Bệnh U Màng Não
U màng não là khối u nội sọ có thể lành tính hoặc ác tính. Chúng xuất hiện ở nhiều vị trí trong màng não và gây ra các triệu chứng thần kinh như mất khứu giác, thị lực, tê liệt chân, lồi mắt, đau đầu, giảm trí nhớ... Đa phần các trường hợp u màng não đều là tự phát do các tác nhân từ bên ngoài hoặc nội tiết tố, yếu tố di truyền. Điều trị u màng não chủ yếu bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc các liệu pháp khác.
Tổng quan
U màng não (Meningioma) là những khối u được hình thành trong màng não, thường là ở lớp màng mỏng như mạng nhện bao phủ não và tủy sống, không phải khối u của mô não. Chúng là những khối u lành tính không phải ung thư hoặc khối u ung thư (u ác tính) nằm trong hệ thống thần kinh trung ương.
U màng não được tìm thấy ở các đỉnh và đường cong bên ngoài não. Hoặc một số trường hợp có thể hình thành ở đáy hộp sọ và các dây thần kinh thị giác. Trong đó, u màng não tủy hiếm gặp hơn. Hầu hết các trường hợp u màng não đều lành tính, phát triển chậm và hướng vào trong. Tuy nhiên, theo thời gian kích thước của chúng ngày càng lớn gây chèn ép lên các bộ phận lân cận trong não, đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo thống kê, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh u màng não cao hơn nam giới. Bệnh có liên quan đến tuổi tác, tuổi càng cao nguy cơ phát triển khối u càng cao. U màng não có thể điều trị được thông qua phẫu thuật cắt bỏ khối u. Tiên lượng hậu phẫu thường tốt và giúp giảm thấp nguy cơ tái phát bệnh.
Phân loại
Bệnh u màng não được phân chia làm nhiều loại khác nhau gồm:
# Dựa theo cấp độ bệnh
- U màng não độ I: Là thể điển hình với các khối u màng não lành tính, phát triển chậm. Đây cũng là thể phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% trong tổng số các ca mắc u màng não.
- U màng não độ II: Là thể không điển hình, tuy không có khả năng phát triển thành ung thư nhưng tiến triển bệnh nhanh chóng, dễ kháng điều trị. Tỷ lệ mắc các khối u này khoảng 17%.
- U màng não độ III: Còn gọi là anaplastic là bệnh ung thư u màng não, phát triển các khối u ác tính và có khả năng di căn nhanh chóng sang các cơ quan lân cận. Thể u màng não này chiếm 1.7% trong các trường hợp.
# Dựa theo vị trí và tính chất mô u màng não
- U màng não lồi: Khối u màng não phát triển trên bề mặt não và ngày càng phát triển lớn gây tăng áp lực nội sọ;
- U màng não thất: Khối u phát triển trong não thất, khiến tâm thất chứa dịch não tủy (CSF);
- U màng não cánh bướm: Khối u hình thành dọc theo xương sống ở phía sau mắt;
- U màng não rãnh khứu giác: Khối u hình thành ở vị trí giữa não và mũi của đáy hộp sọ, gần dây thần kinh khứu giác;
Ngoài các thể chính vừa kể trên, u màng não còn có hơn 15 biến thể khác được phân loại theo tên các tế bào được phát hiện thông qua xét nghiệm cận lâm sàng. Chúng còn được gọi là các phân nhóm u màng não, phản ánh tốc độ tăng trưởng và nguy cơ tái phát dựa vào các đặc điểm tế bào học.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh u màng não vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, đã có các nghiên cứu di truyền cho thấy có khoảng 40 - 80% bệnh nhân u màng não đều có bất thường ở nhiễm sắc thể số 22. Tình trạng này được biết đến với một rối loạn hệ thần kinh di truyền như:
- U sợi thần kinh type 2 (NF2);
- Bệnh Von Hippel - Lindau;
- Hội chứng Li - Fraumeni;
- Hội chứng Cowden;
- Bệnh đa u nội tiết type 1;
Một số gen đột biến khác có liên quan đến sự phát triển các khối u ở màng não như AKT1, DAL1 và TRAF7. Đa số các trường hợp u màng não đều là do tự phát hoặc một số ít trường hợp được ghi nhận có mối liên kết với các điều kiện di truyền.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài ra, các yếu tố rủi ro về tuổi tác, môi trường cũng có khả năng làm tăng nguy cơ biến đổi các tế bào và phát triển khối u màng não như:
- Tuổi tác:
- Nguy cơ mắc bệnh u màng não tăng dần theo tuổi tác và đặc biệt tăng mạnh sau 65 tuổi;
- Trẻ em từ 0 - 14 tuổi là đối tượng ít có nguy cơ mắc bệnh nhất;
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh u màng não cao hơn nam giới do dễ bị rối loạn nội tiết tố. Một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ này như thể chất kém, trọng lượng cơ thể cao, mang thai, chu kỳ kinh nguyệt, tiền sử u xơ tử cung, ung thư vú và mắc các bệnh lý phụ khoa khác.
- Phơi nhiễm phóng xạ: Là yếu tố nguy cơ đặc biệt rõ ràng đối với bệnh u màng não. Các bằng chứng về yếu tố nguy cơ này đã được nghiên cứu ở những bệnh nhân được xạ trị ung thư não. Ngoài ra, mối liên hệ giữa chụp X quang thường xuyên cũng tạo điều kiện cho việc phát triển khối u màng não trong tương lai.
- Các yếu tố khác:
- Thừa cân béo phì;
- Chấn thương vùng đầu;
- Sử dụng liệu pháp thay thế hormone hoặc thuốc tránh thai thường xuyên;
- Sắc tộc hoặc các chủng tộc người da đen có tỷ lệ mắc u màng não cao hơn các nhóm dân tộc khác;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy theo vị trí và kích thước khối u, các triệu chứng u màng não sẽ được biểu hiện khác nhau. Thông thường, thời gian đầu thường không có hoặc có ít triệu chứng, không rõ ràng, gây khó khăn cho việc phát hiện và chẩn đoán, điều trị.
Nhưng dựa trên lâm sàng chung về u màng não, dù phát triển ở bất kỳ vị trí nào cũng sẽ gây ra một số triệu chứng sau:
- Đau đầu;
- Suy giảm thị lực;
- Thính giác và khứu giác kém;
- Co giật, lú lẫn;
- Thay đổi hành vi, tính cách;
- Buồn nôn, nôn ói;
- Suy giảm trí nhớ;
- Động kinh;
- Yếu cơ, tê liệt một số vị trí trên cơ thể;
Nếu xét vị trí phát triển khối u màng não sẽ có các triệu chứng sau:
- U màng não rãnh khứu giác gây giảm khứu giác một phần hoặc hoàn toàn (anosmia);
- U màng não đường giữa trước não gây tê liệt chân hoặc nửa người dưới;
- U màng não cánh bướm gây hội chứng xoang hang, lồi 1 hoặc cả 2 mắt;
Đối với u màng não cột sống có thể gây các triệu chứng như:
- Đau nhức tại vị trí phát triển khối u;
- Dấu hiệu các bệnh phóng xạ gồm ngực, cổ tử cung và thắt lưng tùy thuộc vào vị trí dây thần kinh bị khối u chèn ép;
- Các vấn đề bất thường về thần kinh như giảm trương lực cơ, tụt huyết áp, suy nhược cơ thể, giảm phản xạ...;
Khuyến cáo bệnh nhân khi gặp bất kỳ triệu chứng nào vừa kể trên đều phải thông báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị xử lý kịp thời.
Chẩn đoán
Khối u màng não thường khó chẩn đoán và phát hiện sớm do chúng phát triển chậm và ít khi gây ra triệu chứng cho đến khi có kích thước đủ lớn gây chèn ép đến các cơ quan lân cận trong não.
Đánh giá các triệu chứng lâm sàng, điều tra tiền sử bệnh, yếu tố di truyền, đột biến gen từ gia đình để khoanh vùng vấn đề bệnh lý mà bệnh nhân đang mắc phải. Nếu nghi ngờ u màng não, bạn sẽ được bác sĩ thần kinh thăm khám và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- Khám thần kinh: Bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số bài kiểm tra sứ mạnh cơ bắp, khả năng phản xạ, giữ thăng bằng, mức độ nhạy cảm và nhận thức của dây thần kinh... nhằm xác định các triệu chứng lâm sàng trên có liên quan đến hệ thần kinh hay không.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI có kết hợp cản quang là xét nghiệm hình ảnh cho kết quả chính xác nhất về u màng não. Hình ảnh MRI thể hiện rất chi tiết về cấu trúc các cơ quan trong não nhờ thiết bị sóng vô tuyến và các máy móc tân tiến khác. Chẩn đoán này không gây đau nhức cho bệnh nhân.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Trường hợp không thể chụp MRI có thể thay thế bằng chụp CT scan có cản quang. Quét CT não được tạo ra từ tia X và máy tính, phản hồi hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong não. Nhờ đó giúp phát hiện chính xác vị trí, kích thước khối u màng não.
- Quang phổ cộng hưởng từ (MRS): Được thực hiện nhằm kiểm tra các đặc điểm hóa học và xác định bản chất của các tổn thương khối u quan sát từ hình ảnh MRI.
- Sinh thiết: Nếu vẫn còn nghi ngờ về kết quả chẩn đoán, có thể kết hợp thực hiện sinh thiết mẫu mô nhỏ từ khối u trong màng não, kiểm tra và xác định khối u lành hay ác tính. Đồng thời, phân loại khối u nhằm phục vụ công tác điều trị.
Biến chứng và tiên lượng
Biến chứng
Hầu hết các trường hợp u màng não đều là u lành, thậm chí không bao giờ phát triển và không được phát hiện. Những khối u này thường không cần phải điều trị.
Tuy nhiên, một số khối u màng não tuy lành tính nhưng phát triển nhanh chóng theo thời gian, tăng dần kích thước gây chèn ép các cơ quan lân cận trong não hoặc được chẩn đoán là ung thư u màng não ác tính sẽ phải áp dụng các biện pháp điều trị y tế chuyên sâu.
Bệnh u màng não trong quá trình tiến triển nghiêm trọng nhưng không được điều trị có thể gây ra các biến chứng thần kinh như mất trí nhớ, khó tập trung, thay đổi tính cách, co giật, động kinh, rối loạn ngôn ngữ, hành vi, khó đi lại... ảnh hưởng sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống, thậm chí cả tính mạng của người bệnh.
Ngoài ra, biến chứng u màng não cũng có thể đến từ các phương pháp điều trị u màng não như phẫu thuật và hóa - xạ trị liệu. Cụ thể gồm:
Biến chứng phẫu thuật u màng não
Phẫu thuật loại bỏ khối u màng não là kỹ thuật phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng như:
- Chảy máu, nhiễm trùng;
- Sưng phù não do tích tụ chất lỏng quanh não;
- Tổn thương dây thần kinh sọ gây liệt cơ mặt, mất thị lực, khó nuốt... tùy vào vị trị khối u màng não;
- Tổn thương mô não gây các tai biến về trí tuệ, suy nghĩ, khả năng nói, nhìn;
Biến chứng xạ trị
Xạ trị u màng não tuy không gây đau đớn nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe do tiếp xúc thường xuyên với tia bức xạ. Chẳng hạn như:
- Mệt mỏi đến mức kiệt quệ, kiệt sức;
- Rụng tóc;
- Kích ứng da nhẹ;
- Ăn uống kém;
- Đau đầu;
- Thay đổi nhận thức, giảm trí nhớ, khả năng tư duy;
Những biểu hiện này thường chỉ tạm thời và biến mất sau vài tuần điều trị. Tuy nhiên, một số triệu chứng về nhận thức có thể kéo dài vĩnh viễn.
Biến chứng hóa trị
Tùy cơ địa, thể trạng từng người, loại thuốc hóa chất và liều lượng hóa trị sẽ gây ra triệu chứng tiềm ẩn sau:
- Mệt mỏi;
- Rụng tóc;
- Tiêu chảy;
- Ăn uống kém;
- Buồn nôn, ói mửa;
- Dễ bị nhiễm trùng;
Tiên lượng
Tiên lượng u màng não rất khó đoán trước, vì còn tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán nói trên. Nhưng theo thống kê, hầu hết bệnh nhân u màng não đều có sức khỏe tương đối tốt và bền vững dài lâu nhờ đáp ứng tốt với phác đồ điều trị. Tiên lượng sống sót cho bệnh nhân u màng não lành tính sau 10 năm khi được điều trị tích cực là 84%. Còn với những ca ung thư u màng não tỷ lệ sống sót sau 10 năm là 62%.
Ngoài ra, tiên lượng đối với bệnh lý này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như:
- Vị trí khối u;
- Kích thước khối u;
- Khối u lành hay ác tính;
- Khối u có được cắt bỏ hay không, cắt 1 phần hay toàn phần;
- Tuổi tác;
- Thể trạng sức khỏe;
Tóm lại, tuổi tác tại thời điểm phát hiện u màng màng não càng sớm, tiên lượng càng tốt. Tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ tái phát cao sau điều trị, do có liên quan đến mức độ phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nếu cắt bỏ hết khối u tỷ lệ tái phát sẽ thấp hơn.
Điều trị
Tùy theo kết quả chẩn đoán khối u lành hoặc ác tính, vị trí và kích thước của khối u để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp chính được ưu tiên trong phác đồ điều trị u màng não. Phương pháp này nhằm loại bỏ khối u kích thước lớn trong màng não, đặc biệt nếu đó là khối u ung thư. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân trong suốt quá trình phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều khối u càng tốt và an toàn.
Tùy mức độ đánh giá tổn thương, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u. Trong đó, mổ loại bỏ hoàn toàn (GTR) là phương pháp được đánh giá cao khi đem lại hiệu chữa khỏi u màng não với kết quả lên đến 70 - 80%. Mức độ cắt bỏ ảnh hưởng đến tỷ lệ tái phát của khối u đối với tất cả các cấp độ bệnh.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp được áp dụng chung cho các bệnh về khối u hoặc ung thư. Kỹ thuật này sử dụng chùm năng lượng bức xạ mạnh nhằm tiêu diệt và ức chế sự phát triển, phân chia của tế bào khối u dù ác hay lành tính.
Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc đã phẫu thuật nhưng vẫn còn sót lại một số khối u ở các vị trí nhạy cảm không thể cắt bỏ (thường là nằm sâu trong các mạch máu thần kinh).
Một số phương pháp xạ trị u màng não được áp dụng phổ biến như:
- Xạ trị bằng chùm tia bên ngoài (EBRT): Đây là hình thức xạ trị phổ biến nhất, điều chỉnh chùm bức xạ năng lượng cao chiếu trực tiếp vào hướng khối u trong màng não.
- Xạ phẫu lập thể (SRS): Thường được áp dụng cho những ca u màng não ở nền sọ, đã phẫu thuật cắt bỏ một phần nhưng tái phát trở lại. Kỹ thuật này sử dụng nguồn bức xạ với nhiều chùm tia khác nhau tác động đến khối u đích, giảm thiểu tổn thương cho các mô lân cận.
- Liệu pháp áp sát (Brachytherapy): Hay còn gọi là xạ trị bên trong. Được thực hiện bằng cách đặt các viên phóng xạ nhỏ vào bên trong hoặc nằm cạnh khối u. Chúng sẽ được kích hoạt để phát ra bức xạ nhằm tiêu diệt tế bào khối u ung thư.
Hóa trị
Hóa trị hiếm khi được áp dụng để điều trị u màng não, trừ khi các biện pháp khác như phẫu thuật hoặc xạ trị không đạt hiệu quả như mong đợi. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc mạnh dạng uống hoặc hóa chất truyền vào cơ thể nhằm loại bỏ các tế bào khối u ung thư.
Loại thuốc hóa trị hiện đang được sử dụng phổ biến trong điều trị u màng não đó là Bevacizumab. Nhiều thống kê cho thấy kết quả khả quan khi dùng thuốc với mục đích hồi phục sau điều trị khối u.
Kết hợp chăm sóc tích cực
Tiến triển u màng não và quá trình điều trị bệnh gây ra không ít các triệu chứng và tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh chất và cả chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo cần thực hiện song song với các biện pháp chăm sóc tích cực giảm nhẹ bệnh, hỗ trợ làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của khối u.
Các biện pháp điều trị giảm nhẹ được chỉ định áp dụng phổ biến như:
- Dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc trị động kinh... tùy theo loại và mức độ triệu chứng.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp.
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn toàn thân, thoải mái tinh thần.
- Tập thể dục, vận động nhẹ nhàng cải thiện tuần hoàn máu, nâng cao đề kháng.
- Các liệu pháp giúp cải thiện chức năng thần kinh khác như xoa bóp, massage;
Phòng ngừa
Sự xuất hiện của các khối u màng não rất khó ngăn ngừa được, kể cả u lành hay ác tính. Bạn chỉ có thể giảm nguy cơ mắc phải bằng cách tránh xa hoặc loại trừ các yếu tố rủi ro nguy hiểm từ môi trường bên ngoài như:
- Không tiếp xúc với tia bức xạ, khói thuốc lá quá mức;
- Phụ nữ không nên lạm dụng liệu pháp thay thế hormone hoặc thuốc tránh thai quá mức;
- Định kỳ thăm khám sức khỏe tổng quát và tầm soát khối u màng não nếu có người thân cùng huyết thống đã được chẩn đoán bệnh trước đó.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị u màng não?
2. Tôi mắc thể u màng não nào? Cấp độ nào và tiên lượng ra sao?
3. Bệnh u màng não có phải ung thư không?
4. Bệnh u màng não có phải do di truyền không?
5. Những thành viên khác trong gia đình tôi có nguy cơ mắc u màng não tương tự như tôi không?
6. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán u màng não?
7. Bệnh u màng não có thể chữa khỏi được không?
8. Phương pháp điều trị tốt nhất đối với trường hợp u màng não của tôi?
9. Những rủi ro và lợi ích về các chỉ định điều trị u màng não?
10. Điều trị u màng não có tốn kém không? Có dùng BHYT được không?
Đa số các trường hợp u màng não thường có tiên lượng tốt vì tiến triển bệnh chậm, không biểu hiện hoặc đáp ứng tốt khi điều trị. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp u màng não tiến triển ác tính gây ung thư, đe dọa tính mạng. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân phải chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và tuân thủ các biện pháp y tế cần thiết, ngăn ngừa biến chứng về sau.
TÌM HIỂU THÊM
- Bệnh Ung Thư Não - Bệnh Lý Nguy Hiểm Cần Điều Trị Sớm
- Bệnh Phù Não: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!