da và trong mũi. Chúng có khả năng xâm nhập vào các nang lông mí mắt hoặc các tuyến dầu để gây nhiễm trùng và hình thành lẹo mắt.

Ngoài ra, sự tắc nghẽn bất thường của các tuyến dầu trên mí mắt cũng là nguyên nhân góp phần khởi phát lẹo mắt. Tình trạng này có thể xảy ra khi các tuyến này tích tụ quá nhiều bụi bẩn, tế bào chết hoặc các mảnh vụn ngoại lai khác. Lúc này, tuyến dầu càng tiết ra nhiều dầu hơn nhưng không thể thoát ra ngoài nên dẫn đến viêm nhiễm và hình thành các mụn lẹo mắt.

Lẹo mắt do nhiễm trùng tuyến dầu ở mí mắt
Nhiễm trùng tuyến dầu ở mí mắt do vi khuẩn tụ cầu vàng là nguyên nhân hàng đầu gây ra lẹo mắt

Ngoài 2 nguyên nhân chính này, còn một số yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh lẹo mắt như:

  • Tiền sử bị lẹo mắt hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng da tái đi tái lại như nấm da, bệnh rosacea, khô mắt, viêm bờ mi...;
  • Vệ sinh mắt kém;
  • Đeo kính áp tròng thường xuyên làm tăng nguy cơ phát triển nhiều bệnh về mắt, trong đó có lẹo mắt;
  • Sử dụng đồ trang điểm cũ, hết hạn hoặc không sạch sẽ;
  • Không tẩy trang kỹ ở vùng mắt;
  • Chạm tay bẩn vào mắt;
  • Căng thẳng quá mức làm suy giảm miễn dịch;
  • Các vấn đề sức khỏe khác làm tăng rủi ro phát triển lẹo mắt như bệnh tiểu đường, tăng cholesterol máu hoặc rối loạn nội tiết tố;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Đa số các mụn lẹo mắt được chẩn đoán thường chỉ xuất hiện ở một bên mắt tại một thời điểm, rất hiếm khi lẹo xuất hiện ở cả 2 mắt. Khi lẹo mắt hình thành và phát triển, người bệnh thường gặp một số triệu chứng sau đây:

  • Xuất hiện vết sưng đỏ bên ngoài mí mắt, thường là vị trí đường viền mi mắt;
  • Cảm giác đau nhức, sưng đỏ mắt khó chịu;
  • Sưng toàn bộ mí mắt;
  • Thường xuyên chảy nước mắt;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;
  • Cộm mắt, mờ mắt do tiết dịch mủ trong mắt;
  • Rỉ ghèn dọc mí mắt;

Triệu chứng lẹo mắt
Các triệu chứng lẹo mắt thường gặp là sưng đỏ, đau, mắt nhạy cảm với ánh sáng, nặng hơn có thể gây mờ mắt

Chẩn đoán

Lẹo mắt thường dễ chẩn đoán, được thực hiện bởi bác sĩ nhãn khoa. Chẩn đoán thường thông qua việc đánh giá các triệu chứng và kiểm tra khu vực bị ảnh hưởng, đánh giá tình trạng da, mí mắt, lông mi... Kết hợp khai thác tiền sử bệnh cá nhân để xác định những vấn đề sức khỏe có liên quan góp phần khởi phát lẹo mắt.

Sau đó, nếu cần xác nhận chẩn đoán chính xác có thể sử dụng máy kiểm tra mắt chuyên dụng để đánh giá tình trạng lông mi và hoạt động của các lỗ tuyến dầu. Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể lấy mẫu mủ (nếu có) để làm xét nghiệm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm giúp xác định chủng vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của mụt lẹo mắt là vết sưng đỏ trên mí mắt do nhiễm trùng. Dưới góc độ của y học, những mụt lẹo mắt này thường vô hại, hiếm khi gây ra biến chứng và có xu hướng tự khỏi sau một thời gian ngắn. Hoặc nếu được chăm sóc tích cực chúng cũng sẽ nhanh chóng thuyên giảm mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.

Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan, tốt nhất nên theo dõi lẹo mắt thường xuyên, nhất là ở trẻ em chưa có ý thức về điều trị bệnh, bố mẹ cần chú ý quan sát trẻ để kịp thời có hướng xử lý phù hợp để ngăn ngừa rủi ro. Vì tuy hiếm nhưng vẫn có tỷ lệ nhỏ lẹo mắt phát triển thành áp xe mưng mủ hoặc là dấu hiệu của ung thư da.

Điều trị

Hầu hết các trường hợp nổi lẹo mắt thường tự khỏi mà không cần phải can thiệp điều trị. Thời gian khỏi thường kéo dài khoảng vài ngày. Chúng biến mất bằng cách vỡ ra như mụn nhọt, sau đó chảy dịch và khô lại. Tuy nhiên, với những nốt lẹo mắt có tính chất nặng hơn do nhiễm trùng nghiêm trọng không thể tự khỏi bắt buộc phải dùng thuốc.

Loại thuốc trị lẹo mắt thường được kê đơn là thuốc mỡ kháng sinh hoặc thuốc steroid dạng tiêm. Nếu sau một thời gian dùng thuốc không hiệu quả, lẹo mắt bắt đầu có dấu hiệu nặng hơn, gây suy giảm thị lực sẽ được cân nhắc đến phương pháp làm tiểu phẫu loại bỏ nhanh.

Điều trị mắt bị lẹo bằng thuốc
Các chọn lựa điều trị tốt nhất đối với lẹo mắt là chườm ấm kết hợp dùng thuốc mỡ kháng sinh chống nhiễm trùng

Ngoài các biện pháp y tế, khi bị lẹo mắt người bệnh cũng có thể áp dụng các biện pháp sau đây để hỗ trợ cải thiện triệu chứng:

  • Chườm ấm: Đây là mẹo điều trị lẹo mắt tại nhà hiệu quả nhất. Nhiệt ấm sẽ giúp làm mềm mụt lẹo và giảm sưng đau. Nên thực hiện nhiều lần trong ngày, mỗi lần từ 10 - 15 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Chườm túi trà: Túi trà lọc sau khi ngâm trong nước nóng, đặc biệt túi trà xanh có thể dùng để chườm lên lẹo mắt để làm triệu chứng tương tự như cách chườm ấm.
  • Dùng thuốc không kê đơn: Nếu cảm giác đau nhức ập đến đột ngột và quá mức, có thể chọn sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen hỗ trợ giảm đau, giảm viêm.
  • Rửa tay sạch sẽ và không nặn lẹo mắt: Đây là điều tối kỵ khi bị lẹo mắt, người bệnh tuyệt đối không nên nặn mụt lẹo mắt. Việc này có thể làm vỡ túi dịch mủ và làm lây lan nhiễm trùng sang các vị trí khác. Cách tốt nhất đó là cứ để lẹo mắt phát triển tự nhiên rồi sẽ đến lúc tự biến mất. Đồng thời, phải rửa tay sạch sẽ trước khi chạm vào mắt.

Chú ý trong suốt quá trình điều trị, phải theo dõi thật kỹ và thông báo cho bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Phòng ngừa

Phòng ngừa lẹo mắt không quá khó, chỉ cần thực hiện vệ sinh thật kỹ lưỡng sẽ giúp bảo vệ vùng mắt khỏi nhiễm trùng, ngăn chặn sự phát triển của lẹo mắt.

Phòng ngừa mắt bị lên lẹo
Rửa tay thường xuyên trước khi chạm vào mắt hoặc trước khi đeo/tháo kính áp tròng để ngăn ngừa hình thành lẹo mắt

  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là trước khi chạm vào mặt hoặc mắt.
  • Hạn chế việc dụi mắt quá mức và liên tục, điều này sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn từ tay lây đến mắt, gây kích ứng hình thành lẹo mắt.
  • Thận trọng mỗi khi sử dụng kính áp tròng, tốt nhất nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chạm vào kính, đeo vào hoặc tháo ra khỏi mắt.
  • Chú ý về thói quen trang điểm, không nên sử dụng các sản phẩm makeup kém chất lượng cho vùng mắt, phải tẩy trang kỹ vùng mắt sau khi trang điểm để giảm thiểu dị ứng, kích ứng. Thường xuyên thay mới đồ trang điểm hoặc làm sạch cọ trang điểm vì đây có thể là nơi trú ngụ và phát triển của các loại vi khuẩn.
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt để giảm khô mắt và giảm kích ứng.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tại sao tôi bị nổi mụt lẹo mắt và gây đau nhức khó chịu?

2. Chúng có thể tự khỏi không? Có lây sang những vị trí khác không?

3. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị lẹo mắt?

4. Phương pháp điều trị lẹo mắt tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?

5. Mất bao lâu thì mụt lẹo mắt mới khỏi hoàn toàn?

6. Tôi cần làm gì để hỗ trợ làm giảm triệu chứng nổi lẹo mắt tại nhà?

7. Lẹo mắt có tái phát lại sau điều trị không?

Lẹo mắt rất dễ xảy ra, dù ở trẻ em hay người lớn thì tính chất mụt lẹo mắt vẫn giống nhau, đều gây đau nhức, sưng vù mí mắt và khó chịu. Bản chất của chúng khá lành tính, có thể tự thuyên giảm và biến mất, nhưng nhược điểm là dễ tái phát và dễ lây lan khi gặp điều kiện thuận lợi nên rất khó điều trị khỏi dứt điểm. Do đó, hãy chú ý vệ sinh mắt thật kỹ, bảo vệ đôi mắt khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng để phòng ngừa bệnh.

Xem thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Đục Thủy Tinh Thể
Đục thủy tinh thể là bệnh lý về mắt phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Bệnh có liên quan đến yếu tố tuổi tác, do…
Song Thị
Song thị là vấn đề thị lực tạm thời hoặc…
Bong võng mạc
Bong võng mạc là bệnh lý về mắt nguy hiểm,…
Rách giác mạc
Rách giác mạc là bệnh lý nhãn khoa rất dễ…
Thoái Hóa Võng Mạc

Thoái hóa võng mạc là bệnh lý nhãn khoa phổ biến với tỷ lệ mắc và gây biến chứng mù…

Bệnh Giác Mạc Hình Chóp

Giác mạc hình chóp là một rối loạn về chức năng giác mạc phổ biến. Đặc trưng với tình trạng…

Bệnh Mù Màu

Mù màu là bệnh lý về mắt phổ biến ở mọi đối tượng. Xảy ra ở những người không thể…

Tắc Tuyến Lệ

Tắc tuyến lệ là bệnh lý về mắt phổ biến, xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua