Bệnh Viêm Màng Ngoài Tim Co Thắt
Viêm màng ngoài tim co thắt là tình trạng viêm nhiễm gây kích thích màng tim dẫn đến các cơn co thắt đau tức ngực. Có nhiều nguyên nhân và yếu tố gây ra chứng bệnh này như vi khuẩn, sau nhồi máu cơ tim, sau phẫu thuật... Triệu chứng bệnh có thể bộc phát dưới dạng cấp hoặc mạn tính tùy theo mức độ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ phát sinh biến chứng chèn ép và suy tim nguy hiểm, đe dọa tính mạng.
Tổng quan
Viêm màng ngoài tim co thắt (Constrictive pericarditis) là hậu quả của quá trình viêm nhiễm tiến triển xơ hóa, vôi hóa khiến màng tim mất đi độ đàn hồi, trở thành lớp màng cứng bao quanh tim gây . Đây là hội chứng có liên quan đến tổn thương cơ tim do các nguyên nhân như bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chuyển hóa, khối u..., tuy nhiên thường có tính chất tự phát.
Viêm màng ngoài tim gây co thắt thường tiến triển trong thời gian dài, mất nhiều tháng, nhiều năm mới bộc phát. Khi lớp màng bao quanh tim bị sưng viêm do kích thích sẽ gây ra đau nhức khi chúng bị cọ xát vào nhau. Tùy theo nguyên nhân và tiến triển bệnh sau chẩn đoán mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp phù hợp.
Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành (1 - 75 tuổi). Trong đó, độ tuổi phổ biến nhất là từ 30 - 50 tuổi, số lượng nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới, chiếm tỷ lệ 3/1.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Ở một người khỏe mạnh bình thường, xung quanh màng tim sẽ có một lớp dịch nhờn có tác dụng bôi trơn và giảm ma sát khi tim hoạt động bơm máu đi nuôi cơ thể. Nhưng khi bị viêm màng ngoài tim, các lớp màng tim cọ xát trực tiếp vào nhau trong trạng thái tim giãn ra trong thì tâm trương, tạo áp lực lớn bên trong buồng tim, dẫn đến sự mất cân đối áp lực trong buồng tim và lồng ngực.
Do đó, bản chất của cơn co thắt viêm màng ngoài tim là do hiện tượng viêm nhiễm (thường là virus) tại bộ phận này. Ngoài ra, cũng có rất nhiều trường hợp phát bệnh không rõ nguyên nhân (bệnh tự phát) gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.
Cụ thể một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát viêm màng ngoài tim co thắt như sau:
- Viêm mủ ngoài màng tim: Tình trạng viêm màng ngoài tim có mủ do viêm nhiễm không được điều trị kịp thời và dứt điểm khiến các lớp màng tim dần bị xơ hóa, cứng chắc và mất đi độ đàn hồi, gây co thắt đau nhức mỗi khi tim hoạt động bơm máu. Một số loại vi khuẩn, virus gây viêm màng ngoài tim phổ biến như:
- Vi khuẩn: vi khuẩn lao, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, cầu khuẩn màng não, cầu khuẩn lậu...;
- Virus: virus Coxsackie A & B, Echovirus, virus thủy đậu, virus cúm A & B...;
- Nấm Histoplasma, Coccidioidess, Candida, Blastomyces, Aspergillus, các loại bán nấm như Actinomyces, Nocardia...;
- Ký sinh trùng như amip lỵ, Echinococcus....;
- Biến chứng hậu đau tim:
- Viêm màng ngoài tim sớm là khi bệnh xảy ra trong vòng 1 - 3 ngày kể từ sau cơn đau tim. Quá trình viêm này là cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm cố gắng loại bỏ các tế bào mô tim bị tổn thương;
- Sau đợt bùng phát cơn đau tim, các cơ tim bên dưới bị kích thích mạnh dẫn đến tổn thương và khởi phát viêm màng ngoài tim co thắt muộn. Hình thức xảy ra thường là sau vài tuần hoặc vài tháng kể từ thời điểm diễn ra cơn đau tim. Ngoài ra, hậu phẫu thuật tim gây tràn máu màn tim, sau vài tuần hoặc vài tháng cũng có thể gây ra chứng bệnh này;
- Hiện tượng phát bệnh viêm màng ngoài tim co thắt muộn này được gọi là hội chứng Dressler, xảy ra do phản ứng tự miễn của hệ thống miễn dịch, hình thành kháng thể chống lại phản ứng viêm gây tổn thương các mô tim, màng tim gây co thắt;
- Một số yếu tố nguy cơ khác:
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý gây rối loạn hệ thống viêm như viêm khớp dạng thấp, bệnh thấp tim, lupus ban đỏ, bệnh Sarcoidose ...;
- Các bệnh lý gây suy giảm miễn dịch như suy thận, bệnh lao, HIV/ AIDS, ung thư (phổi, hạch lympho, u trung biểu mô, u sắc tố, ung thư vú, Hodgkin và không Hodgkin...) di căn đến màng tim...;
- Tình trạng tích tụ chất dịch lỏng bất thường trong lớp vỏ màng ngoài tim;
- Chấn thương mạnh gây tổn thương vùng ngực như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, va chạm khi chơi thể thao...;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc;
- Sau khi thực hiện chiếu xạ điều trị ung thư (biến chứng muộn gây viêm màng ngoài tim co thắt);
- ...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm màng ngoài tim co thắt thường biểu hiện khác nhau qua từng giai đoạn. Cụ thể như sau:
- Ở giai đoạn sớm: thường là các triệu chứng không đặc hiệu như:
- Dễ mệt;
- Hoa mắt, chóng mặt;
- Ngất xỉu;
- Không thể thực hiện các hoạt động gắng sức;
- Khó thở về đêm, nhất là khi nằm (dấu hiệu sớm của suy tim trái);
- Ở giai đoạn muộn: các triệu chứng bắt đầu biểu hiện rõ rệt hơn, đa phần là dấu hiệu của suy tim phải như:
- Phù ngoại biên;
- Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, chán ăn... do tăng thể tích bụng;
- Cổ trướng sớm;
- Căng tức, sưng bụng;
- Phù nề dưới da do áp lực tĩnh mạch lớn và tình trạng ứ nước của thận;
- Khám lâm sàng thấy:
- Xuất hiện các tĩnh mạch cổ nổi;
- Triệu chứng mạch đảo của Kussmaul (đặc trưng triệu chứng là khi hít sâu vào làm giảm độ căng của tĩnh mạch cổ);
- Biểu hiện của tình trạng phản hồi gan tĩnh mạch cổ dương tính;
- Da vàng hoặc tim tái do phổi thiếu oxy trong các động mạch;
- Tràn dịch khoang màng phổi gây chèn ép đường hô hấp, dẫn đến khó thở nặng;
- Rối loạn huyết động, tăng áp lực trong dịch não tủy, tăng áp lực tĩnh mạch và ống ngực;
- ...
Chẩn đoán
Bên cạnh đánh giá các triệu chứng lâm sàng vừa kể trên thông qua khai thác tiền sử bệnh và thông tin do bệnh nhân cung cấp, để có đủ cơ sở dữ liệu đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác viêm màng ngoài tim co thắt, bệnh nhân cần kết hợp thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sau:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sử dụng ống nghe chuyên dụng đặt lên ngực ngay tại vị trí tim để kiểm tra âm thanh tim. Ở bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim co thắt sẽ có âm thanh tim rất đặc trưng, thường là tiếng ồn liên tục do các màng tim cọ xát với nhau.
- Xét nghiệm máu và dịch: Bệnh nhân vừa trải qua cơn đau tim, nghi ngờ có dấu hiệu của viêm nhiễm sẽ phải thực hiện xét nghiệm máu và dịch (thu được ở trong túi ngoài màng tim) để tìm kiếm xem có vi khuẩn hay không.
- Điện tâm đồ (ECG): Bệnh nhân sẽ được gắn các dây điện có gắn bản cực lên vùng da xung quanh tim để đo nguồn điện xung và nhịp tim. Kết quả đo điện tâm đồ thường biểu hiện dưới dạng sóng hiển thị trên giấy hoặc trên màn hình. Dựa vào kết quả này, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm màng ngoài tim co thắt.
- Siêu âm tim: Dưới nguồn sóng cao tần có mức độ phù hợp tạo ra hình ảnh về cấu trúc quả tim. Dựa vào hình ảnh này được thể hiện trên màn hình, bác sĩ có thể quan sát và tìm kiếm các bất thường gây tổn thương tim, bao gồm cả tình trạng tích tụ dịch ở trong màng tim, hỗ trợ chẩn đoán viêm màng ngoài tim co thắt.
- Chụp X quang ngực: Hình ảnh X quang ngực giúp bác sĩ dễ dàng quan sát hình ảnh, cấu trúc, kích thước của tim. Phát hiện tình trạng canxi hóa khi chụp phim nghiêng. Đồng thời, máy X quang còn thể hiện rõ các thông số về mức độ giãn rộng của tim trong trường hợp ứ nước tại màng tim hoặc tràn dịch màng phổi.
- Chụp CT scan/ MRI ngực: Đây là 2 kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại và cho kết quả chính xác hơn cả chụp X quang. Hình ảnh tim và các màng ngoài tim của người bệnh được tái hiện một cách sắc nét, thể hiện rõ độ dày, có dịch ứ hoặc các tổn thương ở màng ngoài tim. Các kỹ thuật này được thực hiện nhằm loại trừ các nguyên nhân đây cơn co thắt đau tức ngực cấp tính như bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc mạch phổi do các cục máu đông...
Biến chứng và tiên lượng
Viêm màng ngoài tim co thắt là một trong những tình trạng y khoa nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời, để xử lý triệu chứng, ngăn chặn biến chứng và bảo toàn tính mạng cho người bệnh.
Tình trạng mất cân bằng áp lực giữa buồng tim và lồng ngựa kéo dài gây hạn chế sự co giãn của màng tim và cản trở quá trình tuần hoàn máu lưu thông về tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch chủ làm khởi phát suy tim ứ huyết ở cả 2 bên tim trái - phải. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Suy tim;
- Hình thành sẹo trong cơ tim;
- Rối loạn chức năng gan và thận;
- Phù phổi;
- Tàn phế vĩnh viễn;
- Tử vong;
Điều trị
Tùy theo kết quả chẩn đoán bệnh có mức độ nhẹ hay nặng, tiến triển và biến chứng hiện tại mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.
1. Điều trị nội khoa
Những trường hợp viêm màng ngoài cơ tim thắt mức độ nhẹ không nhất thiết phải can thiệp điều trị quá chuyên sâu. Người bệnh chỉ cần dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng và kết hợp dùng thuốc để hỗ trợ bệnh cải thiện dần.
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị viêm màng ngoài cơ tim thắt như:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Đây là nhóm thuốc có tác dụng giảm mức độ viêm màng ngoài tim và hỗ trợ giảm đau do các cơn co thắt ngực. Hầu hết các trường hợp đều đáp ứng tốt khi dùng Aspirin, Ibuprofen, nhóm Acetaminophen hoặc các loại NSAIDs khác...;
- Thuốc trị viêm màng ngoài tim do vi khuẩn lao: Thường được chỉ định sử dụng:
- Thuốc Rifampicin liều 600mg/ngày, Pyridoxine liều 50mg/ ngày hoặc Isoniazid liều 300mg/ ngày;
- Phối hợp với Ethambutol liều 15mg/ kg/ ngày, Streptomycin liều 1g/ ngày;
- Nhóm thuốc giảm đau gây ngủ: Để không còn cảm nhận được cơn đau tức vùng ngực dữ dội, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc giảm đau liều mạnh, thường là Morphine dạng tiêm. Lưu ý thuốc chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và sử dụng tại bệnh viện dưới sự theo dõi của bác sĩ;
- Thuốc Colchicine: Đây là loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh gout nhờ đặc tính kháng viêm mạnh, giúp cải thiện các triệu chứng viêm nhiễm và hạn chế nguy cơ tái phát. Tuy nhiên, những người có tiền sử bệnh về gan, thận không phù hợp để dùng loại thuốc này.
- Thuốc Corticosteroid: Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc NSAID hoặc Colchicine, tình trạng viêm nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra sẽ được thay thế bằng nhóm thuốc Corticosteroid. Loại thường dùng nhất là Prednisone;
- Thuốc kháng sinh: Trường hợp viêm màng ngoài cơ tim thắt do nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định áp dụng phác đồ kháng sinh phù hợp.
- Thuốc chống nấm: Chỉ định dùng cho những trường hợp bị viêm màng ngoài tim co thắt do nhiễm nấm. Các loại thường dùng như Ketoconazole, Amphotericin B, Fluconazole, Itraconazole...;
Dùng thuốc đáp ứng khá tốt trong những trường hợp bị viêm màng ngoài cơ tim thắt cấp tính. Sau khoảng 1 - 3 tuần khởi phát, bệnh sẽ dần thuyên giảm. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, bệnh vẫn có thể tái phát trở lại sau khoảng vài tháng.
2. Can thiệp ngoại khoa
Trường hợp viêm màng ngoài cơ tim thắt cấp nghiêm trọng, có biến chứng nghi ngờ chèn ép tim, bắt buộc bệnh nhân phải đến nhập viện điều trị. Tùy theo mức độ nghiêm trọng bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng biện pháp can thiệp phù hợp.
- Chọc hút dẫn lưu dịch màng tim (Pericardiocentesis): Sử dụng kim tiêm chuyên dụng, vô trùng hoặc ống thông nhỏ đưa vào trong khoang màng tim thông qua da để hút bỏ hết dịch lỏng, nước ứ dư thừa. Bệnh nhân thường được gây tê cục bộ trước khi thực hiện để tránh đau đớn. Thủ thuật này có thể được chỉ định thực hiện nhiều lần trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện.
- Phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim (Pericardiectomy): Trường hợp viêm màng ngoài tim co thắt nghiêm trọng, màng tim bị xơ hóa hoàn toàn không còn khả năng phục hồi, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành loại bỏ màng tim để giảm nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Tuy nhiên, những người bị tái phát viêm nhiễm thường xuyên không được chỉ định phẫu thuật do viêm nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình làm lành vết thương.
Ngoài ra, đối với các trường hợp bị viêm màng ngoài tim co thắt do các nguyên nhân tự miễn, chẳng hạn như dấu hiệu bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, viêm nút quanh động mạch, xơ cứng bì... hoặc ung thư, nhiễm độc, tia xạ sẽ được cân nhắc điều trị bằng các biện pháp khác phù hợp hơn. Nguyên tắc điều trị chủ yếu là dựa vào kiểm soát triệu chứng, tiếp theo là điều trị bệnh lý nền và các biến chứng (nếu có) bằng 2 phương pháp chính là điều trị nội khoa và các thủ thuật ngoại khoa.
3. Chăm sóc tích cực
Bệnh nhân viêm màng ngoài tim co thắt cần được chăm sóc tích cực tại bệnh viện và ở nhà nhằm hỗ trợ cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
- Cho bệnh nhân ngồi tựa lưng trên giường, tường hoặc ghế có lưng tựa nhằm hỗ trợ giảm đau, giúp người bệnh cử động thuận tiện hơn;
- Tuân thủ tất cả các y lệnh dùng thuốc do bác sĩ chỉ định;
- Theo dõi và ghi chép các biểu hiện, triệu chứng sau khi dùng thuốc hoặc chọc dẫn lưu màng dịch tim để điều chỉnh hướng điều trị phù hợp hơn;
- Ăn uống đủ chất, ưu tiên những món thanh đạm, lỏng, dễ tiêu hóa, tăng cường rau xanh, trái cây bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất...;
- Bệnh nhân có thể xuống giường đi lại nhẹ nhàng để thúc đẩy tuần hoàn máu;
- Tái khám theo đúng lịch hẹn với bác sĩ để sớm xử lý các bất thường
Tham khảo thêm: Bệnh Tim Nên Uống Nước Gì Mỗi Ngày Để Cải Thiện?
Phòng ngừa
Viêm màng ngoài tim co thắt là bệnh lý có tiên lượng khá nguy hiểm ở giai đoạn muộn, dễ phát sinh các biến chứng nguy hiểm như chèn ép tim, suy tim, đột tử... Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm bằng những biện pháp sau:
- Sinh hoạt, ăn uống và quan hệ tình dục an toàn để phòng ngừa nguy cơ viêm nhiễm trực tiếp hoặc nhiễm trùng lây lan.
- Duy trì lối sống lành mạnh và khoa học, tăng cường sức đề kháng, nâng cao miễn dịch tự nhiên phòng ngừa các bệnh lý mạn tính gây viêm màng ngoài tim co thắt.
- Hoạt động thể chất phù hợp, vừa sức và nhẹ nhàng, tránh những bộ môn có tính chất đối kháng, lái xe an toàn, tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động... để tránh các chấn thương gây tổn thương ngực ngoài ý muốn.
- Không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào khi chưa có sự cho phép của bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ gây viêm màng ngoài tim co thắt.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên và tầm soát các bệnh lý hệ thống, ung thư... và điều trị sớm để phòng ngừa các biến chứng khó lường.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Nguyên nhân khiến tôi bị viêm màng ngoài tim co thắt?
2. Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt nguy hiểm như thế nào?
3. Bị viêm màng ngoài tim co thắt có gây tử vong không?
4. Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt có chữa khỏi dứt điểm được không?
5. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm màng ngoài tim co thắt?
6. Biện pháp điều trị viêm màng ngoài tim co thắt hiệu quả nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
7. Điều trị viêm màng ngoài tim co thắt bằng thuốc nào tốt nhất? Có gây tác dụng phụ không?
8. Bị viêm màng ngoài tim co thắt khi nào cần phẫu thuật? Lợi ích và rủi ro liên quan?
9. Điều trị viêm màng ngoài tim co thắt tốn chi phí bao nhiêu? Có dùng BHYT được không?
10. Tôi có cần tái khám sau khi đã điều trị khỏi viêm màng ngoài tim co thắt không?
Viêm màng ngoài tim co thắt là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được cấp cứu tại bệnh viện. Khuyến cáo bệnh nhân không nên chủ quan và lơ là trước những triệu chứng bất thường về tim mạch. Tốt nhất hãy thăm khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.
Tham khảo thêm:
- Dấu hiệu đột quỵ khi ngủ: Nguy hiểm cần biết chớ bỏ qua
- 21+ Thực phẩm chống xơ vữa mạch máu người bệnh chớ bỏ qua
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!