Thoái Hóa Võng Mạc

Thoái hóa võng mạc là bệnh lý nhãn khoa phổ biến với tỷ lệ mắc và gây biến chứng mù lòa cao, chỉ sau đục thủy tinh thể. Nguyên nhân gây thoái hóa võng mạc rất đa dạng, triệu chứng không đặc hiệu nên gây khó khăn trong việc chẩn đoán sớm. Nếu người bệnh chủ quan không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. 

Tổng quan

Võng mạc là lớp màng thần kinh mỏng nằm ở đáy mắt. Nó có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng và chuyển đổi chúng thành các tín hiệu thần kinh để truyền lên não, giúp con người nhận biết các vật thể, hình ảnh, sự việc trước mắt.

Thoái hóa võng mạc xảy ra khi các tế bào võng mạc bị tổn thương và thoái hóa

Thoái hóa võng mạc (Retinal Degeneration) là tình trạng lớp tế bào võng mạc trong mắt bị tổn thương. Trong đó, dạng điển hình và nguy hiểm nhất là thoái hóa điểm vàng. Đây một dạng rối loạn thần kinh tiến triển do đột biến gen hoặc tổn thương do môi trường, bệnh lý tác động trực tiếp đến võng mạc, chẳng hạn như đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.

Hầu hết các trường hợp bị thoái hóa võng mạc đều không gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân thường bị suy giảm thị lực nghiêm trọng và gây mù lòa vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời. Theo thống kê của WHO, tỷ lệ mù lòa do thoái hóa võng mạc trên toàn thể giới chiếm khoảng 5%.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Thoái hóa võng mạc được chia làm 2 dạng chính gồm:

Thoái hóa võng mạc gồm 2 thể chính là thoái hóa điểm vàng và thoái hóa võng mạc chu biên

Thoái hóa võng mạc điểm vàng

Thoái hóa võng mạc điểm vàng gây ảnh hưởng đến điểm vàng nằm ở trung tâm võng mạc, nơi tập trung số lượng lớn các tế bào thần kinh. Người bị thoái hóa điểm vàng thường nhìn thấy hình ảnh bị mờ, biến dạng hoặc méo mó. Bệnh liên quan chủ yếu đến tuổi tác, tiền sử các bệnh mãn tính, hút thuốc lá hoặc sử dụng thiết bị điện tử quá mức.

Bệnh được chia làm 2 dạng chính là thể khô và ướt. Trong đó, thoái hóa điểm vàng thể ướt chiếm tỷ lệ mắc thấp (chỉ khoảng 10%) nhưng lại là thể bệnh nguy hiểm nhất, có thể gây mù lòa vĩnh viễn nếu không điều trị sớm.

Thoái hóa võng mạc chu biên

Võng mạc chu biên là vùng ít được tưới máu nhất trong võng mạc nên rất dễ bị tổn thương và gây biến chứng bong võng mạc. Dạng bệnh lý này đặc biệt nguy hiểm với những người bị cận thị, trục nhãn cầu có độ dài lớn hơn bình thường khiến võng mạc căng giãn quá mức. Kết hợp với tưới máu kém khiến các tế bào võng mạc chết dần đi, gây mù lòa và suy giảm thị lực.

Người bị thoái hóa võng mạc thường gặp các triệu chứng đặc trưng như:

  • Hiện tượng ruồi bay khi ra nắng;
  • Dấu hiệu chớp sáng trước mắt, nhất là vào ban đêm;
  • Suy giảm tầm nhìn;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bản chất của thoái hóa võng mạc là tình trạng tổn thương các nhánh mạch máu nhỏ đến động mạch võng mạc trung tâm, gây cản trở quá trình cung cấp máu đến võng mạc và gây bệnh. Bất kỳ yếu tố nào tác động và gây tổn thương các nhánh mạch máu này đều là nguyên nhân gây ra thoái hóa võng mạc.

Có thể kể đến một số nhóm nguyên nhân cơ bản như:

Nguyên nhân không tăng sinh

Có 3 cơ chế chính gây thoái hóa võng mạc không tăng sinh là phá hủy mạch máu, tắc nghẽn mạch máu và tổn thương võng mạc trực tiếp. Những vấn đề này khiến lưu lượng máu đến nuôi tế bào võng mạc bị giảm mạnh và gây bệnh thoái hóa võng mạc không tăng sinh.

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây giảm tưới máu đến nuôi các tế bào võng mạc

Một số nguyên nhân gây ra gồm:

  • Xơ vữa động mạch: Là sự hình thành của các cục máu đông trong lòng động mạch, làm cản trở lưu lượng máu đến nuôi dưỡng võng mạc.
  • Cao huyết áp: Chỉ số huyết áp cao làm tăng áp lực cho hệ thống động mạch, làm dày thành động mạch và giảm lượng máu lưu thông đến võng mạc, gây tổn thương và thoái hóa võng mạc dần.
  • Bệnh tế bào hồng cầu hình liềm: Những người mắc bệnh hồng cầu hình liềm có nguy cơ cao bị thoái hóa võng mạc. Do cơ thể tự điều chỉnh và tăng sinh các tế bào máu khiến máu đặc hơn, làm chậm tốc độ chảy của dòng máu và giảm lưu lượng máu đến các nhánh động mạch võng mạc.
  • Tiếp xúc tia phóng xạ: Các tế bào võng mạc trong mắt tiếp xúc trực tiếp với tia xạ sẽ bị tổn thương và dẫn đến thoái hóa, thậm chí gây chết các tế bào.

Nguyên nhân tăng sinh

Bệnh thoái hóa võng mạc tăng sinh xảy ra do sự tăng sinh bất thường của các mạch máu, hay còn gọi là hiện tượng tân mạch. Hậu quả của tình trạng mạch máu phát triển quá mức là gây suy yếu thành mạch, giảm tưới máu đến các mô võng mạc. Các chuyên gia đánh giá dạng bệnh tăng sinh thường có tiên lượng xấu hơn so với dạng không tăng sinh.

Tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thoái hóa võng mạc tăng sinh. Ngoài ra, một số nguyên nhân gây thoái hóa võng mạc không tăng sinh cũng có thể làm khởi phát thoái hóa võng mạc tăng sinh trong giai đoạn sau.

Một số nguyên nhân khác 

Ngoài những nguyên nhân vừa kể trên, bệnh thoái hóa võng mạc cũng có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ sau:

Có nhiều trường hợp thoái hóa võng mạc do di truyền gen đột biến

  • Đột biến gen: Thoái hóa võng mạc là bệnh về mắt di truyền. Đột biến gen gây bệnh lý này thường liên quan đến nhiễm sắc thể X (gồm họ gen NDP), gây một số bệnh lý nguy hiểm như FEVR, Norrie hoặc Coats.
  • Chấn thương: Chấn thương vùng đầu cũng là nguyên nhân góp phần gây thoái hóa võng mạc.
  • Lão hóa: Tuổi tác cao cộng với sự ảnh hưởng của các yếu tố tiêu cực từ môi trường bên ngoài như khói bụi, khói thuốc lá, dinh dưỡng kém... làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng võng mạc, gây thoái hóa điểm vàng và giảm thị lực trầm trọng.
  • Các yếu tố rủi ro khác
    • Thừa cân béo phì;
    • Hút thuốc lá;
    • Dinh dưỡng kém;
    • Tăng huyết áp;
    • Tăng chỉ số đường huyết;
    • Mắc các tật khúc xạ khác (thường là cận thị);
    • Tiền sử gia đình có người từng bị thoái hóa võng mạc;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Thoái hóa võng mạc thường ít hoặc không gây triệu chứng trong giai đoạn đầu. Chỉ khi tiến triển đến giai đoạn muộn, bệnh mới bộc phát nặng kèm theo biến chứng suy giảm thị lực, gây khó khăn trong việc chẩn đoán.

Các triệu chứng lâm sàng như nhìn mờ, giảm tầm nhìn được đánh giá thông qua bài kiểm tra thị lực

Một số dấu hiệu điển hình của thoái hóa võng mạc gồm:

  • Nhìn mờ, giảm tầm nhìn ở một bên mắt;
  • Thường không kèm theo dấu hiệu đau mắt;
  • Xuất hiện các điểm mù bất thường trước mắt;
  • Xuất huyết thủy tinh thể;

Chẩn đoán

Bệnh nhân có các dấu hiệu trên cần lập tức đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán chuyên sâu. Sau khi thăm hỏi và khai thác đầy đủ các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng sau để chẩn đoán thoái hóa võng mạc:

  • Kiểm tra thị lực;
  • Soi đáy mắt kết hợp thuốc nhỏ mắt giãn nở;
  • Chụp mạch huỳnh quang;
  • Chụp cắt lớp kết hợp quang học (OCT);

Biến chứng và tiên lượng

Thoái hóa võng mạc là một trong những bệnh lý về mắt có nguy cơ cao gây mù lòa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Ngoài ra, nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể đối mặt với các biến chứng sau:

  • Vỡ mạch máu gây xuất huyết võng mạc hoặc dịch kính;
  • Máu và các chất cặn bã dư thừa tích tụ lắng đọng trong võng mạc gây phù hoàng điểm;
  • Quá trình hình thành sẹo sau khi mạch máu bị vỡ kéo theo sự phát triển của các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (viêm võng mạc sắc tố), kích thích chúng tách rời khỏi mao mạch, gây bong tróc võng mạc, tăng nguy cơ mù lòa vĩnh viễn;
  • Một số trường hợp gây gội chứng Charles Bonnet (tình trạng ảo giác thị giác) và có nguy cơ trầm cảm cao;

Bệnh thoái hóa võng mạc thường khó chẩn đoán sớm và gây khó khăn trong việc điều trị. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh vẫn khá tốt nếu bệnh nhân chủ động thăm khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường và được tư vấn, điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Điều trị

Thoái hóa võng mạc là bệnh lý về mắt do nhiều nguyên nhân gây ra và rất không may khi căn bệnh này không có cách điều trị khỏi dứt điểm. Việc điều trị chủ yếu tập trung vào cải thiện triệu chứng và phục hồi thị lực càng nhiều càng tốt cho bệnh nhân.

Phác đồ điều trị thoái hóa võng mạc được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ nhãn khoa. Gồm một số phương pháp điển hình sau:

Liệu pháp quang động laser 

Hầu hết các trường hợp bị thoái hóa võng mạc đều được chỉ định điều trị bằng liệu pháp quang động laser đầu tiên. Tia laser được chứng minh là an toàn và đem lại hiệu quả cao trong việc phá hủy các mạch máu dư thừa trong mắt, cải thiện thị lực cho bệnh nhân.

Điều trị thoái hóa giác mạc hiệu quả bằng liệu pháp quang động laser

Phương pháp này đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa võng mạc do đái tháo đường hoặc bệnh hồng cầu hình liềm.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc tăng trưởng nội mô mạch máu (Vascular endothelial growth factor - VEGF) là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị thoái hóa võng mạc. Tác dụng chính của thuốc là kiểm soát sự phát triển ổn định của mạch máu và ức chế sự dày thành mạch, tạo điều kiện cho máu lưu thông dễ dàng đến các động mạch võng mạc.

Các loại thuốc thường dùng nhất là Pegaptanib hoặc Bevacizumab. Thuốc được chỉ định dùng dưới dạng tiêm trực trực tiếp vào mắt. Một số trường hợp bị thoái hóa võng mạc do sinh non có thể kết hợp dùng thuốc VEGF với liệu pháp laser để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Điều trị bằng tế bào gốc đa năng

Những trường hợp tế bào võng mạc tổn thương nghiêm trọng và chết đi, không có khả năng phục hồi sẽ phải điều trị bằng phương pháp thay thế tế bào gốc đa năng. Đây là kỹ thuật sử dụng nhóm các tế bào gốc tự thân được lấy từ da của người bệnh để có độ tương thích cao, giảm nguy cơ đào thải.

Hỗ trợ điều trị thông qua dinh dưỡng

Song song với các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cũng cần phải tuân thủ thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm thúc đẩy quá trình tái tạo các mô tế bào võng mạc và phục hồi thị lực nhanh hơn.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp góp phần quan trọng giúp bệnh nhân phục hồi thị lực tốt hơn

Nên ăn

  • Nhóm rau xanh, củ quả có có nhiều màu sắc chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa carotenoids (gồm lutein và zeaxanthin) tốt cho thị lực;
  • Thực phẩm giàu vitamin C tốt cho quá trình phục hồi thành mạch máu ở mắt;
  • Các loại cá giàu axit béo omega-3 giúp giảm viêm và khai thông tắc nghẽn ở các động mạch võng mạc;
  • Ưu tiên sử dụng các loại dầu thực vật tốt cho sức khỏe như dầu ô liu, dầu hạt lanh, dầu hạt cải;

Không nên ăn

  • Tránh thức ăn nhanh và các loại thực phẩm chế biến nhiều dầu mỡ, cholesterol dễ gây tổn thương mạch máu trong võng mạc;
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn như bánh kẹo, khoai tây chiên, bánh quy, bơ đậu phộng...;
  • Không sử dụng các chất kích thích để tránh gây tổn thương võng mạc nặng hơn;

Phòng ngừa

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh thoái hóa võng mạc và bảo vệ thị lực tốt nhất, hãy thực hiện các biện pháp tích cực sau đây:

Kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu thoái hóa võng mạc

  • Duy trì thói quen vệ sinh mắt khoa học, chẳng hạn như massage, dùng dung dịch nhỏ mắt, không dụi mắt quá mạnh...
  • Che chắn đôi mắt kỹ lưỡng bằng kính râm khỏi ánh nắng mặt trời và khói bụi.
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, laptop, tivi... hàng giờ đồng hồ.
  • Nói không với thuốc lá và các chất kích thích khác.
  • Kiểm soát tốt chỉ số đường huyết và huyết áp bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động điều độ.
  • Khám mắt định kỳ để kiểm tra thị lực và tầm soát các bệnh lý về mắt, trong đó có thoái hóa võng mạc.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị suy giảm thị lực đột ngột có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tại sao tôi bị thoái hóa võng mạc?

3. Bị thoái hóa võng mạc có gây mù lòa không?

4. Mức độ bệnh thoái hóa võng mạc của tôi có nghiêm trọng không?

5. Phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc nào hiệu quả nhất?

6. Quá trình điều trị mất bao lâu thì tôi có thể phục hồi thị lực hoàn toàn?

7. Chi phí điều trị thoái hóa võng mạc có tốn kém không?

8. Sau điều trị, tôi có cần tái khám thường xuyên không?

Thoái hóa võng mạc là bệnh lý về mắt nguy hiểm, dễ gây suy giảm thị lực và mù lòa. Do đó, nếu muốn duy trì thị lực và bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa mắt ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường. Tùy vào kết quả chẩn đoán mức độ bệnh nặng hoặc nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Lẹo mắt là khối u nổi lên ở mí mắt Bệnh Lẹo mắt
Lẹo mắt là bệnh nhiễm trùng mắt cực kỳ phổ biến, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Mụt lẹo mắt gây cảm giác cộm đau,…
Bệnh Giác Mạc Hình Chóp
Giác mạc hình chóp là một rối loạn về chức…
Bệnh Xuất huyết Võng Mạc
Xuất huyết võng mạc có thể xảy ra ở cả…
Bệnh Viễn Thị
Viễn thị là một trong những vấn đề về mắt…
Viêm Loét Giác Mạc

Viêm loét giác mạc là bệnh về mắt phổ biến, xảy ra do các tác nhân nhiễm trùng hoặc không…

Tắc Tuyến Lệ

Tắc tuyến lệ là bệnh lý về mắt phổ biến, xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người…

Cận Thị

Cận thị là tật khúc xạ mắt phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng tăng cao qua từng năm.…

Bệnh Nhược Thị

Nhược thị xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một bên mắt của trẻ yếu hơn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua