Bệnh Uốn Ván
Uốn ván là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao do nhiễm độc tố mạnh của vi khuẩn Clostridium tetani. Bệnh nhân uốn ván trong giai đoạn bùng phát gây ra những cơn co cứng hàm gây khó thở, khó nuốt kèm theo đau đầu, uốn con người với nhiều tư thế khác nhau. Nếu không được cấp cứu và can thiệp điều trị kịp thời, có thể khởi phát nhiều biến chứng nguy hiểm về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa dẫn đến tử vong.
Tổng quan
Uốn ván (Tetasus) là bệnh lý nhiễm trùng thần kinh do độc tố của trực khuẩn Clostridium tetani gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, chúng sản sinh một lượng độc tố (tetanus exotoxin) đủ để gây ra các cơn co thắt, đau nhức cơ bắp, cứng hàm, cứng cổ.
Con đường lây nhiễm của chủng vi khuẩn này rất đa dạng và khá đơn giản, thông qua các vết thương nhỏ, vết bỏng, rách, gai nhọn/ đinh sắt đâm vào da... nhưng không vệ sinh sát trùng kỹ lưỡng, tiêm chích ma túy hoặc trẻ sơ sinh nhiễm uốn ván từ mẹ. Một số trường hợp bệnh uốn ván còn liên quan đến các bệnh lý nội khoa khác như viêm tai giữa, chàm da mạn tính, tổn thương ung thư...
Bệnh nhân uốn ván thường phát hiện bệnh qua đợt bùng phát cấp với tình trạng cứng hàm, hai hàm răng cắn chặt gây khó thở, có nguy cơ cao tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, ngưng tim và tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh uốn ván có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ. Tỷ lệ tử vong do uốn khá cao do tiên lượng xấu vì phát hiện bệnh chậm trễ.
Bệnh uốn ván xuất hiện phổ biến ở những vùng nông thôn, các quốc gia có điều kiện dân sinh và y tế kém, chưa mở rộng chương trình tiêm chủng vắc xin uốn ván. Tại Việt Nam, bệnh uốn ván xuất hiện khắp cả nước, tỷ lệ 1.87 ca/100.000 dân, trong đó độ tuổi mắc bệnh cao nhất từ 20 - 64 tuổi, tỷ lệ tử vong lại xảy ra ở bệnh nhân > 55 tuổi.
Phân loại
Dựa vào thời gian ủ bệnh, đặc điểm triệu chứng, bệnh uốn ván được chia làm 4 thể lâm sàng chính gồm:
- Thể uốn ván toàn thân: Đây là thể bệnh có tỷ lệ gặp cao nhất. Bệnh khởi phát qua các triệu chứng như nhức mỏi quai hàm, khó nhai, khó nuốt, dễ sặc, không há hàm lớn được, càng ấn hàm xuống hàm càng khép chặt hơn. Kèm theo nhưng cơn co cứng và co giật toàn thân, nghiêm trọng hơn gây sặc, tím tái, co thắt thanh quản, khó thở, ngưng thở và tử vong. Khi phát bệnh, bệnh nhân sẽ có các tư thế co cứng cụ thể tùy theo nhóm cơ nào chiếm ưu thế, chẳng hạn như:
- Co cứng cơ sau cột sống khiến người bệnh cong ưỡn người ra phía sau;
- Co cứng cơ trước - sau cột sống tạo tư thế cả người thẳng cứng như tấm ván gỗ;
- Co cứng cơ một bên cột sống khiến người bệnh cong vẹo người sang một bên;
- Co cứng cơ trước cột sống tạo tư thế gấp người về phía trước;
- Thể uốn ván cục bộ: Trực khuẩn uốn ván xuất hiện ở vị trí nào thì nơi đó có thể khởi phát cơn co cứng. Đa phần những trường hợp này đều không quá nghiêm trọng, tiến triển bệnh nhẹ và tự thuyên giảm.
- Thể uốn ván thể đầu: Thực chất cũng là một dạng uốn ván cục bộ. Đặc trưng với các vết thương ở vùng đầu, cổ, mặt. Thời gian ủ bệnh khá ngắn với 2 biểu hiện nghiêm trọng sau:
- Thể liệt: là thể thường gặp nhất, người bệnh có thể bị liệt dây thần kinh số II, IV và VI kèm theo liệt mặt ngoại biên.
- Thể không liệt: ít gặp hơn, khởi phát với tình trạng co thắt vùng hầu họng, bệnh nhân bị cứng hàm dễ gây sặc và khó nuốt.
- Thể uốn ván rốn: Xảy ra ở trẻ sơ sinh bị nhiễm uốn ván từ người mẹ hoặc từ kéo cắt dây rốn không vệ sinh. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 5 ngày hoặc tối đa 28 ngày. Trẻ có những biểu hiện đặc trưng về tình trạng rốn nhiễm trùng ướt, rốn rụng sớm, khóc không thành tiếng, bỏ bú, co cứng bụng, chân, tay, co giật liên tục, sốt cao, suy dinh dưỡng, có nguy cơ bội nhiễm cao... Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván khá cáo, từ 70 - 80%.
XEM THÊM: Co Cứng Cơ Sau Đột Quỵ: Nên Làm Gì Để Hồi Phục?
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Trực khuẩn Clostridium tetani là tác nhân chính gây bệnh uốn ván. Đây là chủng trực khuẩn gram dương kỵ khí, tồn tại ở cả động vật và con người, chủ yếu trong đường tiêu hóa, đất cát, cống rãnh... Chúng tồn tại dưới 2 dạng chính là nha bào khi tồn tại ở môi trường bên ngoài và dạng hoạt động khi đã xâm nhập vào cơ thể.
Thời gian ủ bệnh từ 3 - 21 ngày, tùy theo kích thước và mức độ nghiêm trọng của vết thương. Vết thường càng nặng thời gian ủ bệnh càng ngắn và dễ biến chứng với tiên lượng xấu. Thông thường, bệnh sẽ xảy ra trong vòng 14 ngày tính từ thời điểm nhiễm khuẩn.
Vi khuẩn uốn ván không có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ người sang người. Con đường lây truyền chính của chúng là thông qua các vết trầy xước, vết thương trên da, chấn thương gây gãy xương hở, các tổn thương cấp như viêm tai giữa, vết bỏng, nhiễm trùng răng miệng, vết tiêm chích, sảy thai, sinh nở hoặc phẫu thuật.
Độc tố uốn ván gây tác động mạnh đến hệ thần kinh trung ương nối từ tủy sống đến cơ bắp. Đây chính là nguyên nhân vì sao người bệnh uốn ván lại có những cơn co thắt mạnh đến mức rách cơ hoặc gãy xương cột sống
Yếu tố nguy cơ
Bất kỳ đối tượng nào cũng đều có nguy cơ bị uốn ván, nhưng các nhóm đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc cao hơn:
- Người chăn nuôi gia súc, gia cầm;
- Nhân viên môi trường, dọn vệ sinh và thu gom rác;
- Công nhân công trình xây dựng;
- Nông dân trồng trọt;
- Người tiêm chích ma túy sử dụng kim tiêm nhiễm bệnh;
- Quy trình phẫu thuật hoặc đỡ đẻ không đảm bảo yếu tố vô trùng;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Bệnh uốn ván có các triệu chứng đặc hiệu khó nhầm lẫn với các bệnh lý khác đó là co cứng hàm, đau đầu. Tùy vào vị trí tấn công của vi khuẩn mà các cơ bị co cứng lần lượt sẽ là các cơ nhai, cơ gáy, cơ mặt, tiếp theo là toàn bộ vùng cổ, ngực, lưng, bụng, mông... Mỗi bệnh nhân sẽ có tư thế uốn cong đặc trưng. Các cơn co giật toàn thân càng nặng hơn khi bị gặp các tác nhân như ánh sáng chói, va chạm mạnh, tiếng ồn...
Kèm theo một số triệu chứng khác như:
- Khó thở
- Sốt
- Tim đập nhanh
- Vã mồ hôi
- Đau đầu
- ...
Chẩn đoán
Để chẩn đoán uốn ván, bước đầu tiên bác sĩ sẽ đánh giá các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân và thực hiện một số bài test như đè lưỡi, yêu cầu bệnh nhân duỗi thẳng người, kiểm tra vết thương trên cơ thể, khai thác tiền sử bệnh cá nhân, tiền sử tiêm chủng... Đồng thời, kết hợp các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: Kết quả phân tích mẫu máu của bệnh thường có chứa hàm lượng cao kháng thể chống lại độc tố uốn ván.
- Nuôi cấy vi khuẩn: Nuôi cấy vi khuẩn uốn ván được thu thập tại vết thương nhằm kiểm tra chủng vi khuẩn và đánh giá độc lực của chúng. Tuy nhiên, kết quả nuôi cấy vi khuẩn thường chỉ có tác dụng hỗ trợ vì khá mất thời gian và dù nếu kết quả âm tính vẫn có nhiều yếu tố khác để chẩn đoán uốn ván.
- Chẩn đoán hình ảnh: Nhằm kiểm tra các tổn thương hệ thần kinh và đánh giá biến chứng bệnh uốn ván.
Kết hợp chẩn đoán phân biệt giữa uốn ván và các biến chứng uốn ván với một số bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng vết thương hoặc không như:
- Chứng ngộ độc Strychnin;
- Tình trạng khít cứng hàm do áp xe hầu họng, nhiễm trùng răng hoặc viêm khớp thái dương hàm;
- Hội chứng cứng người;
- Chứng tăng trương lực cơ do tác dụng phụ của thuốc;
Biến chứng và tiên lượng
Biến chứng
Uốn ván là bệnh lý nhiễm độc thần kinh nguy hiểm và cần can thiệp điều trị y tế càng sớm càng tốt. Nếu chủ quan không điều trị hoặc cấp cứu chậm trễ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Khuyết tật: Độc tố uốn ván gây tổn thương các dây thần kinh không thể phục hồi. Đồng thời, việc điều trị bệnh thông qua các loại thuốc kiểm soát co thắt cơ cũng làm tăng nguy cơ gây ra khuyết tật. Trường hợp nhẹ có thể làm gãy xương hoặc nặng hơn có thể gây liệt vĩnh viễn. Nghiêm trọng hơn là trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván có thể gây phá hủy não, động kinh, bại não và khiến trẻ thiểu năng trí tuệ, vận động.
- Suy thận: Dưới sự ảnh hưởng của triệu chứng co thắt cơ nghiêm trọng khiến hệ thống cơ xương suy yếu, tạo điều kiện cho protein thất thoát vào nước tiểu. Tình trạng này gây ra suy thận nặng.
- Tử vong: Nguy cơ tử vong do uốn ván khá cao, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh nếu không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở bệnh nhân uốn ván là do co thắt cơ thanh quản, nhiễm trùng đường hô hấp, thuyên tắc phổi, và suy hô hấp, ngưng thở đột ngột.
- Các biến chứng khác:
- Tiêu hóa: Loét và xuất huyết dạ dày, giảm hấp thu, giảm nhu động ruột;
- Tim mạch: Co giật, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp do rối loạn thần kinh thực vật;
- Mất cân bằng nước và các chất điện giải;
- Suy dinh dưỡng;
- Suy giảm tri giác;
Tiên lượng
Bệnh uốn ván tuy nguy hiểm với những cánh báo về các biến chứng đáng lo ngại. Các chuyên gia nhận định rằng bệnh uốn ván không thể chữa khỏi dứt điểm. Việc can thiệp điều trị sớm nhằm kiểm soát các triệu chứng bệnh, loại bỏ vi khuẩn uốn ván và ngăn ngừa các biến chứng.
Thời gian điều trị thuyên giảm bệnh ở từng trường hợp là khác nhau, trung bình khoảng 3 - 4 tháng bệnh mới phục hồi hoàn toàn. Điều trị uốn ván cần tuân thủ một số nguyên tắc quan trọng để có tiên lượng bệnh tốt, trong đó có yếu tố quan trọng là giữ cho nhân ở trong trạng thái an tĩnh, không gây ra bất kỳ yếu tố tác động nào cho đến khi được can thiệp y tế.
Điều trị
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào kết quả chẩn đoán và tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Hầu hết các phác đồ điều trị uốn ván hiện đại thường có các biện pháp sau:
Điều trị bằng thuốc
Phác đồ dùng thuốc trị bệnh uốn ván phối hợp rất nhiều loại thuốc nhằm kiểm soát triệu chứng cứng hàm, co thắt cơ, đau đầu... Đồng thời, hỗ trợ loại bỏ tác nhân gây bệnh và dự phòng biến chứng.
Một số loại thuốc thường dùng để điều trị uốn ván gồm:
- Thuốc kháng sinh: Được chỉ định dùng cho trường hợp bệnh nhân có các dấu hiệu của nhiễm trùng, bội nhiễm xung quanh vết thương và tiêu diệt các tế bào thực vật (nguồn sản sinh độc tố có hại). Một số loại thuốc kháng sinh thường dùng như:
- Penicillin 10 - 12 triệu đơn vị, liều tiêm hàng ngày liên tục trong 10 ngày;
- Metrodanizole liều khuyến cáo 500mg mỗi 6 giờ hoặc liều 1g mỗi 12 giờ;
- Có thể thay thế 2 loại trên bằng Erythromycin, Clindamycin, Oxacillin, Ceftazidim... trong trường hợp không đáp ứng;
- Tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván (TIG):
- Đây là một loại Globulin miễn dịch uốn ván có tác dụng kháng độc tố uốn ván và hỗ trợ loại bỏ một số loại độc tố khác gây hại cho cơ thể. Nhờ đó giúp giảm mức độ nghiêm trọng, ức chế tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ tử vong.
- Tuy nhiên, nhược điểm của thuốc là không thể loại bỏ được độc tố đã tấn công vào hệ thần kinh trung ương. Chỉ định tốt nhất khi dùng thuốc này là tiêm trước khi điều trị xử lý vết thương. Liều khuyến cáo 3000 - 6000UI 1 lần duy nhất thông qua tiêm bắp.
- Ngoài ra, có thể dùng huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván SAT liều 1.500UI. Lưu ý test thử phản ứng trước tiêm để đảm bảo an toàn.
- Thuốc an thần: Có tác dụng làm giãn cơ, chống co giật, co thắt để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến hô hấp. Một số loại thuốc thường dùng như:
- Diazepam liều khuyến cáo 2 - 8mg/kg/ngày. Có thể dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch hoặc bơm sonde dạ dày;
- Mydocalm làm mềm cơ với liều khuyến cáo 50mg x 4 viên/ ngày;
- Phối hợp nhiều loại thuốc với nhau nhằm kiểm soát các cơn co giật mạnh, tần suất liên tục, gồm Aminazin 25mg + Dolcontral 100mg + Dimedrol 10mg, dùng dưới dạng tiêm bắp < 3 lần/ ngày, tối đa trong 7 ngày;
- Một số loại thuốc khác
- Thuốc chống xuất huyết tiêu hóa như Pantoprazol hoặc Omeprazol dạng tiêm tĩnh mạch;
- Thuốc hỗ trợ điều chỉnh rối loạn thần kinh thực vật Magnesium sulfate truyền tĩnh mạch;
- Dung dịch Ringerlactat hoặc nuôi tĩnh mạch (nếu cần) để bù nước và các chất điện giải;
- Kết hợp tiêm vắc xin tăng cường miễn dịch chống lại bệnh;
Lưu ý quá trình dùng thuốc trị uốn ván cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ định về liều dùng do bác sĩ yêu cầu để đạt hiệu quả tối ưu. Không được tự ý ngưng thuốc giữa chừng hoặc tăng giảm liều dùng thuốc theo cảm tính gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị chung.
Chăm sóc tích cực
Song song với việc dùng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định về chăm sóc hỗ trợ nhằm rút ngắn thời gian điều trị, phục hồi bệnh nhanh hơn.
Vệ sinh vết thương
Xử lý vết thương là bước quan trọng cần thực hiện đầu tiên. Nếu nhiễm trùng nhẹ sẽ được rửa, vệ sinh bên ngoài bằng oxy già, thuốc sát trùng và băng lại, còn trường hợp nặng phải phẫu thuật loại bỏ nhiễm trùng và độc tố trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Nghỉ ngơi tại chỗ
Bệnh nhân uốn ván cần dành phần lớn thời gian trong ngày để nghỉ ngơi tại giường. Đảm bảo môi trường nghỉ ngơi yên tĩnh, không ồn ào, ánh sáng vừa phải nhằm hạn chế tối đa các yếu tố kích thích gây co thắt cơ.
Hỗ trợ hô hấp
Bệnh nhân uốn ván cần đảm bảo có một đường ở thông thoáng nhằm ổn định các triệu chứng đường hô hấp. Các biện pháp cần thực hiện như sau:
- Hút bỏ đờm dãi;
- Mở khí quản đặt thiết bị thông khí nhân tạo đối với những bệnh nhân có tiên lượng suy hô hấp nặng, không đáp ứng dùng thuốc;
- Thở oxy hoặc thở máy;
- Dùng thuốc vận mạch, truyền dịch để đảm bảo thể tích tuần hoàn;
Phòng ngừa
Uốn ván là căn bệnh nhiễm độc thần kinh nguy hiểm nhưng có thể được dự phòng bằng các biện pháp sau:
- Các vết thương dù lớn hay nhỏ đều phải được xử lý đúng cách. Trước tiên cần rửa sạch dưới vòi nước, rửa bằng xà phòng và sát trùng bằng oxy già nếu có vết trầy xước.
- Trường hợp vết thương có dị vật phải ưu tiên lấy dị vật ra trước, sau đó mới vệ sinh và băng bó vết thương.
- Với những vết thương lớn hoặc có dấu hiệu mưng mủ, nhiễm trùng khuyến khích bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được xử lý hiệu quả.
- Tiêm vắc xin ngừa uốn ván cho mọi đối tượng theo khuyến cáo liều lượng chuẩn của Bộ Y tế.
- Chú ý thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương trong nghề nghiệp hoặc các sinh hoạt hàng ngày, giảm nguy cơ nhiễm trùng uốn ván.
- Thực hiện tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về các kiến thức bệnh uốn ván và khuyến khích tiêm vắc xin sớm.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị uốn ván là gì?
2. Bệnh uốn ván có nguy hiểm không?
3. Nếu không điều trị uốn ván có thể gây tử vong không?
4. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán uốn ván?
5. Phương pháp điều trị uốn ván tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
6. Điều trị uốn ván nội trú hay ngoại trú?
7. Điều trị uốn ván bằng thuốc nào tốt nhất?
8. Trong quá trình dùng thuốc nếu có tác dụng phụ tôi cần làm gì để xử lý?
9. Quá trình điều trị uốn ván mất bao lâu thì phục hồi hoàn toàn?
10. Chi phí điều trị uốn ván tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?
Bệnh uốn ván tuy nguy hiểm nhưng với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay, bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi và dự phòng được. Khuyến khích mỗi người đều tự ý thức về sự nguy hiểm của căn bệnh này, chủ động thăm khám, điều trị ngay khi có vết thương và tiêm phòng vắc xin ngừa uốn ván càng sớm càng tốt.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
- Cách trị đờm ở trong cổ họng hiệu quả, đờm tiêu nhanh
- Di chứng hậu Covid: Nhận biết qua 10+ triệu chứng và cách điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!