Cận Thị

Cận thị là tật khúc xạ mắt phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng tăng cao qua từng năm. Tình trạng này xuất hiện nhiều trong học đường hoặc nhóm lao động trẻ tuổi. Cận thị có thể do bẩm sinh di truyền hoặc thói quen sử dụng thiết bị điện tử, đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng... Người bị cận thị có thể đeo kính để hỗ trợ thị lực hoặc chọn phẫu thuật để phục hồi thị lực hoàn toàn.

Tổng quan

Cận thị (Myopia/ Nearsightedness) là tình trạng chỉ nhìn rõ các vật ở gần và khó nhìn rõ các vật ở xa. Hiện tượng này xảy ra do nhãn cầu có kích thước dài (cận thị d trục) hoặc giác mạc dốc (cận thị do khúc xạ) hơn bình thường. Khiến cho ánh sáng tập trung ở phía trước võng mạc thay vì hội tụ trực tiếp trên bề mặt.

Cận thị xảy ra khi mắt không thể tập trung ánh sáng đúng cách gây nhìn mờ các vật ở xa

Người bị cận thị thường có xu hướng nheo mắt để cố gắng nhìn rõ các vật ở xa hoặc áp sát mặt vào tivi, sách khi cần đọc, xem. Cận thị được phân làm nhiều loại, có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng. Có liên quan đến yếu tố di truyền, môi trường hoặc các bệnh lý khác.

Để cải thiện tình trạng này, người bị cận thị cần đeo thấu kính phân kỳ để kéo tiêu điểm từ phía trước ngược về phía sau, hội tụ trên bề mặt võng mạc và nhìn rõ hơn các vật ở xa. Trường hợp cận thị nặng có thể phẫu thuật để phục hồi thị lực.

Phân loại

Cận thị được chia làm nhiều loại khác nhau dựa vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Bao gồm:

Cận thị có nhiều dạng khác nhau như cận thị đơn thuần, cận thị bệnh lý...

Cận thị đơn giản (Simple Myopia)

Đây là dạng cận thị phổ biến nhất, được gây ra bởi sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường. Dạng này thường được chẩn đoán ở trẻ em đang trong độ tuổi đi học. Độ cận thị đơn giản thường < 6 diop và kèm theo loạn thị (tình trạng độ cận ở 2 mắt không đều nhau).

Nguyên nhân là do mắt thường xuyên phải làm việc với khoảng cách gần khiến màng thủy tinh thể phồng dần lên và cố định, không thể xẹp xuống. Dạng cận thị này có thể được cải thiện bằng cách đeo kính gọng hoặc kính áp tròng.

Cận thị thoái hóa (Degenerative Myopia)

Dạng cận thị thoái hóa thường xảy ra ở người trưởng thành và thường tiến triển đến mức độ nặng, độ cận > 6 diop. Kèm theo phát triển tình trạng thoái hóa bán phần sau nhãn cầu. Biểu hiện đặc trưng là trục nhãn cầu dài ra liên tục khiến độ cận ngày càng tăng nặng.

Người bị cận thị thoái hóa nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra hàng loạt các vấn đề bệnh lý như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc hoặc glôcôm (Glaucoma) góc đóng mạn tính... Thậm chí dẫn đến mất thị lực hoàn toàn, kể cả khi bệnh nhân vẫn còn trẻ.

Cận thị bệnh lý (Pathological Myopia)

Đây là dạng cận thị hiếm gặp, thường là do đột biến gen, có thể gây mất thị lực, mù lòa vĩnh viễn. Hoặc xuất phát từ các tác nhân thứ phát như:

  • Chứng sơ hóa thủy tinh thể (nuclear sclerosis);
  • Đái tháo đường;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc tân dược;

Cận thị ban đêm (Noctural Myopia)

Tình trạng cận thị này chỉ xảy ra vào ban đêm hoặc khi bạn ở trong những nơi có ánh sáng yếu. Mắt bị cận thị ban đêm vẫn có thể nhìn thấy rõ vào ban ngày, nhưng đến đêm đồng tử mắt lại hoạt động bất thường, liên tục điều tiết để mắt hội tụ nhiều ánh sáng, dẫn dến mờ mắt và biến dạng mắt.

Cận thị giả (Pseudomyopia)

Đây là tình trạng cận thị, suy giảm thị lực tạm thời và có thể phục hồi sau khi nghỉ ngơi. Xảy ra khi mắt hoạt động mạnh mẽ gia tăng điều tiết khiến mi bị co cứng, dẫn đến cận thị giả, giảm thị lực bất thường.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Các chuyên gia cho rằng, cận thị xảy ra do tình trạng khúc xạ ở mắt. Hiểu đơn giản là khi mắt không thể bẻ cong ánh sáng chính xác, khiến mắt không thể nhìn rõ các vật ở xa.

Thói quen sử dụng điện thoại di động liên tục trong nhiều giờ làm tăng nguy cơ cận thị

Cận thị có thể xuất hiện do một số yếu tố nguy cơ sau:

  • Yếu tố di truyền: Những trường hợp bị cận thị ngay từ khi sinh ra hoặc cận thị sớm trong thời thơ ấu thường liên quan đến yếu tố di truyền. Nếu mẹ hoặc bố bị cận thị, nguy cơ sinh con bị cận thị sẽ cao hơn bình thường.
  • Thói quen xấu: Thói quen đọc sách ở nơi thiếu ánh sáng hoặc dành nhiều thời gian nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại di động... Những yếu tố này khiến đôi mắt phải làm việc quá sức và dẫn đến cận thị.
  • Ảnh hưởng từ bệnh lý: Tiểu đường, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp... những bệnh lý dễ gây cận thị.
  • Các yếu tố khác: Một số yếu tố rủi ro khác làm tăng nguy cơ phát triển cận thị như:

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các dấu hiệu cận thị phổ biến như:

  • Khó nhìn rõ các vật ở xa;
  • Mỏi mắt;
  • Nheo mắt khi cố gắng nhìn các vật ở xa;
  • Đau đầu;
  • Nhạy cảm với ánh sáng;

Cận thị có thể được chẩn đoán thông qua khám mắt toàn diện

Chẩn đoán

Chẩn đoán cận thị thường được thực hiện thông qua khám mắt toàn diện bao gồm các phương pháp sau:

  • Kiểm tra thị lực: Bằng cách đọc bảng chữ cái trên biểu đồ mắt;
  • Soi võng mạc: Chiếu đèn vào mắt nhằm đo mức độ ánh sáng được phản xạ bởi võng mạc;
  • Chụp ảnh đáy mắt và chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT): Những xét nghiệm này cho phép đánh giá cấu trúc trong võng mạc và dây thần kinh thị giác.
  • Đo Phoropter: Đây là dụng cụ đo mức độ khúc xạ mắt, bằng cách đặt một loạt các thấu kính trước mắt, kiểm tra mức độ nhìn rõ của mắt.

Biến chứng và tiên lượng

Cận thị bệnh lý có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

  • Bong võng mạc;
  • Tăng nhãn áp;
  • Thoái hóa điểm vàng;

Tất cả những vấn đề này đều làm ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Nhất là với những trường hợp bị cận thị do bệnh lý hoặc thoái hóa, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn là rất cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Điều trị

Các phương pháp điều trị cận thị được áp dụng phổ biến như:

Đeo kính

Đeo kính là phương pháp điều trị cận thị phổ biến nhất. Những thấu kính cận thị hoạt động bằng cách bẻ cong ánh sáng đi vào mắt và điều chỉnh tật khúc xạ, cho phép mắt nhìn rõ hơn các vật ở xa. Bạn có thể chọn đeo kính có gọng hoặc kính áp tròng tùy theo nhu cầu:

Đeo kính gọng hoặc kính áp tròng là phương pháp giúp điều chỉnh tật khúc xạ mắt phổ biến nhất

  • Kính gọng: Loại kính phù hợp cho người bị cận thị là thấu kính phân kỳ. Kính được thiết kế phù hợp với độ cận của bạn. Tuy nhiên, nhược điểm của loại kính gọng là gây bất tiện trong các hoạt động hàng ngày như chạy, nhảy, vận động mạnh, bơi lội hoặc dễ bị giảm tầm nhìn khi trời mưa. Ngoài ra, bạn cũng phải đổi kính thường xuyên khi độ cận tăng lên.
  • Kính áp tròng: Nhiều người thường chọn kính áp tròng vì vừa hỗ trợ thị lực nhìn xa vừa có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, nhược điểm của kính là dễ gây khô mắt, không thể đeo liên tục trong thời gian dài hoặc có thể gây viêm nhiễm mắt nếu không vệ sinh đúng cách. Chi phí kính áp tròng cận thị đắt hơn so với kính gọng.

Chỉnh hình giác mạc tạm thời Ortho K

Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp bị cận thị nhưng chưa đủ tuổi phẫu thuật (< 18 tuổi) hoặc không có nhu cầu phẫu thuật.

Liệu pháp Ortho K (Orthokeratology) giúp khử độ cận tạm thời bằng kính áp tròng ban đêm, nó có khả năng chỉnh hình dạng giác mạc như bình thường để cải thiện thị lực. Nếu ngưng sử dụng, bề mặt giác mạc sẽ trở về độ cong ban đầu gây cận thị.

Phương pháp này chỉ có thể thực hiện tạm thời, không hiệu quả nhiều với những trường hợp cận nặng. Vì là kính áp tròng nên vẫn có rủi ro nhiễm trùng mắt hoặc các biến chứng khác. Chi phí cho mỗi lần thay kính áp tròng chỉnh hình giác mạc Ortho K khá đắt đỏ.

Dùng thuốc

Trường hợp cận thị nặng, bạn sẽ được chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt atropine nhằm làm chậm quá trình tiến triển cận thị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp giúp cải thiện thị lực cho người bị cận thị tối đa, đến mức bạn không cần phải đeo kính nữa. Một số kỹ thuật phẫu thuật cận thị phổ biến gồm:

Phẫu thuật khúc xạ mắt giúp phục hồi thị lực bình thường mà không cần dùng đến kính

  • Phẫu thuật cắt giác mạc khúc xạ ánh sáng (PRK): Phương pháp này sử dụng tia laser để cắt lớp giữa giác mạc để làm phẳng đường cong giác mạc, cho phép các tia sáng tập trung gần hơn hoặc nằm trên võng mạc của bạn.
  • LASIK: Đây là phương pháp phẫu thuật cận thị phổ biến nhất hiện nay. Được thực hiện bằng cách sử dụng tia laser hoặc các kỹ thuật khác để tạo một lớp màng mỏng ở lớp trên cùng của giác mạc, định hình lại các lớp bên ngoài rồi di chuyển nắp trở về vị trí cũ.
  • Cấy ghép thấu kính Collamer: Tạo một vết rạch cực nhỏ trên giác mạc, để cấy thấu kính tiếp xúc được làm từ vật liệu mềm polmeric vào mắt. Nó có tác dụng khúc xạ ánh sáng trên võng mạc và giúp bạn nhìn rõ hơn các vật ở xa.

Riêng các trường hợp cận thị bẩm sinh do di truyền, những trường hợp còn lại có đôi mắt khỏe mạnh ngay từ khi chào đời có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ cận thị:

Lối sống lành mạnh, ít tiếp xúc với các tác nhân bức xạ giúp giảm nguy cơ cận thị

  • Thực hành vệ sinh mắt tốt bằng cách hạn chế thực hiện các hoạt động gây mỏi mắt như nhìn lâu vào màn hình điện thoại, máy tính trong thời gian dài hoặc đọc sách ở nơi có ánh sáng mờ.
  • Xoa bóp, massage mắt nhẹ nhàng bằng các động tác xoa, nắn, áo lòng bàn tay vào mắt trong vài phút. Khuyến khích làm nhiều lần trong ngày để giảm mỏi mắt.
  • Tạo môi trường học tập và làm việc đúng chuẩn, đầy đủ ánh sáng và ít sử dụng điện thoại di động, ipad, máy tính trong thời gian dài.
  • Dành nhiều thời gian để ra ngoài trời, việc này sẽ giúp mắt tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng tự nhiên và ngăn chặn nguy cơ phát triển cận thị.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, giàu vitamin A, C, E tốt cho thị lực. Ưu tiên các loại thực phẩm như cà rốt, cải xoăn, rau bina, axit béo omega-3 trong các loại cá biển, hạt, ngũ cốc, quả hạch...
  • Vận động điều độ, rèn luyện thể chất giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm căng thẳng và đặc biệt tác động tích cực đến thị lực, giảm nguy cơ cận thị.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi không thể nhìn rõ những thứ ở xa là dấu hiệu của tật khúc xạ nào?

2. Tôi bị cận thị dạng nào? Có nguy hiểm không?

3. Tại sao tôi bị cận thị?

4. Tôi nên làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán cận thị?

5. Bị cận thị có tự khỏi không?

6. Tôi bị cận thị nên đeo kính có gọng hay kính áp tròng?

7. Khi nào tôi nên phẫu thuật cận thị?

8. Những rủi ro và lợi ích xoay quanh phẫu thuật cận thị?

9. Sau phẫu thuật bao lâu thì tôi có thể phục hồi thị lực hoàn toàn?

10. Tôi cần làm gì để giảm nguy cơ sinh con bị cận thị bẩm sinh?

Cận thị là một trong những bệnh về mắt phổ biến và có thể điều trị, phòng ngừa được bằng nhiều cách. Do đó, hãy chú ý theo dõi các biểu hiện về cận thị và chủ động thăm khám sớm, tìm kiếm các biện pháp chăm sóc y tế kịp thời, điều trị đúng cách để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Bệnh Viễn Thị
Viễn thị là một trong những vấn đề về mắt phổ biến, khó nhìn rõ khác vật ở gần, gây mỏi mắt và đau đầu. Viễn thị thường liên quan…
Bệnh Quáng Gà
Quáng gà là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý…
Bệnh U kết mạc mắt
U kết mạc mắt là sự phát triển triển của…
Rách giác mạc
Rách giác mạc là bệnh lý nhãn khoa rất dễ…
Bệnh Đục Thủy Tinh Thể

Đục thủy tinh thể là bệnh lý về mắt phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.…

Bệnh Nhược Thị

Nhược thị xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một bên mắt của trẻ yếu hơn…

Bệnh Giun ký sinh trong mắt

Giun ký sinh trong mắt là một trong những bệnh nhiễm ký sinh ít phổ biến, thường chỉ xảy ra…

Viêm Loét Giác Mạc

Viêm loét giác mạc là bệnh về mắt phổ biến, xảy ra do các tác nhân nhiễm trùng hoặc không…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua