Hội chứng PANDAS
Hội chứng PANDAS là từ viết tắt của Chứng rối loạn tâm thần kinh tự miễn dịch ở trẻ em do liên quan đến nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A. Tình trạng này xảy ra do rối loạn hệ thống miễn dịch, dẫn đến viêm trong não. Trẻ mắc hội chứng PANDAS có các triệu chứng đặc trưng về thay đổi hành vi, nhận thức, cảm xúc và các vấn đề về sức khỏe thể chất khác.
Tổng quan
Hội chứng PANDAS (PANDAS's Syndrome) là một dạng rối loạn tâm thần kinh tự miễn dịch ở trẻ em, do liên quan đến nhiễm trùng liên cầu khuẩn, gây ra các phản ứng viêm trong não. Cơ chế khởi phát bệnh là khi các kháng thể được sản sinh ra nhằm chống nhiễm trùng nhưng sau đó lại tấn công nhầm các mô não khỏe mạnh.
Bệnh được mô tả đặc trưng với các tình trạng như viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc sốt tinh hồng nhiệt. Ngoài ra, trẻ mắc bệnh còn có nhiều biểu hiện rối loạn thần kinh, phát triển tật cử động không kiểm soát, giật máy (tics) hoặc hành vi ám ảnh cưỡng chế.
Đa số trẻ mắc hội chứng PANDAS đều ở trong độ tuổi khoảng 3 - 12 tuổi. Tỷ lệ trẻ nam mắc bệnh cao hơn trẻ nữ. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có khoảng 10 - 25% trẻ mắc chứng OCD dễ mắc phải hội chứng này. Bệnh cũng có liên quan đến yếu tố tiền sử gia đình đã từng mắc phải các bệnh tự miễn dịch khác.
Phân loại
Hội chứng PANDAS được chia làm 2 dạng chính gồm:
- Hội chứng PANDAS: Đây là giai đoạn ban đầu của hội chứng này. Đặc trưng bởi các thay đổi đột ngột về hành vi khá nghiêm trọng, xảy ra sau khi nhiễm liên cầu khuẩn.
- Hội chứng PANS: Là thuật ngữ rộng hơn dùng để chỉ hàng loạt các dạng rối loạn tâm thần kinh có liên quan đến nhiễm trùng như viêm phổi do mycoplasma, bệnh Lyme và nhiều bệnh lý khác. Các triệu chứng thường khởi phát từ từ và có xu hướng nặng dần theo thời gian.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng hội chứng PANDAS được khởi phát là do phản ứng quá mức rối loạn tự miễn dịch của cơ thể đối với tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A.
Thông thường, khi cơ thể tiếp xúc và nhiễm trùng với liên cầu khuẩn Streptococcus nhóm A, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để chống lại nhiễm trùng, nhưng trong một số trường hợp, các kháng thể này tấn công nhầm vào não và gây viêm nhiễm, khởi phát các triệu chứng của hội chứng PANDAS.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng của hội chứng PANDAS chủ yếu liên quan đến các vấn đề về tâm lý và thần kinh. Triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột và khởi phát thành từng đợt. Thường tồn tại trong vòng vài ngày hoặc vài tuần, sau đó biến mất rồi lại tiếp tục xuất hiện.
Ở mỗi trẻ mắc hội chứng PANDAS, các triệu chứng thường biểu hiện khác nhau. Nhưng cơ bản vẫn sẽ có các triệu chứng chung sau đây:
- Triệu chứng tâm lý:
- Lo lắng quá mức, nặng hơn là trầm cảm;
- Tics tương tự hội chứng Tourette;
- Cảm giác bồn chồn tương tự chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD);
- Mệt mỏi, thay đổi tính cách, tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt, hung hăng hoặc hiếu động quá mức;
- Có các hành vi giống với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế;
- Triệu chứng thần kinh:
- Giảm sự tập trung và khả năng ghi nhớ;
- Thay đổi các kỹ năng chuyển động cơ như viết chữ, cầm nắm đồ vật, dùng sức, khả năng phối hợp;
- Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh;
- Triệu chứng thể chất:
- Mất ngủ;
- Đau bụng;
- Đau đầu;
Chẩn đoán
Không có biện pháp đặc hiệu giúp chẩn đoán chính xác hội chứng PANDAS. Đây là bệnh lý khá hiếm gặp ở trẻ, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện các kiểm tra sức khỏe thể chất, thu thập và đánh giá các triệu chứng lâm sàng mà trẻ đang gặp phải.
Mục đích nhằm loại trừ bệnh với các tình trạng sức khỏe khác như:
- Hội chứng Tourette;
- Chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD);
- Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD);
Một trong những yếu tố quan trọng giúp chẩn đoán hội chứng PANDAS đó là xét nghiệm liên cầu khuẩn hoặc khai thác tiền sử đã từng nhiễm khuẩn. Nếu không có dấu hiệu nhiễm khuẩn, chắc chắn trẻ không mắc hội chứng PANDAS. Các xét nghiệm thường được áp dụng như xét nghiệm máu, xét nghiệm miễn dịch, nuôi cấy dịch cổ họng...
Vì là hội chứng khá hiếm gặp nên không phải bác sĩ nào cũng có kinh nghiệm chẩn đoán. Do đó, khuyến nghị gia đình nên đưa trẻ đến những bệnh viện chuyên khoa thấp khớp, miễn dịch học, nhiễm trùng học, tâm lý học để được thăm khám và chẩn đoán.
Biến chứng và tiên lượng
Hội chứng PANDAS là tình trạng hiếm gặp, thường chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ và hầu như không có ghi nhận nào về bệnh ở người trưởng thành. Bệnh chủ yếu gây ra những ảnh hưởng đến hệ thần kinh, suy giảm nhận thức và hành vi, khiến chất lượng cuộc sống, khả năng học tập và vui chơi bị ảnh hưởng đáng kể.
Ngoài ra, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, các triệu chứng PANDAS ngày càng tiến triển xấu đi, có thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn về khả năng nhận thức, hành vi, cử động. Tình trạng rối loạn tự miễn dịch chuyển sang mạn tính và gây ra bệnh lý nguy hiểm khác.
Điều trị hội chứng này sớm bằng cách dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm và các liệu pháp thay đổi hành vi nhận thức, giúp đem lại hiệu quả cao trong việc cải thiện triệu chứng. Đồng thời, giúp con quản lý tốt hơn những kỹ năng quan trọng, khắc phục các khó khăn về tinh thần, suy nghĩ và cảm xúc.
Điều trị
Không có biện pháp điều trị đặc hiệu, chữa khỏi bệnh hoàn toàn đối với hội chứng PANDAS. Việc điều trị chủ yếu nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, phục hồi sức khỏe, chức năng thần kinh và ngăn ngừa biến chứng. Có 2 cách điều trị chính là dùng thuốc và trị liệu.
Điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc nhằm loại bỏ nhiễm trùng và xoa dịu hệ thống miễn dịch, ngăn không cho hội chứng PANDAS phát triển quá mức.
- Thuốc kháng sinh: Đối với hội chứng PANDAS, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A thuộc dạng nhiễm trùng tiềm ẩn. Thuốc kháng sinh có thể được chỉ định dùng trong trường hợp này. Chỉ định sử dụng kéo dài khoảng 1 - 2 tuần, mặc dù đa số trẻ có thể cải thiện sau vài ngày dùng thuốc. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại kháng sinh phù hợp. Điển hình như: azithromycin, amoxicilin, penicillin, cephalosporin...
- Thuốc chống viêm: Điển hình như thuốc chống viêm ibuprofen, corticosteroid... có tác dụng giảm viêm trong não.
Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT)
Kết hợp dùng thuốc với liệu pháp nhận thức - hành vi có thể giúp trẻ học được những kỹ năng cần thiết để kiểm soát các triệu chứng thần kinh như lo âu, suy nghĩ tiêu cực, các hành vi ám ảnh cưỡng chế...
Trong đó trình trị liệu, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho trẻ sử dụng nhóm thuốc ức chế tái hấp thu chất serotonin có chọn lọc để kiểm soát các triệu chứng bệnh. Đây là loại thuốc chống trầm cảm điển hình với các loại sau:
- Sertraline;
- Fluvoxamine;
- Chất fluoxetin;
- Paroxetin;
Chuyên gia cũng khuyến nghị áp dụng liệu pháp gia đình, giúp cải thiện đáng kể khả năng giao tiếp, xoa dịu sự căng thẳng giữa các thành viên trong gia đình đối với trẻ mắc hội chứng PANDAS.
Ngoài ra, những hợp trẻ mắc hội chứng PANDAS nặng và không đáp ứng với dùng thuốc cũng như các liệu pháp khác. Bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện liệu pháp trao đổi huyết tương nhằm loại bỏ các kháng thể bị rối loạn, hoạt động bất thường. Hoặc liệu pháp immunoglobulin tiêm tĩnh mạch cũng có thể được chỉ định nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch cho trẻ.
Phòng ngừa
Nguyên nhân gây hội chứng PANDAS là do nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A. Do đó, để ngăn ngừa căn bệnh này ở trẻ, cần chủ động thực hiện phòng chống nhiễm trùng ngay từ đầu bằng các biện pháp sau:
- Giữ vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng dung dịch xà phòng diệt khuẩn.
- Dùng tay hoặc khăn giấy để che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc đến những nơi đông người để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Không nên sử dụng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, gắp thức ăn chung muỗng, đũa... để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh, giảm căng thẳng đầu óc, sự lo lắng để phòng ngừa tái phát hội chứng PANDAS.
- Thiết lập thói quen sống khoa học, đúng giờ, ngủ đủ giấc, rèn luyện thể chất, thực hiện các kỹ thuật thư giãn đầu óc... để cải thiện tâm trạng và nâng cao sức đề kháng chống lại mọi bệnh tật.
- Phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh đồng nhiễm như Bartonella, Babesia hoặc các bệnh lý khác do nhiễm liên cầu khuẩn, đảm bảo không còn vi khuẩn tiềm ẩn trong cơ thể của trẻ.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Con tôi có các triệu chứng bất thường về cảm xúc, lo lắng, trầm cảm, co giật, đột nhiên hiếu động thái quá là dấu hiệu quả bệnh gì?
2. Lý do tại sao con tôi mắc hội chứng PANDAS?
3. Làm cách nào để chẩn đoán chính xác hội chứng PANDAS?
4. Hội chứng PANDAS có nguy hiểm không? Có gây nguy hiểm đến tính mạng của con tôi hay không?
5. Những ảnh hưởng của hội chứng PANDAS đối với sức khỏe thể chất và khả năng học tập của con tôi?
6. Phương pháp điều trị hội chứng PANDAS tốt nhất dành cho trường hợp của con tôi?
7. Quá trình điều trị bằng thuốc kháng sinh mất bao lâu thì khỏi?
8. Trị liệu tâm lý bao lâu để cải thiện các triệu chứng rối loạn thần kinh của con tôi?
9. Chi phí điều trị hội chứng PANDAS tốn bao nhiêu?
10. Hội chứng PANDAS có thể tái phát lại sau điều trị không?
Hội chứng PANDAS là tình trạng hiếm gặp và khó kiểm soát. Bệnh không có cách chữa trị dứt điểm nhưng có nhiều biện pháp giúp cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển bệnh. Phụ huynh nên là người hướng dẫn trẻ thực hiện các chỉ định điều trị này một cách nghiêm túc để kiểm soát bệnh hiệu quả. Đảm bảo trẻ phát triển tốt và giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, khả năng học tập...
Có thể bạn quan tâm:
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!