Bệnh Ngộ độc thịt
Ngộ độc thịt là căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, xảy ra do nhiễm độc tố từ vi khuẩn Clostridium botulinum tạo ra. Loại độc tố này có thể gây tê liệt toàn thân, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân chính gây bệnh là do ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc như thực phẩm không được bảo quản hoặc đóng hộp không đúng cách.
Tổng quan
Ngộ độc thịt (Botulism) là căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra. Chủng vi khuẩn này thường phát triển và sản sinh độc tố trong các loại thực phẩm chế biến sẵn, lên men, đóng hộp hoặc thức ăn bảo quản không đúng cách, bị hư hỏng.
Chủng vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể, tạo ra lượng lớn độc tố tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh của cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, chứng ngộ độc thịt có thể dẫn đến tê liệt cơ bắp, thậm chí tử vong. Tình trạng tê liệt có thể lan rộng khắp cơ thể, đi từ trên xuống dưới ảnh hưởng đến cơ tứ chi, cổ, ngực cùng lúc.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum là tác nhân chính gây ra ngộ độc thịt, do hệ thống dây thần kinh tổn thương nghiêm trọng và gây yếu, tê liệt các cơ. Một số trường hợp hiếm hơn cũng có thể do vi khuẩn Clostridium butyricum và Clostridium baratii.
Các điều kiện cho phép bào tử phát triển sinh sôi độc tố như:
- Môi trường thiếu oxy;
- Mức độ axit thấp, nhiều muối, đường (thực phẩm lên men);
- Nhiệt độ chế biến thực phẩm thấp;
- Nhiệt độ lưu trữ quá ấm;
Bệnh ngộ độc thịt xảy ra do một số nguyên nhân sau:
- Ngộ độc ruột ở trẻ sơ sinh: Đây là dạng ngộ độc khá phổ biến, xảy ra do sự phát triển của các bào tử vi khuẩn trong đường ruột của trẻ. Độ tuổi dễ mắc bệnh nhất là từ 2 - 8 tháng tuổi.
- Ngộ độc ruột ở người trưởng thành: Dạng ngộ độc này rất hiếm gặp, thường xảy ra khi các bào tử vi khuẩn xâm nhập vào trong ruột của người lớn. Cơ chế phát bệnh tương tự như trẻ sơ sinh, những người mắc các bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến ruột làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Ngộ độc thực phẩm: Xảy ra khi bạn ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc tố của vi khuẩn botulium, chúng phát triển mạnh và sản sinh độc tố trong môi trường có ít oxy. Nguồn thực phẩm dễ nhiễm độc nhất là thực phẩm đóng hộp, lên men hoặc bảo quản không đúng cách.
- Ngộ độc vết thương: Dạng ngộ độc này thường xảy ra khi các bào tư vi khuẩn xâm nhập vào vết thương và tạo ra độc tố. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người sử dụng ma túy bằng đường tiêm chích hoặc sau chấn thương do phẫu thuật, tai nạn giao thông...
- Ngộ độc điều trị: Xảy ra do tiêm lượng lớn độc tố botulinum trong các thủ thuật phẫu thuật thẩm mỹ, chẳng hạn như xóa nếp nhăn hoặc các thủ thuật y tế khác.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng ngộ độc thịt thường xuất hiện trong vòng 6 - 36 tiếng ngay sau khi phơi nhiễm với độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và tính nhạy cảm của cơ thể người bệnh với chất độc mà các triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng có thể phát sinh từ nhẹ đến nặng bao gồm:
- Yếu cơ: Độc tố gây tác động trực tiếp đến cơ bắp, gây mệt mỏi, tê yếu và mệt mỏi. Các vị trí thường xảy ra như cổ, vai, sau đó lan sang chân, cánh tay và toàn thân.
- Khó nuốt: Người bệnh gặp khó khăn khi ăn uống và khó nuốt.
- Khô miệng: Đặc trưng bởi triệu chứng giảm tiết nước bọt, gây khô miệng.
- Nói lắp: Độc tố cũng làm tê liệt các cơ có nhiệm vụ phát ra âm thanh, nói chuyện, dẫn đến khó nói, nói lắp.
- Mờ mắt: Làm giảm khả năng vận động mắt, hậu quả gây giảm tầm nhìn, nhìn mờ, nhìn đôi.
- Khó thở: Đây cũng là triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng nhất, độc tố làm tê liệt các cơ trách nhiệm hô hấp, dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Triệu chứng có thể khác nhau về loại và mức độ tùy theo đối tượng mắc bệnh là trẻ em hay người lớn. Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường nào, hãy thăm khám ngay để được chẩn đoán và tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán chứng ngộ độc thịt, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe toàn diện, khai thác và đánh giá các triệu chứng bệnh. Bước này nhằm xác định và phân biệt với các triệu chứng bệnh khác. Chẳng hạn như hội chứng Guillain Barre, bệnh nhược cơ, viêm màng não, bại liệt, đột quỵ, viêm tủy ngang...
Bệnh nhân cũng được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cụ thể để chẩn đoán bệnh chính xác:
- Quét não bằng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính CT scan;
- Xét nghiệm phân tích dịch não tủy (CSF) bằng dịch tủy sống;
- Đo điện não đồ;
- Đo điện cơ kết hợp đo tốc độ dẫn truyền thần kinh;
- Các xét nghiệm thường quy khác như xét nghiệm máu, phân, nước tiểu, mẫu dịch hoặc mẫu mô vết thương nhằm tìm kiếm sự hiện diện của độc tố hoặc bào tử vi khuẩn;
Biến chứng và tiên lượng
Độc tố từ vi khuẩn Clostridium botulinum gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát các cơ ở toàn bộ cơ thể. Nếu mắc phải căn bệnh ngộ độc thịt này, dù nặng hay nhẹ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trường hợp nghiêm trọng nhất là khó thở, suy hô hấp và gây tử vong.
Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân chết vì nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác như liệt trong thời gian dài. Theo thống kê, cứ khoảng 100 người bị ngộ độc thịt, có ít nhất 5 người chết.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp nếu được phát hiện sớm và chẩn đoán điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể phục hồi sức khỏe trở lại. Sau một thời gian dưỡng bệnh, bệnh nhân có thể lấy lại tính mạng, nhưng dù có sống sót qua khỏi vẫn có thể gặp di chứng mệt mỏi, khó thở trong nhiều năm sau đó.
Điều trị
Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh ngộ độc thịt, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp điều trị phù hợp nhằm mục đích loại bỏ độc tố, kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
Các biện pháp được áp dụng điều trị chính bao gồm:
Chăm sóc đặc biệt
Bệnh nhân bị ngộ độc thịt bắt buộc phải nhập viện và theo dõi chặt chẽ. Hầu hết bệnh nhân đều được đưa vào trong đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU), đặt máy nội khí quản để duy trì hô hấp, cải thiện triệu chứng khó thở do liệt cơ hô hấp.
Điều trị bằng thuốc
Loại thuốc điều trị ngộ độc thịt duy nhất được chấp nhận hiện nay đó là thuốc chống độc Botulinum. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự hoạt động của độc tố trong máu, giảm thiểu tối đa những thiệt hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, thuốc kháng độc chỉ có thể kiểm soát độc tố, chứ không có khả năng chữa khỏi những tổn thương đã xảy ra. Quá trình điều trị này thường phải kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Ngoài ra, dùng thuốc kháng sinh cũng được kê toa sử dụng nhằm hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn Clostridium. Loại điển hình thường dùng là Penicillin.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định áp dụng trong những trường hợp tổn thương nhiễm độc nặng. Mục đích nhằm loại bỏ vết thương, mô bị nhiễm bệnh. Sau đó, kết hợp chăm sóc tích cực, cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng hậu phẫu.
Phòng ngừa
Ngộ độc thịt có rất nhiều loại, nếu muốn ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lý này, hãy thực hiện các biện pháp tích cực sau:
- Sử dụng thực phẩm an toàn hoặc áp dụng các kỹ thuật bảo quản thực phẩm tại nhà đúng cách để giảm nguy cơ phát triển vi khuẩn.
- Đun sôi thực phẩm ít nhất 10 phút để tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn.
- Tuyệt đối không ăn thực phẩm lên men chua, thực phẩm bốc mùi khó chịu hoặc thực phẩm đóng hộp bị phồng lên, hư hỏng...
- Không cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng mật ong.
- Chăm sóc vết thương đúng cách, hạn chế sử dụng thuốc tiêm để bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương, giảm nguy cơ phát triển ngộ độc thịt.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân tại sao tôi mắc bệnh ngộ độc thịt?
2. Những dấu hiệu sớm cho thấy tôi mắc bệnh ngộ độc thịt?
3. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán ngộ độc thịt?
4. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?
5. Bệnh ngộ độc thịt có chữa khỏi được không?
6. Tôi nên điều trị ngộ độc thịt bằng phương pháp nào tốt nhất?
7. Sau điều trị ngộ độc thịt, tôi có mắc phải di chứng nào không?
8. Tôi cần làm gì để chăm sóc và phục hồi sức khỏe sau điều trị?
Ngộ độc thịt đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, nhất là nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, tốt nhất bệnh nhân nên được chăm sóc tích cực và điều trị bằng các biện pháp y tế phù hợp. Đặc biệt, mỗi người cần nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống, chăm sóc vết thương sạch sẽ và tránh cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong.
THAM KHẢO THÊM
- Dị ứng thịt bò – Biểu hiện và cách xử lý tại chỗ
- Uống bia rượu bị đau bụng đi ngoài có phải ngộ độc?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!