Bệnh Nhồi Máu Cơ Tim
Nhồi máu cơ tim có liên quan mật thiết đến cơn đau tim xảy ra do tắc nghẽn động mạch gây thiếu máu cục bộ và ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Chỉ khi được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời mới giúp tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân.
Tổng quan
Nhồi máu cơ tim (Myocardial infarction/ heart attack) hay còn gọi là đột quỵ tim. Đây là thuật ngữ y học dùng để chỉ tình trạng một phần cơ tim bị tổn thương hoại tử cấp tính do không có đủ lượng máu cung cấp đến nuôi dưỡng. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng các động mạch vành (cơ tim) bị tắc nghẽn do sự cản trở của các cục máu đông bên trong lòng mạch.
- Xét theo góc độ bệnh học, nhồi máu cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị hoại tử, chết hoàn toàn do thiếu máu cục bộ và không có khả năng phục hồi;
- Xét theo góc độ lâm sàng, nhồi máu cơ tim là chứng bệnh được chẩn đoán khi có các triệu chứng như đau tức ngực, thay đổi bất thường về các thông số ECG, các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh phát hiện có tổn thương gây hoại tử cơ tim;
Nhồi máu cơ tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thể giới. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.5 triệu ca mắc nhồi máu cơ tim và có khoảng 500 - 700.000 trường hợp tử vong.
Phân loại
Dựa vào nguyên nhân và tính chất, triệu chứng khi phát bệnh, nhồi máu cơ tim được phân chia làm 5 loại chính gồm:
- Nhồi máu cơ tim type 1: Đây là dạng tổn thương nguyên phát, xảy ra do sự xuất hiện của các mảng xơ vữa tích tụ thành các cục máu đông. Thể bệnh này có liên quan đến các tổn thương cấp tính của bệnh động mạch vành cấp.
- Nhồi máu cơ tim type 2: Là dạng tổn thương cơ tim cấp tính do tình trạng rối loạn cân bằng giữa quá trình cung - cầu oxy đến cơ tim. Tình trạng này thường xuất hiện trong các bệnh cảnh như thuyên tắc mạch vành, bóc tách mạch vành, co thắt mạch vành, suy hô hấp, tụt huyết áp, thiếu máu nặng, rối loạn nhịp tim, sốc hoặc các tác nhân gây căng thẳng quá mức...
- Nhồi máu cơ tim type 3: Type nhồi máu cơ tim này có khả năng gây tử vong cao, xảy ra trước khi lấy mẫu máu hoặc trước khi có kết quản men tim tăng. Nguyên nhân gây đột tử thường là do thiếu máu cục bộ cơ tim hoặc block nhánh trái, kèm theo những thay đổi rõ rệt trên kết quả điện tâm đồ.
- Nhồi máu cơ tim type 4: Thể nhồi máu cơ tim này có liên quan mật thiết đến các bệnh lý và can thiệp tại mạch vành. Được phân làm 3 nhóm nhỏ gồm:
- Type 4a: Nhồi máu cơ tim xảy ra sau khi can thiệp lên mạch vành qua da (PCI);
- Type 4b: Nhồi máu cơ tim do tồn tại huyết khối trong ống Stent, gây tổn thương thiếu máu cục bộ;
- Type 4c: Nhồi máu cơ tim do sự thu hẹp của ống Stent hoặc sau khi thực hiện thủ thuật nong cơ tim bằng bóng;
- Nhồi máu cơ tim type 5: Là thể nhồi máu cơ tim xảy ra sau phẫu thuật tạo nối động mạch chủ vành (CABG).
Tham khảo thêm: Nhồi Máu Cơ Tim Block Nhánh Phải Là Gì? Điều Trị Thế Nào?
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Bản chất của cơn nhồi máu cơ tim là khi có một hoặc nhiều cơ tim (động mạch vành) bị tắc nghẽn do các cục máu đông được hình thành từ các mảng xơ vữa hoặc do hiện tượng co thắt mạch quá mức. Lúc này, cơ tim không có đủ máu và oxy để duy trì hoạt động dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ và khởi phát thành nhồi máu cơ tim.
Có nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim, nhưng cơ bản được chia làm 2 nhóm chính gồm:
Nguyên nhân do xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch (Arteriosclerosis) là bệnh lý hàng đầu gây nhồi máu cơ tim. Các mảng xơ vữa được hình thành khi bệnh nhân tiếp xúc với các tác nhân tiêu cực, tạo ra phản ứng sinh hóa trong cơ thể, kích thích sản sinh các gốc tự do. Cộng với sự thiếu hụt chất chống oxy hóa đã tạo điều kiện cho các gốc tự do này phát triển mạnh mẽ, tấn công đến các cơ quan trong cơ thể.
Và động mạch vành chính là một trong những vị trí đích đến của các gốc tự do. Tại đây, lượng cholesterol tăng cao và lắng đọng lại tạo nên các mảng xơ vữa. Theo thời gian, chúng phát triển lớn dần lên và hình thành phản ứng viêm dưới áp lực của dòng máu để hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn các mạch máu trong động mạch vành. Hậu quả cuối cùng chính là nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân không do xơ vữa động mạch
Thường xuất phát từ các bệnh lý hiếm gặp hơn như:
- Bệnh viêm nhiễm động mạch vành (điển hình như chứng bệnh Kawasaki);
- Các bất thường về dị tật bẩm sinh tại cấu trúc động mạch vành như rò, dị dạng, lệch hoặc sai vị trí xuất phát...;
- Tắc nghẽn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim do các cục máu đông bị di chuyển từ nơi khác đến như thận, gan, phổi, não...;
- Chứng co thắt mạch vành;
Yếu tố nguy cơ
- Nam giới > 45 tuổi và nữ giới > 50 tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim;
- Tiền sử gia đình do bệnh có yếu tố di truyền;
- Bệnh nhân có tiền sử mắc đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng, bệnh tăng hồng cầu, bệnh đường mật...;
- Người bị huyết áp cao, rối loạn mỡ máu...;
- Nghiện hút thuốc lá, nghiện rượu bia, thừa cân béo phì, ăn nhiều dầu mỡ và lười vận động...;
- Stress, căng thẳng quá mức;
- Sống trong môi trường ô nhiễm, sử dụng thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, tiếp xúc với khói thuốc lá...;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Triệu chứng cơ năng
Nhồi máu cơ tim thường được biểu hiện thông qua các triệu chứng không đặc hiệu, nhất là trong giai đoạn đầu nên rất khó nhận biết. Nhưng dựa trên lâm sàng, một bệnh nhân khi lên cơn nhồi máu cơ tim sẽ có các triệu chứng đặc trưng sau:
- Xuất hiện cơn đau tức ngực kéo dài trong vòng 5 - 15 phút hoặc lâu hơn, kéo dài > 1 tiếng đồng hồ và không thuyên giảm dù đã dùng thuốc giãn vành dạng xịt;
- Cơn đau ngực được mô tả như khi bị thắt tim lại hoặc như có ai đang đè lên;
- Cơn đau có xu hướng lan rộng từ ngực cho đến cổ, vai, hàm, di chuyển dọc theo cánh tay (thường là cánh tay trái);
- Tê hoặc yếu cơ mặt, cơ chân, cơ tay, suy giảm thị lực, mất thăng bằng, dễ té ngã...;
- Kèm theo các triệu chứng toàn thân khác gồm:
- Buồn nôn, nôn ói
- Khó thở
- Đánh trống ngực
- Hoa mắt, chóng mặt
- Vã mồ hôi
- Đau đầu dữ dội
- Mệt lả người
- ...
Mức độ triệu chứng nặng hay nhẹ còn tùy thuộc theo từng trường hợp bệnh cụ thể. Nam giới thường có triệu chứng khác so với nữ giới, chẳng hạn như nam giới thường sẽ bị đau tức ngực, còn nữ giới sẽ bị khó thở, đau vùng cổ - hàm, đau lưng, buồn nôn...
Cũng có không ít bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nhưng không có triệu chứng nào hoặc chỉ hơi đau nhẹ, tức vùng ngực. Thời điểm bùng phát cơn nhồi máu cơ tim thường là vào buổi sáng sớm hoặc giữa trưa, từ 4 - 10 sáng.
Triệu chứng thực thể
Dựa trên thăm khám lâm sàng, bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim thường có các triệu chứng thực thể sau:
- Rối loạn chỉ số huyết áp, tăng hoặc giảm bất thường do tăng tiết catecholamine hoặc có biến chứng suy tim nặng;
- Đo mạch tim thấy nhịp chậm hoặc nhanh hơn bình thường;
- Kiểm tra âm thanh tim thường nhỏ, âm thổi cuối tâm thu ngắn và có thể nghe được ở vị trí mỏm tim;
- Trường hợp nhồi máu cơ tim ở thất phải sẽ xuất hiện các tĩnh mạch cổ nổi;
- Tăng nhiệt độ cơ thể lên khoảng 38 độ C trong vòng 1 tuần đầu phát bệnh;
- Có rale ẩm đáy phổi;
Chẩn đoán
Nếu chỉ dựa vào đánh giá các triệu chứng cơ năng và thực thể vừa kể trên sẽ rất khó để chẩn đoán nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim. Do đó, khi thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh nhân thường được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để đưa ra kết luận chẩn đoán chính xác về bệnh nhồi máu cơ tim:
- Thử nghiệm gắng sức;
- Điện tâm đồ (ECG);
- Siêu âm tim;
- Chụp X quang, CT scan, MRI thành ngực;
- Chụp động mạch vành;
- Phóng xạ hạt nhân;
- Đặt ống thông mạch vành để chụp động mạch;
- Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán nhồi máu cơ tim:
- Xét nghiệm hóa sinh;
- Xét nghiệm Protein Myoglobin;
- Xét nghiệm CK - MB mass;
- Xét nghiệm Troponin;
- ...
Ngoài ra, dựa vào các thông tin về kết quả xét nghiệm, tiến hành chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như:
- Viêm cơ tim;
- Viêm màng ngoài cơ tim;
- Viêm màng ngoài cơ tim co thắt;
- Tách thành động mạch chủ;
- Chứng nhồi máu phổi;
- Một số bệnh lý gây đau vùng bụng cần cấp cứu như viêm túi mật, viêm tụy cấp, đau dạ dày cấp, giun chui ống mật...;
Biến chứng và tiên lượng
Biến chứng
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch cực kỳ nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng khó lường. Dựa vào thời điểm và tính chất từng dạng biến chứng, các chuyên gia chia làm 2 nhóm chính gồm:
Biến chứng sớm
- Sốc không do tim: Sốc không do tim hoặc sốc do tình trạng cường phế vị. Đây là nguyên nhân gián tiếp gây ra tử vong;
- Sốc do tim: Xảy ra trong trường hợp các cơ tim bị nhồi máu do tắc nghẽn nghiêm trọng (tác động đến khoảng 40 - 50% khối cơ tim), gây suy tim toàn bộ;
- Biến chứng suy tim trái cấp xảy ra trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát nhồi máu cơ tim, đặc trưng với các triệu chứng như sưng phù hoặc sung huyết phổi cấp;
- Block nhĩ thất: Gây ngưng tim đột ngột, dẫn đến tử vong. Xảy ra do cơ tim bị hoại tử gây rối loạn dẫn truyền của dòng ion tham gia quá trình co bóp cơ tim;
Biến chứng muộn
- Rối loạn nhịp tim: Đây là biến chứng phổ biến, xảy ra ở khoảng 90% trường hợp bị nhồi máu cơ tim. Khi nhịp tim hoạt động bất thường sẽ khiến rung thất và tâm thất làm việc không hiệu quả, tăng nguy cơ suy tuần hoàn, nhịp nhanh thất gây suy tim... Nếu không được cấp cứu sốc điện hoặc dùng thuốc chống loạn nhịp kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.
- Vỡ cơ tim: Biến chứng này khá hiếm, nhưng khi đã xảy ra thường rất nguy kịch, bắt buộc phải cấp cứu phẫu thuật ngay nhưng tỷ lệ thành công không cao, bệnh nhân vẫn có thể tử vong ngay sau đó.
- Bệnh tắc mạch huyết khối: Trong trường hợp nhồi máu cơ tim cấp thường xảy ra biến chứng tắc động mạch hoặc tắc mạch phổi.
Tiên lượng
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý tim mạch nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu có thể qua khỏi sau khi cấp cứu cũng sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề vĩnh viễn không thể phục hồi. Cụ thể hơn, tiên lượng nhồi máu cơ tim thường xấu dựa vào 2 yếu tố sau:
- Độ rộng của vùng bị tổn thương nhồi máu, khối lượng vùng hoại tử lớn, chỉ số huyết áp > 30mmHg kèm sốt...;
- Có biến chứng rối loạn nhịp tim, rung thất liên tục không thuyên giảm trong vòng 2 giờ đầu, sốc tim, phù phổi cấp...;
Do đó, việc phát hiện các triệu chứng nhồi máu cơ tim sớm và cấp cứu kịp thời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm giữ lại mạng sống cho người bệnh.
Tìm hiểu thêm: 7 Bệnh tim mạch ở người cao tuổi dễ gặp nhất hiện nay
Điều trị
1. Điều trị cấp cứu
Đây là bước quan trọng nhằm giảm thiểu nguy cơ biến chứng khi bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim. Vì mỗi phút trôi qua là mô tim sẽ mất nhiều oxy hơn làm tăng nguy cơ tử vong. Cụ thể các bước được thực hiện như sau:
Cách xử lý nhồi máu cơ tim tại nhà
Ngay khi xuất hiện cơn đau thắt, tức ngực, khó thở kéo dài, hãy lưu ý thực hiện các biện pháp sau:
- Ngưng tất cả những công việc đang làm dở dang và nằm xuống giường hoặc một nơi an toàn để nghỉ ngơi;
- Thông báo tình trạng sức khỏe cho người thân để phòng hờ tình huống xấu phải nhập viện;
- Dùng 1 viên thuốc Nitroglycerin ngậm hoặc xịt dưới lưỡi (Thuốc đã được bác sĩ chỉ định sử dụng trong trường hợp bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành);
- Sau 10 - 30 phút nhưng triệu chứng không thuyên giảm, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được xử lý cấp cứu kịp thời;
- Trường hợp phát hiện bệnh nhân trong trạng thái bất tỉnh do đau tim, hãy thực hiện các bước hồi sức tim phổi (CPR) cơ bản để cung cấp oxy cho não và máu. Hô hấp nhân tạo được thực hiện bằng các ép ngực xuống khoảng 5cm với tốc độ 100 lần/ phút, kết hợp thổi ngạt sau khoảng 30 lần ép;
Cấp cứu nhồi máu cơ tim tại bệnh viện
Nhồi máu cơ tim là tình trạng sức khỏe nguy hiểm cần phải cấp cứu ngay. Các bước điều trị cụ thể như sau:
- Cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tại chỗ và thở oxy với liều khoảng 2 - 4 lít/ phút, với điều kiện Sa02 < 95%;
- Dùng thuốc giảm đau liều mạnh, thường là Morphine sulfat với liều khuyến cáo từ 1/2 - 1 ống, dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch và tiêm nhắc lại sau 5 - 10 phút trong trường hợp cơn đau vẫn chưa thuyên giảm;
- Trường hợp bệnh nhân có nhịp tim chậm sẽ tiêm tĩnh mạch Atropin liều 1mg;
- Dùng Natispray xịt dưới lưỡi hoặc Nitroglycerin viên 0.4mg ngậm dưới lưỡi. Có thể sử dụng nhắc lại sau mỗi 5 phút nếu huyết áp vẫn cao > 90mmHg;
- Tiến hành sốc điện (nếu cần thiết);
- Một số loại thuốc khác được bác sĩ cân nhắc chỉ định dùng nhằm ổn định triệu chứng, cải thiện quá trình tái lưu thông dòng chảy máu trong động mạch vành và giảm nguy cơ tử vong. Điển hình như:
- Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu như Aspirin, Superaspirin Abciximab, Ticlopidine, Tirofiban, Eptifibatide...;
- Thuốc chống đông như Heparin, nhóm thuốc ức chế trực tiếp hoạt chất Thrombin;
- Thuốc tiêu huyết khối (r-TPA hoặc Urokinasem Streptokinase);
- Thuốc chẹn beta giao cảm nitrate;
- Thuốc ức chế men chuyển;
- Thuốc chống loạn nhịp;
- Thuốc giãn mạch;
- Thuốc chữa suy tim;
- Thuốc giảm cholesterol như Niacin, Statins, Sequestrants acid, fibrate...;
- ...
Trong đó, những bệnh nhân đã qua khỏi cơ nguy kịch nhồi máu cơ tim, bắt buộc phải dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu phối hợp 2 loại trong vòng ít nhất 1 năm để phòng ngừa tái phát.
2. Điều trị ngoại khoa
Trường hợp sau cấp cứu và dùng thuốc nhưng không có tác dụng, các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn và cân nhắc đến các phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Bao gồm các phương pháp và thủ thuật sau:
- Nong mạch vành và đặt Stent:
- Mục đích của phương pháp này là điều trị cơn đau tim và hạn chế thấp nhất các biến chứng tại tim. Nong mạch vành trong cơ tim giúp dòng máu lưu thông tự do đến tim mà không bị cản trở bởi các cục máu đông;
- Được thực hiện bằng cách đưa vào trong động mạch một ống mỏng, tiếp cận vị trí vị tắc trong tim, đầu bóng từ ống thông này tạo ra áp suất đủ để nới rộng động mạch vành. Sau đó, đặt Stent kim loại vào để giữ cho động mạch luôn mở rộng, đảm bảo lượng máu lưu thông đến tim phục hồi lại bình thường;
- Kỹ thuật này thường được thực hiện đồng thời với chẩn đoán hình ảnh chụp động mạch;
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành:
- Một số ít trường hợp tổn thương không phù hợp để nới rộng mạch vành bằng bóng, sẽ được chỉ định thực hiện phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. Phẫu thuật này được chỉ định nhanh ngay tại thời điểm bùng phát cơn đau tim nhằm bảo toàn mạng sống cho bệnh nhân;
- Được thực hiện bằng cách dùng một đoạn mạch máu lấy từ các vị trí khác trên cơ thể như chân, tay, ngực... dùng để làm cầu nối ở phía trước và sau chỗ tắc nhằm giúp máu lưu thông qua chỗ cầu nối mới tự do;
Phòng ngừa
Phòng ngừa nhồi máu cơ tim là giải pháp duy nhất giúp duy trì sức khỏe và bảo vệ mạng sống nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Hãy tích cực thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế hoặc tránh xa rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc... vì đây đều là những thứ làm tăng huyết áp đột ngột, tăng nguy cơ phát sinh nhồi máu cơ tim.
- Có chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh, không dung nạp quá nhiều chất béo vào trong cơ thể để giảm nguy cơ gây rối loạn chức năng lòng động mạch, gây co thắt tim và dẫn đến nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, các món chiên xào, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản, các món nấu đông, thức ăn nhiều muối, đường, lên men... cũng nên hạn chế sử dụng.
- Duy trì trạng thái tinh thần ổn định, tránh căng thẳng, áp lực kéo dài. Vì stress và những cảm xúc tiêu cực là "kẻ thù" của thần kinh tim, dễ gây thiếu máu cơ tim.
- Tập thể dục thể thao điều độ mỗi ngày, mỗi lần ít nhất 30 phút để thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông đến tim và ổn định tuần hoàn hệ mạch vành, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Các bộ môn nhẹ nhàng phù hợp để giúp trái tim khỏe mạnh như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga...
- Ổn định cân nặng phù hợp, tránh nguy cơ thừa cân béo phì đột ngột. Vì cân nặng vượt ngưỡng cho phép là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý mạn tính, trong đó có nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Ngủ đủ giấc, ít nhất 7 tiếng/ đêm đối với người trưởng thành, thăm khám và điều trị dứt điểm chứng ngưng thở khi ngủ giúp giảm thiểu thấp nhất nguy cơ về sức khỏe tim mạch.
- Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ từ 6 - 12 tháng/ lần để kiểm tra chỉ số đường huyết, huyết áp và mỡ trong máu, tầm soát các bệnh lý tim mạch thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có hướng điều trị phù hợp.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nhồi máu cơ tim có gây tử vong không?
2. Tiên lượng tử vong do nhồi máu cơ tim đối với tình trạng bệnh của tôi như thế nào?
3. Nguyên nhân khiến tôi bị nhồi máu cơ tim?
4. Những dấu hiệu sớm của nhồi máu cơ tim tôi cần theo dõi thêm tại nhà?
5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán nhồi máu cơ tim?
6. Lên cơn nhồi máu cơ tim cấp có chữa khỏi được không? Có để lại di chứng sau điều trị không?
7. Điều gì xảy ra nếu tôi không điều trị nhồi máu cơ tim?
8. Phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim tốt nhất đối với trường hợp của tôi?
9. Quá trình cấp cứu và điều trị nhồi máu cơ tim mất bao lâu?
10. Tổng chi phí điều trị nhồi máu cơ tim có đắt không? BHYT có chi trả không?
Nhồi máu cơ tim được cảnh báo rất nguy hiểm. Bản chất của nhồi máu cơ tim là sự phát triển quá mức của các khối xơ vữa động mạch. Nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ giúp bảo toàn mạng sống, nhưng dù có qua khỏi cũng sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề. Do đó, hãy chủ động thăm khám sớm để tầm soát bệnh và duy trì lối sống khoa học để giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như các biến chứng khó lường.
Tham khảo thêm:
- 6 Cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại nhà phục hồi nhanh
- Phục Hồi Sau Đột Quỵ: 5 Liệu pháp chức năng có cải thiện tốt
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!