Ung Thư Biểu Mô Tiểu Thùy Xâm Lấn

Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn là 1 trong 2 dạng ung thư vú thường gặp, bên cạnh ung thư biểu mô ống xâm lấn. Bệnh xảy ra phổ biến ở nữ giới lớn tuổi và có liên quan mật thiết đến việc lạm dụng liệu pháp hormone. Điều trị ung thư ILC càng sớm tiên lượng sống sót càng cao. Một số chọn lựa điều trị phổ biến gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... 

Tổng quan

Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (Invasive Lobular Carcinoma – ILC) hay ung thư tiểu thùy vú xảy ra ở nơi sản xuất sữa. Đây là dạng ung thư ác tính phát triển tại lớp niêm mạc của tiểu thùy vú và đã lan sang các hạch bạch huyết cùng nhiều cơ quan khác trên cơ thể.

Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn là dạng ung thư ác tính khởi phát từ các tuyến sản xuất sữa

ILC xảy ra khi các tế bào vú phát triển và phân chia bất thường. Đây là dạng ung thư vú đa ổ, tức là nó có nhiều hơn một khối u và tất cả chúng đều khởi phát từ một khối u nguyên phát.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn, kể cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, phụ nữ lớn tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này. Nó chiếm khoảng 10 - 15% trong tất cả các dạng ung thư vú và xếp thứ 2, sau ung thư biểu mô ống xâm lấn.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Khác với dạng ung thư biểu mô tại chỗ thông thường, ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn được định nghĩa là khối ung thư bắt đầu ở các tiểu thùy hoặc ống dẫn sữa của vú, nhưng đã lan sang các hạch bạch huyết và cơ quan khác trong cơ thể.

Nguyên nhân gây ILC đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, đã có rất nhiều bằng chứng về việc đột biến DNA khiến các tế bào phát triển, phân chia bất thường không kiểm soát.

Phụ nữ lớn tuổi sử dụng hormone sau mãn kinh là yếu tố hàng đầu làm tăng nguy cơ gây ung thư ILC

Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ góp phần gây ra dạng ung thư này, bao gồm:

  • Tuổi tác: Đa số những người được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn đều > 55 tuổi.
  • Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
  • Liệu pháp hormone: Phụ nữ trong và sau mãn kinh sử dụng hormone (estrogen và progesterone) quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn.
  • Yếu tố di truyền: Những người mang các gen di truyền nhất định có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư vú. Chẳng hạn như gen BRCA 1 hoặc BRCA 2.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn tiến triển qua từng giai đoạn, ban đầu khu trú tại chỗ, sau đó mới bắt đầu xâm lấn đến các mô vú và nhiều bộ phận khác trên cơ thể.

Vú thay đổi hình dạng, kích thước và vùng da xung quanh dày sưng là dấu hiệu điển hình của ung thư ILC

Một số triệu chứng ung thư ILC điển hình như:

  • Dày, cứng vùng da bên trong vú hoặc nách;
  • Núm vú thụt vào trong;
  • Thay đổi kích thước và hình dạng vú;
  • Xuất hiện các nếp nhăn da, vết lõm hoặc lúm đồng tiền trên vú;
  • Núm vú rỉ dịch;
  • Có cảm giác nóng ấm hoặc sưng đỏ;
  • Sờ nách cảm nhận có khối u;
  • Đau nhức quầng vú;

Chẩn đoán 

Để chẩn đoán chính xác dạng ung thư vú biểu mô tiểu thùy xâm lấn, bệnh nhân thường được chỉ định kết hợp nhiều kiểm tra, xét nghiệm cùng lúc. Bao gồm:

Các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, MRI hoặc chụp quang tuyến vú giúp phát hiện tổn thương mô vú bất thường

  • Khám sức khỏe: Thăm khám lâm sàng thông qua đánh giá các triệu chứng, kiểm tra thể chất và sờ nắn tại các vị trí hạch bạch huyết để phát hiện dấu hiệu sưng, nổi cục u hoăc các thay đổi bất thường khác.
  • Chụp quang tuyến vú: Tạo ra hình ảnh X quang vú, giúp phát hiện những bất thường bên trong mô vú. Tuy nhiên, hình ảnh khối u ung thư có thể nhỏ hơn so với thực tế.
  • Siêu âm: Sử dụng thiết bị phát sóng âm thanh để chụp hình ảnh mô vú. Xét nghiệm này thường được chỉ định thực hiện kết hợp với chụp nhũ ảnh để phát hiện tổn thương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Được thực hiện bằng cách dùng sóng từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết về cấu trúc, mô vú. Giúp xác định phạm vị và vị trí khối u ung thư vú.
  • Sinh thiết: Để có những dữ liệu chính xác về tính chất khối u ung thư ILC, sinh thiết vú là kỹ thuật rất cần thiết. Ngoài ra, có thể xác định loại phụ của ILC thông qua xét nghiệm soi dưới kính hiển vi. Tùy từng trường hợp, bệnh nhân có thể lấy sinh thiết bằng nhiều cách khác nhau như chọc hút bằng kim nhỏ (FNA), sinh thiết kim lõi, sinh thiết phẫu thuật...

Biến chứng và tiên lượng

Khác với các dạng ung thư khác, ung thư vú biểu mô tiểu thùy xâm lấn có khả năng lây lan nhanh chóng sang các cơ quan lân cận và cả những vùng xa như màng bụng, màng não, đường tiêu hóa, gan, xương... Bệnh nhân ung thư ở những giai đoạn muộn có thể gây ra những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Đau nhức: Khối u ung thư vú phát triển và xâm lấn sang các cơ quan khác, chèn ép và tạo áp lực lên các cơ quan như xương, thần kinh, gây ra những cơn đau nhức khó chịu, âm ỉ kéo dài khiến bệnh nhân mệt mỏi, kiệt quệ sức khỏe.
  • Nhiễm trùng: Bệnh nhân mắc ung thư vú nói chung rất dễ phát triển kèm theo nguy cơ nhiễm trùng. Chẳng hạn như phù bạch huyết, giảm bạch cầu trung tính, viêm da do bức xạ... do ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của các phương pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
  • Biến chứng ở não: Tế bào ung thư vú di căn đến não gây tổn thương các dây thần kinh. Gây ảnh hưởng đến trí nhớ, tầm nhìn và hành vi, ngôn ngữ của người bệnh. Kèm theo các biểu hiện bất thường như thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn ói, co giật...
  • Biến chứng ở xương: Ung thư vú ILC di căn xương thúc đẩy quá trình tiêu xương nhanh hơn, khiến xương yếu dần đi, dễ nứt, gãy ngay cả khi không bị chấn thương quá mạnh. Ngoài ra, dưới sự ảnh hưởng của quá trình tiêu xương, kéo theo các biến chứng khác như sỏi thận, suy thận, mất trí nhớ, liệt dây thần kinh tủy sống gây cản trở vận động...
  • Biến chứng ở gan: Theo thống kê, có khoảng 1/2 bệnh nhân được chẩn đoán ung thư ILC di căn sang gan. Các tế bào ung thư ác tính gây tổn thương gan, dẫn đến suy giảm chức năng lọc thải độc tố và kéo theo hàng loạt các vấn đề sức khỏe như nôn mửa, vàng da, sụt cân....
  • Biến chứng ở phổi: Phổi cũng là cơ quan dễ bị các tế bào ung thư ác tính ILC tấn công, gây khó thở, đau tức ngực và ho dai dẳng. Kèm theo các dấu hiệu tràn dịch màng phổi nghiêm trọng, cần phải thực hiện thủ thuật loại bỏ dịch thừa để duy trì hô hấp.

Tế bào ung thư ác tính ILC xâm lấn và di căn sang nhiều cơ quan khác như xương, não, gan, phổi gây nguy hiểm đến tính mạng

Ung thư vú biểu mô tiểu thùy xâm lấn gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, vì ILC là một dạng ung thư phát triển chậm nên nếu kịp thời phát hiện trong giai đoạn đầu, bệnh có thể được chữa khỏi.

Tiên lượng đối với dạng ung thư này được đánh giá dựa trên tỷ lệ sống sót sau 5 năm, phụ thuộc vào một số yếu tố như kích thước, vị trí và mức độ xâm lấn của khối u. Cụ thể như sau:

  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 100% nếu được phát hiện và điều trị sớm trong giai đoạn đầu;
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi tế bào ung thư đã lan đến các mô lân cận là 93%;
  • Tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi nó đã di căn đến nhiều vùng khác trên cơ thể là 22%;

Điều trị

Tương tự như các dạng ung thư khác, tế bào ung thư ác tính ở tiểu thùy hoặc đã di căn sang các cơ quan khác đều được áp dụng điều trị bằng các biện pháp sau:

Phẫu thuật 

Tùy từng giai đoạn ung thư, kích thước và vị trí khối u, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp phẫu thuật phù hợp. Bệnh nhân có thể được cắt bỏ một phần hoặc toàn vú chứa khối u. Đồng thời, loại bỏ ít nhất một số hạch bạch huyết có liên quan đến ung thư.

Phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc cắt bỏ vú là phương pháp điều trị đầu tiên được tiến hành điều trị ung thư ILC

Xạ trị

Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng nguồn tia bức xạ năng lượng cao để tác động trực tiếp đến vú, vùng dưới cánh tay hoặc các vùng lân cận.

Bệnh nhân có thể được chỉ định xạ trị sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư vú còn sót lại hoặc xạ trị đơn thuần trong trường hợp không thể phẫu thuật giúp thu nhỏ khối u, cải thiện triệu chứng.

Hóa trị 

Phương pháp này sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phác đồ truyền thuốc hóa trị thường kết hợp ít nhất là 2 thuốc trở lên để đạt hiệu quả tốt nhất. Bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc dưới dạng viên uống hoặc truyền tĩnh mạch.

Hóa trị nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật

Tương tự như xạ trị, hóa trị có thể áp dụng sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại hoặc trước phẫu thuật giúp thu nhỏ khối u.

Một số liệu pháp hỗ trợ khác

  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Sử dụng các loại thuốc có khả năng biệt hóa, nhận biết các đặc điểm tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Ưu điểm của liệu pháp này là giảm thiểu số lượng tế bào khỏe mạnh bị phá hủy. Một số loại thuốc điển hình như pertuzumab (Perjeta) hoặc trastuzumab (Herceptin). Phương pháp này có thể áp dụng nếu khối u dương tính với HER2/neu.
  • Liệu pháp hormone: Liệu pháp hormone được áp dụng trong phác đồ điều trị ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn nhằm giảm nguy cơ tái phát sau phẫu thuật. Trường hợp khối u ung thư đã di căn lan rộng, liệu pháp này có tác dụng kiểm soát sự phát triển và thu nhỏ khối u. Phương pháp này được chỉ định trong những trường hợp khối u dương tính với các thụ thể estrogen hoặc progesterone.

Bất kỳ bệnh nhân ung thư nào sau khi đã áp dụng các phương pháp điều trị này cũng đều phải đối mặt với một số tác dụng phụ sau:

  • Tác dụng phụ của phẫu thuật:
    • Hình thành cục máu đông;
    • Nhiễm trùng;
    • Phản ứng dị ứng với thuốc gây mê;
  • Tác dụng phụ của xạ trị:
  • Tác dụng phụ của hóa trị:
    • Mệt mỏi;
    • Sốt;
    • Da sạm, nám;
    • Rụng tóc;
    • Đau đầu;
    • Thiếu máu;
    • Táo bón;
    • Tiêu chảy;
    • Các vấn đề về sinh sản;
  • Tác dụng phụ của liệu pháp hormone
    • Đau nhức khớp;
    • Bốc hỏa;
    • Khô âm đạo;
    • Giảm ham muốn tình dục;
    • Thay đổi tâm trạng;

Điều trị

Bệnh ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp tích cực sau (ngoại trừ yếu tố di truyền):

Thường xuyên tự kiểm tra vú tại nhà để sớm phát hiện các bất thường trong đó có ung thư và điều trị kịp thời

  • Phụ nữ mãn kinh không nên tự ý sử dụng liệu pháp hormone hoặc lạm dụng trong thời gian dài để giảm nguy cơ mắc ung thư vú nói chung.
  • Duy trì cân nặng phù hợp, tránh tăng cân đột ngột đến mức thừa cân béo phì.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn và chế biến kỹ lưỡng.
  • Tập thể dục đều đặn hàng ngày, mỗi lần ít nhất 30 phút để nâng cao hệ miễn dịch và cải thiện thể trạng.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia hoặc chỉ uống tối đa 1 ly/ ngày đối với trưởng thành.
  • Thường xuyên tự kiểm tra vú tại nhà bằng cách sờ nắn vú và các vùng quanh vú để sớm phát hiện bất thường, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi bị ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn?

2. Tôi mắc dạng ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn nào?

3. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?

4. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn?

5. Bệnh ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn có chữa khỏi dứt điểm được không?

6. Phương pháp điều trị ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn hiệu quả dành cho tôi?

7. Quá trình điều trị mất bao lâu thì có kết quả khả quan?

8. Chi phí điều trị ung thư vú tại bệnh viện tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

9. Những rủi ro và lợi ích xoay quanh các biện pháp điều trị được chỉ định?

10. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe bản thân trong quá trình điều trị bệnh?

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn, nhưng phổ biến nhất là phụ nữ lớn tuổi. Bệnh có tiến triển chậm nên nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, tiên lượng chữa khỏi và sống sót sẽ rất cao. Do đó, hãy thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư vú nói chung để kịp thời phát hiện và ngăn chặn bệnh tiến triển, phòng ngừa biến chứng.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua