Bệnh Thấp Tim

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

Thấp tim là bệnh lý tự miễn đặc trưng bởi tình trạng viêm sau các đợt nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ từ 5 - 15 tuổi có sức đề kháng yếu kém. Nhiễm liên cầu khuẩn tiến triển thành thấp tim đặc trưng với các triệu chứng tổn thương cơ tim, van tim, có thể gây biến chứng rối nhịp tim, đột quỵ hoặc tử vong nếu không điều trị kịp thời. 

Tổng quan

Thấp tim (Rheumatic Heart Disease) là tình trạng tổn thương cấu trúc tim (thường là van tim và cơ tim) do bị ảnh hưởng từ bệnh sốt thấp khớp (Acute rheumatic fever - ARF) hay còn gọi là thấp khớp cấp. Đây là dạng bệnh lý viêm tự miễn phổ biến, xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, trong đó có tim.

Thấp tim là hậu quả của các đợt viêm đường hô hấp trên do các bệnh như viêm amidan, viêm họng, viêm VA, viêm xoang...

Bản chất của bệnh là phản ứng viêm của cơ thể sau khi nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Bệnh đặc trưng với các tổn thương tại tim, khớp và mạch máu, điển hình như viêm tim, viêm đa khớp, phát ban đỏ, hạt dưới da... Trong đó, thấp tim có thể gây ra viêm cơ tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng trong tim hoặc kết hợp cả 3 loại trên.

Hiện nay, thấp tim được xếp vào nhóm những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch và làm tăng nguy cơ biến chứng suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, thậm chí tử vong nếu không điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi, thường ở những nơi có điều kiện y tế kém phát triển, có nguy cơ nhiễm vi khuẩn cao.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Nguyên nhân gây bệnh thấp tim được xác định là do nhiễm vi khuẩn đường họng miệng liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A ở đường hô hấp trên (Streptococcus pyogenes). Tuy nhiên, xét về cơ chế bệnh sinh thì vi khuẩn không phải là yếu tố trực tiếp gây ra bệnh mà là thông qua cơ chế của hệ thống miễn dịch. Đây là lý do vì sao bệnh chỉ xảy ra sau khi đã nhiễm khuẩn, cụ thể là sau các đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang do nhiễm loại vi khuẩn này.

Vi khuẩn tiên cầu tan huyết nhóm A là tác nhân chính gây ra bệnh thấp tim

Cơ chế bệnh sinh diễn ra như sau:

  • Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, tấn công đến các tế bào thượng bì ở hầu họng;
  • Bệnh ủ trong vòng 2 - 4 ngày bắt đầu phát sinh đợt viêm cấp đầu tiên kéo dài trong 3 - 5 ngày với các triệu chứng viêm đặc trưng như sốt, đau họng, đau đầu...;

Sau khi đợt cấp qua đi, vi khuẩn vẫn có khả năng tồn tại trong cơ thể. Vì việc dùng thuốc chỉ có tác dụng kiểm soát đợt viêm cấp. Chúng bắt đầu tấn công và gây độc cho tim, sản sinh ra các kháng thể để chống lại các tế bào của tim. Hậu quả là gây viêm, tổn thương van tim, cơ tim vĩnh viễn không thể phục hồi.

Ngoài ra, vi khuẩn còn gây tổn thương đến nhiều cấu trúc khác trong cơ thể như da, khớp, não... Tuy nhiên, các tổn thương này thường không kéo dài vĩnh viễn mà chỉ thoáng qua và có thể điều trị phục hồi hoàn toàn.

Yếu tố nguy cơ

  • Trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 15 tuổi;
  • Người có hệ miễn dịch yếu kém;
  • Người sống trong môi trường có điều kiện y tế kém, nhất là ở các quốc gia châu Phi và Nam Á;
  • Những nơi có khí hậu lạnh, ẩm, có nhiều giai đoạn chuyển mùa cũng rất dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
  • Tiền sử mắc các bệnh dị ứng cơ địa như hen phế quản, nổi mề đay, chàm da...;
  • Tiền sử mắc các bệnh viêm đường hô hấp như viêm xoang, viêm amidan, viêm họng... nhưng không điều trị khỏi dứt điểm;
  • Vệ sinh cá nhân kém như lười đánh răng, súc họng bằng nước muối tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Thấp tim là bệnh lý viêm cấp tính có tính chất toàn thân, thuộc thể lâm sàng của hầu hết các bệnh tự miễn dịch. Bệnh đặc trưng với các triệu chứng sau:

Ở bệnh nhân thấp tim sẽ tập hợp đầy đủ các triệu chứng về viêm họng, viêm đau khớp và viêm tim

  • Triệu chứng viêm họng:
    • Khởi phát bằng đợt viêm cấp gây sốt cao > 38 - 39 độ C, đau họng, mệt mỏi;
    • Thường xuất hiện sau đợt viêm họng từ 7 - 15 ngày, kèm theo da tái xanh, tim đập nhanh, vã mồ hôi thường xuyên;
  • Triệu chứng viêm khớp:
    • Vị trí đau khớp thường khởi phát từ khớp khuỷa tay, khớp gối, cổ chân...;
    • Đau khớp có khả năng di chuyển từ khớp này sang khớp khác, khớp cũ không còn đau và cũng ít khi để lại di chứng;
    • Quan sát bằng mắt thường thấy khớp sưng, nóng đỏ và gây hạn chế vận động;
  • Triệu chứng ở tim: Liên cầu khuẩn sau đợt viêm họng thường rất mạnh và có khả năng gây tổn thương ở cả 3 bộ phận của tim như viêm cơ tim, viêm màng trong tim và viêm màng ngoài tim. Các triệu chứng đặc trưng của bệnh thấp tim như sau:
    • Viêm cơ tim: Tim đập nhanh bất thường, loạn nhịp, đau tức vùng ngực, cả người mệt mỏi và thiếu sức sống. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể biến chứng suy tim cấp gây phù nề, khó thở, cả người tím tái và gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
    • Viêm tâm mạc: Viêm cơ tim kéo dài không điều trị sẽ kéo theo các triệu chứng viêm tâm mạc. Theo thời gian, bệnh sẽ biến chứng gây hở van tim, hẹp van 2 lá, hở van 2 lá và hở van động mạch chủ. Được biểu hiện qua các triệu chứng như đau tức ngực, âm thanh tim phát ra tiếng cọ màng tim.
    • Viêm màng ngoài tim: Thường được chẩn đoán thông qua các triệu chứng lâm sàng như đau tức ngực, khó thở, tiếng tim mờ, tăng huyết áp, đập yếu...;
  • Các triệu chứng khác: Ngoài các tổn thương kể trên, bệnh thấp tim còn có nhiều triệu chứng đặc hiệu khác như:
    • Triệu chứng thần kinh: Thường gặp nhất là hiện tượng múa giật Sydeham:
      • Đây là một dạng tổn thương ngoại tháp và biểu hiện ở giai đoạn nặng của thấp tim, xảy ra sau khoảng 3 tháng kể từ khi mắc bệnh viêm đường hô hấp trên;
      • Đặc trưng với những động tác cử động không tự chủ, mất kiểm soát và không mục đích ở các chi, cơ mặt, rối loạn cảm động, giảm trương lực cơ khiến người bệnh khó nói, hạn chế vận động, khó viết...;
      • Sau khoảng 2 - 3 tháng, nhóm triệu chứng này sẽ mất đi. Dựa vào các triệu chứng này để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như động kinh hoặc rối loạn hành vi tác phong gây phản ứng co giật;
    • Phát ban các nốt dưới da:
      • Xuất hiện các nốt cứng dưới da (meynet) có đường kính khoảng 0.5 - 2cm trên hoặc quanh khớp, có thể di động được và không có dấu hiệu viêm. Các nốt này thường xuất hiện ở khoảng 20% bệnh nhân thấp tim và có khả năng tự biến mất sau vài ngày;
      • Xuất hiện các vòng hồng ban (erythema marginatum) trên da người bệnh, có thể tự biến mất sau vài ngày và không có xu hướng hoại tử. Triệu chứng này khá hiếm gặp ở bệnh nhân thấp tim (khoảng 5%) và chỉ xảy ra ở vùng bụng, thân mình, mặt trong đùi, tay ở những bệnh nhân có làn da sáng màu và mịn màng;
    • Các triệu chứng khác: Bệnh nhân thấp tim còn có thể gặp phải các triệu chứng thấp tim nặng sau:
      • Đau bụng;
      • Viêm màng não;
      • Viêm phổi cấp;
      • Viêm cầu thận cấp;
      • Tiểu ra máu;
      • ...

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh thấp tim, ngoài dựa vào đánh giá các triệu chứng lâm sàng trên, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để thu thập các triệu chứng cận lâm sàng như:

Xét nghiệm máu phát hiện các bất thường do nhiễm liên cầu khuẩn chẩn đoán bệnh thấp tim

  • Xét nghiệm máu:
    • Tốc độ lắng máu và bạch cầu cao hơn bình thường, thường là đa nhân trung tính;
    • Tăng protein C và sợi huyết;
    • Tăng lượng Antistreptolysin O > 200 đơn vị Todd;
    • ...
  • Đo điện tâm đồ: Giúp phát hiện các bất thường như:
    • Hình ảnh nhịp xoang nhanh bất thường, block nhĩ - thất cấp I là thường gặp nhất, hoặc cũng có thể gặp block nhĩ - thất cấp II, III;
    • Trường hợp viêm màng ngoài tim sẽ thấy hình ảnh điện thế ngoại vi thấp và biến đổi đoạn ST;
  • Siêu âm Doppler:
    • Biện pháp này giúp quan sát cấu trúc tim và đánh giá chức năng tim;
    • Có thể nhìn thấy tổn thương hở van động mạch chủ và van hai lá;
    • Thậm chí có thể quan sát thấy hình ảnh van tim bị hở dù không thể nghe thông qua lâm sàng;
  • Sinh thiết cơ tim: Bệnh nhân thấp tim thường được chỉ định sinh thiết cơ tim để chẩn đoán bệnh. Sinh thiết giúp phát hiện hình ảnh hạt Aschoff là các hạt bị thâm nhiễm, do các đợt thấp tái phát, thường xuất hiện ở các vị trí như thành thất, vách liên thất, tiểu nhĩ...;
  • Chụp X quang tim phổi: Đa phần những bệnh nhân thấp tim chụp X quang tim phổi thường sẽ không quan sát rõ các thay đổi cấu trúc bên trong. Tuy nhiên, cũng có một số ít trường hợp nhìn thấy tim to hơn, màu phổi đậm do phù;

Biến chứng và tiên lượng

Bản chất của bệnh thấp tim là do viêm nhiễm gây ra, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, rung thất rung nhĩ dữ dội, gây suy tim cấp, tăng nguy cơ đột quỵ, tử vong. Không chỉ gây những tổn thương ở tim, bệnh thấp tim còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể với cơ chế tác động tương tư như sau:

Nhiễm liên cầu khuẩn không chỉ gây thấp tim mà còn phát sinh nhiều biến chứng tại các cơ quan khác như khớp, da, não...

  • Viêm đa khớp: Viêm nhiễm tại các khớp khiến khớp sưng đỏ, đau nhức và hạn chế khả năng vận động. Không chỉ 1 mà có thể viêm nhiều khớp, chúng có tính chất luân chuyển, di chuyển từ khớp này qua khớp khác, kéo dài dai dẳng các triệu chứng đau nhức chứ không thể khỏi hẳn;
  • Viêm não: Thấp tim gây tổn thương cấu trúc não, phát sinh các rối loạn sức khỏe thần kinh, khiến bệnh nhân suy giảm trí tuệ và khả năng kiểm soát tự chủ tứ chi, nửa người hoặc toàn thân;
  • Viêm da: Tổn thương da do viêm nhiễm đặc trưng bởi các vết ban hồng, nốt lốm đốm do các các chức năng liên kết dưới da bị thay đổi. Tình trạng này khiến làn da nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi các kích ứng từ môi trường xung quanh và gây mất thẩm mỹ.

Bệnh thấp tim nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, kết quả điều trị cao hay thấp còn phụ thuộc vào tiến triển bệnh, nguyên nhân, mức độ và phương pháp điều trị, mức độ đáp ứng của bệnh nhân đối với phác đồ. Nguyên tắc điều trị chính đối với bệnh thấp tim chủ yếu là chống viêm, chống nhiễm khuẩn, kiểm soát triệu chứng và xử lý biến chứng, bảo tồn chức năng tim, phổi và cả tính mạng cho bệnh nhân.

Điều trị

Các biện pháp điều trị bệnh thấp tim được thực hiện tùy theo từng giai đoạn và biến chứng của bệnh như:

1. Nghỉ ngơi 

Tùy theo mức độ viêm nặng hay nhẹ mà thời gian nghỉ ngơi ở từng bệnh nhân sẽ khác nhau.

Bệnh nhân thấp tim cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi trên giường và đi lại nhẹ nhàng để giảm tiến triển bệnh

  • Mức độ 1: Không bị viêm tim có thể nghỉ ngơi tại giường hoặc đi lại thư giãn trong phòng khoảng 2 tuần;
  • Mức độ 2: Viêm tim nhưng tim không to thường phải nghỉ ngơi và có thể đi lại trong vòng 4 tuần;
  • Mức độ 3: Viêm tim và siêu âm thấy tim to phải nghỉ ngơi và đi lại nhẹ nhàng trong vòng 6 tuần;
  • Mức độ 4: Cũng là giai đoạn nặng nhất viêm tim kèm theo biến chứng suy tim, bệnh nhân phải nằm nghỉ ngơi trên giường và tiếp nhận các biện pháp điều trị chuyên sâu cho đến khi khỏi suy tim, phục hồi chức năng tim hoàn toàn;

2. Kháng sinh đồ 

Liều dùng và cách sử dụng thuốc trong điều trị bệnh thấp tim được bác sĩ khuyến cáo như sau:

Thuốc kháng sinh 

Dùng thuốc kháng sinh là biện pháp điều trị chính đối với bệnh thấp tim hiện nay. Loại thuốc kháng sinh được dùng phổ biến nhất là Penicillin và sau đó là dòng kháng sinh beta - lactam cũng đem lại hiệu quả tương đối cao trong điều trị nhiễm khuẩn liên cầu. Trường hợp dị ứng với Penicillin có thể thay thế bằng thuốc Erythromycin.

Thuốc kháng sinh là biện pháp điều trị chính đem lại hiệu quả cao đối với hầu hết các trường hợp mắc bệnh thấp tim

Các loại kháng sinh thường dùng như:

  • Benzathin Penicillin:
    • Liều khuyến cáo 600.000đv đối với bệnh nhân < 30kg và 1.200.000đv đối với bệnh nhân > 30kg;
    • Dùng dưới dạng tiêm bắp sâu một liều duy nhất;
  • Penicillin V:
    • Liều khuyến cáo 500mg/ 24 giờ đối với bệnh nhân < 30kg và 1g/ 24 giờ đối với bệnh nhân > 30kg;
    • Dùng dưới dạng viên uống, uống 2 lần/ ngày và liên tục trong vòng 10 ngày;
  • Erythromycin:
    • Liều khuyến cáo 500mg cho bệnh nhân < 30kg và 1g cho bệnh nhân> 30kg;
    • Uống 2 lần/ ngày và liên tục trong vòng 10 ngày;

Thuốc chống viêm 

Tùy theo mức độ viêm và nguy cơ biến chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc với liều dùng phù hợp.

  • Trường hợp viêm đa khớp:
    • Dùng Aspirin liều 100mg/ kg/ ngày trong vòng 6 ngày;
    • Dùng Aspirin liều 75mg/ kg/ ngày trong vòng 2 tuần;
  • Trường hợp viêm tim:
    • Prednisolone là loại thường dùng nhất, liều khuyến cáo từ 1 - 2mg/ kg/ ngày trong vòng 2 - 3 tuần;
    • Theo dõi tốc độ lắng máu, nếu thấy đã giảm sẽ giảm liều thuốc xuống còn khoảng 1 - 2mg/ tuần;

Ngoài ra, một số trường hợp cũng có thể được chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau chống viêm khác để thay thế trong trường hợp dị ứng hoặc không đáp ứng thuốc. Tuy nhiên, không được dùng thuốc Corticoid.

Các loại thuốc khác

Một số loại thuốc khác cũng được chỉ định sử dụng trong điều trị bệnh thấp tim nhằm cải thiện các triệu chứng liên quan như:

  • Thuốc trợ tim Digoxin liều khuyến cáo 0.25mg/ ngày;
  • Thuốc lợi tiểu Furosemid liều khuyến cáo 40mg/ ngày, tương đương 1 - 2 viên. Kết hợp bù kali do thuốc lợi tiểu thường gây thất thoát và mất cân bằng ion;
  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển có tác dụng làm giãn mạch, điển hình như Perindopril 4mg, Captopril 25mg hoặc Enalapril 5mg, liều khuyến cáo 1 viên/ ngày;
  • Thuốc cải thiện triệu chứng múa giật như Haloperidol liều 0.03 - 1mg/ kg/ ngày, Phenobarpital liều 16 - 32mg/ kg/ ngày hoặc Chlopromazin liều 0.5mg/ kg/ ngày;

Ngoài các biện pháp trên, bệnh nhân đang trong quá trình điều trị cũng cần chú ý thực hiện một số chỉ định sau để hỗ trợ điều trị bệnh:

  • Nên ăn nhạt, giảm lượng muối và hạn chế uống nước;
  • Chăm sóc sức khỏe và thể trạng ổn định bằng một lối sống khoa học, ăn uống đủ chất, vận động thể chất nâng cao sức khỏe;
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi...;

Bệnh nhân và người thân cũng sẽ được tư vấn kỹ lưỡng cần thiết về sự quan trọng của các biện pháp điều trị dự phòng. Thời gian phòng bệnh thường kéo dài khoảng 3 - 5 năm, nếu trong quá trình này bệnh không còn tái phát thì được xem là đã khỏi bệnh hẳn. Tuy nhiên, một số trường hợp thấp tim đã biến chứng viêm tim nặng thì quá trình dự phòng phải được thực hiện thường xuyên, thậm chí kéo dài suốt đời.

Phòng ngừa

Đối với các bệnh lý về nhiễm khuẩn, virus thường sẽ được khuyến cáo phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu phòng vi khuẩn liên cầu. Bởi vậy, việc phòng ngừa chính thường được thực hiện thông qua các biện pháp chăm sóc tích cực và bảo vệ tăng cường hệ miễn dịch.

Dự phòng tái phát bệnh thấp tim là một quá trình dài lâu và là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tái phát bệnh, ổn định sức khỏe

  • Giữ vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ ở cả người lớn và trẻ em để phòng tránh các bệnh lý như viêm amidan, viêm họng, viêm xoang, viêm VA... Thực hiện bằng cách đánh răng và súc họng bằng nước muối thường xuyên.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống khoa học và đủ chất, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh giúp tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể chống lại mọi bệnh tật.
  • Hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, tồn tại nhiều vi khuẩn, virus làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và mắc bệnh thấp tim.
  • Tập thể dục thể thao, vận động thể chất tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh viêm đường hô hấp ngay khi phát hiện để loại trừ toàn bộ vi khuẩn, giảm thiểu nguy cơ phát triển thành thấp tim.
  • Sau khi điều trị khỏi các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, cần tích cực chăm sóc, bồi bổ sức khỏe để phục hồi sức khỏe. Nếu phát hiện các bất thường như sốt, khó thở, đánh trống ngực, sưng đau khớp, tay chân yếu, phát ban, đau bụng, chán ăn... hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.
  • Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt những bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh tim mạch cần tái khám đúng lịch hẹn với bác sĩ để kịp thời phát hiện bất thường và điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Bệnh thấp tim là bệnh gì?

2. Tại sao tôi/ con tôi mắc bệnh thấp tim?

3. Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?

4. Tiên lượng mức độ bệnh thấp tim đối với trường hợp của tôi/ con tôi?

5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh thấp tim?

6. Phương pháp điều trị bệnh thấp tim hiệu quả nhất dành cho trường hợp của tôi/ con tôi?

7. Dùng thuốc kháng sinh trị thấp tim lâu ngày có gây tác dụng phụ không?

8. Tôi cần làm gì để xử lý tác dụng phụ của thuốc trị thấp tim?

9. Chi phí điều trị bệnh thấp tim có tốn kém nhiều không? BHYT có chi trả không?

10. Sau điều trị thấp tim, bệnh có tái phát trở lại không?

Bệnh thấp tim là bệnh lý viêm tự miễn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp để đạt kết quả cao trong điều trị, ngăn ngừa những rủi ro biến chứng khó lường gây hại cho sức khỏe.

Tham khảo thêm:

Chia sẻ:
Bệnh Phình động mạch chủ ngực
Phình động mạch chủ ngực là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Chứng bệnh này có liên…
Bệnh Viêm Màng Ngoài Tim Co Thắt
Viêm màng ngoài tim co thắt là tình trạng viêm…
Bệnh Nhồi Máu Cơ Tim
Nhồi máu cơ tim có liên quan mật thiết đến…
Bệnh Hẹp Động Mạch Phổi
Hẹp động mạch phổi là bệnh tim bẩm sinh khá…
Hội chứng Barth

Hội chứng Barth là một bệnh lý di truyền khá hiếm gặp và gây ra các vấn đề sức khỏe…

Thông Liên Thất

Thông liên thất là bệnh tim bẩm sinh phổ biến. Đặc trưng bởi khiếm khuyết xảy ra trong mang thai…

Bệnh Thiếu Máu Cơ Tim

Thiếu máu cơ tim là bệnh lý tim mạch phổ biến thường xảy ra ở người trưởng thành, người lớn…

Bệnh Suy Tim

Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm nhất hiện nay và cũng là nguyên nhân…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Lê Hữu Tuấn

Phó Giám đốc chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua