Não Úng Thủy

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Não úng thủy là bệnh lý nguy hiểm ở não, xảy ra khi dịch não tủy tích tụ quá mức và tạo áp lực lớn lên hộp sọ. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị não úng thủy, do bẩm sinh hoặc mắc phải. Bất thường này khiến não bộ không thể hoạt động bình thường và gây nhiều vấn đề sức khỏe, sa sút trí tuệ. Điều trị não úng thủy có nhiều cách khác nhau tùy theo nguyên nguyên nhân gây ra.

Tổng quan

Não úng thủy (Hydrocephalus) là tình trạng dịch não tủy (CSF) tích tụ quá mức trong các rỗng của não (tâm thất). Lượng chất lỏng càng nhiều áp lực bên trong hộp sọ càng lớn và gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động não bộ.

Não úng thủy là tình trạng tích tụ dư thừa dịch não tủy bên trong não thất làm tăng áp lực nội sọ

Dịch não tủy là chất lỏng cực kỳ quan trọng trong suốt, bao quanh não và tủy sống. Chất dịch này có 3 nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ hệ thần kinh trung ương khỏi các sang chấn cơ học mạnh, đột ngột, cung cấp các chất nuôi dưỡng não, đào thải các chất dư thừa và di chuyển tự do giữa hộp sọ và cột sống nhằm điều chỉnh áp suất bên trong não.

Bệnh có thể xảy ra ở ở bất kỳ độ tuổi nào, do bẩm sinh hoặc mắc phải. Trong đó, trẻ sơ sinh và người lớn tuổi (> 60 tuổi) có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Theo thống kê, trung bình khoảng 500 trẻ sẽ có 1 trẻ bị não úng thủy. Điều trị não úng thủy là điều bắt buộc nhằm loại bỏ nguyên nhân gây bệnh và phục hồi chức năng não sau phẫu thuật.

Phân loại

Bệnh não úng thủy được chia làm 4 dạng chính gồm:

Não úng thủy được chia làm nhiều thể khác nhau dựa vào tính chất, mức độ của bệnh

  • Não úng thủy tắc nghẽn: Xảy ra khi có tắc nghẽn dọc theo một hoặc nhiều đoạn nối tâm thất. Hậu quả khiến dòng chảy dịch não tủy không di chuyển tự do trong các khoang tâm thất.
  • Tràn dịch não: Phát triển khi dịch não tủy không được hấp thu vào máu dù đã di chuyển ra khỏi tâm thất. Tình trạng này thường là kết quả của sự dày lên bất thường màng đáy não (màng nhện) và gây cản trở dòng chảy tự do của dịch não tủy.
  • Não úng thủy áp suất bình thường (Normal Pressure Hydrocephalus - NPH): Đây là tình trạng tích tụ chất lỏng quá mức bên trong hoặc xung quanh não  nhưng áp suất trong não không thay đổi. Bệnh gây cản trở, gián đoạn một số chức năng liên quan đến não bộ. Chẳng hạn như trí nhớ, suy nghĩ, tập trung, phối hợp chuyển động... Các triệu chứng này tương tự như những biểu hiện của chứng sa sút trí tuệ, xảy ra ở người lớn tuổi (> 65 tuổi).
  • Não úng thủy Ex-vacuo (não úng thủy chân không): Thể não úng thủy này là kết quả của đột quỵ hoặc các chấn thương đầu nghiêm trọng. Các mô não xung quanh tâm thất bị tổn thương, co lại khiến cho dịch não tủy tích tụ quá mức trong tâm thất, lấp đầy các khoang rỗng. Trong hầu hết các trường hợp này, áp lực trong não vẫn ở mức bình thường.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều nguyên nhân gây não úng thủy, bao gồm:

Não úng thủy bẩm sinh là một trong những nguyên nhân phổ biến ở trẻ sơ sinh vừa chào đời

  • Não úng thủy bẩm sinh: Trẻ mắc não úng thủy bẩm sinh thường là hậu quả của sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và điều kiện phát triển của bào thai. Cụ thể một số nguyên nhân gây não úng thủy bẩm sinh như:
    • Tai biến sinh non gây xuất huyết trong tâm thất
    • Nứt đốt sống và các dị tật về não bộ, tủy sống;
    • Dị tật thu hẹp đường dẫn giữa tâm thất thứ 3 và thứ 4 của não;
    • Dị tật ống thần kinh;
    • Hội chứng Dandy-Walker;
    • Dị dạng Chiari;
    • Mẹ bầu nhiễm bệnh rubella khi mang thai gây viêm mô não thai nhi;
  • Não úng thủy mắc phải: Bất kỳ đứa trẻ sau sinh hoặc bất kỳ đối tượng nào ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh não úng thủy khi gặp các nguyên nhân sau:
    • Đột quỵ;
    • Chấn thương vùng đầu;
    • Có khối u trong não hoặc tủy sống;
    • Mắc các bệnh nhiễm trùng não, tủy sống (chẳng hạn như viêm não Nhật Bản hoặc viêm màng não);
    • Một số bệnh lý khác như chứng phình động mạch não, xuất huyết nội sọ...;
    • Thoái hóa não do bệnh Alzheimer, chứng mất trí nhớ thể Lewy và các bệnh lý tương tự;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy theo nguyên nhân & độ tuổi, mức độ & tiến triển bệnh. các triệu chứng não úng thủy được biểu hiện khác nhau. Cụ thể bao gồm:

Ở trẻ em bị não úng thủy thường có các biểu hiện về thay đổi kích thước vùng đầu, chậm phát triển, suy giảm thị lực, co giật...

Triệu chứng não úng thủy ở trẻ sơ sinh và trẻ lớn

# Đối với trẻ sơ sinh

  • Đầu to bất thường
  • Thóp đầu phồng mềm;
  • Mắt luôn nhìn hướng xuống dưới
  • Bú khó;
  • Nôn mửa;
  • Buồn ngủ;
  • Quấy khóc;
  • Co giật;

# Đối với trẻ lớn hơn

  • Đau đầu;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Chậm phát triển thể chất và trí tuệ;
  • Suy giảm thị lực, tầm nhìn;

Triệu chứng não úng thủy ở người lớn

# Đối với người trưởng thành

  • Đau đầu, đau nhiều hơn khi nằm, đại tiện hoặc ho;
  • Suy giảm thị lực, nhìn đôi;
  • Buồn nôn, nôn ói không rõ nguyên nhân;
  • Buồn ngủ;
  • Mệt mỏi;
  • Giữ thăng bằng kém và mất khả năng phối hợp cử động;
  • Mất trí nhớ ngắn hạn;
  • Thay đổi tính cách, hành vi;

# Đối với người lớn tuổi

  • Mất trí nhớ nhẹ;
  • Dễ quên;
  • Rối loạn dáng đi;
  • Mất kiểm soát tự chủ bàng quang;

Chẩn đoán

Chẩn đoán não úng thủy phải thông qua đánh giá các triệu chứng điển hình và kết hợp xét thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng. Bao gồm:

Kiểm tra lâm sàng và các xét nghiệm hình ảnh cận lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác tình trạng não úng thủy

  • Kiểm tra thể chất & thần kinh: Được thực hiện thông qua các bài kiểm tra về giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác...), khả năng vận động, phối hợp vận động, sức mạnh cơ bắp tay, chân, thể trạng sức khỏe, tư duy, suy nghĩ, tính cách... Nhằm tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy sự bất thường của não bộ và tủy sống.
  • Kiểm tra hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh áp dụng phổ biến trong chẩn đoán não úng thủy như:
    • Chụp cộng hưởng từ MRI: Cho phép quan sát chi tiết cấu trúc bên trong hộp sọ và phát hiện vùng tích tụ chất dịch lỏng;
    • Chụp phóng xạ não (Cisternogram Scan): Giúp đánh giá cách dịch não tủy chảy quanh não và tủy sống. Nhờ các chất phóng xạ này giúp hình ảnh các bộ phận, chức năng não được thể hiện rõ nét, nhờ đó đưa ra chẩn đoán về não úng thủy;
    • Chụp cắt lớp vi tính CT Scan: Giúp loại trừ các vấn đề bệnh lý tương tự không phải não úng thủy;
  • Chọc dò tủy sống: Là phương pháp chọc dò lấy mẫu dịch từ thắt lưng để mang đi xét nghiệm. Kết quả chọc dò cho biết các kết quả như nhiễm trùng, nồng độ protein, glucose, bạch cầu... Nhờ đó, giúp loại trừ các vấn đề sức khỏe khác hoặc kiểm tra biến chứng viêm màng não do não úng thủy.
  • Một số chẩn đoán khác:
    • Đo ICP nhằm kiểm tra và theo dõi áp suất nội sọ. Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng thiết bị theo dõi áp suất nhỏ, cấy vào bên trong não;
    • Khám đáy mắt nhằm kiểm tra chức năng dây thần kinh thị giác ở phía sau mắt của bạn;

Biến chứng và tiên lượng

Não úng thủy là một dạng dị tật về não gây nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng của bệnh nhân nếu không điều trị kịp thời. Cụ thể, nếu không phẫu thuật giải phóng áp lực trong não, tiến triển não úng thủy ngày càng nặng và gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến chức năng hệ thần kinh trung ương.

Hậu quả là những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như:

  • Viêm não - viêm màng não mủ;
  • Mù lòa, điếc vĩnh viễn;
  • Liệt hoàn toàn;
  • Động kinh;
  • Trẻ chậm phát triển thể chất và trí tuệ;

Não úng thủy không được điều trị sớm và đúng cách có thể gây nhiều biến chứng thần kinh nguy hiểm

Ngoài ra, biến chứng não úng thủy còn xuất phát từ sự cố hoặc thất bại trong phẫu thuật đặt Shunt, ETV... Thường là gây nhiễm trùng, tổn thương mạch máu hoặc không sử dụng ống Shunt không phù hợp. Tùy từng trường hợp sẽ được chỉ định điều trị hoặc phẫu thuật bổ sung.

Tiên lượng cho bệnh nhân não úng thủy còn phụ thuộc vào nguyên nhân, yếu tố gây bệnh, mức độ nghiêm trọng, thời gian phát hiện và điều trị bệnh. Có những người cải thiện bệnh tích cực sau khi phẫu thuật, phục hồi kỹ năng nhận thức, tư duy, trí nhớ, vận động, kiểm soát bàng quang...

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp không có dấu hiệu cải thiện bệnh trong nhiều tuần, nhiều tháng dù được điều trị tích cực. Do đó, không thể nói chúng xác tiên lượng điều trị não úng thủy. Điều quan trọng nhất là thăm khám sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh.

Điều trị

Phẫu thuật

Hiện nay, cách điều trị não úng thủy có hiệu quả duy nhất chính là phẫu thuật não. Mục tiêu của cách điều trị này là loại bỏ nguyên nhân (phẫu thuật trực tiếp) hoặc dịch chuyển dịch não tủy đến vị trí khác trong cơ thể (phẫu thuật gián tiếp).

Phẫu thuật đặt ống Shunt giúp dẫn lưu dịch não tủy sang một vị trí khác ngoài não đem lại hiệu quả cao trong điều trị não úng thủy

Đối với bệnh nhân não úng thủy, có 2 phương pháp phẫu thuật được áp dụng phổ biến nhất là:

  • Đặt Shunt: Shunt là ống thông được đưa vào bên trong não, tiếp cận gần vùng chứa dịch não tủy. Ống này có nhiệm vụ dẫn dịch não tủy dư thừa đến một vị trí khác trong cơ thể. Chủ yếu là các khu vực xung quanh ổ bụng (thường là khoang phúc mạc, vì đây là những nơi dịch não tủy được hấp thu.
  • Phẫu thuật nội soi thông não thất (Endoscopic third ventriculostomy - ETV): Đây là phẫu thuật nội soi, được thực hiện bằng cách tạo ra một lỗ nhỏ trên sàn tâm thất thứ ba. Con đường này giúp dẫn dịch não tủy di chuyển tự do xung quanh não như cơ chế hoạt động bình thường. Phẫu thuật này thường được chỉ định cho bệnh nhân não úng thủy từ 2 tuổi trở lên.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Những trường hợp não úng thủy do khối u não hoặc tổn thương vùng đầu sẽ được ưu tiên phẫu thuật loại bỏ tổn thương. Khi nguyên nhân gây tắc nghẽn không còn, dòng chảy dịch não tủy sẽ hoạt động lại bình thường, không còn tích tụ CSF nữa.

Phục hồi sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao nhằm đánh giá chức năng thần kinh. Trường hợp nếu có bất thường phải áp dụng ngay phác đồ trị liệu cải thiện chức năng thần kinh. Tuy nhiên, mức độ phục hồi có thể không hoàn toàn do bị giới hạn bởi sự tổn thương trước đó do não úng thủy gây ra.

Trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật, nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào dưới đây, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời:

  • Sốt nhẹ;
  • Khó chịu, mệt mỏi;
  • Da sưng đỏ tại vết thương hoặc dọc theo chiều dài ống Shunt;
  • Đau bụng;
  • Buồn nôn, nôn mửa;
  • Đau đầu, đau vai, cổ;
  • Tái phát các triệu chứng thần kinh;
  • Co giật;

Phòng ngừa

Bệnh não úng thủy không thể phòng ngừa triệt để, tuy nhiên bạn có thể dự phòng các nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:

Phụ nữ mang thai có thai kỳ ổn định giúp con chào đời khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh não úng thủy

  • Chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh, giảm nguy cơ sinh non khiến trẻ chào đời mắc chứng não úng thủy.
  • Khám thai định kỳ, sàng lọc sớm các dị tật bất thường ở thai nhi, trong đó có não úng thủy.
  • Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa nhiễm trùng và các bệnh tật liên quan đến bệnh não úng thủy.
  • Bảo vệ vùng đầu khỏi các sang chấn mạnh như tai nạn giao thông, tai nạn lao động... bằng cách đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp, thắt dây an toàn khi lái xe ô tô, nón bảo hộ lao động.
  • Đối với trẻ nhỏ, cần phòng ngừa các tổn thương ngoài ý muốn bằng cách chọn xe đẩy an toàn, cho trẻ ngồi ghế sau ô tô để giảm nguy cơ chấn thương đầu gây não úng thủy.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi/ con tôi bị não úng thủy?

2. Bệnh não úng thủy có nguy hiểm không? Có gây tử vong không?

3. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn đối với tình trạng bệnh của tôi?

4. Cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán não úng thủy?

5. Phương pháp điều trị não úng thủy tốt nhất hiện nay là gì?

6. Phương pháp phẫu thuật nào phù hợp với tình trạng bệnh của tôi/ con tôi?

7. Tiên lượng hồi phục sau phẫu thuật như thế nào?

8. Mất bao lâu để hồi phục chức năng thần kinh sau phẫu thuật?

9. Chi phí phẫu thuật não úng thủy tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

10. Sau điều trị não úng thủy, bệnh có tái phát trở lại không?

Não úng thủy là bệnh lý nguy hiểm, gây tổn thương hệ thần kinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, trí tuệ. Dù bệnh nhân là trẻ sơ sinh hay người lớn, dù bẩm sinh hay mắc phải cũng đều phải tích cực thăm khám, chẩn đoán và điều trị dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tiên lượng sống sót và khỏe mạnh thường cao nếu được điều trị sớm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chia sẻ:
Bệnh Ung thư não
Ung thư não là căn bệnh về não cực kỳ nguy hiểm, đặc trưng bởi sự phát triển của các tế bào bất thường trong mô não, tích tụ thành…
Chấn Thương Sọ Não
Chấn thương sọ não là tình trạng sức khỏe nguy…
Hội chứng não gan
Hội chứng não gan là tình trạng tổn thương gan…
Bệnh Thoát Vị Não
Thoát vị não là một trong những vấn đề sức…
Bệnh sa sút trí tuệ (Dementia)

Sa sút trí tuệ thường xảy ra ở người lớn tuổi nhưng không liên quan đến yếu tố tuổi tác,…

Bệnh Bại Não

Bại não là tập hợp một nhóm các rối loạn ở hệ thần kinh, gây tổn thương não và ảnh…

Mất ngủ Bệnh Mất Ngủ

Mất ngủ ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Bệnh đặc trưng với tình trạng khó ngủ, ngủ…

Bệnh Thần kinh đái tháo đường

Thần kinh đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của bệnh tiểu đường và có thể gây ảnh…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua