Đột Quỵ: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Các Cách Phòng Chống
Đột quỵ là một trong những bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, hay xảy ra đột ngột, thường gây ra nhiều di chứng cho người bệnh, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời, đúng cách. Trước đây, bệnh lý này thường chỉ xảy ra ở người cao tuổi, người có bệnh lý nền, tuy nhiên theo thống kê tại các bệnh viện tiếp nhận, tỷ lệ người trẻ chiếm 20 – 25% các ca đột quỵ.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là tình trạng tổn thương não bộ nghiêm trọng do quá trình cấp máu cho não bị suy giảm đáng kể hoặc bị gián đoạn hay có một mạch máu trong não bị vỡ, khiến não thiếu oxy đột ngột, không đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng các tế bào.
Trong vòng vài phút thiếu máu não, các tế bào não bắt đầu chết dần, người bệnh cần được sơ cứu và điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm và nguy cơ tử vong, đe dọa tính mạng.
Thời gian thiếu máu não kéo dài càng lâu thì số lượng tế bào não ngưng hoạt động, chết đi sẽ càng nhiều. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tư duy và vận động của cơ thể, dù được cấp cứu thì nguy cơ để lại di chứng là rất cao, rất khó để phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều xuất hiện những di chứng nghiêm trọng, sức khỏe suy yếu đáng kể. Các di chứng thường gặp có thể kể đến như thị giác suy giảm, rối loạn cảm xúc, mất ngôn ngữ, cử động yếu một phần cơ thể, tê liệt…
Theo thống kê, hằng năm, trên thế giới có khoảng 15 triệu người đột quỵ, Việt Nam có khoảng 200.000 ca, trung bình mỗi 45 giây có 1 người bị đột quỵ, mỗi 3 phút có một người tử vong do căn bệnh này. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ ở Việt Nam nằm ở mức cao hơn so với thế giới, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ của nước ta hiện đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.
Phân loại các dạng đột quỵ
Đột quỵ được đánh giá là nguyên nhân gây tàn phế, tử vong hàng đầu trong tất cả các bệnh lý hiện nay. Có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào nhưng có xu hướng xuất hiện nhiều khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là khi nhiệt độ lạnh đột ngột, xuống thấp nghiêm trọng. Đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, được chia thành nhiều loại khác nhau, có thể kể đến như:
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Là loại phổ biến, hay xảy ra nhất, xuất hiện trong trường hợp huyết khối trong mạch máu làm cản trở lưu lượng máu đến não. Huyết khối có thể di chuyển từ khu vực khác của cơ thể đến mạch máu trong não, gây tắc nghẽn dẫn đến đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Cơn thiếu máu não thoáng qua: Thường được gọi là đột quỵ nhỏ, do thiếu máu não cục bộ làm chặn tạm thời lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, cơn thiếu máu não thoáng qua thường không gây tổn thương não kéo dài.
- Đột quỵ xuất huyết: Xảy ra khi vỡ mạch máu gây chảy máu vào não, máu tích tụ làm chèn ép các mô não và khiến mô não bị chết nhanh chóng dẫn đến đột quỵ.
- Đột quỵ do tắc mạch: Một dạng khác là do xuất hiện và di chuyển của cục máu đông trong cơ thể từ bộ phận khác đến não.
- Các dạng đột quỵ khác: Có thể kể đến như cơn đột quỵ mã hóa hoặc không thể xác định được nguyên nhân gây gián đoạn, ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não.
Đột quỵ có thể phân thành nhiều loại, tuy nhiên hiện nay, người ta thường nhóm các dạng này thành hai loại chính là đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ do xuất huyết. Trong đó, đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm khoảng 85% các ca bệnh, đột quỵ do xuất huyết não xảy ra do mạch máu vỡ thường ít gặp hơn.
Nguyên nhân gây ra đột quỵ
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ giới tính nào, tuy nhiên, nguy cơ mắc phải căn bệnh này của mỗi người là không giống nhau. Được biết, khả năng bị đột quỵ sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm khi chúng ta bước vào độ tuổi 55, tỷ lệ người dưới 40 tuổi mắc đột quỵ chiếm khoảng 5% và hiện có xu hướng ngày càng gia tăng ở người trẻ tuổi.
Hai nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não là do thiếu máu cục bộ hoặc xuất huyết não do mạch máu bị vỡ. Có rất nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh này, có thể kể đến như:
Các yếu tố không thể kiểm soát
Tai biến mạch máu não là căn bệnh xảy ra đột ngột, vô cùng nguy hiểm, các yếu tố sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mà chúng ta không thể thay đổi, không thể kiểm soát được là:
- Chủng tộc: Theo thống kê của CDC Mỹ, nguy cơ đột quỵ lần đầu ở người da đen cao gấp đôi so với người da trắng.
- Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có người thân từng bị đột quỵ thì nguy cơ bị đột quỵ của các thành viên khác trong gia đình sẽ cao hơn người bình thường.
- Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với người trẻ tuổi. Bước vào tuổi 55, cứ mỗi 10 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ gia tăng gấp đôi. Tuy nhiên, tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi ở Việt Nam được báo động là có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây.
- Giới tính: Theo thống kê, nam giới có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn nữ giới.
Các yếu tố có thể kiểm soát được
Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc tai biến mạch máu não mà chúng ta có thể kiểm soát được bao gồm:
- Tiền sử tai biến mạch máu não: Người có tiền sử mắc bệnh này sẽ có nguy cơ bị đột quỵ ở lần tiếp theo cao hơn, đặc biệt là trong vài tháng đầu, kéo dài khoảng 5 năm và có xu hướng giảm dần theo thời gian.
- Người có bệnh lý nền: Một số bệnh lý có thể làm gia tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não thường gặp là tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường. Trong đó, tăng huyết áp khiến thành động mạch bị ảnh hưởng, dễ tổn thương dễ bị vỡ mạch máu, ngoài ra, tăng huyết áp cũng dễ tạo sự hình thành của các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu.
- Mỡ máu, thừa cân, béo phì: Người bị mỡ máu có thể không thừa cân, do hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao nên có thể tích tụ ở thành động mạch, làm tắc nghẽn mạch máu não. Người thừa cân béo phì dễ mắc các bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, dễ bị mỡ máu… từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ…
- Lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn uống thiếu khoa học, ăn nhiều đồ chiên, rán, nướng, thiếu dưỡng chất, lười vận động, thức khuya… Đặc biệt, hút thuốc lá thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não lên gấp đôi do tim phải làm việc nhiều hơn, mạch máu dễ tổn thương, huyết áp tăng cao…
Các đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ cao
Các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc tai biến mạch não cao cần thận trọng là:
- Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc ở môi trường phải tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá
- Người bước qua độ tuổi 40, đặc biệt là độ tuổi từ 55 trở đi
- Gia đình có người từng bị đột quỵ, người từng bị đột quỵ lần đầu
- Người thường xuyên sử dụng thức ăn giàu chất béo, nhiều dầu mỡ, ăn ít rau xanh
- Người lười vận động, ít tập thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe
- Người đang mắc hoặc đang điều trị các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch
- Người bị mỡ máu, thừa cân, béo phì…
Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Đột quỵ thường gây ra các triệu chứng điển hình và triệu chứng tiềm ẩn ít được biết đến. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), cần sớm nhận biện để có các phản ứng nhanh với các triệu chứng đột quỵ. Trong xử lý và điều trị tai biến mạch máu não, thời gian là vàng, nếu người bệnh được điều trị càng sớm thì cơ hội sống sót và hồi phục càng cao, cũng ít để lại di chứng đến sức khỏe hơn.
Các triệu chứng của bệnh đột quỵ thường xuất hiện vô cùng đột ngột, thường có 6 dấu hiệu đặc trưng gồm:
- Bị tê hoặc yếu cơ, hay xảy ra ở một bên cơ thể, không thể nâng hai tay qua đầu cùng lúc
- Có dấu hiệu thay đổi, suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Bị đau nhức đầu nghiêm trọng mà không rõ nguyên nhân, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn
- Có hiện tượng khó nói, nóng ngọng, lưỡi bị tê cứng, xuất hiện cảm giác khó nuốt
- Cảm thấy chóng mặt, đau đầu, khó cử động, gặp khó khăn khi đi lại
- Rối loạn trí nhớ, cơ thể mệt mỏi, không phối hợp được các hoạt động
Các triệu chứng nhận biết đột quỵ thường không kéo dài. Do đó, khi người bệnh có một hoặc một số biểu hiện bất thường trên, nhất là không thể nâng hai tay qua đầu cùng lúc, không thể nhắc lại được câu nói đơn giản mà bạn nói ra và yêu cầu họ nhắc lại thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đi cấp cứu nhanh nhất có thể.
Trong y học hiện đại, các chuyên gia y tế và bác sĩ cho biết, có thể nhận biết nguy cơ đột quỵ theo quy tắc “FAST”, tức là:
- Face: Khuôn mặt bị mất cân đối, miệng có thể bị méo một bên, để quan sát rõ hơn, bệnh nhân sẽ được yêu cầu “cười”, thường người có nguy cơ tai biến mạch máu não nụ cười sẽ méo mó do tê cứng một nửa mặt hoặc cả khuôn mặt.
- Arm: Bệnh nhân được yêu cầu giơ cả hai tay lên, bên nào yếu hơn hoặc rơi xuống trước thì có thể bên đó bị liệt
- Speech: Bệnh nhân được yêu cầu lặp lại một câu nói đơn giản, nếu không thể nhắc lại, nói không lưu loát, giọng nói không tròn rõ thì nguy cơ bị tai biến mạch máu não là rất cao.
- Time: Như đã đề cập, trong điều trị đột quỵ, thời gian là vàng, do đó, nếu bệnh nhân nghi ngờ bị đột quỵ, cần nhanh chóng đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Phương pháp cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đột quỵ
Khi bị đột quỵ, bệnh nhân thường nói đớ, nói ngọng, rối loạn ngôn ngữ, người yếu, tay chân tê liệt, nhìn mờ, rối loạn thị lực, rối loạn tri giác, mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội, buồn nôn hoặc nôn, đôi khi vật vã, hôn mê… Nhiều người thường nhầm lẫn cho rằng người bệnh bị trúng gió mà hơ lửa, cạo gió, cho uống nước chanh.
Tuy nhiên, điều này rất không nên, điều cần làm là nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc taxi và đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện. Cách sơ cứu, điều trị tai biến mạch máu não thường là:
Các biện pháp sơ cứu ban đầu
Trong quá trình đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nên cố gắng giữ tỉnh táo cho người bệnh bằng cách liên tục đặt ra câu hỏi, nói chuyện, tránh để bệnh nhân thiếp đi cho đến khi nhân viên y tế tiếp cận được với bệnh nhân. Có thể tham khảo các biện pháp sơ cứu ban đầu như:
- Trong quá trình di chuyển, nên để bệnh nhân nghiêng đầu sang một bệnh nhằm tránh sặc, đồng thời, đầu nên cao khoảng 30 độ nhằm giảm phù não
- Làm thông thoáng đường thở và thông khí cho bệnh nhân bằng cách lấy dị vật trong miệng như răng giả, lấy chất nôn trong miệng, trong mũi bằng tay
- Nới rộng quần áo để bệnh nhân dễ thở, nếu bệnh nhân tỉnh thì nên trấn an, nhắc nhở người bệnh hít sâu, thở chậm, nếu hôn mê thì hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng, cho thở oxy với dụng cụ trên xe cấp cứu.
Các biện pháp điều trị
Trong ba giờ đầu khi cơn đột quỵ xuất hiện, nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện và được hỗ trợ kịp thời sẽ có nhiều cơ hội sống sót và hồi phục. Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, cứ mỗi 1 phút sẽ mất đi khoảng 2 triệu tế bào thần kinh, do đó, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế tốt, có khả năng xử lý trong thời gian nhanh nhất. Tuyệt đối không chích đầu ngón tay, cạo gió, xoa dầu… làm mất “thời gian vàng” điều trị.
Cách sơ cứu và điều trị sẽ phụ thuộc vào kết luận dựa trên các dấu hiệu, tùy vào tình trạng, nguyên nhân, loại đột quỵ mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ thì sẽ tập trung sử dụng thuốc để khôi phục lưu lượng máu, nếu tức nghẽn do cục máu đông thì dùng thuốc làm tan máu đông. Nếu xuất huyết não thì sẽ cố gắng kiểm soát tình trạng chảy máu não và huyết áp cao.
Đối với trường hợp nghi ngờ thiếu máu não thoáng qua, có nguy cơ đột quỵ cao:
- Dùng Aspirin (liều 300mg) ngay lập tức
- Thăm khám chuyên khoa liên tục trong 24 giờ
- Điều trị và phòng ngừa ngay sau khi xác định chẩn đoán.
Đối với bệnh nhân nghi ngờ thiếu máu não thoáng qua, có nguy cơ đột quỵ thấp:
- Dùng Aspirin (liều 300mg) ngay lập tức
- Thăm dò chuyên khoa càng sớm càng tốt
- Điều trị và phòng ngừa ngay sau khi xác định chẩn đoán.
Trường hợp chỉ định chụp não:
- Đối với người nghi ngờ thiếu máu não thoáng qua cần được thăm khám và đánh giá bởi các bác sĩ trước khi chụp hình não
- Với người có nguy cơ đột quỵ cao, không chắc chắn chẩn đoán hoặc vùng tổn thương thì cần chụp cộng hưởng từ càng sớm càng tốt
- Với người nghi ngờ có nguy cơ đột quỵ thấp nhưng không chắc chắn về chẩn đoán.
- Chụp hình não nên thực hiện ngay lập tức cho người có tiền sử dễ chảy máu, giảm ý thức, đang điều trị bằng thuốc chống đông, có chỉ định liệu pháp tiêu sợi huyết, các triệu chứng có xu hướng nặng lên…
Di chứng do bệnh đột quỵ gây ra
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ở quốc gia này, cứ khoảng 40 giây lại có một người bị đột quỵ. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật lâu dài trên toàn thế giới. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và việc có sơ cứu điều trị kịp thời hay không, mà các di chứng do bệnh gây ra ở mỗi người, mỗi thời điểm là không giống nhau.
Được biết, tại Hoa Kỳ, khoảng 10% người bị tai biến mạch máu não hồi phục gần như hoàn toàn, 25% hồi phục với khiếm khuyết nhỏ và có đến 40% người bệnh trải qua các di chứng từ trung bình đến nặng, cần được chăm sóc đặc biệt. Ở Việt Nam, có khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm, có hơn 50% các trường hợp bị đột quỵ tử vong và 10% sống sót có thể hồi phục hoàn toàn.
Căn bệnh này có thể gây ra những di chứng thường gặp ở người sống sót sau đột quỵ có thể kể đến như:
- Đau tim, hay xảy ra với trường hợp tai biến mạch máu não có liên quan đến xơ vữa động mạch
- Phù nề não sau đột quỵ
- Giảm nhận thức, suy giảm trí nhớ thậm chí mất trí nhớ
- Rối loạn thị giác, giảm hoặc mất thị lực ở 1 hoặc cả 2 mắt
- Nghẽn mạch máu làm hạn chế hoặc mất khả năng vận động
- Động kinh, dễ bị các cơn co giật
- Co cứng chi làm mất khả năng vận động, yếu hoặc liệt một tay
- Gặp khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn, dễ khiến đồ ăn, thức uống đi vào phổi gây viêm phổi
- Mất khả năng vận động, phải nằm, ngồi yên một chỗ trong thời gian dài gây viêm loét hay còn gọi là loét tỳ đè
- Có khoảng 30% người bệnh đột quỵ bị trầm cảm trong năm đầu sau khi khỏi bệnh
- Rối loạn giấc ngủ, lú lẫn, xẹp phổi, mất nước, thiếu dinh dưỡng
- Suy kiệt cơ thể, nhiễm trùng tiết niệu, co cứng cơ, mất khối cơ…
Phục hồi và hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân đột quỵ
Theo các bác sĩ chuyên khoa, người sống sót sau đột quỵ cần được chuyển đến một cơ sở hồi phục chức năng nội trú hoặc bệnh viện chăm sóc chuyên sâu để được phục hồi chức năng sau đột quỵ. Tuy nhiên, nhà sẽ là nơi tốt nhất cho tiến trình hồi phục của bệnh nhân, nên được đưa về nhà càng sớm các tốt, thời gian để hồi phục sau tai biến mạch máu não hiệu quả là trong một vài tháng đầu tiên.
Một số biện pháp giúp người bệnh hồi phục sau đột quỵ có thể kể đến như:
- Hoạt động thể chất: Nên cho người bệnh thực hiện các bài tập vận động kỹ năng, tập di chuyển với các thiết bị như gậy chống, nẹp mắt cá chân, khung tập đi, xe lăn… Có thể áp dụng điều trị vận động cưỡng bức với bệnh nhân bị hạn chế vận động. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể hỗ trợ cải thiện với công nghệ để tăng cường hoạt động thể chất.
- Các hoạt động nhận thức và cảm xúc: Tùy vào tình trạng, mức độ, di chứng mà áp dụng các biện pháp như liệu pháp điều trị rối loạn nhận thức, liệu pháp điều trị rối loạn giao tiếp, sử dụng thuốc điều trị, đánh giá và điều trị tâm lý… Ngoài ra, có thể thử nghiệm điều trị với liệu pháp thảo dược, xoa bóp, châm cứu, liệu pháp sinh học, kích thích não bộ không xâm lấn.
- Tập thể dục sau đột quỵ não: Đối với những người hồi phục tốt, cần dành 5 – 10 phút khởi động và lựa chọn các môn thể thao phù hợp như đi bộ ngoài trời, đi bộ trên máy, đi theo đường kẻ vạch có sẵn, đi cầu thang, đạp xe tại chỗ…
- Về chế độ dinh dưỡng: Nên xây dựng chế độ ăn đa dạng, giàu dưỡng chất, nhiều rau xanh, trái cây, nhiều chất xơ, thực phẩm nguyên hạt. Khẩu phần ăn cần ít nhất 50% trái cây, rau quả, 25% ngũ cốc giàu chất xơ, giảm tối đa thịt. Nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, chọn cá ngừ hoặc cà hồi, chọn thịt gia cầm, thịt nạc, hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa. Hạn chế tối đa sử dụng muối và các thực phẩm có muối, hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá…
Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ
Đột quỵ là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong khi bị đột quỵ cao hơn 50%. Là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, xếp thứ nhất trong tất cả các bệnh. Việc trang bị đầy đủ kiến thức về dấu hiệu nhận biết, cách xử lý ban đầu và biện pháp phòng ngừa sẽ giúp bản thân và gia đình bạn tránh xa nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.
Các biện pháp phòng ngừa tai biến mạch máu não được đánh giá cao có thể kể đến như:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý, đa dạng dưỡng chất không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ mà còn ngăn ngừa tốt các bệnh lý khác. Khi xây dựng khẩu phần ăn, bạn cần đảm bảo 4 nhóm dưỡng chất là đạm, vitamin và khoáng chất, tinh bột, chất béo. Đồng thời cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm giàu vitamin, giàu chất xơ để ngừa xơ vữa động mạch. Đặc biệt, táo và lê là những loại trái cây có tỷ lệ flavonoid và chất xơ cao, giúp bạn phòng ngừa đột quỵ rất tốt.
- Nên ưu tiên sử dụng thịt gia cầm, thịt nạc, ưu tiên ăn các loại cá vì cá chứa nhiều photpho, các acid béo không bão hòa, có thể triệt tiêu mảng xơ vữa trên thành mạch máu
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán, đồ nướng, thực phẩm nhiều gia vị, nhiều muối.
- Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, không nạp quá nhiều một nhóm chất vào cơ thể, có thể ăn socola đen và các loại hạt để giảm xơ vữa mạch máu…
Giữ ấm cho cơ thể
Theo thống kê, đột quỵ là bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa lạnh, có 70 – 80% các ca đột quỵ nhập viện vào mùa lạnh, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Lý do là khi thời tiết chuyển lạnh, cơ thể tăng tiết hormone catecholamin là tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ đột quỵ.
Chính vì thế, vào mùa lạnh, chúng ta cần tăng cường giữ ấm cho cơ thể, ngay cả lúc ngủ hay ra ngoài. Đặc biệt, người trung niên, cao tuổi cần giữ ấm cơ thể mọi lúc, kể cả khi đi bộ buổi sáng nhằm tránh cơ thể bị lạnh đột ngột. Không được tắm nước lạnh, tắm muộn, tốt nhất nên uống nhiều nước ấm, tắm nước ấm vào những ngày nay để tránh cơ thể bị lạnh đột ngột.
Xây dựng lối sống lành mạnh
Một lối sống khoa học, lành mạnh sẽ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe đồng thời ngăn ngừa tốt tai biến mạch máu não. Do đó, bạn nên:
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục là cách đơn giản để nâng cao sức khỏe, tăng cường lưu thông máu, ngăn ngừa tai biến. Mỗi ngày, bạn chỉ nên tập thể dụng 30 phút/lần, tối thiểu 5 lần/tuần, chọn các bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Người trẻ có thể chọn nhảy dây, tập gym, đạp xe, chạy bộ, bơi lội…; người già nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, dưỡng sinh, tập thở, tập thiền…
- Ngủ đủ giấc, đúng giờ: Nên xây dựng thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ nhằm tăng cường sức khỏe. Theo thống kê, những người ngủ nhiều hơn 10 tiếng mỗi đêm có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn 63% so với những người ngủ đủ 7 – 8 tiếng.
- Từ bỏ các thói quen xấu: Để cải thiện sức khỏe, ngăn ngừa đột quỵ, chúng ta cũng cần cải thiện các thói quen xấu như thức khuya, ngủ muộn, uống rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích… Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, người uống trung bình 2 ly rượu/ngày có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn 34% so với người uống ít rượu, người hút mỗi ngày 1 điếu thuốc lá có nguy cơ bị đột quỵ lên đến 48%.
Học cách thư giãn, sống lạc quan, vui vẻ
Để phòng ngừa đột quỵ, chúng ta cũng cần học cách thư giãn, giải tỏa tâm trạng của mình. Tốt nhất nên:
- Sống lạc quan, vui tươi, yêu đời, gạt bỏ những âu lo, muộn phiền không đáng. Stress, căng thẳng, lo lắng kéo dài chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự xuất hiện của bệnh đột quỵ
- Nên hiểu rõ sự khác nhau giữa buồn và phiền muộn, nếu có các triệu chứng của phiền muộn bạn nên nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được điều trị. Phụ nữ mắc chứng phiền muộn làm tăng nguy cơ mắc tai biến mạch máu não lên 29%. Các triệu chứng thường là mất ngủ, ăn nhiều hoặc không thấy ngon miệng, mệt mỏi, cáu kỉnh, lo lắng, buồn phiền, không hứng thú với những gì bạn đã từng thích…
- Nên hạn chế tức giận, những người tính khí hung hăng, hay tức giận thường có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn những đối tượng khác.
Điều trị bệnh lý, thăm khám sức khỏe định kỳ
Như đã đề cập, các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu… có thể là yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Do đó, khi có các dấu hiệu bệnh, chúng ta nên nhanh chóng thăm khám để được điều trị. Nếu chủ quan, đến khi bệnh tiến triển nặng sẽ rất dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, gây nguy cơ tử vong, tàn tật cao.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên và đều đặn. Đây là cách để chúng ta tầm soát các bệnh lý trong cơ thể, đồng thời phòng ngừa tai biến mạch máu não.
Tóm lại, tai biến mạch máu não hay đột quỵ là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ giới tính nào. Trong cấp cứu đột quỵ, thời gian là vàng, bệnh nhân càng sớm được nhận biết, sơ cứu thì tỷ lệ hồi phục và nguy cơ để lại biến chứng càng thấp. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu và biết cách xử lý khi có người thân, người quen gặp phải tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!