Bệnh Đau Dây Thần Kinh Chẩm

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Đau dây thần kinh chẩm là một trong những bệnh lý nội thần kinh phổ biến, xảy ra do dây thần kinh chẩm bị tổn thương hoặc bị chèn ép. Bệnh đặc trưng bởi cơn đau nhức dữ dội và dai dẳng ở vùng nền sọ, xuất hiện đột ngột gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và công việc, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Điều trị đau dây thần kinh chẩm đáp ứng tốt với cả biện pháp nội khoa lẫn ngoại khoa. 

Tổng quan

Đau dây thần kinh chẩm (Occipital Neuralgia) là tên gọi khoa học của một dạng rối loạn đau đầu xuất phát từ dây thần kinh chẩm, khởi phát từ đốt sống cổ thứ 2 và 3 (ký hiệu C2 - C3) di chuyển ngược lên vùng gáy và da đầu. Cơn đau dây thần kinh chẩm thường xuất hiện do các tổn thương hoặc viêm nhiễm xảy ra tại các dây thần kinh này.

Đau dây thần kinh chẩm là bệnh lý nội - thần kinh dễ bị nhầm lẫn với chứng đau nửa đầu và nhiều dạng đau đầu khác

Bản chất của các dây thần kinh chẩm theo định nghĩa của Hiệp hội đau đầu quốc tế IHS (International headache society) là những cơn đau kịch phát, đau nhói được mô tả như bị dao đâm hoặc bị điện giật từ phía sau hộp sọ. Cơn đau thường khởi phát đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, ở 1 hoặc cả 2 bên. Cơn đau cấp thường dữ dội, kéo dài trong vài giây cho đến vài phút, trường hợp mạn tính, kéo dài trong khoảng 1 - 3 ngày và hay tái phát.

Theo một thống kê, đau dây thần kinh chẩm xảy ra ở khoảng 5% dân số thế giới, chủ yếu trong độ tuổi trưởng thành. Bệnh rất dễ nhầm lẫn với chứng đau nửa đầu (Migraines) hoặc đau đầu đơn thuần. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng khó lường đến sức khỏe.

Phân loại

Dựa theo nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm, bệnh được chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Nguyên phát: Đau dây thần kinh chẩm bộc phát như một dạng rối loạn đau đầu thường không rõ nguyên nhân hoặc xuất phát từ các tổn thương tại chỗ.
  • Thứ phát: Nguyên nhân khởi phát bệnh có liên quan đến các bệnh lý nền như nhiễm trùng, chấn thương, khối u, xuất huyết, các bệnh hệ thống...

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đau dây thần kinh chẩm là hậu quả của các kích thích mạnh gây áp lực lớn tác động gây tổn thương dây thần kinh chẩm lớn (GON - greater occipital nerve) và dây thần kinh chẩm bé (LON - lesser occipital nerve).

Chấn thương, viêm nhiễm, khối u... là những tác nhân gây kích thích, tạo áp lực chèn ép lên dây thần kinh chẩm

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố liên quan đến những tình trạng này như:

  • Va chạm mạnh gây chấn thương sau đầu hoặc căng cơ vùng cổ như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã khi chơi thể thao...;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý xương khớp, cột sống như viêm xương khớp cột sống cổ, thoái hóa/ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, gai cột sống... gây chèn ép lên dây thần kinh chẩm lớn - nhỏ hoặc các rễ cổ C2 - C3;
  • Ảnh hưởng từ các vấn đề sức khỏe mạch máu như viêm mạch máu vùng chẩm hoặc thực hiện thủ thuật thông động tĩnh mạch màng cứng vùng C1 - C2 gây tổn thương dây thần kinh phát sinh cơn đau đầu;
  • Các yếu tố bệnh lý khác như:
    • Đái tháo đường;
    • Bệnh gout;
    • Khối u mạch thể hang phát triển trong vùng tủy cổ;
    • Nhiễm trùng;
    • Đã từng thực hiện trị liệu Chiropractic;
    • ...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân đau dây thần kinh chẩm thường phải đối mặt với những cơn đau nhức dữ dội, được mô tả giống như cảm giác bị điện giật hoặc dao đâm trực diện vào vùng cổ gáy. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như:

Cơn đau dây thần kinh chẩm bộc phát đột ngột, dữ dội, có thể đau 1 hoặc cả 2 bên đầu

  • Có cảm giác nóng rát, nhói từng cơn từ khu vực đáy sọ, đau thành từng nhịp;
  • Cơn đau nhanh chóng lan dọc 2 bên đầu hoặc lan sang phía sau;
  • Đau 1 hoặc cả bên đầu;
  • Đau hốc mắt, vùng sau mắt và đau nặng hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh;
  • Da đầu nhạy cảm, dễ đau dù chỉ tác động nhẹ như gội đầu hoặc chải đầu;
  • Cơn đau biểu lộ rõ rệt khi người bệnh xoay người hoặc nghiêng cổ sang 2 bên;
  • Ban đầu cơn đau thường thưa, sau đó tăng dần lên khiến khoảng cách giữa các cơn đau ngắn lại, 2 - 3 cơn/ ngày hoặc đau kéo dài liên tục suốt cả ngày lẫn đêm;

Chẩn đoán

Chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm thường dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng do bệnh nhân cung cấp và thông qua các bài kiểm tra lâm sàng tại chỗ. Đối với bệnh lý này, không có cận lâm sàng đặc hiệu. Việc thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cơ bản chỉ nhằm mục đích phát hiện các tổn thương, bệnh lý tiềm ẩn hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như đau dây thần kinh chẩm.

Hình ảnh chụp MRI, CT, X quang... giúp phát hiện các tổn thương bất thường trong sọ não, cột sống cổ để chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm

Bao gồm các biện pháp sau:

  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ MRI cột sống cổ và sọ não được chỉ định thực hiện cho những bệnh nhân bị đau dây thần kinh chẩm nhưng đã điều trị ổn định nhưng tái phát trở lại trong thời gian gần đây. Ngoài ra, chụp MRI còn giúp phân biệt cơn đau đầu do các khối u não hoặc dị dạng mạch...
  • Chụp CT: Chụp CT scan cắt lớp vi tính vùng cột sống cổ và sọ não giúp ích rất nhiều trong việc phát hiện các bệnh lý về nội sọ, phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng tương tự như đau thần kinh chẩm.
  • Chụp X quang: Hình ảnh X quang cột sống cổ giúp phát hiện và đánh giá mức độ thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống...
  • Xét nghiệm máu: Thu thập mẫu máu mang đi phân tích công thức máu, sinh hóa máu, đo tốc độ lắng máu để phát hiện bất thường có liên quan đến cơn đau thần kinh chẩm.
  • Phong bế thần kinh: Phong bế thần kinh chẩm lớn và chẩm bé là phương pháp hiệu quả giúp chẩn đoán phân biệt giữa đau dây thần kinh chẩm với đau đầu do căng thẳng. Quá trình phong bế thường được thực hiện ở ụ chẩm. Trường hợp cơn đau đầu thần kinh không đáp ứng với phong bế, mà lại đáp ứng với thuốc chống trầm cảm hoặc gây tê ngoài màng cứng vùng cổ sẽ được chẩn đoán là đau đầu type căng thẳng.
  • Một vài trường hợp khác bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân chụp mạch máu để kiểm tra để phát hiện bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Cơn đau dây thần kinh chẩm xảy ra đột ngột và đau dữ dội, đau nhói như điện giật khiến người bệnh không kịp thích ứng. Tình trạng này sẽ rất nguy hiểm nếu bạn đang di chuyển ngoài đường hoặc thực hiện các công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, tăng nguy cơ gặp tai nạn và các rủi ro khác.

Cơn đau dây thần kinh chẩm kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và chất lượng cuộc sống của người bệnh

Bên cạnh đó, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến sức khỏe như:

  • Tăng huyết áp đột ngột;
  • Đau dây thần kinh chẩm kéo theo đau vùng vai gáy, đau mắt, đau răng;
  • Kéo theo đau dây thần kinh sinh ba (Trigeminal nerve);
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và suy giảm chất lượng cuộc sống;

Tiên lượng điều trị đau dây thần kinh chẩm tương đối tốt trong giai đoạn đầu khi bệnh vừa khởi phát và chưa có biến chứng. Điều trị đau dây thần kinh chẩm chủ yếu nhằm mục đích kiểm soát cơn đau tạm thời, dự phòng tái phát hoặc can thiệp phẫu thuật trong giai muộn để loại bỏ tác nhân gây tổn thương, chèn ép đến các dây thần kinh cổ.

Điều trị

Có rất nhiều phương án điều trị đau dây thần kinh chẩm, tùy theo nguyên nhân, mức độ và thể trạng của bệnh nhân sẽ được chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

1. Điều trị không can thiệp 

Điều trị đau dây thần kinh chẩm bằng các phương pháp này nhằm mục tiêu giảm đau, cải thiện triệu chứng tạm thời, giúp bệnh nhân thoải mái hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Bao gồm các biện pháp sau:

# Phong bế thần kinh chẩm

Phong bế thần kinh chẩm (tên tiếng Anh là Occipital nerve block - ONB) vừa là phương pháp chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị đau dây thần kinh chẩm được áp dụng hiệu quả. Đây là kỹ thuật gây tê tại chỗ bằng cách sử dụng một loại dung dịch được kết hợp từ thuốc chống viêm không cortioid và thuốc gây tê, tiêm trực tiếp vào dây thần kinh chẩm.

Phong bế thần kinh chẩm vừa là biện pháp chẩn đoán vừa là phương pháp điều trị đau dây thần kinh chẩm

Dưới tác dụng của thuốc, đường truyền dẫn các kích thích gây đau nhức sẽ bị chặn đứng lại, giúp người bệnh không còn cảm nhận được cơn đau nữa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể thực hiện phương pháp này, chống chỉ định phong bế thần kinh chẩm đối với những người có tổn thương phần mềm ở vùng da dưới dây thần kinh chẩm như áp xe, viêm da, động tĩnh mạch bị dị dạng...

Sau khoảng 4 - 5 tháng tiêm phong bế thần kinh chẩm, cơn đau đầu sẽ được cải thiện đáng kể. Trường hợp tái phát cơn đau trở lại vẫn có thể tiếp tục áp dụng phương pháp này với kỹ thuật tương tự để kiểm soát bệnh. Đây là thủ thuật điều trị khá an toàn, ít rủi ro nên được nhiều người ưu tiên áp dụng.

# Điều trị đau dây thần kinh chẩm bằng sóng vô tuyến RFA

Ngoài dùng thuốc gây tê, kỹ thuật phong bế giúp chặn đứng đường truyền dẫn dây thần kinh chẩm còn được thực hiện bằng phương pháp đốt sóng cao tần (Radio - frequency ablation - RFA). Kỹ thuật này hiện đang được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Được chỉ định cho những trường hợp đau dây thần kinh chẩm nhưng điều trị nội khoa thất bại.

Điều trị đau dây thần kinh chẩm bằng sóng vô tuyến RFA

Phương pháp này sử dụng dòng điện xoay chiều với tần số dao động từ 300 - 500 MHz, được đưa đến tiếp cận đến dây thần kinh chẩm thông qua màn hình tăng sáng. Nguồn nhiệt nóng được phát ra từ dòng điện này có khả năng làm tê liệt dây thần kinh chẩm và dứt điểm cơn đau nhanh chóng. Kỹ thuật này được đánh giá cao vì đem lại hiệu quả rõ rệt, không cần gây mê, chỉ gây tê cục bộ và ít rủi ro, tác dụng phụ.

# Các biện pháp hỗ trợ 

Để hỗ trợ xoa dịu cơn đau, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp tích cực sau:

  • Chườm ấm;
  • Nằm nghỉ ngơi nhiều hơn;
  • Vật lý trị liệu;
  • Các bài tập yoga;
  • Xoa bóp, massage;
  • ...

# Dùng thuốc

Trường hợp chỉ áp dụng các biện pháp giảm đau thông thường không đem lại hiệu quả, bệnh nhân sẽ phải sử dụng thêm một số loại thuốc hỗ trợ như:

  • Thuốc điều trị co giật, chống động kinh như Gabapentin, Carbamazepine (Tegretol);
  • Thuốc chống suy nhược (antidepressants);
  • Thuốc giãn cơ;
  • Thuốc chống trầm cảm;
  • Thuốc Steroid dùng trong kỹ thuật phong bế thần kinh;

2. Phẫu thuật

Những trường hợp đau dây thần kinh chẩm nghiêm trọng, các dây thần kinh chẩm bị chèn ép quá mức không thể cải thiện được bắt buộc phải can thiệp điều trị phẫu thuật. Tùy theo nguyên nhân và mức độ đau dây thần kinh chẩm, bệnh nhân sẽ được chỉ định áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Phẫu thuật áp dụng cho những trường hợp bị đau dây thần kinh chẩm nghiêm trọng

  • Giải ép mạch máu vi phẫu (Microvascular decompression): Kỹ thuật này được thực hiện bằng phương pháp mổ hở, để lộ rõ các dây thần kinh bị tổn thương và các mạch máu chèn ép lên dây thần kinh. Sau đó, với tay nghề chuyên môn cao, bác sĩ sẽ tiến hành tách chúng khỏi nhau. Một số dây thần kinh được xử lý thường là rễ thần kinh C2, dây thần kinh hạch và hậu hạch. Sau điều trị, cơn đau dây thần kinh chẩm sẽ không còn nữa và tạo điều kiện cho chúng có thời gian phục hồi.
  • Kỹ thuật kích thích dây thần kinh chẩm (Occipital nerve stimulation): Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa nguồn xung điện thông qua dây dẫn luồn dưới da và tiếp cận gần với các dây thần kinh chẩm bên trong nền sọ. Nguồn xung điện phát ra từ dây dẫn tác động đến các dây thần kinh chẩm và ngăn chặn việc chúng phát truyền tín hiệu đến não.

Ngoài ra, còn nhiều loại phẫu thuật khác giúp xử lý các tổn thương đau dây thần kinh chẩm như:

  • Phẫu thuật dùng sóng vô tuyến loại bỏ các hạch thần kinh (Radio frequency ganglio - neurectomy - RFGN);
  • Phẫu thuật cắt bỏ hạch thần kinh (Ganglineurectomy);
  • Phẫu thuật cắt bỏ các rễ dây thần kinh chèn ép lên dây thần kinh chẩm (Rhizotomy surgery);
  • Phẫu thuật giải phóng chèn ép lên dây thần kinh chẩm (Decompression surgery);
  • Kỹ thuật Cryo;
  • Liệu pháp dùng phenol;
  • Tiêm botox;

Phòng ngừa

Cơn đau dây thần kinh chẩm có thể được kiểm soát và phòng ngừa nếu người bệnh có một lối sống lành mạnh, tích cực. Cụ thể với các biện pháp sau:

Sinh hoạt lành mạnh và khoa học giảm thiểu nguy cơ phát sinh cơn đau dây thần kinh chẩm

  • Ăn uống đủ chất, cân bằng dinh dưỡng và bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ quả, trái cây.
  • Uống nhiều nước đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, phòng ngừa đau dây thần kinh chẩm.
  • Tập thể dục thường xuyên và vận động tích cực nhưng lưu ý tập đúng cách, tham khảo hướng dẫn của huấn luyện viên hoặc tập online.
  • Thực hiện các tư thế hoạt động đúng hàng ngày khi làm việc, ngủ, nghỉ ngơi để giảm thiểu tổn thương ở vùng cổ, vai gáy...
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn giúp đầu óc thoải mái, thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông lên não tốt hơn;
  • Nói không với rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm huyết áp, đo đường huyết thường xuyên để nắm rõ tình trạng sức khỏe, kịp thời phát hiện các bất thường và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân khiến tôi bị đau dây thần kinh chẩm?

2. Cơn đau dây thần kinh chẩm có đặc điểm gì?

3. Bị đau dây thần kinh chẩm có chữa khỏi không?

4. Đau dây thần kinh chẩm gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và công việc của tôi?

5. Phương pháp điều trị đau dây thần kinh chẩm tốt nhất dành cho tôi?

6. Nếu chỉ dùng thuốc giảm đau có trị khỏi đau dây thần kinh chẩm không?

7. Bị đau dây thần kinh chẩm khi nào cần phẫu thuật?

8. Những lợi ích và rủi ro liên quan đến phẫu thuật đau dây thần kinh chẩm?

9. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe trong quá trình điều trị đau dây thần kinh chẩm?

10. Sau điều trị đau dây thần kinh chẩm, bệnh có tái phát trở lại không?

Đau thần kinh chẩm là cơn đau thần kinh có cơ chế khá phức tạp nhưng lại không quá nguy hiểm, ít khi đe dọa đến tính mạng người bệnh. Hầu hết các trường hợp bệnh đều đáp ứng tốt với các biện pháp nội khoa. Nhưng tốt hơn hết, người bệnh vẫn nên thăm khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Hội chứng não gan
Hội chứng não gan là tình trạng tổn thương gan gây ảnh hưởng đến chức năng não. Bệnh được phân chia làm nhiều dạng khác nhau dựa vào căn nguyên,…
Hội chứng Tourette
Hội chứng Tourette là một dạng rối loạn thần kinh…
Bệnh Amip Ăn Não
Amip ăn não là bệnh lý nhiễm trùng hệ thần…
Giãn Não Thất
Giãn não thất là dị tật bẩm sinh do tích…
Bệnh Đau Dây Thần Kinh Sinh Ba

Đau dây thần kinh sinh ba là một trong những rối loạn chức năng dây số V, đặc trưng bởi…

Bệnh Liệt dây thần kinh số 7

Liệt dây thần kinh số 7 là tình trạng bất thường gây ảnh hưởng đến dây thần kinh mặt, khiến…

Sốc nhiệt

Sốc nhiệt là tình trạng y tế nghiêm trọng được gây ra do tiếp xúc với nhiệt độ và độ…

Hẹp Động Mạch Cảnh

Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi các mảng bám xơ vữa tích tụ trong lòng động mạch cảnh gây…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua