Sốc phản vệ

Sốc phản vệ là phản ứng dị ứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài tiếng sau khi tiếp xúc với chất dị ứng. Điển hình như phát ban, sưng phù, khó thở, buồn nôn, tụt huyết áp... Một số tác nhân dị ứng gây sốc phản vệ thường gặp như thực phẩm, thuốc, côn trùng đốt... 

Sốc phản vệ xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các tác nhân dị ứng

Tổng quan

Sốc phản vệ (Anaphylasix) là phản ứng dị ứng của cơ thể, đặc trưng với các triệu chứng như phát ban, sưng phù, khó thở, buồn nôn, nôn ói và tụt huyết áp đột ngột. Đây là phản ứng dị ứng nghiêm trọng, thường xảy ra trong vòng vài phút ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.

Có nhiều tác nhân gây ra sốc phản vệ như dị ứng thực phẩm, thuốc, côn trùng cắn, tiếp xúc nhựa mủ thực vật... Sốc phản vệ là tình trạng nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay lập tức tại bệnh viện. Điều trị chủ yếu bằng cách tiêm epinephrine và duy trì tuần hoàn, hô hấp. Trường hợp sốc phản vệ không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Phân loại

Sốc phản vệ được phân chia làm 2 dạng chính gồm:

  • Sốc phản vệ qua trung gian IgE: Đây là phản ứng dị ứng với một chất gây dị ứng cụ thể.
  • Sốc phản vệ không qua trung gian IgE: Bùng phát phản ứng dị ứng với một chất không có khả năng gây dị ứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Hệ thống miễn dịch con người có nhiệm vụ tạo ra kháng thể để chống lại các hoạt chất hoặc sinh vật lạ xuất hiện gây hại cho cơ thể. Điều này thể hiện rõ nhất mỗi khi tiếp xúc với các vi sinh vật gây nhiễm trùng, hệ miễn dịch có thể nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt chúng.

Tuy nhiên, khi bạn bị dị ứng với một thứ gì đó, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng quá mức bằng cách giải phóng các chất histamin. Chính hoạt chất này là tác nhân thúc đẩy phản ứng viêm lưu trữ trong các tế bào mast và basophils trong các mô tế bào. Điều này kích hoạt giải phóng các hóa chất trung gian gây dị ứng viêm ngứa, chảy nước mắt, nước mũi... và dị ứng ở nhiều vị trí khác của cơ thể.

Dị ứng thực phẩm là một trong những tác nhân hàng đầu khởi phát sốc phản vệ

Ở một số trường hợp, quá trình này diễn ra nghiêm trọng do phản ứng dị ứng nặng hơn dẫn đến sốc phản vệ. Phản ứng này gây ảnh hưởng đồng thời ở một số vị trí trên cơ thể cùng lúc như da, đường hô hấp, đường tiêu hóa...

Có rất nhiều tác nhân gây dị ứng dẫn đến sốc phản vệ bao gồm:

  • Dị ứng thực phẩm: Hải sản, cá, đậu phộng, lúa mì, vừng, đậu nành, sữa, thịt đỏ...;
  • Dị ứng thuốc: Thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, aspirin, thuốc chống co giật, thuốc hormone, thuốc gây tê cục bộ, tiêm insulin, vắc xin, và thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch (IV) được sử dụng khi thực hiện các xét nghiệm hình ảnh;
  • Dị ứng nọc độc côn trùng: Vết đốt của ong (nhất là một số loài ong có nọc độc như ong vàng, ong mật, bong bắp cày), kiến lửa, kiến ba khoang, rết...;
  • Dị ứng nhựa thực vật: Các loại nhựa độc thực vật như mủ cao su (dị ứng latex) do sử dụng dây cao su, găng tay bệnh viện, bóng bay...;

Ngoài ra, một số trường hợp được ghi nhận sốc phản vệ xảy ra do các nguyên nhân khác như:

  • Tập thể dục: Sốc phản vệ do tập thể dục (EIA) là dạng khá hiếm gặp. Xảy ra khi cơ thể thực hiện một số hoạt động thể chất dù dưới bất kỳ hình thức nào. Các triệu chứng ban đầu như mệt mỏi, ngứa, nóng, đỏ chỉ sau vài phút tập thể dục. Nguyên nhân gây sốc phản vệ do tập thể dục chưa được làm rõ. Nhưng nhiều giả thuyết cho rằng những người gặp phải tình trạng này là do đã dung nạp lúa mì ngay trước khi tập.
  • Sốc phản vệ do ve miệng (OMA): Xảy ra ở những người có sẵn cơ địa dị ứng với mạt bụi nhưng lại ăn trúng các loại thực phẩm nhiễm bụi mịn. Người trẻ tuổi có nguy cơ bị sốc phản vệ do ve miệng cao hơn. Những triệu chứng OMA thường xảy ra trong vòng vài phút cho đến vài tiếng sau khi ăn thực phẩm nhiễm mạt bụi.
  • Sốc phản vệ do nhiệt độ lạnh: Hiếm khi gặp phải, xảy ra do cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh. Triệu chứng đặc trưng là nổi mề đay nghiêm trọng.
  • Sốc phản vệ vô căn: Những trường hợp không xác định được tác nhân gây dị ứng, kể cả khi xét nghiệm sẽ được chẩn đoán sốc phản vệ vô căn.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ gây sốc phản vệ như:

  • Di truyền học: Dị ứng và hen suyễn là 2 vấn đề có xu hướng di truyền trong gia đình. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ phát sinh sốc phản vệ sau khi tiếp xúc chất dị ứng trong tương lai.
  • Tiền sử sốc phản vệ trước đó: Những người đã từng phát sinh sốc phản vệ trước đó, bạn sẽ có nguy cơ bị phản ứng nghiêm trọng trong những lần sau đó.
  • Một số điều kiện khác: Chẳng hạn như người lớn tuổi (> 65 tuổi), mắc bệnh tim hoặc quá trình tích tụ bạch cầu bất thường (mastocytosis) cũng làm tăng nguy cơ khởi phát sốc phản vệ.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng của sốc phản vệ thường bùng phát nhanh chóng trong vòng vài phút kể từ khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sốc phản vệ xảy ra sau nửa giờ hoặc lâu hơn tùy theo lượng chất dị ứng. Cũng có nhiều trường hợp phát sinh sốc phản vệ hai pha (khoảng 20%), xảy ra sau đợt bùng phát thứ nhất vài tiếng hoặc vài ngày.

Người bị sốc phản vệ thường có các triệu chứng như phát ban, đỏ da, ngứa rát, buồn nôn, khó thở...

Một số triệu chứng điển hình của sốc phản vệ như:

  • Phát ban trên da, nổi mề đay, đỏ da hoặc nhợt nhạt, kèm theo ngứa rát;
  • Sưng lưỡi, cổ họng, co thắt đường thở, gây khó thở, thở khò khè;
  • Mạch đập nhanh, yếu;
  • Tụt huyết áp;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Đau bụng, tiêu chảy;
  • Cảm giác sợ hãi;
  • Hoa mắt, chóng mặt và ngất xỉu;

Chẩn đoán

Nếu bạn bị dị ứng với thức ăn, thuốc hoặc bị côn trùng đốt, hãy thông báo cho bác sĩ để được chẩn đoán sốc phản vệ dựa trên các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng. Có 3 trường hợp gồm:

  • Thể nhẹ: Làn da và các tổ chức dưới da ửng đỏ, nổi mề đay, ngứa ngáy và sưng phù mạch;
  • Thể trung bình: Kèm theo các triệu chứng suy hô hấp và rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, thở rít, khó thở, thở khò khè;
  • Thể nặng: Thiếu oxy và tụt huyết áp dần, kèm theo rối loạn ý thức, rối loạn cơ tròn;

Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau để chẩn đoán sốc phản vệ. Phương pháp chính là xét nghiệm máu gồm công thức máu, đo lượng enzyme tryptase, đo mức độ đông máu, đo lượng khí trong máu, các chất điện giải, lactat... Đa số trường hợp không cần thực hiện xét nghiệm hình ảnh.

Xét nghiệm đo lượng enzyme tryptase giúp chẩn đoán sốc phản vệ

Ngoài ra, kết hợp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như:

  • Sốc do tim;
  • Nhồi máu phổi;
  • Sốc giảm thể tích;
  • Phình tách động mạch chủ;
  • Tràn dịch màng ngoài tim gây ép tim cấp;
  • Sốc nhiễm khuẩn;

Biến chứng và tiên lượng

Sốc phản vệ là tai biến dị ứng nguy hiểm cần phải cấp cứu y tế nhanh chóng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong ngay sau đó do tụt huyết áp và suy hô hấp cấp. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể góp phần gây các biến chứng tiềm ẩn như nhồi máu cơ tim, tổn thương não, sốc tim, suy thận, rối loạn nhịp tim...

Do đó, ngay khi phát hiện các dấu hiệu dị ứng bất thường, nghi ngờ sắp phát sinh sốc phản vệ, hãy lập tức đến bệnh viện để được xử lý và điều trị bằng biện pháp phù hợp, bảo toàn tính mạng.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị sốc phản vệ là phải xử lý khẩn cấp và theo dõi, phục hồi liên tục trong vòng 24 tiếng. Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp phù hợp.

Điều trị sơ cứu

Nếu bên cạnh bạn có người bị dị ứng sốc phản vệ, hãy thực hiện ngay các bước sau:

  • Gọi 115 để nhờ sự hỗ trợ y tế khẩn cấp;
  • Sử dụng bút tiêm tự động epinephrine (EpiPen) (nếu có). Tiêm trực tiếp đầu bút xuống vùng đùi trên bên ngoài;
  • Trong quá trình đợi cấp cứu, hãy đặt bệnh nhân nằm trên bề mặt phẳng hoặc nếu có dấu hiệu khó thở, hãy ngồi trong tư thế nửa nằm nửa ngồi;
  • Trường hợp bệnh nhân bất tỉnh, rơi vào hôn mê, hãy đặt họ nằm nghiêng và mở cằm để duy trì đường thở;
  • Kết hợp loại bỏ chất dị ứng bằng mọi cách. Chẳng hạn như cố gắng móc cổ họng để nôn ra hoặc dùng một vật cùn nào đó để loại bỏ côn trùng khỏi làn da;

Điều trị cấp cứu

Điều trị cấp cứu được thực hiện tại bệnh viện, bao gồm nhiều bước nhằm mục đích duy trì các yếu tố sinh hiệu. Bao gồm:

Dùng bút tiêm tự động epinephrine hoặc tiêm adrnaline tĩnh mạch giúp cải thiện nhanh các triệu chứng sốc phản vệ

  • Sử dụng thuốc kháng histamine và steroid để kiểm soát các triệu chứng dị ứng;
  • Dùng thuốc khí dung Albuterol nếu thở khò khè;
  • Truyền dịch tĩnh mạch nếu huyết áp tụt thấp;
  • Sử dụng bút tiêm tự động epinephrine hoặc tiêm epinephrine tĩnh mạch;
  • Thở oxy (nếu cần thiết) hoặc đặt nội khí quản nhằm kiểm soát hơi thở;
  • Trường hợp bệnh nhân ngừng tim tiến hành hồi sức tim phổi (PCR);

Điều trị lâu dài

Những trường hợp có hệ thống miễn dịch nhạy cảm quá mức, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị dự phòng bằng liệu pháp miễn dịch. Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm một loạt các mũi tiêm dị ứng nhằm ức chế hoặc giảm thiểu mức độ dị ứng nghiêm trọng trong tương lai.

Phương pháp này còn được gọi là liệu pháp miễn dịch nọc độc, thường được chỉ định cho những trường hợp thường xuyên bị côn trùng có độc cắn, giúp giảm độ nhạy cảm của cơ thể đối với chất gây dị ứng.

Phòng ngừa

Sốc phản vệ xảy ra sau phản ứng dị ứng quá mức, tuy nhiên rất khó để có thể ngăn chặn hoàn toàn các tác nhân gây dị ứng. Do đó, bạn chỉ có thể thực hiện các biện pháp giảm yếu tố kích hoạt gây phản ứng dị ứng. Cụ thể như sau:

Ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, cẩn thận để tránh dung nạp hoặc tiếp xúc với chất dị ứng

  • Đọc kỹ thành phần sản phẩm trước khi mua hoặc thông báo cho nhà hàng về việc bạn bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó để họ loại bỏ chúng ra khỏi khẩu phần ăn.
  • Không tự ý sử dụng thuốc, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để giảm nguy cơ dị ứng thuốc.
  • Mặc đồ bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều côn trùng hoặc bôi thuốc chống côn trùng khi vào mùa mưa, đi du lịch ở những nơi rừng rậm...
  • Luôn mang theo bút adrenaline tự động bên người để tránh nguy cơ lên cơn sốc phản vệ nguy hiểm khó lường.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi bị sốc phản vệ?

2. Tại sao tình trạng sốc phản vệ diễn ra nhanh chóng?

3. Bị sốc phản vệ gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của tôi?

4. Sốc phản vệ có dẫn đến tử vong không?

5. Điều trị sốc phản vệ bằng cách nào tốt nhất?

6. Quá trình cấp cứu sốc phản vệ mất bao lâu?

7. Chi phí điều trị sốc phản vệ tốn bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?

8. Tôi cần làm gì để phòng ngừa sốc phản vệ?

Sốc phản vệ có thể xảy ra nhẹ hoặc nặng tùy theo mức độ dị ứng. Khuyến cáo các bước sơ cứu và cấp cứu sốc phản vệ nên được thực hiện càng sớm càng tốt để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, bảo toàn tính mạng. Đối với người nhà, người thân hoặc bất kỳ ai cũng nên nắm rõ các bước sơ cứu sốc phản vệ để kịp thời xử lý khi cần thiết.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Lao phổi Bệnh Lao Phổi
Lao phổi là thể lao phổ biến nhất trên thế giới và là nguyên nhân lớn thứ 2 gây tử vong ở người trong tất cả các bệnh nhiễm trùng.…
Hội chứng giảm thông khí trung tâm bẩm sinh
Hội chứng giảm thông khí trung tâm bẩm sinh là…
Bệnh Giãn Phế Quản
Giãn phế quản là một trong những bệnh lý đường…
Bệnh Ho gà
Ho gà là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp với…
Bệnh U nang phế quản

U nang thực quản là dạng u nang bẩm sinh bất thường phát triển trong phổi và thường được hình…

Bệnh Bụi phổi

Bụi phổi xảy ra do liên quan đến điều kiện môi trường sống ô nhiễm và hít phải nhiều bụi…

Bệnh Ung Thư Phổi

Ung thư phổi là căn bệnh phổ biến nhất trong tất cả các dạng ung thư thường gặp. Bệnh nhân…

Áp xe phổi Bệnh Áp Xe Phổi

Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng phổi do tác nhân vi khuẩn và ký sinh trùng. Người lớn…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua