Bệnh Đau Dây Thần Kinh Sinh Ba

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Đau dây thần kinh sinh ba là một trong những rối loạn chức năng dây số V, đặc trưng bởi cơn đau đột ngột và dữ dội ở vùng mặt. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi trung niên. Tuy không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý răng hàm mặt. Nếu không thăm khám để chẩn đoán chuyên khoa, có thể dẫn đến các hệ lụy khó lường do điều trị sai cách. 

Tổng quan

Các dây thần kinh sinh ba còn được gọi là dây thần kinh số  V, là 1 trong 12 dây thần kinh quan trọng của sọ não, mỗi bên não sẽ được chi phối bởi 1 dây số V cùng bên. Khởi đầu từ não, khi vào bên trong hộp sọ, dây thần kinh sinh ba được chia làm 3 nhánh nhỏ và tỏa đi khắp khuôn mặt gồm: nhánh V1 (kiểm soát trán, mắt, mí mắt trên), nhánh V2 (kiểm soát mí mắt dưới, mũi, má, môi và nướu trên), nhánh V3 (môi và nướu dưới, hàm cùng các cơ nhai trên mặt).

Đau dây thần kinh sinh là tình trạng rối loạn suy giảm chức năng dây thần kinh số V gây đau nhức vùng mặt

Có thể nói, dây thần kinh sinh ba là một trong những dây thần kinh chính giúp chi phối khả năng cử động các cơ quan, bộ phận trên mặt. Cụ thể như:

  • Dẫn truyền cảm giác đau, sờ ở mặt, quanh miệng, răng đến não;
  • Tham gia quá trình chi phối sản sinh nước bọt, nước mắt;

Đau dây thần kinh sinh ba (Trigeminal Neuralgia - TN hoặc tic douloureux) là một trong những rối loạn mạnh mẽ nhưng hiếm gặp về chức năng dây thần kinh số V. Chứng bệnh này đặc trưng bởi cơn đau nhức dữ dội ở vùng mặt, cụ thể hơn là ở mắt, môi, lợi, cằm... Kèm theo đó là phản xạ gây co giật khiến người bệnh có cảm giác như bị điện giật, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và ngày càng tiến triển nặng thêm.

Chứng bệnh này thường xảy ra phổ biến ở người trưởng thành > 50 tuổi, chủ yếu xảy ra ở nữ giới. Những cơn đau đột ngột ở vùng mặt khiến người bệnh không kịp thích ứng và gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Đặc biệt dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý răng miệng khác dẫn đến điều trị sai hướng, gây ra những hậu quả khó lường.

Phân loại

Đau dây thần kinh sinh ba được chia làm 2 dạng dựa trên các đặc điểm và tính chất cơn đau:

  • Rối loạn điển hình (TN1): Cơn đau dây thần kinh sinh ba dạng này gây đau nhức dữ dội ở mặt, xảy ra đột ngột, kéo dài khoảng vài giây, tối đa < 2 phút/ lần. Cơn đau xuất hiện lẻ tẻ, tiếp nối liên tục và mỗi đợt đau kéo dài khoảng 2 tiếng;
  • Rối loạn không điển hình (TN2): Thường đặc trưng bởi cơn đau nhói, có cảm giác bỏng rát nhưng với cường độ thấp hơn TN1, cũng có thể xảy ra liên tục trong vài giờ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần;

Dựa theo nguyên nhân, đau dây thần kinh sinh ba cũng được phân làm 2 loại là nguyên phát và thứ phát:

  • Nguyên phát: Thường có liên quan đến sự chèn ép các dây thần kinh trong nên sọ, nơi não bộ giao nhau với tủy sống. Sự tiếp xúc bất chợt này giữa tĩnh mạch, động mạch với dây thần kinh sinh ba gây ra sự chèn ép cơ học và gây ra đau nhức vùng mặt;
  • Thứ phát: Cơn đau dây thần kinh sinh ba khởi phát do có liên quan đến một số bệnh lý như u não, u nang, đa xơ cứng, các bệnh làm tổn thương bao myelin hoặc chấn thương mặt...;

Tham khảo thêm: Bệnh Đau Dây Thần Kinh Chẩm

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, đau dây thần kinh sinh ba xảy ra do các nguyên nhân và yếu tố sau:

Chứng đau dây thần kinh sinh ba thường xảy ra ở nữ giới trong độ tuổi trung niên

  • Sự chèn ép cơ học quá mức các mạch máu trên dây thần kinh hoặc các hạch Gasser gây tổn thương dây V;
  • Các myelin ở rễ cảm giác gần hạch Gasser bị mất đi. Khi quan sát dưới kính hiển vi cho thấy có sợi trục được bao quanh bởi các myelin bất thường trong đau dây thần kinh sinh ba nguyên phát;
  • Các neuron cảm giác vùng tủy sống cổ và hành não dây V tạo ra lực tác động mạnh và đột ngột gây đau vùng mặt;
  • Tổn thương dây V kết hợp với các bệnh lý như đau răng, tủy răng, viêm xoang... cũng có thể gây ra đau dây thần kinh sinh ba;
  • Ảnh hưởng từ các đợt sang chấn mạnh tại vùng sọ, biến chứng gãy xương nền sọ, phẫu thuật xoang, phẫu thuật miệng, đột quỵ...;
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý khác như:
    • Bệnh zona thần kinh;
    • Ung thư vòm họng di căn;
    • U nền sọ;
    • U tiên phát dây thần kinh;
    • U màng não, u mạch, u dây VIII, u cholesteatoma;
    • Hội chứng Wallenberg (tình trạng nhồi máu não vùng hố bên hành não);
    • Bệnh xơ cứng não tủy rải rác;
    • Bệnh gout tại ống xương ở lỗ trên, lỗ dưới ổ mắt, cằm...;
    • Bệnh rỗng hành não;
    • ...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Bệnh nhân đau dây thần kinh sinh ba thường gặp các triệu chứng sau:

Cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội đến mức co giật cơ mặt, chạm nhẹ cũng gây đau

  • Cơn đau xuất hiện đột ngột ở một bên mặt (hiếm khi xảy ra ở cả 2 bên);
  • Tính chất cơn đau dữ dội, như bị kim châm, điện giật, như có ai đó cấu xé vào,
  • Đau đến mức các cơ mặt co giật khiến người bệnh không thể nói, cử động mà phải dùng tay ôm đầu;
  • Cơn đau xuất hiện nhiều nhất vào ban ngày, nhất là khi có các kích thích như:
    • Cạo râu
    • Đánh răng
    • Ăn nhai
    • Trang điểm
    • Nói chuyện
    • Dùng tay sờ vào mặt
    • Bị gió mạnh thổi tạt vào mặt...
  • Cơn đau thường kéo dài vài phút, tần suất xuất hiện kéo dài trong vài tuần, vài tháng sau đó dần thuyên giảm;
  • Vùng da và niêm mạc ở môi, lợi, cằm trở nên nhạy cảm, dễ bị đau nhức dù chỉ bị kích thích nhẹ;
  • Kèm theo một số triệu chứng toàn thân khác trong lúc bộc phát cơn đau, cơ mặt co giật như vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, chảy nước mắt, nước mũi...;

Chẩn đoán 

Theo các chuyên gia, các triệu chứng đau dây V có tính đặc hiệu cao nên chỉ cần thu thập đủ các triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh cá nhân là đã có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu về bệnh. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận chính xác nhất, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các thăm khám và xét nghiệm chẩn đoán sau:

Thăm khám vùng mặt, đầu, cổ chẩn đoán đau dây thần kinh sinh ba

  • Thăm khám vùng đầu, cổ, kiểm tra vận động cũng như đánh giá trạng thái tinh thần của bệnh nhân;
  • Chỉ định thực hiện một số xét nghiệm phản xạ để đánh giá chức năng các cơ quan, bộ phận ở vùng mặt như đo nhãn áp kiểm tra phản xạ chớp mắt, yếu cơ mặt....;
  • Chụp MRI cộng hưởng từ sọ não và xoang giúp phát hiện sự chèn ép bất thường của các mạch máu lên dây V. Ngoài ra, hình ảnh MRI còn giúp loại trừ các tổn thương vùng hố sau của cuống não hoặc chứng bệnh hủy Myelin;
  • Xét nghiệm máu giúp kiểm tra tốc độ lắng máu, phân tích công thức máu, sinh hóa máu giúp ích trong việc chẩn đoán đau thần kinh sinh ba;

Ngoài ra, để tránh mắc sai lầm trong điều trị, cần chẩn đoán phân biệt chính xác giữa đau dây thần kinh sinh ba với các bệnh lý có cơn đau tương tự như:

  • Đau đầu migraine;
  • Đau răng;
  • Viêm gân thái dương;
  • Đau dây thần kinh chẩm;
  • Đau dây thần kinh hầu họng;
  • Đau dây thần kinh hậu zona;
  • Hội chứng viêm khớp thái dương hàm (Temporomandibular joint - TMJ);
  • Viêm tai;
  • Viêm xoang;
  • Viêm động mạch tế bào khổng lồ;
  • Hội chứng Ernest;
  • ...

Biến chứng và tiên lượng

Đau dây thần kinh sinh ba là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, cũng như nhiều bệnh lý nội thần kinh khác, nếu để bệnh tiến triển kéo dài mà không điều trị sớm có thể phát sinh nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe như:

Đau dây thần kinh sinh ba không điều trị có thể gây liệt cơ mặt, ảnh hưởng khả năng chi phối vận động các bộ phận trên mặt

  • Liệt cơ mặt do liệt dây V;
  • Rối loạn vận động các bộ phận trên mặt do dây VII bị ảnh hưởng;
  • Dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý răng miệng, hàm, nướu... dẫn đến điều trị sai cách, nhổ bỏ răng trong khi bản chất cơn đau răng đến từ cơn đau dây thần kinh V;

Đau dây thần kinh sinh ba là bệnh không có khả năng tự khỏi, bắt buộc phải can thiệp điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Trong mỗi trường hợp bệnh, có nguyên nhân, mức độ bệnh khác nhau mà thời gian điều trị cũng có sự khác biệt, có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần hoặc lâu hơn từ 3 - 6 tháng.

Hầu hết trường hợp phát hiện đau dây thần kinh sinh ba đều đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc và không cần can thiệp điều trị gì thêm. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp triệu chứng bệnh giảm sau dùng thuốc nhưng cơ địa dị ứng hoặc gây tác dụng phụ. Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định áp dụng phương pháp khác như tiêm hoặc phẫu thuật để đạt hiệu quả tốt hơn.

Điều trị

Hiện nay, điều trị đau dây thần kinh sinh ba được áp dụng với các phương pháp phổ biến sau đây:

1. Điều trị bằng thuốc

Điều trị đau dây thần kinh sinh ba bằng thuốc là phương pháp được ưu tiên chỉ định trong phác đồ hiện đại. Đa phần các trường hợp bệnh đều đáp ứng tốt với việc dùng thuốc. Một số loại thuốc trị đau dây V được sử dụng phổ biến như:

Điều trị đau dây thần kinh sinh ba bằng cách phối hợp nhiều loại thuốc với nhau nhằm mục đích kiểm soát cơn đau

  • Nhóm thuốc đặc trị gồm Carbamazepine và Oxcarbazepine.
    • Liều khởi đầu 100 - 200mg x 2 lần/ ngày;
    • Liều dùng hàng ngày thường phải tăng thêm 100mg mỗi ngày cho đến khi cảm nhận rõ rệt sự thuyên giảm của cơn đau;
    • Liều duy trì khoảng 300 - 800mg/ ngày, chia làm 2 - 3 lần uống
  • Nhóm thuốc phối hợp hoặc thay thế nhóm trên gồm:
    • Thuốc xoa dịu các xung thần kinh nhưGabapentin hoặc Pregabalin, Lamotrigine, Baclofen...;
    • Thuốc chống động kinh;
    • Thuốc chống co cơ kết hợp thuốc làm giãn cơ;
    • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng;
    • Nhóm thuốc SNRIs;
    • Thuốc Tramadol;
  • Nhóm thuốc hỗ trợ giảm đau như: Lidocaine, Capsaicin... dạng bôi được chỉ định dùng phối hợp nhằm tăng hiệu quả giảm đau bên cạnh các loại giảm đau dạng uống.

Lưu ý quan trọng khi dùng thuốc trị đau dây thần kinh sinh ba:

  • Không được tự ý ngưng thuốc đột ngột để tránh gây tăng huyết áp, kéo theo nhiều hệ lụy như nhồi máu cơ tim, lên cơn đột quỵ, đe dọa đến tính mạng;
  • Tuân thủ liều dùng thuốc, tránh tự ý tăng liều hoặc lạm dụng quá mức để tránh gây tác dụng phụ như: chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, khô miệng, mệt mỏi, chứng song thị...;
  • Thông thường, sau 1 - 2 ngày sử dụng thuốc, tác dụng phụ sẽ xuất hiện nhưng sẽ dần thuyên giảm sau đó khi cơ thể bắt đầu thích nghi với thuốc;
  • Trường hợp tác dụng phụ kéo dài quá lâu và có xu hướng tiến triển nặng tốt nhất nên thông báo cho bác sĩ để được thay đổi dùng loại thuốc khác phù hợp hơn;

2. Can thiệp ngoại khoa 

Chỉ những trường hợp điều trị nội khoa thất bại mới được chỉ định phẫu thuật. Có 2 phương pháp ngoại khoa nhỏ được áp dụng tùy theo từng trường hợp bệnh gồm phương pháp làm tổn thương dây V và phương pháp không làm tổn thương dây V. Cụ thể như sau:

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp dây thần kinh số V tổn thương nghiêm trọng và không đáp ứng điều trị bằng thuốc

Nhóm phương pháp làm tổn thương dây V

Bao gồm các phương pháp cơ bản sau:

  • Tiêm chích dọc theo đường đi của dây V như nhánh V2, V3, dây thần kinh dưới hốc mắt, dây thần kinh trên hốc mắt...;
  • Cắt bỏ hoặc đốt nhánh ngoại biên của dây thần kinh V. Các nhánh dây thần kinh thường bị xử lý là nhánh dưới ổ mắt, nhánh trên ổ mắt, nhánh dưới ròng rọc, nhánh trên ròng rọc, nhánh thần kinh ổ răng dưới, thần kinh cằm, thần kinh lưỡi...;
  • Cắt dây thần kinh V sau hạch Gasser thông qua đường vào tại vị trí cực thái dương;
  • Cắt dây thần kinh V ở gần cầu não thông qua đường vào ngay tại vị trí cực thái dương;
  • Phương pháp nhiệt động dây V tại vị trí hạch Gasser bằng sóng radio;
  • Phương pháp mở thông dây thần kinh số V;

Nhóm phương pháp phẫu thuật không làm tổn thương dây V

Phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là giải pháp vi mạch, được thực hiện dựa trên giải pháp giải phóng các chèn ép mạch máu tại thần kinh, xử lý tận gốc nguyên nhân gây cơn đau dây thần kinh sinh ba. Kỹ thuật mổ vi phẫu thường được áp dụng trong trường hợp này. Phương pháp này được đánh giá khả quan vì đem lại hiệu quả tốt, ít rủi ro và tỷ lệ tái phát thấp.

Ngoài ra, với kỹ thuật y học hiện đại, hiện nay điều trị đau dây thần kinh sinh ba còn được áp dụng phương pháp phẫu thuật cắt bằng sóng gamma. Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn cơn đau. Trường hợp tái phát vẫn có thể tiến hành phẫu thuật lại mà không gây hệ lụy xấu cho sức khỏe.

Ngoài 2 biện pháp đặc trị trên, bệnh nhân đau dây thần kinh sinh ba cần có một chế độ chăm sóc khoa học về chế độ sinh hoạt, ăn uống và vận động tích cực để sớm khỏi bệnh, phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa đau dây thần kinh sinh ba, bạn cần nâng cao ý thức của bản thân trong việc xây dựng lối sống sinh hoạt và dinh dưỡng khoa học.

Lối sống khoa học, dinh dưỡng lành mạnh và vận động tích cực là giải pháp tốt nhất giúp phòng ngừa đau dây thần kinh sinh ba

Chế độ ăn uống

Để giảm nguy cơ bị đau dây thần kinh sinh ba, hãy tăng cường bổ sung các loại thực phẩm sau:

  • Nhóm thực phẩm giàu omega-3: trong cá thu, cá hồi... giúp hỗ trợ chống viêm, giảm tổn thương và giảm đau đau dây V;
  • Nhóm thực phẩm giàu vitamin B12 vì theo nhiều nghiên cứu thiếu hụt vitamin B12 là một trong những nguyên nhân gây đau dây thần kinh sinh ba. Tăng cường các loại thực phẩm như thịt nạc, cá, trứng, sữa ít béo, ngũ cốc...;
  • Nhóm thực phẩm giàu vitamin B & chất xơ giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ gây đau dây thần kinh số V. Một số loại như yến mạch, lúa mạch, gạo lứt...;
  • Nhóm thực phẩm giàu protein giúp hỗ trợ xoa dịu căng thẳng thần kinh, nâng cao miễn dịch và thúc đẩy cơ chế tự chữa lành các mô bị tổn thương. Có nhiều trong các loại sữa động vật và sữa hạt;
  • Nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa từ các loại trái cây, rau xanh, củ quả như cà chua, ớt chuông, cam, quýt, bí xanh, đậu hà lan, các loại rau lá xanh đậm... Chúng giúp kiểm soát sự thèm ăn, ổn định chỉ số đường huyết, huyết áp phòng ngừa đau dây thần kinh sinh ba;

Ngoài ra, cần kiêng các loại thực phẩm gây kích thích thần kinh như rượu bia, cà phê,  nước ngọt có gas, gia vị cay nóng, thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn chứa chất bảo quản... làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương dây thần kinh số V và khởi phát cơn đau đầu.

Chế độ sinh hoạt và vận động 

Bên cạnh ăn uống, hãy thực hiện lối sống khoa học bằng các thói quen lành mạnh như:

  • Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya, không làm việc quá sức...;
  • Tập thể dục mỗi ngày hoặc ít nhất 2.5 - 3 tiếng/ tuần bằng những bộ môn đơn giản như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội...;
  • Thường xuyên thực hiện các kỹ thuật thư giãn thần kinh như yoga, thiền định, thôi miên... dưới sự hướng dẫn của chuyên gia;
  • Tránh thực hiện các hoạt động gây tác động quá mạnh đến vùng mặt, đeo khẩu trang giữ ấm mặt, quàng khăn cổ;
  • Massage mặt thư giãn, chườm ấm thường xuyên để giảm căng cơ, phòng ngừa đau dây thần kinh sinh ba;
  • Duy trì trạng thái tinh thần lạc quan, tích cực, tránh stress, căng thẳng quá mức;

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi bị đau dây thần kinh sinh ba?

2. Bệnh đau dây thần kinh sinh ba có nguy hiểm không?

3. Đau dây thần kinh sinh ba có gây liệt không?

4. Bị đau dây thần kinh sinh ba có di truyền không?

5. Tôi bị đau dây thần kinh sinh ba có mang thai được không?

6. Các biện pháp chẩn đoán đau dây thần kinh sinh ba tôi cần thực hiện?

7. Phương pháp điều trị đau dây thần kinh sinh ba nào hiệu quả nhất?

8. Các loại thuốc trị đau dây thần kinh sinh ba tôi nên sử dụng?

9. Bị đau dây thần kinh sinh ba khi nào cần phẫu thuật?

10. Sau điều trị, đau dây thần kinh sinh ba có bị tái phát không?

Đau dây thần kinh sinh ba là bệnh lý nội thần kinh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và suy giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, để có một sức khỏe ổn định bền vững, hãy xây dựng lối sống sinh hoạt, vận động và dinh dưỡng khoa học. Đồng thời, thăm khám và điều trị sớm ngay khi phát hiện bất thường để ngăn ngừa các rủi ro khó lường về sau.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Áp Xe Não Do Amip
Áp xe não do amip là một bệnh nhiễm ký sinh trùng do amip Entamoeba histolytica gây ra. Sự xuất hiện của các khối áp xe não tạo áp lực…
Hội chứng West
Hội chứng West là một loại động kinh hiếm gặp…
Bệnh Đau Dây Thần Kinh Chẩm
Đau dây thần kinh chẩm là một trong những bệnh…
Hội chứng PANDAS
Hội chứng PANDAS là từ viết tắt của Chứng rối…
Bệnh Amip Ăn Não

Amip ăn não là bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Tác nhân chính là do chủng amip…

Bệnh Teo Dây Thần Kinh Thị Giác

Teo dây thần kinh thị giác là bệnh lý xảy ra tại dây thần kinh sọ số II. Đặc trưng…

Bệnh Trầm cảm

Trầm cảm là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng rối loạn tâm thần nghiêm trọng và phổ biến trong…

Bệnh Bại Não

Bại não là tập hợp một nhóm các rối loạn ở hệ thần kinh, gây tổn thương não và ảnh…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua