Bệnh Nhược Thị

Nhược thị xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một bên mắt của trẻ yếu hơn mắt còn lại và suy giảm thị lực, gặp vấn đề về nhận thức chiều sâu do bất thường về đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến não. Tình trạng này do rất nhiều nguyên nhân gây ra, nên việc điều trị phụ thuộc chủ yếu vào căn nguyên. Thời gian vàng để điều trị phục hồi thị lực cho trẻ nhược thị là < 7 tuổi.

Nhược thị là sự bất thường của đường dẫn truyền thị giác đến não khiến một bên mắt yếu gây suy giảm thị lực

Tổng quan

Nhược thị (Amplyobia/ Lazy Eye) là tình trạng nhìn yếu xảy ra khi một bên mắt phát triển bất thường, do não không nhận thức được các hình ảnh mà mắt nhìn thấy.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi nhược thị, gây suy giảm thị lực. Ước tính có khoảng 3% trẻ dưới 6 tuổi gặp phải tình trạng nhược thị. Đa số các trường hợp chỉ gây ảnh hưởng đến một bên mắt, nhưng cũng có nhiều trường hợp trẻ suy giảm thị lực ở cả 2 bên mắt.

Phân loại

Chứng nhược thị được chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Nhược thị chức năng: Là tình trạng nhược thị có thể điều trị và phục hồi thị lực trở lại bình thường.
  • Nhược thị thực thể: Là tình trạng nhược thị không thể phục hồi lại được.

Ngoài ra, dựa trên lâm sàng, chứng nhược thị được chia làm 3 cấp độ chính gồm:

  • Nhược thị nhẹ: Mức thị lực dao động từ 20/40 - 20/30;
  • Nhược thị trung bình: Mức thị lực dao động từ 20/200 - 20/50;
  • Nhược thị nặng: Mức thị lực < 20/200;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi là giai đoạn phát triển thị lực, trẻ có thể nhìn thấy rõ các vật thể xung quanh. Đây là nhờ sự phát triển của đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến não, quá trình này tiếp tục phát triển đến khi trẻ lên 7 - 8 tuổi. Sau giai đoạn này, đường dẫn truyền thị giác và toàn bộ vùng thị giác của não gần như đã được hoàn thiện và không còn thay đổi được.

Nếu có bất kỳ vấn đề nào gây cản trở tầm nhìn của 1 trong 2 mắt xảy ra trong giai đoạn này đều có thể gây ra chứng nhược thị suy giảm thị lực. Các chuyên gia nhận định, bản chất của nhược thị là sự phát triển bất thường ở não, gây ảnh hưởng đến thị lực.

Mắt lác là một trong những bệnh lý hàng đầu gây ra chứng nhược thị suy giảm thị lực

Một số điều kiện thuận lợi gây ra tình trạng này và dẫn đến nhược thị, bao gồm:

  • Mắt lác (Strabismus): Bệnh lác mắt là tình trạng cả 2 mắt không nhìn chung một hướng. Thường là 1 mắt sẽ nhìn thẳng, 1 mắt sẽ liếc ra ngoài, ngược vào trong, nhìn lên hoặc nhìn xuống. Trong trường hợp này, 2 mắt không thể cùng nhìn vào một tiêu điểm, nên não sẽ bỏ qua tín hiệu hình ảnh của 1 trong 2 mắt. Do đó, chỉ còn 1 mắt được não điều khiển và tiếp nhận thông tin, mắt còn lại không phát triển đường dẫn truyền thần kinh thị giác gây ra tình trạng nhược thị.
  • Bất thường khúc xạ mắt: Bao gồm:
    • Tật khúc xạ: Có rất nhiều tật khúc xạ mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị... Những bệnh lý đều có chung một nguyên nhân là do sự phát triển bất thường của thủy tinh thể. Đa số những trẻ bị loạn thị hoặc viễn thị thường có nguy cơ cao bị nhược thị.
    • Lệch khúc xạ: Trẻ bị lệch khúc xạ khiến hai mắt phát triển không bình thường, có độ chênh lệch lớn làm tăng nguy cơ nhược thị ở bên mắt có độ lệch khúc xạ cao hơn.
  • Các bất thường khác: Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ bị nhược thị do suy giảm chức năng đường dẫn truyền từ não đến mất còn xảy ra bởi các nguyên nhân khác như:
    • Bệnh đục thủy tinh thể;
    • Sụp mi mắt (do nhiều nguyên nhân như tuổi tác, bẩm sinh, phẫu thuật mắt, chấn thương, các bệnh lý thần kinh hoặc bệnh về cơ...);
    • Sẹo trên giác mạc;
    • Tắc nghẽn mắt do chấn thương;
    • Xuất huyết dịch kính;
    • Đục dịch kính;

Yếu tố nguy cơ

Chứng nhược thị chủ yếu xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ sau:

  • Trẻ sinh non;
  • Trẻ chậm phát triển toàn diện;
  • Trẻ mắc các dị tật bẩm sinh gây khuyết tật di truyền và chậm phát triển thể chất, trí não như não úng thủy, hội chứng Down...;
  • Tiền sử gia đình có người mắc các bệnh về mắt;
  • Người trưởng thành có các bệnh lý về mắt cũng làm tăng nguy cơ bị nhược thị;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Triệu chứng suy giảm thị lực nhược thị thường ít khi rõ ràng và khó nhận biết cho đến khi trẻ được kiểm tra thị lực chuyên sâu. Tuy nhiên, dựa trên đánh giá lâm sàng, một đứa trẻ bị nhược thị thường có các dấu hiệu sau:

Trẻ bị nhược thị thường có các biểu hiện như nhắm một bên mắt, nheo mắt và nghiêng đầu khi nhìn

  • Trẻ thường xuyên nhắm một bên mắt;
  • Nghiêng đầu và nheo mắt để nhìn rõ hơn;
  • Mắt hoạt động riêng lẻ, một bên hướng vào trong, một bên hướng ra ngoài;
  • Trẻ không thể tự nhận biết được những thứ bản thân đang nhìn thấy;
  • Gặp vấn đề về nhận thức những hình ảnh có chiều sâu;

Chẩn đoán

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ mắc chứng nhược thị nhưng khó biểu hiện hay miêu tả bằng lời nói nên rất khó nhận biết. Bố mẹ cần chú ý theo dõi trẻ thật kỹ để sớm phát hiện việc trẻ bị suy giảm thị lực thông qua các dấu hiệu trên.

Sau đó, đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và kiểm tra chẩn đoán bằng các biện pháp chuyên sâu:

  • Đo thị lực nhằm kiểm tra độ sắc nét của thị giác dựa vào bảng đo thị lực 20/20;
  • Kiểm tra khúc xạ mắt;
  • Kiểm tra tầm nhìn mắt;
  • Kiểm tra mắt bằng đèn khe;
  • Chụp ảnh đáy mắt hoặc chụp cắt lớp quang học (OCT);

Biến chứng và tiên lượng

Chứng nhược thị gây suy giảm thị lực đáng kể cho người mắc bệnh. Bạn có thể chỉ mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn, mắt không thể nhìn thấy chính xác các vật thể trước mắt, thường là ở một bên mắt.

Mức độ suy giảm thị lực ở từng trường hợp bệnh là khác nhau. Tuy nhiên, khuyến cáo bệnh nhân cần được thăm khám và điều trị sớm. Vì nhiều trường hợp dù vẫn có thể nhìn thấy vật thể tương đối rõ ràng nhưng sẽ không có cảm giác về chiều sâu, nhất là ở những không gian 3 chiều.

Chứng nhược thị khiến trẻ suy giảm thị lực bên mắt yếu và gặp các vấn đề về tầm nhìn, chiều sâu

Không những vậy, nếu chỉ một bên mắt nhìn tốt, bệnh nhân cũng sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh khác gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa vĩnh viễn.

Tiên lượng bệnh lý này khá tốt ở những trẻ được điều trị sớm trước 5 tuổi, phục hồi thị lực hoàn toàn và không để lại bất kỳ di chứng nào. Ngược lại, nếu trì hoãn điều trị, bố mẹ chủ quan có thể khiến trẻ gặp các vấn đề về nhìn loạn, tầm nhìn không đồng đều ở 2 mắt, khó nhận thức về chiều sâu tạo ra những rủi ro nguy hiểm ngoài ý muốn.

Nếu trẻ > 10 tuổi mới điều trị, thị lực sẽ không thể phục hồi hoàn toàn, thậm chí  bị mù vĩnh viễn ở bên mắt bị ảnh hưởng. Bố mẹ hãy nhớ rằng, thị lực suy giảm trong phạm vi 20/30 là nhẹ, nhưng mức 20/200 là rất nghiêm trọng, có thể khiến trẻ mù mắt vĩnh viễn nếu không điều trị kịp thời.

Điều trị

Trẻ < 7 tuổi là giai đoạn vàng điều trị chứng nhược thị, do thị lực của trẻ vẫn đang còn trong giai đoạn phát triển. Tùy theo nguyên nhân và mức độ nhược thị, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp:

Điều trị không phẫu thuật

Để kiểm soát các nguyên nhân gây suy giảm thị lực do nhược thị, điều trị bằng các biện pháp không phẫu thuật luôn được ưu tiên hàng đầu. Các biện pháp này tạo điều kiện cho bên mắt yếu hơn dễ dàng phối hợp với não giúp tăng cường thị lực rõ ràng hơn.

Bao gồm các biện pháp sau:

Đeo miếng dán mắt

Trẻ bị nhược thị mức độ nhẹ nên đeo miếng dán mắt ít nhất 2 - 6 tiếng mỗi ngày. Quá trình này đòi hỏi sự kiên trì lâu dài, vì trẻ sẽ phải đeo liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm. Miếng dán mắt có tác dụng bắt buộc não sử dụng hình ảnh từ bên mắt yếu hơn. Nhờ đó giúp mắt khỏe dần lên và phục hồi thị lực theo thời gian.

Cho trẻ đeo miếng dán mắt ở bên mắt khỏe nhằm hỗ trợ phục hồi thị lực cho bên mắt yếu

Có 2 loại miếng dán mắt phổ biến gồm mộ loại đặt trực tiếp lên mắt và một loại dành riêng cho người đeo kính.

Đeo mắt kính

Đeo kính giúp tăng thị lực hiệu quả đối với những trường hợp nhược thị do cận thị, viễn thị, loạn thị hoặc mắt lác. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng kính phù hợp:

Đeo kính cận - viễn - loạn thị nhằm hỗ trợ não sử dụng hình ảnh ở bên mắt yếu và dần phục hồi thị lực

  • Cận thị dùng thấu kính lõm (mặt kính cong vào trong);
  • Viễn thị dùng thấu kinh lồi (mặt kính cong ra ngoài);
  • Loạn thị sử dụng thấu kính hình trụ;
  • Viễn thị sử dụng thấu kính 2 tròng hoặc đa tròng;

Dùng thuốc nhỏ mắt

Những trường hợp nhược thị mức độ nhẹ, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt để làm mờ tạm thời bên mắt khỏe. Việc này nhằm giúp não chuyển sang sử dụng hình ảnh ở bên mắt còn lại, nhờ đó phục hồi thị lực cho mắt.

Loại thuốc nhỏ mắt thường dùng là dung dịch atropin với khả năng làm giãn đồng tử. Thuốc thường dùng trước khi khám mắt hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt, trong đó có nhược thị suy giảm thị lực.

Phẫu thuật nhãn khoa

Rất hiếm trường hợp nhược thị phải phẫu thuật. Chỉ những trường hợp nhược thị gây nhược thị do các bệnh lý nghiêm trọng như đục thủy tinh thể, mắt lác, sụp mí mắt, tật khúc xạ,... mới được đề nghị phẫu thuật. Cụ thể như sau:

Phẫu thuật nhược thị được chỉ định cho những trường hợp trẻ mắc các bệnh như đục thủy tinh thể, lác mắt, sụp mí mắt

  • Phẫu thuật mắt lác: Thường áp dụng phương pháp phẫu thuật cơ mắt,. Được thực hiện bằng bằng cách cắt bỏ hoặc nới lỏng cơ mắt để phục hồi thị lực mắt.
  • Phẫu thuật đục thủy tinh thể: Quá trình đục thủy tinh thể được thực hiện nhằm loại bỏ lớp thủy tinh thể bị đục và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Sau phẫu thuật này, trẻ sẽ phải đeo kính gọng, kính áp tròng để duy trì kết nối giữa não và mắt, phục hồi thị lực.
  • Phẫu thuật sụp mí mắt: Thường áp dụng phẫu thuật thắt chặt cơ nâng mí mắt, gắn mí mắt vào các cơ quan khác. Sau phẫu thuật, trẻ cần kết hợp điều trị nhược thị bằng cách sử dụng miếng che mắt, thuốc nhỏ mắt và đeo kính để giúp bên mắt yếu phục hồi thị lực tốt hơn.

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật phẫu thuật phù hợp, có thể sử dụng laser hoặc không. Hiện nay, đa số đều áp dụng phẫu thuật laser cho mắt. Đây là kỹ thuật tân tiến, đem lại hiệu quả cao, ít đau đớn, ít chảy máu, nhanh lành và ít rủi rui biến chứng.

Trong đó, phẫu thuật LASIK hoặc PRK sử dụng tia laser áp dụng trong trường hợp điều chỉnh các tật khúc xạ mắt. Còn phẫu thuật mổ mắt có hỗ trợ của laser thường dùng cho bệnh nhân đục thủy tinh thể.

Trước phẫu thuật, bệnh nhân cần được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, nhất là trước khi gây mê nhằm đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải dùng thuốc giảm đau, kháng sinh và kết hợp chăm sóc tích cực về ăn uống, nghỉ ngơi, vật lý trị liệu và tránh tiếp xúc với các tác nhân mạnh gây hại cho mắt.

Phòng ngừa

Bản chất của nhược thị là do bất thường về sự phát triển của đường truyền dây thần kinh từ não đến thị giác. Do đó, bệnh không thể phòng ngừa được.

Chỉ có thể phát hiện bệnh sớm bằng cách cho trẻ khám mắt định kỳ thường xuyên. Thời điểm khám đầu tiên thường là khi trẻ 6 tháng tuổi và khám lại khi trẻ 3 tuổi. Đặc biệt, thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường nghi ngờ suy giảm thị lực.

Thăm khám mắt định kỳ là cách tốt nhất giúp phát hiện các vấn đề về mắt ở trẻ, trong đó có nhược thị

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thực hiện các biện pháp dưới đây để giảm thiểu các yếu tố rủi ro mắc bệnh hoặc khiến bệnh nặng hơn như:

  • Phụ nữ mang thai cần chăm sóc thai kỳ kỹ lưỡng, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu giúp thai nhi phát triển hoàn thiện cấu trúc và chức năng mắt.
  • Chế độ ăn uống khoa học và giảm thiểu các chấn thương ngoài ý muốn để tránh nguy cơ gây các bệnh lý như thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể...
  • Hướng dẫn trẻ tư thế ngồi học, đọc sách, xem tivi đúng để giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị..

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Con tôi bị suy giảm thị lực, không thể nhìn thấy rõ các vật thể xung quanh là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Nguyên nhân nào khiến tôi bị nhược thị?

3. Bệnh nhược thị có gây mù vĩnh viễn không?

4. Tiên lượng mức độ nghiêm trọng về trường hợp bệnh của con tôi?

5. Nhược thị có điều trị được không?

6. Phương pháp điều trị nhược thị tốt nhất hiện nay?

7. Con tôi bị nhược thị có cần phải phẫu thuật không?

8. Tôi cần làm gì để chăm sóc con trong quá trình điều trị nhược thị?

9. Trẻ bị nhược thị có phục hồi thị lực hoàn toàn sau điều trị không?

10. Sau điều trị, trẻ có thể tái phát nhược thị không?

Nhược thị gây suy giảm thị lực ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu được phát hiện sớm và điều trị trước 7 tuổi, trẻ sẽ phục hồi thị lực hoàn toàn và phát triển bình thường. Do đó, khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chủ động cho trẻ thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp, ngăn ngừa biến chứng mất thị lực vĩnh viễn khi trưởng thành.

TÌM HIỂU THÊM

Chia sẻ:
Bệnh Đục Thủy Tinh Thể
Đục thủy tinh thể là bệnh lý về mắt phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Bệnh có liên quan đến yếu tố tuổi tác, do…
Bệnh Viêm dây thần kinh thị giác
Viêm dây thần kinh thị giác không quá phổ biến.…
Thoái Hóa Võng Mạc
Thoái hóa võng mạc là bệnh lý nhãn khoa phổ…
Bệnh Giun ký sinh trong mắt
Giun ký sinh trong mắt là một trong những bệnh…
Viêm Loét Giác Mạc

Viêm loét giác mạc là bệnh về mắt phổ biến, xảy ra do các tác nhân nhiễm trùng hoặc không…

Bệnh Giác Mạc Hình Chóp

Giác mạc hình chóp là một rối loạn về chức năng giác mạc phổ biến. Đặc trưng với tình trạng…

Cận Thị

Cận thị là tật khúc xạ mắt phổ biến với tỷ lệ mắc ngày càng tăng cao qua từng năm.…

Bong võng mạc

Bong võng mạc là bệnh lý về mắt nguy hiểm, có thể gây mù lòa vĩnh viễn nếu không điều…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua