Bệnh Phù Não
Phù não là một trong những tai biến thường gặp của các chấn thương, nhiễm trùng, u não hoặc đột quỵ. Phù não có thể khu trú hoặc toàn bộ não làm tăng áp lực nội sọ. Bệnh nhân phù não cần được cấp cứu khẩn tại bệnh viện chuyên khoa nhằm xử lý triệu chứng, biến chứng và bảo toàn tính mạng.
Tổng quan
Phù não (Cerebral edema/ Brain Swelling) là tình trạng tăng áp lực nội sọ, tích tụ dịch xung quanh tổ chức não, làm tăng thể tích não dẫn đến sưng phù. Áp lực này gây cản trở tuần hoàn và lưu lượng máu đến não, giảm lượng oxy cần thiết khiến não không thể hoạt động bình thường. Phù não có thể xảy ra ở một số vị trí nhất định hoặc toàn bộ não.
Có rất nhiều nguyên nhân gây phù não như chấn thương, thiếu máu gây đột quỵ, khối u não, nhiễm trùng... Mỗi nguyên nhân gây ra từng thể bệnh khác nhau. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của phù não nói chung vẫn là sưng phù bất thường gây cản trở quá trình vận chuyển oxy và các dưỡng chất đến não.
Tiên lượng bệnh phù não thường xấu do tiến triển bệnh nhanh chóng và ngày càng tệ, tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Phân loại
Phù não được chia làm nhiều dạng khác nhau dựa theo nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Bao gồm các dạng chính sau:
- Phù vận mạch (Vasogenic edema): Là tình trạng tích tụ chất dịch lỏng xung quanh các tổ chức não do tổn thương hàng rào máu não (Blood Brain Barrier - BBB). Thể phù não vận mạch thường được gây ra bởi sự phát triển bất thường của khối u não.
- Phù thẩm thấu (Osmotic edema): Còn được gọi là phù độc tế bào, xảy khi các tế bào não bị nhiễm độc do rối loạn gây mất cân bằng các chất điện giải. Điển hình là do giảm lượng natri máu, nhiễm toan ceton do biến chứng tiểu đường (DKA) hoặc một số rối loạn chuyển hóa khác.
- Phù tế bào (Cellular edema): Là hậu quả của tình trạng tích tụ chất dịch lỏng quá mức bên trong các tế bào não. Gây thiếu hụt oxy hoặc thiếu máu cục bộ, tăng nguy cơ đột quỵ.
- Phù thủy tĩnh (Hydrostatic edema): Thể phù não này là kết quả của tình trạng tăng huyết áp trong các động mạch não vượt mức cho phép.
- Phù kẽ (Interstitial edema): Là tình trạng dịch não tủy bị rò rỉ và thất thoát vào trong các vùng khác trong não. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng viêm màng não hoặc não úng thủy.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Phù não thực chất là phản xạ tự nhiên của cơ thể trước các tổn thương tác động đến não bộ. Một số chấn thương và vấn đề thần kinh bất thường gây ra phù não như:
- Chấn thương sọ não (TBI): Đây là một dạng chấn thương cấp tính nguy hiểm và cần được cấp cứu y tế khẩn. Thường xảy ra do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, té ngã do va chạm...
- Khối u nội sọ: Khối u nội sọ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra phù não. Những bệnh nhân u não có khối u càng lớn có thể gây chèn ép vào những khu vực khác trong não hoặc che lấp lỗ thoát dịch não tủy. Dịch não tích tụ ngày càng nhiều trong não làm tăng áp lực nội sọ.
- Đột quỵ: Người bị thiếu máu cục bộ có nguy cơ đột quỵ cao. Tình trạng này xảy ra do sự phát triển của huyết khối trong các mạch máu não , gây cản trở tuần hoàn máu mang oxy lên não. Não bộ thiếu oxy lâu ngày làm tăng áp lực bên trong sọ và gây phù.
- Xuất huyết não: Là tình trạng vỡ mạch máu não gây xuất huyết nghiêm trọng. Nếu không được cấp cứu kịp thời, xuất huyết nặng sẽ khởi phát viêm nhiễm và làm tăng áp lực nội sọ gây phù não.
- Nhiễm trùng: Sự tấn công của vi khuẩn, virus tại các tổ chức não hoặc lây lan viêm nhiễm từ các cơ quan lân cận khác cũng là nguyên nhân chính gây phù não.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài các nguyên nhân trên, còn nhiều yếu rủi ro làm tăng nguy cơ gây phù như:
- Tăng huyết áp;
- Hội chứng Reye;
- Viêm gan;
- Ngộ độc chì hoặc carbon monoxide;
- Các yếu tố môi trường bất lợi hoặc ở nơi quá cao (thường > 4000 mét) cũng có thể tạo áp lực lớn gây phù não;
- Nghiện chất kích thích trong thời gian dài;
- Bị các loại côn trùng, động vật dưới nước hoặc bò sát có độc cắn;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tùy theo nguyên nhân, dạng phù não và mức độ ảnh hưởng của bệnh khu trú hoặc toàn bộ não mà các triệu chứng được biểu hiện khác nhau. Về cơ bản, bệnh nhân phù não sẽ có các dấu hiệu đặc trưng sau:
- Đau đầu, cứng cổ
- Khó nói chuyện
- Chóng mặt, khó thở
- Buồn nôn, nôn ói nhiều
- Suy giảm trí nhớ
- Suy giảm thị lực
- Rối loạn ý thức, thay đổi hành vi
- Co giật, yếu hoặc tê tứ chi, khó di chuyển
Chẩn đoán
Các chuyên gia cho biết, quá trình chẩn đoán phù não khá khó khăn và phức tạp. Vì có rất nhiều nguyên nhân gây phù não, triệu chứng bệnh dễ thay đổi tùy từng giai đoạn bệnh. Do đó, ngoài thăm khám lâm sàng, đánh giá các triệu chứng do bệnh nhân cung cấp, bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng sau:
- Chụp CT scan: Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính sọ não cho phép phát hiện vùng bị phù não. Đồng thời tìm ra nguyên nhân gây bệnh thông qua đánh giá các tổn thương cấu trúc não, khối u não hoặc khối u di căn, mức độ giãn não thất...
- Chụp mạch CT (CTA): Là kỹ thuật chụp CT nhưng có sử dụng thuốc nhuộm nhằm quan sát rõ hơn các mô và mạch máu não.
- Chụp MRI: Nếu như chụp CT não được dùng phổ biến trong chẩn đoán cấp cứu thì MRI ít được sử dụng hơn. Tuy nhiên, hình ảnh MRI lại có giá trị hơn hẳn các biện pháp khác, giúp phát hiện các tổn thương não dù là nhỏ nhất giúp chẩn đoán xác định phù não.
- Đo áp lực nội sọ: Nếu nghi ngờ phù não, bệnh nhân sẽ phải tiến hành đo áp lực nội sọ bằng kỹ thuật đặt catheter vào bên trong não thất bên hoặc siêu âm xuyên sọ. Nếu kết quả cho thấy chỉ số áp lực nội sọ > 20cm H2O chứng tỏ có tăng áp lực nội sọ.
- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm công thức và sinh hóa máu giúp đánh giá mức độ mất cân bằng nước và các chất điện giải. Tình trạng này có liên quan mật thiết đến mức độ tăng áp lực nội sọ, hỗ trợ chẩn đoán phù não.
- Chọc dò ống sống thắt lưng: Là thủ thuật lấy mẫu dịch não tủy để mang đi xét nghiệm, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường có liên quan đến tổn thương gây phù não.
Ngoài các chẩn đoán xác định, bác sĩ cũng kết hợp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự nhằm phục vụ công tác điều trị đúng hướng.
- Các bệnh lý thần kinh gồm:
- Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: viêm não, viêm màng não, áp xe não...;
- Tai biến mạch máu não: lên cơn nhồi máu não, xuất huyết não, dị dạng mạch máu não;
- Chấn thương sọ não kín;
- Lao màng não, nhiễm sán não hoặc bệnh Toxoplasma...;
- Các bệnh lý không thần kinh:
- Nhiễm độc;
- Rối loạn chuyển hóa;
- Hôn mê sâu do đái tháo đường nhiễm toan;
Biến chứng và tiên lượng
Phù não là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được cấp cứu kịp thời để xử lý triệu chứng và bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Thông thường, bệnh nhân được chẩn đoán sưng phù não sẽ phải nhập viện để được theo dõi trong ít nhất 48 - 72 giờ đầu tiên. Đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Tiên lượng chứng phù não phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Và đặc biệt là thời gian can thiệp y tế nhanh hay chậm. Trường hợp không được điều trị cấp cứu kịp thời, phù não có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tổn thương thần kinh vĩnh viễn như chèn ép não, thân não và dẫn đến tử vong.
Một số trường hợp đang trong đợt bùng phát và tiến triển, bệnh nhân cũng có thể đối mặt với một số hệ lụy cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống như:
- Suy giảm trí nhớ, khả năng tư duy và tập trung ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập;
- Các vấn đề về rối loạn giấc ngủ;
- Tăng nguy cơ trầm cảm do suy giảm khả năng giao tiếp và vận động;
- Mất kiểm soát các sinh hoạt cơ bản như tiểu không tự chủ, đi lại khó khăn;
Do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần chủ động thăm khám sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán và can thiệp điều trị y tế kịp thời, giảm thiểu các nguy cơ biến chứng.
Điều trị
Tùy theo kết quả chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ tăng áp lực nội sọ, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Nguyên tắc điều trị phù não đó là điều trị từng bước, xử lý các triệu chứng đơn giản rồi mới đến biến chứng phức tạp.
Một số biện pháp điều trị hiệu quả chứng phù não gồm:
Điều trị bằng thuốc
Thuốc được sử dụng trong hầu hết các trường hợp phù não, tùy theo nguyên nhân và mức độ tổn thương mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc với liều dùng phù hợp. Mục tiêu chính của dùng thuốc là giảm sưng, giảm áp lực nội sọ và hỗ trợ làm tan cục máu đông (nếu có).
Một số loại thuốc trị phù não phổ biến gồm:
- Thuốc Corticosteroid: Liều ban đầu là Dexamethason liều 10 - 20mg tiêm tĩnh mạch, sau đó chuyển sang dùng dạng viên uống 6mg, uống 4 lần/ngày.
- Thuốc chống phù não: Có tác dụng lợi tiểu thẩm thấu, đẩy dịch ra khỏi các nhu mô não và cải thiện mức độ phù não. Thuốc Manitol 20 - 25% là loại thường dùng nhất, liều khuyến cáo 1 - 1.5g/kg truyền tĩnh mạch trong vòng 30 phút và dùng nhắc lại sau 4 - 6 tiếng. Một số trường hợp có thể phối hợp với thuốc lợi tiểu quai Lasix 20mg dạng tiêm tĩnh mạch để đạt hiệu quả tốt hơn.
- Thuốc kiểm soát huyết áp: Có 2 cách kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân phù não:
- Truyền dung dịch đẳng trương NaCl 0.9% hoặc Ringerlactat;
- Thuốc vận mạch Dopamin 200mg, với liều khởi đầu 5microgam/kg/phút dạng truyền tĩnh mạch;
- Hoặc thuốc Noradrenalin 1mg với liều khởi đầu 0,1microgam/kg/phút dạng truyền tĩnh mạch;
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm chuyển hóa não và giảm nhu cầu sử dụng oxy của não, hỗ trợ quá trình điều trị phù não.
- Paracetamol viên 0.5g x 2 - 4 viên/ngày nếu thân nhiệt cao hơn 38.5 độ C;
- Perfalgan 1g truyền tĩnh mạch chậm cách mỗi 4 giờ 1 lần;
Liệu pháp điều trị hỗ trợ
Tùy tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị phù hợp:
- Điều chỉnh đầu đúng tư thế: Đặt bệnh nhân nằm đúng tư thế, đầu cao khoảng 30 độ để tránh gây kẹt thân não hoặc có các dấu hiệu khó thở, kích thích co giật. Kết hợp cho bệnh nhân thở oxy hoặc dùng thuốc giảm đau.
- Truyền dịch: Truyền dịch và chất lỏng với lượng phù hợp nhằm kiểm soát chỉ số huyết áp, giữ cho huyết áp không tụt xuống quá thấp. Biện pháp này giúp duy trì sự cân bằng trong cơ thể, bao gồm cả não. Tuy nhiên, cần truyền chất lỏng phù hợp để tránh khiến não sưng phù nặng hơn.
- Đặt nội khí quản: Trường hợp tụt kẹt vùng hạnh nhân tiểu não gây phù não nặng, đe dọa tính mạng cần phải tiến hành đặt nội khí quản ngay lập tức nhằm hỗ trợ lưu thông không khí và oxy hóa máu lên não tối ưu, giảm áp lực nội sọ.
- Kiểm soát đường huyết: Lượng đường trong máu quá cao càng làm tăng nặng tiến triển phù não. Cần kiểm soát chỉ số đường huyết bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, kết hợp dùng thuốc và insulin theo chỉ định.
Phẫu thuật
Can thiệp ngoại khoa được chỉ định thực hiện cho những trường hợp không phù não do chấn thương và có các tổn thương thực thể bên trong gây cản trở lưu thông máu. Mục tiêu phẫu thuật nhằm giải phóng áp lực nội sọ và loại bỏ tác nhân gây phù não.
Một số biện pháp được áp dụng phổ biến hiện nay như:
- Thủ thuật dẫn lưu dịch não: Dẫn lưu dịch não thất được thực hiện bằng cách đặt ống thông vào họp sọ. Sau đó, tiến hành rút hết dịch bên trong não ra ngoài nhằm giảm thể tích và áp lực nội sọ.
- Phẫu thuật: Tùy dạng và mức độ tổn thương để áp dụng kỹ thuật phẫu thuật phù hợp. Gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ hoặc xử lý căn nguyên gây sưng phù não như cắt bỏ khối u, nới rộng động mạch hoặc tĩnh mạch não bị tổn thương;
- Phẫu thuật cắt sọ giải nén được thực hiện bằng cách cắt bỏ một phần hộp sọ để giải phóng áp lực bên trong tổ chức sọ;
Phòng ngừa
Để phòng ngừa chứng phù não và những biến chứng nguy hiểm của bệnh, hãy thực hiện các biện pháp tích cực sau:
- Bảo vệ vùng đầu khỏi các tổn thương, va chạm mạnh bằng cách đội mũ bảo hiểm khi lái xe hoặc nón bảo hộ đầu khi chơi các môn thể thao mạo hiểm, môi trường làm việc nguy hiểm.
- Tham gia giao thông đúng quy định, tuân thủ kỹ thuật lái xe hoặc thắt dây an toàn khi ngồi trên xe.
- Kiểm soát ổn định các vấn đề sức khỏe nền như huyết áp, tiểu đường, tim mạch... dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
- Tránh xa thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Nếu muốn di chuyển đến những nơi có độ cao quá lớn, chẳng hạn như leo núi, hãy thực hiện chậm rãi để cơ thể có thời gian làm quen và kích hoạt cơ chế tự bảo vệ não bộ.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi bị đau đầu, chóng mặt, mất thị lực và có các triệu chứng rối loạn hành vi, ngôn ngữ, ý thức là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh phù não?
3. Nguyên nhân khiến tôi bị phù não?
4. Bệnh phù não có nguy hiểm không?
5. Tiên lượng mức độ nghiêm trọng đối với trường hợp bệnh của tôi?
6. Phác đồ điều trị phù não tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
7. Điều trị phù não nội trú hay ngoại trú?
8. Tôi phải điều trị phù não tại bệnh viện trong thời gian bao lâu?
9. Tiên lượng sống sau điều trị phù não là bao nhiêu?
10. Tôi cần làm gì và tránh làm gì để tránh ảnh hưởng đến não sau điều trị?
Chứng phù não cần được cấp cứu y tế càng sớm càng tốt nhằm bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Tiên lượng điều trị phù não thường tốt nếu nguyên nhân và mức độ tổn thương phù não không quá nặng. Khuyến cáo bệnh nhân cần tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc để ngăn chặn tiến triển, giảm nguy cơ biến chứng.
THAM KHẢO THÊM
- Cách Phòng Chống Đột Quỵ Tai Biến Cực Đơn Giản
- Dấu Hiệu Đột Quỵ Khi Ngủ: Bệnh Nguy Hiểm Cần Biết Chớ Bỏ Qua
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!