Bệnh Tim Mạch: Nguyên nhân, Biểu hiệu và Cách chữa trị

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dựa vào số liệu năm 2019, tim mạch là căn bệnh gây nguy tử vong cao nhất trên thế giới và ngày càng có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh do thói quen sinh hoạt, lối sống thiếu lành mạnh. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao, thường tiến triển âm thầm, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh rất khó nhận biết. Vì vậy, việc trang bị các kiến thức về nguyên nhân, cách nhận biết, cách phòng ngừa bệnh là hết sức cần thiết. 

Bệnh tim mạch – Dấu hiệu nhận biết

Bệnh tim mạch là thuật ngữ y khoa được sử dụng để chỉ chung cho các vấn đề liên quan đến tim. Bao gồm tất cả các bệnh lý liên quan đến cấu trúc, hoạt động của tim và các vấn đề về mạch máu, các bệnh lý làm suy yếu khả năng hoạt động của tim. Các loại bệnh lý về tim mạch có thể kể đến như bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý tim nhiễm khuẩn, bệnh lý mạch máu, bệnh lý van tim, bệnh lý cơ tim, rối loạn nhịp tim.

Bệnh tim mạch là một trong những nhóm bệnh không truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay
Bệnh tim mạch là một trong những nhóm bệnh không truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất hiện nay

Các bệnh lý về tim mạch được đánh giá cao về mức độ nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong khi đó, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng bệnh khá mờ nhạt, khó nhận biết. Nếu không tìm hiểu, có kiến thức về căn bệnh này thì sẽ rất khó nhận biết và phát hiện. 

Các dấu hiệu nhận biết và những triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh lý về tim mạch có thể kể đến như:

  • Đau tức ngực: Cảm giác đau như bị đè ép ở giữa ngực, hay xuất hiện khi gắng sức. Có thể gây ra cơn đau lan tỏa, lan ra vùng cổ, hàm, cánh tay trái
  • Đánh trống ngực: Người bệnh thường có cảm giác hụt nhịp hoặc nhịp tim nhanh đột ngột, nhất là khi hồi hộp, gắng sức
  • Khó thở: Khi mắc bệnh tim mạch, người bệnh sẽ hay gặp tình trạng khó thở, thường xảy ra khi gắng sức, nếu nghiêm trọng có thể gặp hiện tượng khó thở ngay cả khi đang nằm ngủ. 
  • Cơ thể bị tích nước: Các biểu hiện cho thấy cơ thể bạn bị tích nước thường là mặt, bàn chân, bàn tay bị căng phù, khi bóp vào thấy mềm hoặc thấy phù tím, bắt đầu trước tiên ở hai bàn chân, có thể kèm theo nổi tĩnh mạch cổ.
  • Hay mệt mỏi, kiệt sức: Do thiếu máu đến một số cơ quan quan trọng như tim, não, phổi khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng, không đủ sức để thực hiện các hoạt động thường ngày. 
  • Chán ăn, buồn nôn: Liên quan đến sự tích tụ của dịch ở hệ thống tiêu hóa, ở gan khiến người bệnh gặp phải tình trạng chán ăn, buồn nôn.
  • Một số triệu chứng khác: Có thể kể đến như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh hoặc chậm, thậm chí có thể ngất do não không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết hay do mắc các bệnh như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, hẹp động mạch cảnh… Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng có thể gặp ở người mắc bệnh lý tim mạch là ho dai dẳng, thở khò khè, mạch không đều, lòng bàn tay hay đổ mồ hôi, đi tiểu đêm nhiều lần.

Nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch

Các bệnh lý về tim mạch thường diễn biến âm thầm, không gây ra các biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn sớm. Các dấu hiệu nhận biết bệnh thường là khó thở, hồi hộp, choáng váng, đau tức ngực, đánh trống ngực, phù, thay đổi huyết áp… Có nhiều nguyên nhân gây ra các vấn đề về tim mạch, thường liên quan đến lối sống, thói quen sinh hoạt, các bệnh lý về huyết áp, mỡ máu, về đường huyết. 

Những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch thường gặp có thể kể đến như:

1.Cholesterol trong máu cao

Cholesterol là một loại chất béo trong máu có vai trò quan trọng với hệ tuần hoàn, có đến 80% lượng cholesterol nội sinh được sản xuất ở gan, 20% còn lại được tổng hợp từ Acetyl CoA tại ruột. Cholesterol được chia thành 2 loại chính là cholesterol LDL và cholesterol HDL. Việc dư thừa cholesterol LDL (cholesterol xấu) được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tích tụ mỡ máu, làm xơ vữa động mạch, gây tắc nghẽn, vỡ mạch máu và đặc biệt là các bệnh lý tim mạch, nhất là nhồi máu cơ tim.

Các nguyên nhân có thể khiến bạn bị tăng cholesterol như do di truyền, chế độ ăn uống thiếu khoa học, lành mạnh, chứa nhiều chất béo, nhiều dầu mỡ, không đa dạng dưỡng chất, thường xuyên ăn nội tạng động vật, ăn nhiều phô mai, thịt đỏ, bánh ngọt… Do lười vận động, lạm dụng rượu bia, thường xuyên hút thuốc lá hoặc do sử dụng một số loại thuốc điều trị làm gia tăng triglycerid trong máu dẫn đến tăng cholesterol máu. 

2. Do bất thường về chỉ số đường huyết và bệnh tiểu đường 

Chỉ số đường huyết tăng giảm đột ngột hoặc mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các bệnh lý về tim mạch. Được biết đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao do thiếu hoặc thừa insulin hoặc có liên quan đến cả hai yếu tố này.

Khi bị đái tháo đường, nếu chỉ số đường huyết không được kiểm soát ở mức ổn định sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa lipid, protide, carbohydrate, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, thần kinh, thận… Căn bệnh này cũng là nguyên nhân làm gia tăng sản xuất các cytokine tiền viêm, khiến các gốc tác do, các chất chống oxy hóa được sản sinh nhiều hơn, khiến lớp nội mạc tổn thương, gây gia tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch. 

3. Do huyết áp cao

Tăng huyết áp, cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về tim mạch. Khi huyết áp tăng, các tế bào cơ trơn tăng sinh, khiến thành động mạch dày lên, hình thành nên các mảng xơ vữa động mạch. Không chỉ vậy, gia tăng huyết áp đột ngột còn khiến thành mạch máu chịu nhiều áp lực, làm gia tăng tính thấm của cholesterol vào lớp nội mạc.

Cao huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Cao huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Cao huyết áp là bệnh lý mãn tính, tác động lên thành mạch máu, gây nhiều áp lực, gánh nặng cho tim, có thể gây ra những bệnh lý tim mạch nguy hiểm như bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim hay bệnh tai biến mạch máu não. Đa phần, tăng huyết áp thường không có nguyên nhân cụ thể, chủ yếu liên quan đến các yếu tố như di truyền, tuổi tác, ăn quá nhiều muối, lạm dụng rượu bia, chế độ ăn uống không lành mạnh… 

4. Do thường xuyên hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra các bệnh lý về tim mạch như phình động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, bệnh tim, bệnh mạch vành, bệnh cơ tim… Người thường xuyên hút thuốc lá thường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch cao, dễ bị tăng kết dính tế bào, giảm luân chuyển oxy trong lòng mạch, có nguy cơ xuất hiện các cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu hơn các đối tượng khác. 

Ở người thường xuyên hút thuốc lá, nhịp tim có thể tăng tới 30% trong vòng vài phút. Không chỉ vậy, khói thuốc lá làm tổn thương lớp nội mạc, tạo điều kiện hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch. Làm gia tăng chỉ số cholesterol xấu và làm giảm cholesterol tốt. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người hút thuốc lá, khói thuốc lá cũng ảnh hưởng đến người hít phải khói thuốc lá thụ động thường xuyên. 

5. Lười vận động, thừa cân, béo phì 

Những người lười vận động, có lối sống tĩnh tại, thường xuyên ngồi hoặc nằm một chỗ, ít đi lại, ít luyện tập thể dục thể thao cũng rất dễ bị bệnh tim mạch. Nguyên nhân khiến chúng ta lười vận động là do chạy theo nhịp sống hiện đại, ít quan tâm đến sức khỏe, chủ yếu làm việc qua máy tính, thiết bị công nghệ, sa đà vào mạng xã hội, game online hoặc bị cuốn vào guồng công việc, không cân đối được thời gian nghỉ ngơi, vận động.

Lười vận động có thể gây thừa cân, béo phì, gây tích tụ năng lượng trong cơ thể, làm tăng hàm lượng cholesterol xấu, giảm lượng cholesterol tốt. Người lười vận động có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, dễ bị chứng nghẽn mạch, suy tĩnh mạch ngoại biên. Không chỉ vậy, việc ngồi nhiều một chỗ, ít đi lại sẽ làm máu lưu thông chậm, quá trình trao đổi chất cũng chậm hơn. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị trầm cảm, stress, căng thẳng, mệt mỏi, hay bị đau lưng và vai gáy. 

6. Yếu tố khác

Các yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các bệnh lý tim mạch trong cơ thể như:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Thường xuyên bỏ bữa, ăn uống không đều độ, sử dụng các thực phẩm nghèo dinh dưỡng như mì gói, bánh quy, nước ngọt có gas, các món thạch… Ăn nhiều thịt đỏ, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, thịt mỡ, nội tạng động vật, bơ động vật… 
  • Do di truyền, tiền sử gia đình: Có nhiều bệnh lý về tim mạch có liên quan đến yếu tố di truyền, tức là khi gia đình có người thân mắc bệnh này thì nguy cơ con cái cũng mắc bệnh tim mạch là rất cao. 
  • Do tuổi tác: Tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng ngày càng gia tăng, có liên quan đến sự lão hóa của các cơ quan trong cơ thể và sự tích tụ lâu ngày của chất béo, mảng xơ vữa động mạch… 

Các bệnh lý tim mạch thường gặp

Nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch không chỉ một mà là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Bệnh tim mạch là thuật ngữ dùng để chỉ cho một nhóm bệnh, không phải một bệnh lý riêng biệt, các bệnh này bao gồm:

1. Bệnh mạch vành

Động mạch vành là hệ thống động mạch lớn, xuất phát từ gốc động mạch chủ, chạy trên bề mặt tim có chức năng cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng trái tim. Bệnh mạch vành là căn bệnh xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch này bị hẹp hay bị cản trở bởi các mảng bám tích tụ trong lòng mạch máu. Căn bệnh này khiến cơ tim không nhận được đủ lượng máu và oxy cần thiết, có thể gây ra những cơn đau thắt ngực điển hình và nhồi máu cơ tim, gây tổn thương vĩnh viễn cho tim.

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mạch vành
Xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mạch vành

Triệu chứng điển hình:

  • Có cảm giác tê, nặng nề ở vùng ngực
  • Đau thắt ngực, đau tức ngực không ổn định, cảm giác bị đè nén ở tim
  • Đau ran, nóng rát, khó chịu ở vùng ngực
  • Đôi khi ngực có cảm giác đau âm ỉ, tim như bị ai bóp chặt
  • Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như khó thở, buồn nôn, đầy bụng, mệt mỏi, đổ mồ hôi, chóng mặt, đánh trống ngực, tim đập nhanh… 

2. Rối loạn nhịp tim – Bệnh tim mạch thường gặp

Rối loạn nhịp tim là bệnh tim mạch nguy hiểm, xảy ra khi xung động điện tim không bình thường. Bệnh được chia thành các loại như nhịp tim nhanh đều, nhịp tim chậm đều, nhịp tim không đều từng lúc và tim loạn nhịp hoàn toàn (rung nhĩ). Các nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có thể kể đến như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, thiếu máu, do di truyền, sẹo tim, tiền sử phẫu thuật tim mở, tuổi tác, lạm dụng rượu bia, thuốc lá… 

Triệu chứng điển hình:

  • Thở ngắn, hay hồi hộp, lo lắng
  • Hay bị khó thở, đánh trống ngực, tim đập nhanh, thở hụt hơi
  • Có cảm giác tim đập chậm vài giây rồi đập mạnh trở lại
  • Đau đầu, choáng váng, mất thăng bằng, xây xẩm mặt mày
  • Người mệt mỏi, uể oải, thiếu hụt năng lượng
  • Cảm giác đau tức, khó chịu ở ngực, cảm giác như ngực bị đè nén
  • Đôi khi người bệnh có thể bị ngất xỉu, mất ý thức hoàn toàn…

3. Bệnh động mạch ngoại biên

Động mạch ngoại biên còn được gọi là động mạch ngoại vi gồm các hệ động mạch ở xa trung tâm như động mạch thận, động mạch chi dưới, chi trên và động mạch cảnh. Bệnh động mạch ngoại biên là thuật ngữ dùng để chỉ cho tình trạng tổn thương động mạch chi, liên quan đến các vấn đề như hẹp, tắc một phần hoặc tắc hoàn toàn, phình một hoặc nhiều động mạch. Căn bệnh này có liên quan đến các yếu tố như tuổi tác, đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, rối loạn lipid máu. 

Triệu chứng đặc trưng: 

  • Các triệu chứng thường không rõ ràng, đôi khi không có triệu chứng
  • Người bệnh dễ bị đau cách hồi, đau kiểu chuột rút ở bắp chân khi đi bộ, giảm đi khi nghỉ ngơi
  • Tê nhức, đau mỏi, hay bị chuột rút ở vùng bị tổn thương
  • Bị khô ở đầu ngọn chi, móng xấu, thiếu dưỡng chất, nhợt, có thể xuất hiện điểm hoại tử đen
  • Đau mạn tính, có thể đau âm ỉ, nhức nhối ở các chi trong thời gian dài
  • Chi bên phía động mạch tổn thương lạnh hơn chi bên lành
  • Chân bị đau buốt nhiều, khả năng vận động bị hạn chế
  • Vết thương lâu lành, có thể dẫn đến hoại tử
  • Có thể bị đau bụng sau bữa ăn, hay bị buồn bực, yếu nhược cơ… 

4. Thiếu máu cơ tim cục bộ

Còn được gọi là thiếu máu tim hoặc bệnh mạch vành tim, xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ mạch vành bị tắc nghẽn, khiến cơ tim không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất. Nếu không được tái tạo máu kịp thời, các cơ tim sẽ bị hoại tử, gây tổn thương tim vĩnh viễn, thường được gọi là nhồi máu cơ tim. Tình trạng này có thể xảy ra thường xuyên, nhất là khi người bệnh phấn khích hoặc hoạt động gắng sức. Nếu kéo dài sẽ gây ra các vấn đề như giảm chức năng tim dẫn đến suy tim, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim…

Thiếu máu cơ tim cũng là bệnh lý tim mạch phổ biến, thường gặp
Thiếu máu cơ tim cũng là bệnh lý tim mạch phổ biến, thường gặp

Triệu chứng đặc trưng:

  • Khó thở, đau tức ngực, nhất là khi hoạt động thể chất
  • Nhịp tim nhanh bất thường
  • Buồn nôn, nôn ói
  • Đau lan tỏa lên cổ, hàm, vai hoặc cánh tay
  • Người mệt mỏi, uể oải, đổ mồ hôi

Trường hợp nghiêm trọng cần phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời bao gồm da sần sùi, đau tức ngực dữ dội, đau dai dẳng, nghỉ ngơi không thấy thuyên giảm. Đau ở ngực lan lên cổ, vai, hàm, cánh tay, nhịp thở nhanh, thở gấp, đánh trống ngực, buồn nôn, nôn ói… 

5. Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh cũng là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng từ 1 – 2% ở trẻ em Việt Nam, theo thống kê, cứ 1.000 trẻ em được sinh ra thì có đến 8 trẻ mắc phải căn bệnh này. Đây là dạng dị tật phổ biến, có nguy cơ gây tử vong cao ở trẻ em, thường là các vấn đề về cấu trúc tim như buồng tim, cơ tim, van tim… Bệnh có thể liên quan đến các nguyên nhân như yếu tố gia đình và di truyền, do mẹ bị tiểu đường, mang thai muộn, thường sử dụng rượu bia, thuốc lá, tiếp xúc với x-quang trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ béo phì, sử dụng rượu bia, thuốc lá, dùng thuốc ngủ… 

Triệu chứng đặc trưng:

  • Trẻ sinh ra không khóc, da tím tái
  • Hay bị ho, thở khò khè tái đi tái lại
  • Hay bị viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp lặp đi lặp lại
  • Trẻ không thể bú sữa mẹ liên tục trong 10 phút, dễ nghỉ giữa chừng
  • Thở nhanh, lõm ngực, khó thở, nhịp thở không bình thường
  • Tim to, tim đập nhanh bất  thường, âm thổi
  • Bé hay vã mồ hôi nhưng tay chân lạnh, người xanh xao, chậm phát triển thể chất, kỹ năng vận động… 

6. Bệnh lý về van tim

Bệnh van tim cũng là bệnh tim mạch rất phổ biến, có thể do bẩm sinh hoặc xảy ra khi trưởng thành. Căn bệnh này có 2 dạng là hẹp van tim và hở van tim, đôi khi cũng có những trường hợp mắc hẹp hở van phối hợp. Các nguyên nhân gây bệnh thường là do dị tật tim bẩm sinh, chấn thương, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, sa van 2 lá, rung nhĩ…

Triệu chứng đặc trưng:

  • Khó thở, người bệnh phải kê cao gối khi ngủ để dễ thở hơn
  • Hay bị đau đầu, chóng mặt, choáng váng, xây xẩm mặt mày
  • Suy nhược cơ thể, cảm giác có áp lực hoặc nặng ngực khi gắng sức hoặc khi hoạt động
  • Đánh trống ngực, nhịp tim không đều, nhịp tim nhanh, cảm giác tim đập lộn xộn trong lồng ngực
  • Tăng cân nhanh chóng, sưng bàn chân, mắt cá chân hoặc bụng…

7. Các bệnh lý tim mạch khác

Một số bệnh tim mạch khác cũng phổ biến không kém những căn bệnh đã đề cập có thể kể đến như:

  • Suy tim: Có liên quan đến sự thiếu hụt của lưu lượng máu trong hệ thống tim mạch
  • Bệnh phình động mạch chủ bóc tách: Là biến chứng nặng của bệnh phình động mạch chủ, do xơ vữa động mạch gây ra. 
  • Bệnh viêm cơ tim: Là tình trạng viêm có kèm theo hoại tử tế bào cơ tim, do nhiều nguyên nhân như thuốc, nhiễm trùng, chất gây độc tim… 
  • Nhồi máu cơ tim: Xảy ra khi cơ tim không được cung cấp đủ lượng oxy, dưỡng chất cần thiết, xuất phát từ nguyên nhân tắc đột ngột hoàn toàn hoặc 1 phần mạch máu. 

Mức độ nguy hiểm của bệnh tim mạch 

Bệnh tim mạch là một trong những nhóm bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của WHO, mỗi năm thế giới có đến 17.5 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, con số này ngày càng có xu hướng gia tăng, không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà còn ngày càng phổ biến ở người trẻ. Ở Việt Nam, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch hàng năm gia tăng rất nhanh, có khoảng 20% dân số mắc bệnh huyết áp và tim mạch.

Các bệnh này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh
Các bệnh này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh

Ở nước ta, theo ước tính, trong các trường hợp tử vong do các bệnh lý không lây nhiễm thì có tới 31% là do bệnh tim mạch, 19% do bệnh ung thư, 6% do thuyên tắc phổi mãn tính, 4% do đái tháo đường, 18% là do các bệnh lý khác. Các bệnh lý tim mạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, thường gây ra các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc của bệnh nhân. 

Nếu một người bị bệnh tim mạch, họ sẽ thường xuyên bị đau thắt ngực, ngại gắng sức vì các triệu chứng khó chịu của bệnh gây ra, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành công việc hàng ngày. Người mắc bệnh tim mạch phải thường xuyên sử dụng thuốc, có chế độ ăn uống và lối sống nghiêm ngặt để kiểm soát bệnh. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân có nguy cơ cao phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng do bệnh gây ra, nguy hiểm nhất là rung nhĩ, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử… 

Các bệnh lý về tim mạch thường tiến triển âm thầm, trong giai đoạn đầu rất khó phát hiện do ít gây ra triệu chứng đặc trưng. Chỉ đến khi bệnh tiến triển nghiêm trọng, gây ra những vấn đề cho sức khỏe, người bệnh mới thăm khám và phát hiện. Lúc này mức độ tổn thương ở mạch máu, cơ tim đã tương đối lớn, nếu không sớm điều trị, người bệnh sẽ phải sống chung với bệnh, sức khỏe suy giảm đáng kể. 

Các phương pháp điều trị bệnh tim mạch

Có thể thấy, bệnh tim mạch là một nhóm bệnh lý, là thuật ngữ để chỉ chung cho các bệnh về tim và mạch máu. Chính vì thế, tùy vào tình trạng bệnh, loại bệnh mà sau khi thăm khám, có kết quả chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Có rất nhiều phương pháp điều trị, trong đó, phổ biến nhất là:

Điều trị bằng thuốc

Các thuốc điều trị sẽ được chỉ định khi có kết quả chẩn đoán chính xác. Mỗi bệnh nhân, mỗi loại bệnh sẽ có những loại thuốc điều trị khác nhau phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Việc điều trị bằng thuốc thích hợp với các trường hợp vừa và nhẹ, có tác dụng loại bỏ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, ngăn ngừa biến chứng do bệnh gây ra. Các thuốc này thường là:

  • Thuốc ức chế men chuyển ACE: Có tác dụng giãn mạch máu, hạ huyết áp
  • Thuốc chẹn beta: Có tác dụng hỗ trợ cải thiện chức năng tim, làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp
  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: Có tác dụng thay thế trong trường hợp không đáp ứng với thuốc ức chế men chuyển ACE
  • Thuốc lợi tiểu: Có tác dụng giúp hạn chế tích nước, giúp bệnh nhân đi tiểu thường xuyên, hạ huyết áp
  • Thuốc tăng co bóp cơ tim: Được sử dụng cho bệnh nhân suy tim, có tác dụng duy trì huyết áp, cải thiện chức năng bơm máu của tim
  • Một số loại thuốc khác như: Thuốc giãn mạch, thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc hạ cholesterol máu, thuốc làm tan cục máu đông, thuốc ức chế hấp thu cholesterol… 

Can thiệp ngoại khoa

Trường hợp các bệnh tim mạch nghiêm trọng, có nguy cơ gây biến chứng như đột quỵ, đột tử, nhồi máu cơ tim cao, đe dọa đến tính mạng của người bệnh, bệnh nhân sẽ được đề nghị thực hiện các can thiệp ngoại khoa để loại bỏ yếu tố nguy hiểm, nâng cao tiên lượng sống. Các biện pháp can thiệp ngoại khoa thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, chính vì vậy, bạn nên thăm khám, điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa, có đội ngũ y bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm để được chữa trị. 

Một số kỹ thuật được ứng dụng để điều trị bệnh tim mạch có thể kể đến như:

  • Phẫu thuật bắc cầu để tái thông dòng chảy của máu
  • Tiêm thuốc tiêu huyết khối để làm tan cục máu đông
  • Thủ thuật nong van tim bằng bóng với van tim bị hẹp
  • Phẫu thuật sửa van tim hoặc thay van tim bằng van nhân tạo
  • Cấy ghép máy khử rung tim, máy trợ tim với tình trạng rối loạn nhịp tim
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch hoặc dùng thiết bị hỗ trợ tâm thất với trường hợp suy tim
  • Chụp mạch máu, tạo hình mạch bằng bóng, đặt stent đối với bệnh động mạch vành… 

Điều chỉnh lối sống và thói quen sinh hoạt

Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh cũng cần điều chỉnh lối sống và thói quen sinh hoạt của mình để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị. Trước tiên, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, sử dụng các thực phẩm tốt cho tim mạch, có thể ngăn ngừa, hỗ trợ loại bỏ các mảng xơ vữa động mạch. Nên hạn chế ăn thịt đỏ, nội tạng động vật, bơ động vật, các loại thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều muối, nhiều gia vị…

Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh trái cây, tích cực bổ sung các thực phẩm tốt cho tim mạch
Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh trái cây, tích cực bổ sung các thực phẩm tốt cho tim mạch

Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, đa dạng chế độ dinh dưỡng. Có thể tham khảo những thực phẩm tốt cho sức khỏe tim mạch như các loại cá, các loại ngũ cốc nguyên hạt nguyên cám, quả óc chó, cam, cà rốt, khoai lang, cà chua, sữa chua, dưa hấu, quả bơ, quả dâu tây, cải xoăn, quả ớt, các loại đậu, dưa lưới… Trong khẩu phần ăn cần kiểm soát hàm lượng calo, chất béo, cholesterol để hỗ trợ kiểm soát bệnh tật.

Nên hoạt động, rèn luyện thể lực vừa sức, tốt nhất nên tham khảo bác sĩ để được hướng dẫn về một chế độ luyện tập phù hợp. Nên tập luyện trong tổng thời gian từ 30 – 40 phút, nếu mệt thì nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục tập. Lựa chọn các môn thể thao nhẹ nhàng, duy trì đều đặn mỗi ngày. Các môn thể thao thích hợp có thể kể đến như đi bộ, chạy bộ chậm, cầu lông, bóng bàn, yoga, bơi, khí công… 

Biện pháp phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả

Các bệnh lý về tim mạch tiến triển âm thầm, rất nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa. Để phòng ngừa căn bệnh này một cách hiệu quả, bạn có thể tham khảo các biện pháp dưới đây:

  • Bỏ hút thuốc lá, khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phổi mà còn gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có các bệnh lý về tim mạch, nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt
  • Uống đủ lượng nước cần thiết, tốt nhất từ 6 – 8 cốc nước mỗi ngày tùy vào thể trạng. Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt có gas, chất kích thích để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 
  • Xây dựng lối sống khoa học, nên ngủ đúng giờ đủ giấc, hạn chế tình trạng thức khuya, làm việc học tập căng thẳng, mệt mỏi. Cần cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc, tránh mệt mỏi quá mức để không ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. 
  • Ăn uống khoa học, nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, loại bỏ những thực phẩm không lành mạnh, chứa nhiều cholesterol, chất béo, gia vị. Đặc biệt, chỉ nên dùng tối đa 5g muối/ngày, không ăn quá nhiều muối, hạn chế ăn mặn để tránh tăng huyết áp. 
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ 1 – 2 lần/năm, thường xuyên kiểm tra huyết áp, nồng độ cholesterol trong máu. Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc cơ thể có các triệu chứng bất thường, bạn nên sớm tầm soát bệnh tim mạch để được điều trị ở giai đoạn sớm. 

Nhìn chung, tim mạch là các bệnh lý nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh lý không truyền nhiễm, gây ra nhiều vấn đề, di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Bạn tuyệt đối không nên chủ quan trước các dấu hiệu bất thường của căn bệnh này. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh tim mạch và cách phòng ngừa, điều trị của nhóm bệnh nguy hiểm này. 

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Tai biến mạch máu não là căn bệnh có thể xảy ra ở người trẻ và rất trẻ Tai Biến Mạch Máu Não Ở Người Trẻ Chớ Nên Xem Thường

Tai biến mạch máu não không chỉ là căn bệnh người già mà còn có thể xảy ra ở người…

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, xảy ra hết sức đột ngột Đột Quỵ: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Các Cách Phòng Chống

Đột quỵ là một trong những bệnh lý đặc biệt nguy hiểm, hay xảy ra đột ngột, thường gây ra…

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý xảy ra đột ngột với mức độ tổn thương gây ra vô cùng nghiêm trọng Nhồi Máu Cơ Tim Cấp: Biểu hiện, Cách Chẩn đoán và Chữa trị

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm, xảy ra đột ngột, có tỷ lệ tử vong cao.…

Nhồi máu cơ tim thường gặp ở độ tuổi nào? Bạn nên biết

Nhồi máu cơ tim thường gặp ở độ tuổi nào? Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm khi…

Tai biến mạch máu não là bệnh lý xảy ra khi gián đoạn lưu thông máu đến não do tắc hoặc vỡ mạch máu não Tai biến mạch máu não là gì? Nguyên nhân và Cách phòng

Tai biến mạch máu não là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, có xu hướng…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua