Bệnh Xuất huyết não
Xuất huyết não là tai biến mạch máu não nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như đau đầu dữ dội, buồn nôn, ói mửa, lú lẫn, tê liệt tứ chi hoặc mặt... Nếu không được phát hiện và điều trị cấp cứu kịp thời, bệnh bị xuất huyết não có thể bị tổn thương não vĩnh viễn, khởi phát đột quỵ và tử vong.
Tổng quan
Xuất huyết não (Brain Hemorrhage) hay chảy máu não là tình trạng máu chảy trong các nhu mô não hoặc xung quanh não. Đây là tình trạng y tế nguy hiểm thường xảy ra do chấn thương, thay đổi áp suất trong não, khiếm khuyết về mạch máu... Hậu quả khi phù não, tăng áp lực lên các mô não và giảm lưu lượng máu đến các tế bào não.
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ, chiếm khoảng 13%. Nguyên nhân là do chảy máu não gây hạn chế lượng oxy lên não, gây đau đầu, buồn nôn, nôn ói, ngứa ran tứ chi kèm theo liệt mặt. Bao gồm khó đi lại, dễ té ngã, khó nói... Tình huống nghiêm trọng nhất là đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong.
Phân loại
Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của mạch máu, tình trạng xuất huyết não được phân chia làm 5 dạng chính gồm:
- Xuất huyết ngoài não: Não có cấu trúc gồm 3 lớp màng là mater dura, pia mater và arachnoid, chúng nằm giữa hộp xương sọ và mô não. Nhiệm vụ của chúng là che phủ và bảo vệ não. Xuất huyết có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào ở 3 màng này. Bao gồm:
- Chảy máu ngoài màng cứng: Xảy ra khi hiện tượng chảy máu khởi phát giữa xương sọ và lớp màng ngoài cùng.
- Chảy máu dưới màng cứng: Xảy ra giữa màng cứng và màng nhện.
- Chảy máu dưới màng nhện: Hiện tượng chảy máu này xảy ra giữa màng mềm và màng nhện.
- Xuất huyết bên trong não: Là hiện tượng chảy máu xảy ra bên trong các mô não. Bao gồm:
- Xuất huyết nội sọ: Xảy ra ở thùy não, cầu não và tiểu não.
- Xuất huyết não thất: Xảy ra trong não thất, đây là những khoang não nơi sản xuất dịch não tủy.
Xem thêm: Tai Biến Mạch Máu Não Ở Người Trẻ Chớ Nên Xem Thường
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Xuất huyết não là hiện tượng xảy ra đột ngột, được khởi phát do một số nguyên nhân sau:
- Chấn thương đầu: Hầu hết các trường hợp bị xuất huyết não ở bệnh nhân < 50 tuổi là do chấn thương đầu.
- Cao huyết áp: Những người bị huyết áp cao kéo dài, không được điều trị kịp thời có thể làm suy yếu thành mạch máu, gây khởi phát xuất huyết não.
- Khối u não: Bao gồm cả khối u ung thư và không phải ung thư đều hình thành bên trong hộp sọ đều tạo áp lực lớn lên các mạch máu. Chúng càng phát triển lớn các mạch máu càng dễ bị tổn thương, yếu dần đi và vỡ ra.
- Chứng vỡ khối phình động mạch: Phình động mạch là tình trạng sưng phình một động mạch tại vị trí bất kỳ trong cơ thể. Dưới các yếu tố tác động như huyết áp cao, căng thẳng hoặc nâng vật nặng có thể tạo áp lực lớn trong não, kích hoạt bùng phát xuất huyết não.
- Dị dạng động - tĩnh mạch: Đây là những khiếm khuyết bẩm sinh hoặc tổn thương về các điểm kết nối giữa động mạch và tĩnh mạch. Khiến chúng suy yếu, không đảm bảo chức năng, rò rỉ máu hoặc vỡ ra.
- Mắc các bệnh về máu hoặc rối loạn chảy máu: Những người mắc bệnh liên quan đến máu hoặc chảy máu có nguy cơ cao bị xuất huyết não. Chẳng hạn như bệnh ưa chảy máu hoặc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm. Ngoài ra, bệnh nhân sử dụng thuốc làm loãng máu cũng có nguy cơ xuất huyết não cao hơn những người khác.
- Bệnh gan: Theo thống kê, những người mắc bệnh thường có nguy cơ gặp các vấn đề về chảy máu cao hơn so với những người khỏe mạnh, không mắc bệnh gan.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài các nguyên nhân trên, còn rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát xuất huyết não, bao gồm:
- Người lớn tuổi (> 75 tuổi);
- Tăng huyết áp đột ngột, không kiểm soát;
- Mắc chứng rối loạn chảy máu;
- Nghiện sử dụng các chất kích thích độc hại như ma túy, cocaine, methamphetamine;
- Sử dụng thuốc chống đông máu;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như lupus ban đỏ lan tỏa, bệnh Wegener, bệnh viêm nút nhiều động mạch, tiền sản giật, nhiễm trùng hoặc nghiên rượu gây phình động mạch não;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng xuất huyết não thường xuất hiện đột ngột và dữ dội. Tam chứng điển hình của tình trạng này là nôn ói, đau đầu và rối loạn ý thức. Đây là những triệu chứng xuất hiện sớm ngay từ những giờ đầu tiên khởi phát xuất huyết não, theo thời gian chúng ngày càng tiến triển nhanh và nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân bị xuất huyết não còn có các triệu chứng sau:
- Có cảm giác ngứa ran, tê yếu, liệt mặt, tứ chi hoặc liệt một bên cơ thể;
- Lú lẫn;
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Co giật;
- Khó nuốt;
- Suy giảm thị lực;
- Mất khả năng giữ thăng bằng và phối hợp hoạt động;
- Cứng cổ;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Khó nói, nói lắp, khó đọc và biểu đạt lời nói rõ ràng;
- Mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ và rơi vào hôn mê;
- Khó thở, rối loạn nhịp tim;
Chẩn đoán
Nếu gặp các triệu chứng sau đây, bệnh nhân cần phải nhanh chóng nhập viện để kiểm tra, chẩn đoán và chỉ định biện pháp điều trị hiệu quả. Sau bước thăm khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng, kiểm tra thể chất hoặc chỉ định thực hiện các biện pháp cấp cứu duy trì sự sống cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ yêu cầu áp dụng một số xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán xác nhận xuất huyết não.
Các xét nghiệm hình ảnh là phương pháp chẩn đoán chính đối với hầu hết các trường hợp bị xuất huyết não. Các kỹ thuật này giúp xác định vị trí và kích thước của khối tụ máu, cục máu đông hoặc các vật cản gây tắc nghẽn bên trong mạch máu.
Bao gồm:
- Chụp CT & MRI: Chụp cắt lớp vi tính CT và chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp mạch cộng hưởng từ MRA não là những kỹ thuật phổ biến được dùng để chẩn đoán xuất huyết não. Giúp xác định vị trí, mức độ tổn thương và có thể tìm ra nguyên nhân gây chảy máu.
- Đo điện não đồ (EEG): Đây là hoạt động đo điện não nhằm theo dõi các tần suất và mức độ của các cơn co giật. Đồng thời, đánh giá những thay đổi bất lợi trong não sau khi bị xuất huyết não. Phù hợp áp dụng cho những người bị rơi vào bất tỉnh, hôn mê sâu.
- Chọc dò thắt lưng: Hay còn gọi là chọc dò tủy sống, được thực hiện bằng cách chọc hút dịch não tủy từ một khoảng trống trong cột sống. Mẫu dịch này được mang đi xét nghiệm, phân tích giúp đo áp lực nội sọ, đánh giá tình trạng viêm nhiễm, phát hiện các tế máu nhiễm trùng hoặc có sự hiện diện của tế bào ung thư trong dịch lỏng.
- Một số xét nghiệm khác: Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như:
- Chụp X quang ngực;
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Xét nghiệm mạch máu;
- Xét nghiệm máu;
Biến chứng và tiên lượng
Xuất huyết não là tình trạng sức khỏe cực kỳ nguy hiểm và cần phải được điều trị cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân khởi phát xuất huyết não thường đột ngột hoặc tiến triển chậm trong vài ngày đến vài tuần trước khi bùng phát triệu chứng.
Khi hiện tượng này xảy ra, các mạch bị rò rỉ hoặc vỡ, khiến oxy không thể đến được các mô não và tích tụ lại, tạo áp lực lên não. Hiện tượng xuất huyết gây gián đoạn lưu lượng máu bên trong hoặc xung quanh não, khiến não mất oxy hơn 3 - 4 phút, các tế bào não dần chết đi và gây tổn thương toàn bộ hệ thần kinh.
Bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê sâu, rối loạn nhịp tim, nhịp thở và tử vong trong vòng 48 tiếng. Trường hợp vượt qua cơn nguy kịch cũng có thể để lại những di chứng nghiêm trọng, liệt toàn thân hoặc nửa người, sống đời thực vật, tăng nguy cơ suy kiệt sức khỏe, bội nhiễm. Tỷ lệ tử vong xuất huyết não trong vòng 30 ngày khoảng 50%.
Xuất huyết não là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra đột quỵ, chỉ sau các cục máu đông. Sau đột quỵ, bệnh nhân có thể bị liệt vĩnh viễn một bên cơ thể, khó nói chuyện, mất khả năng nhận thức và tái phát động kinh liên tục. Biến chứng nghiêm trọng nhất là tử vong, xảy ra khi các tế bào não chết đi hoàn toàn không thể phục hồi.
Tuy nhiên, bệnh nhân xuất huyết não nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể phục hồi tích cực, giảm thiểu tối đa các di chứng lâu dài. Rất nhiều trường hợp từng bị xuất huyết não kiên trì thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng như vật lý trị liệu, trị liệu ngôn ngữ & nghề nghiệp... Kết hợp tái khám thường xuyên để kiểm tra sức khỏe.
Điều trị
Mục tiêu điều trị xuất huyết não nhằm kiểm soát tình trạng chảy máu, ức chế sự phát triển của khối máu tụ ngày càng lan rộng và giảm thiểu tối đa biến chứng.
Điều trị cấp cứu
Bệnh nhân xuất huyết não rơi vào trạng thái lú lẫn, đau đầu sấm sét hoặc hôn mê bất tỉnh cần phải nhập viện càng nhanh càng tốt để áp dụng các biện pháp điều trị cấp cứu phù hợp. Cụ thể gồm các phương pháp tổng quát như sau:
- Phương pháp ABCs: Đây là biện pháp duy trì hoạt động hệ tuần hoàn cho bệnh nhân. Bao gồm các bước làm sạch đường thở, duy trì hơi thở và phục hồi tuần hoàn, đảm bảo bệnh nhân được thông khí đầy đủ, ổn định. Trường hợp bệnh nhân thiếu oxy cần phải cho thở oxy để cải thiện hô hấp.
- Đặt nội khí quản: Được chỉ định cho bệnh nhân xuất huyết não bị thiếu oxy, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp, rơi vào hôn mê, có nguy cơ cao bị hít sặc...
- Truyền dịch: Bệnh nhân được truyền dịch tích cực nhằm tăng cường thể lực. Các loại dịch được dùng phổ biến là muối đẳng trương hoặc dung dịch Ringer lactate, không nên dùng glucose, liều dùng khuyến cáo từ 1.5 - 2 lít/ngày.
- Hạ sốt: Chỉ định dùng Paracetamol kết hợp lau mát cơ thể liên tục. Trường hợp sốt do nhiễm trùng được kê toa dùng thuốc kháng sinh với liều phù hợp.
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và đường huyết: Việc kiểm soát tích cực chỉ số huyết áp và giữ mức đường huyết trong mức ổn định trong giai đoạn sớm là rất cần thiết. Trong đó, ổn định mức huyết áp < 150mmHg trong vòng 12 - 24 giờ đầu sau chảy máu não bằng thuốc hạ huyết áp dạng dung dịch truyền tĩnh mạch. Đối với chỉ số đường huyết giữ mức < 150mg/dL bằng insulin dạng tiêm dưới da hoặc truyền trực tiếp dưới tĩnh mạch.
- Dinh dưỡng: Truyền dinh dưỡng và chất lỏng thông qua truyền tĩnh mạch hoặc đặt ống dẫn thức ăn trong dạ dày nếu bệnh nhân hôn mê hoặc khó nuốt.
Đa số các trường hợp xuất huyết não mức độ nhẹ có thể được kiểm soát tốt thông qua các biện pháp điều trị tích cực này.
Can thiệp phẫu thuật
Những trường hợp bị xuất huyết não gây ra đột quỵ hoặc trong những tình huống khản cấp, sau khi điều trị cấp cứu giúp hạn chế tổn thương não, bệnh nhân cũng được bác sĩ đề nghị phẫu thuật nhằm giải phóng lượng máu tích tụ trong não, giảm bớt áp lực nội sọ.
Bệnh nhân trước khi phẫu thuật sẽ phải tiêm steroid tĩnh mạch nhằm giảm sưng não. Tùy theo mỗi dạng chảy máu, bác sĩ sẽ thực hiện quy trình phẫu thuật phù hợp, bao gồm:
- Khối tụ máu: Trường hợp khối tụ máu kích thước lớn nằm ngoài màng cứng hoặc dưới màng cứng sẽ được chỉ định phẫu thuật dẫn lưu nhằm giảm áp lực cho não, giảm thiểu tổn thương.
- Khối u não: Bắt buộc phải phẫu thuật loại bỏ khối u não để giảm thiểu tổn thương xảy ra trong não. Trường hợp khối u nằm ở vị trí nhạy cảm, không thể phẫu thuật có thể sử dụng bức xạ để thu hẹp khối u.
- Phù não: Phương pháp phẫu thuật được áp dụng đối với tình trạng phù não gây xuất huyết não là phẫu thuật cắt nửa sọ giải áp. Nhằm mục đích loại bỏ tạm thời một phần hộp sọ, giảm bớt áp lực tổn thương lên não.
- Phình động mạch não: Chứng phình động mạch não thường được chỉ định điều trị bằng kỹ thuật cắt bỏ khối phình, sau đó đặt kẹp kim loại vàos bên dưới cổ đoạn phình động mạch để ngăn không cho máu chảy vào.
Dùng thuốc
Bên cạnh can thiệp phẫu thuật cần thiết, bệnh nhân xuất huyết não cũng được kê toa thuốc phù hợp dùng trước hoặc sau khi phẫu thuật nhằm cải thiện triệu chứng và giảm thiểu tổn thương biến chứng. Bao gồm:
- Thuốc kiểm soát huyết áp;
- Thuốc chống lo âu;
- Thuốc chống co giật;
- Thuốc tiêm steroid tĩnh mạch giảm viêm, chống phù nề;
- Thuốc giảm đau đầu;
- Thuốc làm mềm phân, chống táo bón;
Trị liệu phục hồi chức năng
Sau hàng loạt các biện pháp điều trị y tế tích cực cải thiện triệu chứng, kiểm soát tiến triển bệnh và bảo toàn tính mạng. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phục hồi chức năng sau xuất huyết não nhằm lấy lại các chức năng quan trọng phục vụ sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày và ngăn ngừa xuất huyết não trong tương lai.
Phương pháp và thời gian thực hiện trị liệu phục hồi chức năng phụ thuộc vào vào mức độ nghiêm trọng khi xuất huyết não và tiên lượng hồi phục. Cụ thể gợi ý một số biện pháp phục hồi chức năng dài hạn nên được áp dụng bao gồm:
- Vật lý trị liệu giúp lấy lại sức lực và khả năng đi lại;
- Trị liệu ngôn ngữ hoặc các cách thức giao tiếp khác;
- Trị liệu nghề nghiệp;
- Trị liệu hành vi - nhận thức;
- ...
Trường hợp xuất huyết não càng nghiêm trọng, thời gian phục trị liệu phục hồi chức năng càng lâu, có thể mất hơn 1 năm hoặc hơn, nhiều người chỉ có thể phục hồi được 30 - 50% do tổn thương trước đó quá nghiêm trọng.
Chăm sóc tích cực
Ngoài các biện pháp điều trị y tế do bác sĩ chuyên môn chỉ định, chăm sóc kỹ lưỡng, đúng cách cũng là một trong những cách hiệu quả giúp bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe. Theo thống kê, có khoảng 20% bệnh nhân xuất huyết não, nhất là sau cơn đột quỵ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người thân trong các sinh hoạt cơ bản hàng ngày.
Người thân cũng cần hỗ trợ người bệnh thực hiện các biện pháp phục hồi khả năng đi lại, sử dụng chân, tay để giảm nguy cơ cứng khớp. Thường xuyên trao đổi, trò chuyện và chia sẻ với người bệnh để tạo chỗ dựa tinh thần để họ sớm vượt qua bệnh tật.
Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về dùng thuốc, uống đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ. Vệ sinh thân thể cho bệnh nhân, thường xuyên ra ngoài để tắm nắng. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm mềm, lỏng, ít gia vị, muối, đường và dễ tiêu hóa. Hạn chế sử dụng các nhóm thực phẩm nhiều dầu mỡ, không dùng rượu bia..
Phòng ngừa
Đa số các trường hợp khởi phát xuất huyết não đều liên quan đến những rủi ro trong đời sống hàng ngày. Do đó, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa được tình trạng sức khỏe nguy hiểm này bằng các biện pháp sau:
- Chủ động bảo vệ bản thân, đặc biệt là vùng đầu trước những nguy cơ khó lường gây chấn thương dẫn đến xuất huyết não. Chẳng hạn như thắt dây an toàn khi lái xe ô tô, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp... hoặc chơi những môn thể thao mạo hiểm như đua xe, đạp xe, trượt tuyết...
- Kiểm soát huyết áp và đường huyết trong máu luôn trong ở mức ổn định thông qua lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục và sử dụng thuốc (nếu cần thiết).
- Duy trì cân nặng phù hợp, tránh tăng cân đột ngột, đến mức thừa cân béo phì để giảm nguy cơ khởi phát tiểu đường, huyết áp và tăng nguy cơ gây xuất huyết não.
- Nói không với thuốc lá và nhiều chất kích thích khác có hại cho sức khỏe.
- Hết sức thận trọng trước khi sử dụng các loại thuốc làm loãng máu, trao đổi với bác sĩ để có cách điều trị thay thế phù hợp hơn.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn ói, lú lẫn, chóng mặt, mất ý thức... là những dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân vì sao tôi bị xuất huyết não?
3. Tôi thường xuyên lên cơn động kinh và tái phát đột quỵ có liên quan đến xuất huyết não không?
4. Xuất huyết não có gây tử vong không?
5. Tôi bị xuất huyết não có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?
6. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với trường hợp xuất huyết não của tôi?
7. Áp dụng phác đồ điều trị xuất huyết não trong bao lâu thì khỏi?
8. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị xuất huyết não?
9. Sau điều trị xuất huyết não tôi có cần thực hiện trị liệu phục hồi chức năng không?
10. Chi phí điều trị xuất huyết não bao nhiêu? Thẻ BHYT có hỗ trợ chi trả không?
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân xuất huyết não khá cao do liên quan đến các yếu tố rủi ro như chấn thương, cao huyết áp... Tình trạng này được cảnh báo nguy hiểm, gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, thể chất, tinh thần, nhiều chức năng quan trọng khác và tăng nguy cơ tử vong. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định thăm khám và điều trị y tế phù hợp, chăm sóc và trị liệu phục hồi tích cực để ngăn ngừa các biến chứng khó lường.
Có thể bạn quan tâm:
- Dấu Hiệu Đột Quỵ Khi Ngủ: Nguy Hiểm Cần Biết Chớ Bỏ Qua
- Cách Xử Lý Khi Người Thân Bị Đột Quỵ Chuẩn Từ Bộ Y Tế
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!