Bệnh U nang màng nhện

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

U nang màng nhện là một trong những dạng u nang não phổ biến. Chúng thường khởi phát do bẩm sinh hoặc ảnh hưởng từ các chấn thương vùng đầu, nhiễm trùng, hậu phẫu thuật... Bản chất của u nang màng nhện là khối u lành tính, tuy nhiên nếu kích thước quá lớn chèn ép các cấu trúc lân cận cần phải can thiệp điều trị y tế để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm. 

U nang màng nhện là những túi nang chứa chất dịch lỏng và phát triển bên trong màng nhện bao phủ não và tủy sống

Tổng quan

U nang màng nhện (Arachnoid Cysts) là những nang lành tính chứa nước hoặc dịch phát triển trong hộp sọ, ống sống của hệ thần kinh trung ương. Những trường hợp nang phát triển lớn, gây chèn ép các cấu trúc tổ chức não sẽ gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể phát triển u nang màng nhện, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó, có khoảng 60% trường hợp được chẩn đoán u nang màng nhện đều ở trẻ nhỏ. Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 2 - 3 lần so với nữ giới. Chúng có thể phát triển bẩm sinh hoặc hình thành từ các chấn thương, tổn thương hậu phẫu thuật hoặc nhiễm trùng.

Phân loại

U nang màng nhện được chia làm nhiều loại dựa vào nhiều yếu tố như:

U nang màng nhện có 2 dạng chính là thể nguyên phát và thứ phát

# Dựa vào căn nguyên khởi phát

  • Thể nguyên phát: Đây là thể u nang màng nhện bẩm sinh, tức là trẻ vừa chào đời đã hình thành sẵn như khối u này. Tác nhân liên quan được ghi nhận thường là do các bất thường phát triển trong não hoặc tủy sống trong lúc còn là phôi thai.
  • Thể thứ phát: Đây là thể u nang màng nhện phát triển những thời điểm sau này, có thể do chấn thương, nhiễm trùng hoặc biến chứng phẫu thuật. Thể thứ phát thường phổ biến hơn so với thể nguyên phát.

# Dựa vào vị trí phát triển u nang màng nhện

  • U nang màng nhện nội sọ: Là những khối u nang phát triển bên trong hộp sọ. Được chia nhỏ làm 2 dạng gồm u nang trên lều và dưới lều, tùy thuộc vào vị trí phát triển của chúng là ở bên trên hay bên dưới lều tiểu não.
  • U nang màng nhện cột sống: Những khối u nang này thường được tìm thấy trong tủy sống.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sự hình thành của u nang màng nhện liên quan đến rất nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến một số nguyên nhân phổ biến như:

Viêm màng nhện hoặc chấn thương vùng đầu là những nguyên nhân chính khởi phát u nang màng nhện

  • Bẩm sinh: Các chuyên gia đã khẳng định những đứa trẻ bị u nang màng nhện bẩm sinh thường là do chúng đã phát triển một hoặc nhiều bất thường trong quá trình còn là bào thai. Một vài tài liệu cho rằng các nang màng nhện xảy ra do hiện tượng bóc tách bẩm sinh của màng nhện, tạo điều kiện cho dịch não tủy tích tụ trong khoang bóc tách này.
  • Chấn thương: Ở một số trường hợp, u nang màng nhện có thể phát triển sau các chấn thương va chạm mạnh ở vùng đầu, gây rách màng nhện và dẫn đến hình thành u nang.
  • Phẫu thuật: Một số biến chứng khi phẫu thuật cột sống làm tăng nguy cơ đau dây thần kinh, khởi phát viêm màng nhện và dẫn đến hình thành u nang màng nhện.
  • Nhiễm trùng: Viêm màng nhện là tác nhân nhiễm trùng chính gây u nang màng nhện. Xảy ra do liên quan đến các dạng viêm như viêm màng não do virus/ nấm hoặc nhiễm trực khuẩn lao. Ngoài ra, nhiễm trùng màng nhện còn có thể do nhiều tác nhân khác như:
    • Tiêm ngoài màng cứng sai vị trí khiến thuốc mắc kẹt trong màng cứng;
    • Chứng hẹp ống sống tiến triển hoặc thoái hóa đĩa đệm gây chèn ép cột sống mạn tính;
    • Chấn thương gây xuất huyết trong và xơ hóa màng nhện;
    • Phát triển khối u lành hoặc ác tính trong cột sống có liên quan đến tổn thương màng nhện;
  • Yếu tố di truyền: U nang màng nhện cũng có liên quan mật thiết đến yếu tố di truyền và có tính chất gia đình. Đặc biệt, những người có tiền sử mắc hội chứng Marfan, một rối loạn di truyền gây ảnh hưởng đến các mô liên kết trong cơ thể thường có nguy cơ phát triển u nang màng nhện cao hơn những người khác.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy vào kích thước, vị trí khối u nang và tính chất nghiêm trọng của chúng mà các triệu chứng sẽ được biểu hiện khác nhau từ nhẹ đến nặng.

U nang màng nhện đặc trưng bởi các triệu chứng như đau đầu, co giật, nôn, mất thăng bằng, thay đổi thị lực...

Những trường hợp u nang màng nhện có kích thước nhỏ và không chèn ép nhiều đến các tổ chức cấu trúc trong não hoặc tủy sống gần như không gây ra triệu chứng. Ngược lại, nếu số lượng khối u nhiều, kích thước lớn và chèn ép đè lên dây thần kinh não hoặc tủy sống, chắc chắn người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng sau:

  • Đau đầu;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Co giật, động kinh;
  • Não úng thủy;

Ngoài ra, tùy thuộc vào từng vị trí triển khối u nang mà các triệu chứng sẽ có các triệu chứng riêng như:

  • Khối u nang vùng hố giữa:
    • Gây ra các vấn đề về thị lực và thính giác;
    • Dễ mất thăng bằng và khả năng thực hiện các phối hợp vận động cơ bản;
    • Suy nhược hoặc tê liệt một bên cơ thể;
    • Các triệu chứng thần kinh được biểu hiện thông qua việc thay đổi hành vi hoặc chậm phát triển ở các cột mốc quan trọng;
  • Khối u nang vùng trên yên:
    • Các vấn đề về thị lực;
    • Ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết khiến trẻ chậm phát triển trong giai đoạn dậy thì hoặc giới tính;
    • Biểu hiện lắc đầu không kiểm soát, đầu lắc sang hai bên theo chuyển động tròn;
  • Khối u nang màng nhện tủy sống:
    • Tê bì, ngứa ran và yếu cơ tay, chân;
    • Co thắt cơ đột ngột;
    • Đau lưng, cong vẹo cột sống;
    • Gây khó khăn cho vận động, thậm chí tê liệt hoàn toàn;
    • Số ít bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu;

Chẩn đoán

Mặc dù các triệu chứng u nang màng nhện ở giai đoạn tiến triển biểu hiện rất rõ ràng, nhưng nếu chỉ dựa vào chúng thì rất khó để chẩn đoán chính xác u nang màng nhện cũng như nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do đó, bệnh nhân thường được chỉ định thực hiện các kỹ thuật y tế hiện đại để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.

Các xét nghiệm hình ảnh như CT hoặc MRI giúp chẩn đoán chính xác u nang màng nhện

Cụ thể một số phương pháp chẩn đoán u nang màng nhện gồm:

  • Khám sức khỏe: Ở bước đầu chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành xem xét và đánh giá các triệu chứng lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh cá nhân của bạn. Bao gồm đánh giá phản xạ và phạm vi chuyển đầu của tay, chân, đầu... Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định khám thần kinh để đưa ra đánh giá về khả năng nhận thức và vận động của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm thường quy: Xét nghiệm máu đo lường tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Phương pháp này không thể chẩn đoán chính xác u nang màng nhện, nhưng có thể xác định tác nhân viêm màng nhện liên quan đến sự hình thành của u nang màng nhện.
  • Kiểm tra hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh nói chung luôn là cách chẩn đoán hiệu quả nhất đối với u nang màng nhện. Một số kỹ thuật được áp dụng phổ biến nhất là chụp CT scan và MRI. Những hình ảnh này thể hiện rất chi tiết cấu trúc bên trong não và tủy sống, từ đó giúp bác sĩ dễ dàng hình dung và đưa ra chẩn đoán có sự hiện diện của u nang màng nhện cũng như xác định kích thước, vị trí của chúng.

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của các u nang màng nhện là u lành tính, không phải ung thư và hầu hết đều không quá nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, loại bỏ các khối u nang tiến triển, tiên lượng sức khỏe và tuổi thọ thường của bệnh nhân thường không bị ảnh hưởng.

Hoặc với những đứa trẻ bị u nang màng nhện bẩm sinh, phần lớn những trường hợp như vậy đều có thể "chung sống hòa bình" với bệnh vì không có biểu hiện bất thường nào. Trẻ vẫn sẽ phát triển tốt và đáp ứng các mốc tăng trưởng.

Bệnh nhân u nang màng nhện nghiêm trọng nếu không được điều trị có thể gây biến chứng nguy hiểm

Ngược lại, với những trường hợp sự tồn tại của khối u nang màng nhện đang phát triển kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng, nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng và hệ lụy khó lường. Chẳng hạn như:

  • Xuất huyết: Hệ thống mạch máu trên thành của khối u nang khi bị tác động mạnh có thể bị rách vỡ và chảy máu ngược vào trong u nang. Hậu quả khiến khối u nang càng phát triển kích thước lớn hơn. Ngoài ra, một lượng máu nhỏ có thể đọng lại bên ngoài và tích thành những khối máu tụ, chèn ép đến các cấu trúc, mô xung quanh.
  • Rò rỉ dịch não tủy: Các tác nhân va chạm, chấn thương có thể làm vỡ khối u nang và rò rỉ dịch não tủy. Lượng dịch rò rỉ ra ngoài càng nhiều, di chuyển đến các phần trong não có thể kéo theo nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khác.

Do đó, tùy vào tình trạng sức khỏe, tính chất nghiêm trọng của khối u mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Bởi vậy, khuyến nghị những người có các dấu hiệu bất thường như vừa nêu trên nên chủ động đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Điều trị

Những trường hợp khối u nang nhỏ và không nguy hiểm thường không nhất thiết phải can thiệp điều trị. Trẻ chỉ cần thường xuyên tái khám để theo dõi tiến triển của khối u để có hướng xử lý kịp thời ở giai đoạn phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.

Riêng những trường hợp u nang màng nhện có kích thước lớn, chèn ép đến các cơ quan, tổ chức bên trong não hoặc tủy sống bắt buộc phải can thiệp điều trị để xử lý tổn thương và ngăn chặn biến chứng. Mục tiêu điều trị trong giai đoạn này là dẫn lưu chất dịch lỏng ra khỏi khối u nang để giải phóng áp lực và loại bỏ chúng ngay khi có thể.

Phẫu thuật dẫn lưu hoặc loại bỏ u nang màng nhện được chỉ định điều trị trong hầu hết các trường hợp

Can thiệp phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với hầu hết các trường hợp. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật phẫu thuật phẫu thuật phù hợp. Có thể kể đến một số kỹ thuật điều trị u nang màng nhện như:

  • Phẫu thuật mở hộp sọ: Mở sọ là một trong những đại phẫu lớn liên quan đến việc tách mở hộp sọ để tiếp cận đến não nhằm mục đích điều trị. Đối với bệnh nhân u nang màng nhện, việc mở hộp sọ nhằm rạch dẫn lưu dịch khỏi u nang. Sau đó, tiến hành đóng hộp sọ bằng cách dùng các mảnh sọ nhân tạo thay thế và hàn nó vào vị trí mũi khâu.
  • Nội soi cắt u nang: Đây là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu được thực hiện bằng cách tạo một lỗ nhỏ trên hộp sọ để luồn thiết bị nội soi vào nhằm tiếp cận khối u nang. Ống nội soi có gắn camera ở đầu và dao phẫu thuật, dựa vào hình ảnh này bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ khối u nang.
  • Đặt shunt phúc mạc bàng quang: Shunt là các ống thông mỏng có gắn van giúp chất lỏng chảy qua và đi vào bụng để cơ thể hấp thụ. Đặt shunt từ khối u nang đến khoang bụng đem lại rất nhiều lợi ích trong việc ngăn chặn tình trạng tích tụ chất dịch lỏng trong u nang, ngăn ngừa biến chứng.

Bên cạnh can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà khác để cải thiện các triệu chứng liên quan đến u nang màng nhện. Chẳng hạn như:

  • Gừng: Uống trà gừng, ngậm gừng tươi hoặc kẹo gừng giúp hỗ trợ giảm viêm và cải thiện đau đầu.
  • Tập Yoga: Yoga là phương pháp tập luyện khoa học được chứng minh đem lại hiệu quả trong việc làm giảm căng thẳng và cảm giác lo lắng. Từ đó giúp cải thiện triệu chứng đau đầu, co giật và nguy cơ động kinh.
  • Châm cứu: Một số trường hợp có thể kiểm soát hiệu quả các triệu chứng u nang màng nhện bằng phương pháp châm cứu.

Phòng ngừa

Không có biện pháp nào hiệu quả giúp phòng ngừa tuyệt đối nguy cơ phát triển u nang màng nhện. Vì đa số trường hợp u nang màng nhện đều do bẩm sinh hoặc có tính chất gia đình, di truyền từ bố mẹ sang con cái nên gần như không thể ngăn chặn sự phát triển của chúng.

Thăm khám định kỳ nếu có tiền sử gia đình mắc u nang màng nhện để chẩn đoán và điều trị dự phòng

Nhưng trong một số trường hợp u nang màng nhện không liên quan đến bẩm sinh, có thể thực hiện các biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:

  • Hạn chế tối đa các chấn thương, va chạm mạnh gây tổn thương não. Đặc biệt đối với trẻ em nên được bảo vệ vùng đầu kỹ lưỡng khi tham gia giao thông, chơi thể thao hoặc kể cả trong những sinh hoạt hàng ngày.
  • Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây nhiễm trùng thông qua lối sống khoa học, sinh hoạt điều độ và ăn uống khoa học.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc làm tầm soát u nang nếu có tiền sử gia đình, bố mẹ từng mắc bệnh để sớm phát hiện các bất thường để điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi/ con tôi phát sinh bệnh u nang màng nhện?

2. Cần làm những xét nghiệm, kiểm tra nào để chẩn đoán u nang màng nhện?

3. U nang màng nhện có gây nguy hiểm đến tính mạng không?

4. Điều gì sẽ xảy ra nếu không điều trị u nang màng nhện?

5. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với tình trạng u nang màng nhện?

6. Tình trạng của con tôi/ tôi có cần can thiệp phẫu thuật không? Phương pháp phẫu thuật nào tốt nhất?

7. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến các chỉ định điều trị?

8. Thời gian điều trị u nang màng nhện mất bao lâu thì khỏi hoàn toàn?

9. Chi phí điều trị u nang màng nhện tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

10. U nang màng nhện có tái phát sau điều trị không?

Sự hiện diện của các u nang màng nhện trong não hoặc tủy sống gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là khi chúng phát triển kích thước lớn và chèn ép đến các cấu trúc mô não xung quanh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám, chẩn đoán và hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp.

THAM KHẢO THÊM

Chia sẻ:
Bệnh Đau Dây Thần Kinh Chẩm
Đau dây thần kinh chẩm là một trong những bệnh lý nội thần kinh phổ biến, xảy ra do dây thần kinh chẩm bị tổn thương hoặc bị chèn ép.…
Bệnh Dại
Bệnh dại do nhiễm virus dại RABV, thông qua vết…
Hội chứng Cotard
Hội chứng Cotard là một dạng rối loạn tâm thần…
Bệnh Bò Điên
Bệnh bò điên là thuật ngữ chỉ những tổn thương…
Bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer là căn bệnh suy giảm trí nhớ và các kỹ năng trí tuệ. Bệnh chủ yếu xảy ra…

Rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật xảy ra do ảnh hưởng từ các bệnh lý thần kinh hoặc chấn thương,…

Bệnh Bại Liệt

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm khá hiếm gặp trong xã hội hiện đại do đã có vắc xin phòng…

Sốc nhiệt

Sốc nhiệt là tình trạng y tế nghiêm trọng được gây ra do tiếp xúc với nhiệt độ và độ…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua