Bệnh Thần kinh tự trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

Bệnh thần kinh tự trị được mô tả là căn bệnh có liên quan đến hệ thống thần kinh tự trị. Bệnh xảy ra do tình trạng tổn thương các dây thần kinh và gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như chóng mặt, hoa mắt, táo bón, tiêu chảy, giảm chức năng tình dục... tùy theo căn nguyên. Do đó, việc điều trị cũng phụ thuộc vào căn nguyên cơ bản gây ra, thường là dùng thuốc kết hợp điều chỉnh lối sống sinh hoạt.

Tổng quan

Thần kinh tự trị (Autonomic neuropathy) hay còn được gọi là chứng rối loạn chức năng tự chủ. Đây là tình trạng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thần kinh tự trị, nơi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các chức năng không tự chủ ý như huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và tiêu hóa.

Bệnh thần kinh tự trị xảy ra khi dây thần kinh tự trị bị tổn thương ảnh hưởng đến hệ thống kiểm soát các chức năng về nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa, tình dục...

Đây không phải một bệnh lý cụ thể, tình trạng này mô tả sự tổn thương của một hoặc nhiều dây thần kinh tự trị cùng lúc. Điều này làm gián đoạn tín hiệu dẫn truyền từ não đến các cơ quan khác thuộc phạm vi trong hệ thống thần kinh tự trị. Hậu quả gây giảm hiệu suất hoạt động và tạo điều kiện cho sự phát triển của một số bệnh lý liên quan khác.

Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh tiểu đường hoặc tình trạng nhiễm khuẩn, tác dụng phụ một số loại thuốc... Tùy theo vị trí dây thần kinh tự trị và mức độ tổn thương nhiều hay ít để quyết định phương pháp điều trị.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng thần kinh tự trị, phổ biến nhất phải kể đến một số tác nhân sau đây:

Tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương hệ thống thần kinh tự trị

  • Bệnh tiểu đường: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh thần kinh tự trị. Hàm lượng đường trong máu tăng cao khiến các dây thần kinh tự trị bị ảnh hưởng, hoạt động mất kiểm soát và gây ra các triệu chứng như hoa mắt, chóng, mặt, nhịp tim không đều...
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý tự miễn dịch: Hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường, tấn công và làm tổn thương đến các tế bào khỏe mạnh trong các bộ phận của cơ thể, trong đó có cả hệ thống thần kinh tự trị. Một số bệnh lý thường gặp như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren, bệnh Celiac, hội chứng Guillain Barre...
  • Sự tích tụ bất thường của protein: Thông qua một cơ chế bất thường nào đó khiến protein tích tụ quá mức trong các cơ quan (amyloidosis), gây ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thần kinh tự trị.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng bệnh lý thần kinh tự trị như thuốc hóa trị (điều trị ung thư), thuốc hạ huyết áp, thuốc chống trầm cảm...
  • Nhiễm trùng: Một số loại virus hoặc vi khuẩn có khả năng gây ra tình trạng thần kinh tự trị như virus HIV gây suy giảm miễn dịch hoặc virus gây bệnh ngộ độc thịt, bệnh Lyme...
  • Rối loạn di truyền: Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đề cập đến sự bất thường của một số rối loạn di truyền cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển của bệnh thần kinh tự trị.

Yếu tố nguy cơ

Ngoài những nguyên nhân trên, tình trạng thần kinh tự trị còn liên quan đến rất nhiều yếu tố rủi ro khác, chúng làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh nhanh chóng. Chẳng hạn như:

  • Người cao tuổi;
  • Thừa cân béo phì;
  • Người bị cao huyết áp;
  • Người có chỉ số cholesterol cao;
  • Nghiện rượu nặng;
  • Tiếp xúc với hóa chất như acrylamide và các kim loại nặng;
  • Người mắc bệnh Parkinson, bệnh đa xơ cứng, ung thư hoặc bệnh ngộ độc thịt...;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của bệnh thần kinh tự trị thường biểu hiện khác nhau tùy theo loại dây thần kinh nào bị tổn thương. Cụ thể một số triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm:

Các triệu chứng bệnh thần kinh tự trị thường gặp như chóng mặt, ngất xỉu, tụt huyết áp, táo bón hoặc các vấn đề về đường tiết niệu

  • Ngất xỉu, bất tỉnh: Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thần kinh tự trị. Tình trạng này xảy ra khi huyết áp tụt giảm đột ngột khiến não không đủ lượng oxy cần thiết để hoạt động. Trước khi ngất xỉu, người bệnh thường có các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, cảm thấy yếu ớt, mệt mỏi...
  • Các vấn đề về tiêu hóa: Thường là buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy... Hoặc nếu ảnh hưởng đến ruột, bàng quang có thể gây táo bón hoặc tình trạng tiểu không tự chủ.
  • Rối loạn chức năng tình dục: Đây cũng là một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh thần kinh tự trị. Đối với nam giới có thể gặp khó khăn trong việc cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng trong quá trình giao hợp, các vấn đề về rối loạn xuất tinh... Đối với nữ giới sẽ có các biểu hiện như khô hạn âm đạo, đau rát khi quan hệ, khó đạt cực khoái, giảm ham muốn tình dục...
  • Vấn đề về tiết mồ hôi: Người mắc chứng thần kinh tự trị thường có biểu hiện rõ rệt về việc sản xuất mồ hôi. Mồ hôi có thể không tiết ra, tiết ít hoặc tiết ra nhiều quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh thân nhiệt.
  • Các triệu chứng khác:
    • Dễ bị hụt hơi do phổi bị ảnh hưởng;
    • Vấn đề về thị giác, chẳng hạn như giảm khả năng điều chỉnh tầm nhìn giữa không gian sáng và tối;

Chẩn đoán

Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán bệnh thần kinh tự trị là khám sức khỏe toàn diện và khai thác tiền sử bệnh chi tiết. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi kỹ lưỡng về các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải, tiền sử bệnh trước đây và các loại đang sử dụng. Kết hợp đo và kiểm tra nhịp tim, huyết áp khi đứng lên, nằm xuống để so sánh xem có tụt giảm hay không, hoặc thậm chí người bệnh có ngất xỉu hay không.

Các xét nghiệm đánh giá chức năng thần kinh tự trị như kiểm tra bàn nghiêng, xét nghiệm đường tiêu hóa, chức năng bàng quang...

Sau đó, nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc chứng thần kinh tự trị, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm bổ sung nhằm xác nhận chẩn đoán. Bao gồm các xét nghiệm dưới đây:

  • Thử nghiệm bàn nghiêng: Phương pháp này được thực hiện bằng cách để bệnh nhân nằm nghiêng trên bàn và vị trí hướng thẳng đứng, sau đó theo dõi nhịp tim và huyết áp liên tục. Cách thức này mô phỏng triệu chứng ngất xỉu giúp bác sĩ kiểm tra được các dấu hiệu liên quan đến tình trạng rối loạn thần kinh tự trị.
  • Xét nghiệm chức năng tự động: Xét nghiệm này bao gồm nhiều thủ thuật nhằm đo lường chức năng của hệ thống dây thần kinh tự trị. Bao gồm theo dõi nhịp tim, đo huyết áp và kiểm tra phản ứng mồ hôi của bệnh nhân đối với các kích thích khác.
  • Xét nghiệm máu: Nhằm xác định căn nguyên cơ bản gây ra chứng thần kinh tự trị, trong đó chính xác nhất là bệnh tiểu đường hoặc các bệnh rối loạn tự miễn dịch. Hoặc loại trừ các bệnh lý này để tiến đến các thủ thuật khác nhằm tìm ra căn nguyên gốc rễ.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm kiểm tra chức năng bàng quang và đo nồng độ urodynamic, từ đó giúp đánh giá một số rối loạn và đưa ra đánh giá chính xác về chức năng bàng quang.
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số kỹ thuật hình ảnh y tế như chụp CT scan hoặc MRI cũng có thể được chỉ định nhằm phát hiện các bất thường (nếu có). Từ đó chỉ ra những tổn thương về cấu trúc não hoặc tủy sống, có liên quan đến chứng thần kinh tự trị. Riêng kỹ thuật siêu âm thường được đề nghị thực hiện để kiểm tra đường tiết niệu, trong trường hợp bệnh nhận có các dấu hiệu ở bàng quang.

Biến chứng và tiên lượng

Chứng thần kinh tự trị gây ra các triệu chứng điển hình về tổn thương các dây thần kinh tự chủ. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như căn nguyên, triệu chứng, phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng điều trị...

Bởi vì tổn thương thần kinh tự trị gây ảnh hưởng đến đồng thời nhiều cơ quan và chức năng không tự chủ như huyết áp, kiểm soát nhiệt độ, tiêu hóa, bàng quang, thậm chí cả chức năng tình dục... Nên nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều rắc rối về sức khỏe, thể chất, tinh thần, khả năng tình dục, sinh sản...

Do đó, khuyến cáo bệnh nhân ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên, hãy nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn biện pháp điều trị thích hợp. Kết hợp chăm sóc tích cực tại nhà để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro khó lường trong tương lai.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị thần kinh tự trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh. Chẳng hạn như nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, cần tập trung kiểm soát lượng đường trong máu thông qua thuốc men kết hợp điều chỉnh ăn uống, tập thể dục... Còn nếu mắc các bệnh tự miễn dịch, chủ yếu sử dụng thuốc kiểm soát hệ thống miễn dịch và kiểm soát tình trạng viêm.

Điều trị y tế

Đối với từng trường hợp mắc thần kinh tự trị gây ra các triệu chứng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các biện pháp khác nhau để cải thiện, chẳng hạn như:

Mục tiêu điều trị cơ bản đối với bệnh thần kinh tự trị là kiểm soát tình trạng gây tổn thương dây thần kinh thông qua thuốc men, kiểm soát căn nguyên

Triệu chứng tiêu hóa

  • Sử dụng thuốc nhuận tràng chống táo bón, thuốc giảm đau bụng, thuốc cầm tiêu chảy hoặc thuốc kháng sinh giúp loại bỏ vi khuẩn phát triển trong đường ruột;
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống, chia nhỏ các bữa ăn, ăn nhiều lần, mỗi lần một ít, tránh ăn quá no. Ưu tiên bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc và uống nhiều nước để giảm phát sinh táo bón, đầy hơi, ợ nóng...;
  • Khi ngủ nên kê gối cao để giảm tần suất ợ nóng, không làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ;

Triệu chứng đường tiết niệu

  • Sử dụng thuốc ức chế bàng quang co bóp quá mức như Oxybutynin hoặc Tolterodine;
  • Uống nhiều nước và tạo thói quen tiểu tiện làm rỗng bàng quang vào những thời điểm cố định trong ngày;
  • Đặt ống thông tiểu đi từ niệu đạo vào bàng quang để giúp làm rỗng bàng quang;

Triệu chứng về tiết mồ hôi

  • Trường hợp bạn tiết mồ hôi quá mức có thể sử dụng một số loại thuốc giúp ức chế tiết mồ hôi như glycopyrrolate hoặc độc tố botulinum;
  • Nếu tiết quá ít mồ hôi, nên chọn cách vận động hoặc ngồi yên trong nhà khi trời nắng nóng;

Triệu chứng về tim mạch & huyết áp

  • Bác sĩ có thể kê toa dùng thuốc tăng huyết áp như fludrocortisone. midodrine hoặc pyridostigmine;
  • Thuốc chẹn beta giúp kiểm soát nhịp tim, điều chỉnh nhịp tim trở về trạng thái bình thường;
  • Chú ý về hoạt động hàng ngày, hạn chế việc đứng lên quá gấp khi đang ngồi để tránh cảm giác hoa mắt, chóng mặt;
  • Tăng lượng muối và bổ sung chất lỏng vào chế độ ăn uống hàng ngày để kiểm soát chỉ số huyết áp;
  • Trường hợp rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, có nguy cơ đột quỵ cao có thể tiến hành phẫu thuật xử lý tổn thương tim mạch hoặc tổn thương thần kinh. Hoặc cấy ghép thiết bị tạo nhịp tim/ máy khử rung tim (tùy từng trường hợp) nhằm hỗ trợ điều chỉnh nhịp tim khi có bất thường, giảm nguy cơ ngất xỉu;

Triệu chứng rối loạn tình dục

  • Nam giới bị rối loạn cương dương hoặc rối loạn xuất tinh có thể chọn sử dụng một số loại thuốc giúp tăng cường phong độ phái mạnh như tadalafil (Cialis), sildenafil (Viagra, Revatio), vardenafil (Levitra, Staxyn)... Thuốc giúp nam giới dễ dàng đạt được và duy trì sự cương cứng khi quan hệ;
  • Có thể kết hợp sử dụng máy bơm chân không bên ngoài để kích thích máu bơm đến dương vật nhiều hơn, giúp cậu nhỏ dễ dàng đạt được trạng thái cương cứng;
  • Nữ giới bị giảm ham muốn, khô rát cô bé có thể sử dụng gel bôi trơn gốc nước để hỗ trợ tình dục một cách dễ dàng hơn;
  • Trường hợp cần thiết, phụ nữ bị tiền mãn kinh bị giảm ham muốn tình dục có thể cân nhắc sử dụng thuốc flibanserin (Addyl) để cải thiện;

Hỗ trợ điều trị tại nhà

Bên cạnh các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân mắc chứng bệnh thần kinh tự trị cũng có thể áp dụng các biện pháp tích cực tại nhà để cải thiện triệu chứng. Chẳng hạn như:

Điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt hàng ngày giúp làm giảm các triệu chứng bệnh thần kinh tự trị

  • Tránh thực hiện các tác nhân hoặc những hoạt động tình huống khiến cơ thể dễ dàng rơi vào trạng thái tổn thương thần kinh tự trị. Chẳng hạn như không đứng hoặc tiếp xúc quá lâu với nguồn nhiệt lớn.
  • Uống nhiều nước hàng ngày vừa giúp ngăn ngừa mất nước vừa kiểm soát không làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng bệnh thần kinh tự trị.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất, hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc chứng tăng huyết áp, ổn định các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn làm tăng nặng chứng thần kinh tự trị.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày giúp cải thiện quá trình lưu thông máu và chức năng tim, cải thiện triệu chứng ngất xỉu do thần kinh tự trị gây ra.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa chứng thần kinh tự trị, cần tập trung thực hiện và quản lý chặt chẽ các điều kiện cơ bản có thể gây ra tình trạng này. Chẳng hạn như:

  • Kiểm soát lượng đường trong máu, giảm nguy cơ tổn thương hệ thống thần kinh tự trị, thông qua ăn uống đủ chất, lành mạnh, ít chất béo bão hòa và tập thể dục hàng ngày.
  • Cai thuốc lá hoặc tránh xa môi trường chứa nhiều khói thuốc lá cùng những chất kích thích khác có hại cho hệ thần kinh.
  • Kiểm soát căng thẳng, tránh stress, thư giãn đầu óc thông qua các kỹ thuật cơ bản như thiền định, yoga...
  • Ngủ đủ giấc, sinh hoạt đúng giờ giấc, tránh thức khuya để giảm mệt mỏi, phục hồi năng lượng và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh thần kinh tự trị?

2. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán nào?

3. Bệnh thần kinh tự trị có gây nguy hiểm đến tính mạng của tôi không?

4. Bệnh lý này có chữa khỏi được không?

5. Phương pháp điều trị bệnh thần kinh tự trị tốt nhất dành cho tôi là gì?

6. Tôi có nên sử dụng các loại thuốc điều trị thần kinh tự trị lâu dài hay không?

7. Tôi cần chú ý những gì trong quá trình điều trị bệnh thần kinh tự trị?

8. Quá trình điều trị bệnh thần kinh tự trị mất bao lâu thì khỏi?

9. Chi phí điều trị chứng thần kinh tự trị tốn bao nhiêu?

10. Tôi có cần tiếp tục tái khám định kỳ sau khi đã điều trị khỏi bệnh thần kinh tự trị không?

Thần kinh tự trị được đánh giá là bệnh lý tổn thương dây thần kinh tự chủ nhưng không quá nghiêm trọng. Đa số các trường hợp được chẩn đoán bệnh đều có thể kiểm soát triệu chứng tốt trong thời gian ngắn, giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên, khuyến cáo bệnh nhân không nên chủ quan, phải chủ động thăm khám để được chẩn đoán và hướng dẫn phác đồ điều trị phù hợp càng sớm càng tốt để ngăn ngừa biến chứng.

Tham khảo thêm

Chia sẻ:
Bệnh Sốt co giật
Sốt co giật là những cơn co giật xảy ra ở trẻ do thân nhiệt tăng cao đột ngột. Trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi rất…
Bệnh Đau Dây Thần Kinh Sinh Ba
Đau dây thần kinh sinh ba là một trong những…
Bệnh Nhược Cơ
Nhược cơ là bệnh lý tự miễn khá hiếm gặp.…
Hội Chứng Thiên Thần
Hội chứng thiên thần hay hội chứng Angelman xảy ra…
Bệnh Bò Điên

Bệnh bò điên là thuật ngữ chỉ những tổn thương thần kinh nghiêm trọng do các tế bào chứa nhiều…

Bệnh U Màng Não

U màng não là khối u nội sọ có thể lành tính hoặc ác tính. Chúng xuất hiện ở nhiều…

Hội chứng Cotard

Hội chứng Cotard là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi sự ảo tưởng cho rằng bản thân…

Viêm Não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng thần kinh nguy hiểm do lây nhiễm virus JEV. Bệnh gây ra…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Đỗ Thu Hiền

Bác sĩ điều trị

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua