Bệnh Nhiễm nấm Aspergillosis
Nhiễm nấm Aspergillosis là căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gây ảnh hưởng rất nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau của cơ thể. Trong đó, phổ biến nhất là phổi, tổn thương hệ hô hấp... Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến những người có hệ thống miễn dịch yếu, tiền sử mắc bệnh phổi, ung thư... Các chọn lựa điều trị nhiễm nấm Aspergillosis chủ yếu là dùng thuốc chống nấm và phẫu thuật.
Tổng quan
Nhiễm nấm Aspergillosis là bệnh nhiễm trùng được gây ra bởi loài nấm mốc Aspergillosis phổ biến. Đây là loài nấm sợi thực vật tồn tại và phát triển xung quanh chúng ta, kể cả môi trường trong nhà lẫn ngoài trời. Chủng nấm Aspergillosis có hơn 100 loài, nhưng chỉ khoảng 20 loại phổ biến hay gặp có thể gây bệnh cho con người, chẳng hạn như A.fumigatus, A.flavus, A.niger, A.terreus, A.nidulans...
Bệnh nhiễm trùng nấm Aspergillosis có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nhưng ảnh hưởng phổ biến nhất là ở những người có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng. Chẳng hạn như bệnh nhân phổi, ung thư, HIV/AIDS, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch lâu ngày hoặc sau phẫu thuật cấy ghép nội tạng...
Tại Việt Nam, bệnh nhiễm nấm Aspergillosis còn được gọi là bệnh nấm phổi mạn tính. Theo thống kê, số ca mắc mới mỗi năm khoảng 55.000 ca, đứng thứ 5 trong tổng số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ bệnh nấm nói chung. Do khí hậu và thời tiết nóng ẩm, tạo điều kiện cho nấm Aspergillosis phát triển. Tuy nhiên, việc điều trị vẫn còn rất nhiều hạn chế, số lượng trị khỏi rất thấp do phát hiện muộn, còn lại đều có tiên lượng xấu, tử vong cao sau 5 năm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Nấm Aspergillosis là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh nhiễm trùng này. Theo nhiều nghiên cứu y tế, nấm Aspergillosis là một trong những chủng nấm lớn và phát triển toàn cầu. Nhưng những quốc gia có khí hậu, thời tiết nóng ẩm, vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới là những nơi dễ dàng phát triển căn bệnh này.
Chủng nấm Aspergillosis có khả năng gây bệnh cho người, trong đó phổ biến nhất là khoảng hơn 20 loại sau:
- Chủng A.fumigatus hoặc A.aureus gây viêm da;
- Chủng A.niger gây viêm phổi, dị ứng, hen suyễn, viêm tai;
- Chủng A.versicolerr, A.nidulans hoặc A.terreuss gây viêm da tay, da chân hoặc viêm quanh móng;
- Chủng A.fumigatus hoặc A.flavus gây viêm phổi;
- Chủng A.keratitis gây viêm loét giác mạc;
Thông thường, nấm Aspergillosis tồn tại xung quanh chúng ta một cách tự nhiên, trong đất, không khí hoặc thực phẩm... Nhất là khi có sự ảnh hưởng của các yếu tố như thời tiết nóng ẩm, vệ sinh kém, môi trường sinh hoạt kém..., nấm sẽ rất dễ phát triển.
Và khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, có thể do chúng tồn tại sẵn trong không khí hoặc các tế bào nấm phát tán theo gió. Hoặc một số trường hợp nhiễm nấm Aspergillosis xảy ra do tình trạng các tế bào nấm xâm lấn trực tiếp qua vùng da bị tổn thương. Chẳng hạn như da trầy xước, xây xát, bỏng...
Khi đã vào trong cơ thể người, đầu tiên nấm Aspergillosis sẽ gây ra các tổn thương ở da, sau đó mới tiến triển gây ra các bệnh hệ thống hoặc ngược lại.
Yếu tố nguy cơ
Có rất nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ phát triển bệnh nhiễm nấm Aspergillosis. Có thể kể đến một số yếu tố như:
- Người sử dụng corticosteroid liều cao trong thời gian dài;
- Gặp tình trạng giảm bạch cầu trung tính kéo dài;
- Phẫu thuật cấy ghép nội tạng;
- Mắc các bệnh gây rối loạn chức năng bạch cầu trung tính di truyền;
Ngoài ra, một số đối tượng dễ nhiễm nấm Aspergillosis khác thường là những người bị suy giảm miễn dịch nặng do:
- Điều trị ung thư bằng các phương pháp hóa - trị liệu;
- Bệnh nhân đái tháo đường;
- Nhiễm HIV/AIDS;
- Nghiện rượu kéo dài;
- Những người làm công việc như nông dân trồng trọt hoặc chăn nuôi súc vật, giặt giũ áo lông hoặc cạo ống khói;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng bệnh nhiễm nấm Aspergillosis thường không đặc hiệu và tiến triển chậm, nên rất khó có thể phát hiện sớm. Tùy thuộc vào chủng nấm và vị trí mà nấm phát triển trong cơ thể mà các triệu chứng bệnh có thể biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn như:
- Đau tức ngực;
- Ho, ho ra máu;
- Khó thở;
- Sụt cân;
- Ra nhiều mồ hôi;
- Mệt mỏi;
Nếu được chẩn đoán nhiễm nấm Aspergillosis giai đoạn mãn tính, các triệu chứng có thể nặng hơn như:
- Ho dai dẳng, kéo dài, ho ra máu thường xuyên với số lượng lớn;
- Ho có đờm màu nâu;
- Tức ngực, khó thở dữ dội, phải thở rít;
Ngoài ra, khi tình trạng nhiễm trùng lây lan sang các cơ quan khác, cơ thể sẽ có rất nhiều biểu hiện bất thường, chẳng hạn như:
- Triệu chứng ở da: Da nổi những mảng đỏ ửng, bong tróc vảy hoặc nặng hơn có thể hình thành sùi, gôm, áp xe hoặc các vết loét;
- Triệu chứng ở mắt: Viêm hốc mắt hoặc viêm giác mạc gây các triệu chứng như đau, đỏ mắt, tầm nhìn mờ, khô mắt do viêm tuyến lệ;
- Triệu chứng ở tai: Ống tai sưng phù, đóng vảy và ngứa ngáy. Nếu không điều trị sớm nấm có thể lan vào trong màng nhĩ gây thủng màng nhĩ.
- Triệu chứng thần kinh: Khi não bị tấn công bởi nấm Aspergillosis, do lây lan từ các cơ quan khác thông qua hốc mắt hoặc hốc sọ, dẫn đến viêm não, tiểu não. Gây lú lẫn, dễ thay đổi tâm trạng, co giật...
- Triệu chứng tiêu hóa: Nhiễm nấm Aspergillosis đường tiêu hóa gây ra sốt, đau bụng, tiêu chảy, táo bón...
- Các triệu chứng khác:
- Lưỡi màu đen do hình thành các gai nhung mao đen;
- Viêm cơ tim hoặc viêm màng trong tim;
- Viêm xương hoặc viêm màng xương;
- Viêm niệu quản hoặc viêm bàng quang;
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh nhiễm nấm Aspergillosis được thực hiện thông qua một số biện pháp sau cụ thể sau:
- Soi mẫu bệnh phẩm: Đây là cách trực tiếp và hiệu quả nhất giúp phát hiện sự hiện diện của nấm Aspergillosis trong cơ thể. Tùy theo triệu chứng và tổn thương ở vị trí nào, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm ở vị trí đó, chẳng hạn như dịch mủ, đờm, vảy da... Sau đó, tiến hành soi mẫu bằng kỹ thuật nhuộm gram hoặc nhỏ KOH20% để dễ dàng phát hiện các bào tử hoặc sợi tơ nấm dưới kính hiển vi.
- Nuôi cấy: Nuôi cấy nấm Aspergillosis cũng được chỉ định thực hiện nhằm xác nhận chẩn đoán về bệnh nhiễm trùng nấm Aspergillosis.
- Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các kháng thể chống lại nấm Aspergillosis xâm lấn, hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán sớm về bệnh nhiễm trùng nấm Aspergillosis, nhất là ở những người có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng.
- Xét nghiệm hình ảnh: Các kỹ thuật hình ảnh cơ bản như chụp X quang hoặc chụp CT cũng góp phần hỗ trợ tìm kiếm các dấu hiệu về sự tồn tại của nấm Aspergillosis, cũng như đánh giá mức độ nhiễm trùng.
- Chẩn đoán phân biệt: Bệnh nấm Aspergillosis cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như nấm blastomycosis, coccidioidomycosis, histoplasmosis hoặc các bệnh nấm da khác...
Biến chứng và tiên lượng
Các chuyên gia đánh giá bệnh nhiễm nấm Aspergillosis là "kẻ giết người thầm lặng" vì tiến triển bệnh khá chậm và không biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu. Chỉ khi đến giai đoạn cuối, nghiêm trọng mới bộc phát gây khó khăn cho việc điều trị.
Bệnh nhiễm nấm Aspergillosis nếu phát triển nghiêm trọng và không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm. Tùy theo loại nấm Aspergillosis và vị trí ảnh hưởng mà các biến chứng có thể khác nhau. Có thể kể đến như:
- Hình thành sẹo (xơ hóa);
- Giãn phế quản;
- Xẹp phổi;
Ngoài ra, khi nấm Aspergillosis xâm lấn và phát triển sang thể mãn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nặng hơn như:
- Suy hô hấp;
- Xuất huyết nặng;
- Nhiễm trùng huyết;
Tất cả những biến chứng này đều được đánh giá khá nguy hiểm và có thể tiến triển đến mức tạo ra các tổn thương vĩnh viễn. Nhất là khi các bào tử nấm xâm nhập và lan tràn trong các cơ quan khác như não, màng não, mắt, cơ, da... Bệnh nhân chắc chắn sẽ dần bị suy kiệt sức khỏe và tăng nguy cơ tử vong.
Tiên lượng sống sót của bệnh nhiễm nấm Aspergillosis nếu không được điều trị kịp thời lần lượt như sau:
- Sau 1 năm là 86%;
- Sau 5 năm là 62%;
- Sau 10 năm là 47%;
Điều trị
Mục tiêu điều trị bệnh nấm Aspergillosis tùy thuộc vào vị trí tổn thương, mức độ bệnh và các bệnh lý nền của bệnh nhân. Dưới đây là những phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến:
Dùng thuốc
Đa số các trường hợp nhiễm nấm Aspergillosis đều được ưu tiên điều trị bằng thuốc chống nấm. Các loại thường dùng là voriconazole hoặc amphotericin B. Tùy mức độ nghiêm trọng của nhiễm tròng mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Ngoài ra, đối với những bệnh nhân nhiễm nấm nấm Aspergillosis phổi dị ứng sẽ được chỉ định sử dụng thuốc Corticosteroid để dự phòng hen suyễn hoặc xơ nang phổi trở nên nặng hơn. Các loại thường dùng như prednisone, prednisolone hoặc methylprednisolone. Liều dùng và cách dùng sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp cần thiết, tổn thương phổi hoặc các cơ quan nội tạng khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nấm Aspergillosis, phẫu thuật được chỉ định để loại bỏ các mô bị nhiễm bệnh. Thường là những trường hợp nhiễm nấm Aspergillosis mãn tính, xâm lấn hoặc dị ứng tiến triển.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ
Song song với các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân cũng có thể áp dụng các biện pháp sau đây để hỗ trợ cải thiện triệu chứng nhiễm nấm Aspergillosis.
- Sử dụng liệu pháp oxy để duy trì hô hấp, giúp bệnh nhân dễ thở hơn;
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối cải thiện các triệu chứng trong cổ họng, khoang miệng;
- Xông hơi giúp giảm triệu chứng đau nhức xoang, nghẹt mũi;
- Tăng cường bổ sung vitamin C giúp nâng cao hệ thống miễn dịch và chống lại nhiễm trùng;
Phòng ngừa
Nấm Aspergillosis luôn tồn tại xung quanh chúng ta nên rất dễ mắc phải. Do đó, bất kỳ ai trong chúng ta cũng phải luôn nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa, nhất là những người có hệ thống miễn dịch suy yếu để bảo vệ sức khỏe.
Dưới đây là các cách đơn giản bạn có thể áp dụng để phòng ngừa bệnh nhiễm nấm Aspergillosis:
- Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc các loại phân hữu cơ nghi ngờ có chứa nấm khi làm vườn.
- Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi làm các công việc phải tiếp xúc với môi trường chứa bụi bặm.
- Luôn giữ môi trường sống sạch sẽ, khô ráo và thoáng mát để ức chế sự phát triển của nấm Aspergillosis.
- Luôn đeo khẩu trang che chắn kỹ mũi, miệng để bảo vệ đường hô hấp khỏi các bào tử nấm Aspergillosis tồn tại trong không khí.
- Xây dựng lối sống khoa học gồm ăn uống đa dạng, đủ chất, sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc, nghỉ ngơi, tránh stress, căng thẳng và vận động thể chất tích cực hàng ngày giúp nâng cao thể trạng, phòng ngừa mọi bệnh tật.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tại sao tôi có các triệu chứng dị ứng như sốt, ho đờm, ra máu, tức ngực, khó thở không rõ lý do?
2. Nguyên nhân khiến tôi mắc bệnh nhiễm nấm Aspergillosis?
3. Nhiễm nấm Aspergillosis có gây tử vong nếu không điều trị không?
4. Những biến chứng tôi có thể gặp phải khi bị nhiễm nấm Aspergillosis?
5. Tôi nên điều trị tình trạng nhiễm nấm Aspergillosis bằng cách nào tốt nhất?
6. Tình trạng nhiễm nấm Aspergillosis của tôi có cần can thiệp phẫu thuật không?
7. Thời gian điều trị nhiễm nấm Aspergillosis mất bao lâu thì khỏi?
8. Chi phí điều trị bệnh nhiễm nấm Aspergillosis tốn bao nhiêu?
Nhiễm nấm Aspergillosis là căn bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, phá hủy phổi từ từ cùng nhiều cơ quan khác. Tại Việt Nam, tỷ lệ chữa khỏi rất thấp do phát hiện muộn và áp dụng sai cách. Trong khi, tiên lượng của bệnh lý này chỉ tốt lên khi phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng và bảo vệ sức khỏe.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Bệnh nấm Candida là gì? Dấu hiệu viêm nhiễm và cách điều trị
- Viêm âm đạo do nấm: Dấu hiệu nhận biết và cách chữa
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!