Hẹp Van Hai Lá

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

Hẹp van hai lá là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp, có thể xảy ra ở cả trẻ sơ sinh sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành, người lớn tuổi. Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây hẹp van hai lá là thấp khớp và không thấp khớp, trong đó phổ biến nhất là sốt thấp khớp. Các lựa chọn điều trị hiệu quả bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật hoặc kết hợp cả hai. 

Tổng quan

Van hai lá nằm ở giữa hai buồng tim bên trái là tâm nhĩ và tâm thất. Trong đó, tâm nhĩ là khoang trên, còn tâm thất là khoang dưới. Thông thường, máu sẽ được bơm từ tâm nhĩ trái qua van hai lá vào tâm thất trái để di chuyển đến động mạch chủ một cách dễ dàng.

Hẹp van hai lá (Mitral Valve Stenosis) là tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn van giữa hai buồng tim bên trái. Tình trạng này ngăn chặn hoặc cản trở lưu thông máu vào buồng chính của tim (tâm thất trái). Khiến một lượng máu ứ lại trong tâm nhĩ trái và tràn ngược về phổi, tăng áp lực gây khó thở, mệt.

Hẹp van hai lá xảy ra khi van hai lá bị thu hẹp khiến quá trình lưu thông máu trở nên khó khăn

Người bị hẹp van hai lá có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe bất thường như thường xuyên mệt mỏi, yếu sức, khó thở. Tình trạng nặng hơn có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim, tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và dẫn đến tử vong.

Chứng hẹp van hai lá xảy ra phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. Theo thống kê, ở các nước phát triển, tỷ lệ hẹp van hai lá chủ yếu ở người lớn tuổi > 50 - 60 tuổi, riêng ở các quốc gia đang phát triển, chẩn đoán hẹp van hai lá thường ở người trẻ tuổi. Ngoài ra, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng có thể bị hẹp van hai lá bẩm sinh di truyền.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân 

Van hai lá là bộ phận khá đặc biệt của tim, nó là nơi đầu tiên trong tim tiếp nhận máu và oxy. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây hẹp van hai lá như:

Sốt thấp khớp là nguyên nhân hàng đầu gây hẹp van hai lá

  • Tổn thương do nhiễm trùng: Sốt thấp khớp là một trong những tác nhân nhiễm trùng hàng đầu gây hẹp van hai lá. Trong các tài liệu y học, tình trạng này được gọi là hẹp van hai lá do thấp khớp. Sốt thấp khớp là kết quả của phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với nhiễm vi khuẩn liên cầu. Bệnh gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến khớp và tim, dưới dạng cấp tính hoặc mạn tính. Tình trạng van hai lá hoặc bất kỳ van tim nào bị tổn thương bởi sốt thấp khớp đều sẽ dẫn đến bệnh thấp tim. Tiến triển bệnh âm thầm và kéo dài, không phát sinh triệu chứng cho đến 5 - 10 năm sau đó.
  • Dị tật bẩm sinh: Hẹp van hai là là một trong những dị tật tim bẩm sinh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này thường được phát hiện trước 2 tuổi, mức độ bệnh có thể nhẹ hoặc nặng. Điều trị bắt buộc đối với trường hợp này là phẫu thuật sửa chữa vị trí bị hẹp hoặc tắc nghẽn. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ bị hẹp van hai lá sẽ có tiên lượng xấu, không thể sống sót qua 5 tuổi.
  • Thoái hóa do tuổi tác: Ở người lớn tuổi, quá trình tích tụ cặn canxi xung quanh van hai lá diễn ra nhiều hơn so với người trẻ tuổi. Hiện tượng này còn được gọi là vôi hóa hình khuyên hai lá. Trường hợp nặng có thể phát các triệu chứng hẹp van hai lá.

Yếu tố nguy cơ 

Ngoài các nguyên nhân trên, một số yếu tố rủi ro khác dưới đây cũng có thể gây hẹp van hai lá, bao gồm:

  • Khối u;
  • Cục máu đông;
  • Xạ trị;
  • Hội chứng rối loạn nội tiết và chuyển hóa u carcinoid;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc trị đau nửa đầu, thuốc giảm cân...;
  • Sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích bất hợp pháp khác;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Hẹp van hai lá vừa khởi phát trong giai đoạn đầu thường ít hoặc không có triệu chứng. Tiến triển bệnh chậm và kéo dài trong nhiều năm, chỉ có thể vô tình phát hiện khi siêu âm tim. Nhưng đến giai đoạn nặng, các triệu chứng được biểu hiện rõ rệt bao gồm:

Khó thở, mệt mỏi, đau tức ngực, tim đập nhanh và sưng chân là những triệu chứng đặc trưng của hẹp van hai lá

  • Khó thở, nhất là khi nằm hoặc thực hiện các hoạt động gắng sức;
  • Dễ mệt mỏi;
  • Tim đập nhanh;
  • Sưng bụng, mắt cá chân hoặc bàn chân;
  • Khàn giọng;
  • Ho ra máu;
  • Viêm phế quản;
  • Đột quỵ;

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị hẹp van hai lá thường có các biểu hiện sau:

  • Khó cho bú;
  • Đổ nhiều mồ hôi khi bú;
  • Dễ ho, khó thở;
  • Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp;
  • Trẻ chậm tăng trưởng chiều cao, cân nặng;

Chẩn đoán

Để chẩn đoán hẹp van hai lá, bác sĩ tim mạch thường chỉ định bệnh nhân thực hiện phối hợp nhiều kiểm tra xét nghiệm để cho kết quả chính xác nhất.

Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X quang, siêu âm tim giúp chẩn đoán chính xác mức độ hẹp van hai lá

  • Khám sức khỏe: Nghe tim bằng ống nghe chuyên dụng giúp nghe tiếng thổi ở tim, xảy ra khi máu chảy bất thường qua các van tim. Tuy không thể chỉ ra chính xác tình trạng hẹp van hai lá, nhưng tiếng thổi ở tim là dấu hiệu cảnh báo tim của bạn đang gặp vấn đề bất thường.
  • Kiểm tra căng thẳng: Bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện một bài thể dục hoặc aerobic vừa phải, nhằm đánh giá mức độ phản ứng của tim đối với các căng thẳng thể chất.
  • Siêu âm tim: Sóng siêu âm cho phép quan sát hình ảnh bên trong tim của bạn, nhờ đó phát hiện chính xác tình trạng hẹp van hai lá.
  • Siêu âm qua thực quản (TEE): Bác sĩ luồn vào thực quản một ống mềm, nhỏ có gắn thiết bị phát sóng siêu âm. Kỹ thuật hình ảnh này cho phép quan sát rõ hơn cấu trúc trong tim, dễ dàng phát hiện tổn thương hơn so với siêu âm tim thông thường.
  • Chụp X quang ngực: Hình ảnh bên trong tim được hiển thị rõ ràng dưới sự tác động của tia X. Cho phép quan sát và tìm kiếm những thay đổi bất thường về cấu trúc tim, bao gồm cả tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn gây hẹp van hai lá.
  • Điện tâm đồ (ECG/EKG): Các đầu cảm biến được gắn vào da ngực của bạn nhằm đo hoạt động điện tim. Chẩn đoán này giúp phát hiện sự bất thường về hoạt động nhịp tim có liên quan đến hẹp van hai lá, nhưng thường không thể chẩn đoán chính xác tình trạng này.
  • Theo dõi Holter: Nhằm ghi lại hoạt động điện tim bằng thiết bị đeo trên người trong khoảng thời gian từ 24 - 48 tiếng.
  • Thông tim: Sử dụng thiết bị ống thông mềm luồn vào trong các mạch máu để tiếp cận đến tim. Kỹ thuật này giúp kiểm tra mức độ tắc nghẽn và đo áp suất trong tim để xác định xem bạn có bị hẹp van hai lá hay không.

Biến chứng và tiên lượng

Hẹp van hai lá là một trong những tổn thương tim mạch nguy hiểm do có tiến triển khó lường. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Tăng huyết áp trong động mạch phổi: Van hai lá bị hẹp làm chậm hoặc cản trở quá trình lưu thông máu. Lưu lượng máu giảm vô tình làm tăng áp lực trong động mạch phổi, tăng nguy cơ trào ngược máu vào phổi và gây phù phổi cấp.
  • Suy tim: Từ biến chứng tăng áp động mạch phổi, tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến các buồng tim bên phải. Tình trạng này kéo dài khiến tim chịu áp lực lớn và căng thẳng. Theo thời gian dẫn đến yếu cơ tim và suy tim.
  • Rối loạn nhịp tim: Tình trạng hẹp van hai lá gây rối loạn nhịp tim còn được gọi là chứng rung tâm nhĩ (AFib). Đây là tình trạng nhĩ trái lớn khiến tim đập hỗn loạn, tâm nhĩ co bóp nhanh và liên tục. Biến chứng này có nguy cơ trầm trọng hơn theo tuổi tác và mức độ hẹp van hai lá.
  • Hình thành cục máu đông: Hẹp van hai lá gây rối loạn nhịp tim còn làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông trong tim. Trường hợp chúng di chuyển lên não và gây tắc nghẽn ở một vị trí nào đó rất dễ dẫn đến đột quỵ.

Điều trị hẹp van hai lá càng sớm tiên lượng sống sót sau 5 - 10 năm càng cao

Có thể thấy, những biến chứng của hẹp van hai lá rất khó lường, thậm chí dẫn đến tử vong trong giai đoạn nặng. Ước tính có khoảng 80% bệnh nhân hẹp van hai lá không thể sống sót sau 10 năm kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên. Đặc biệt, đối với những người bị tăng áp động mạch phổi do hẹp van hai lá, tiên lượng thời gian sống chỉ khoảng 3 năm.

Do đó, điều quan trọng nhất là phải điều trị càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện triệu chứng hẹp van hai lá. Tiên lượng thường tốt ở hầu hết các trường hợp hẹp van hai lá được điều trị sớm bằng phương pháp phẫu thuật.

Điều trị

Hẹp van hai lá là tổn thương rất khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có thể kiểm soát được bằng các biện pháp điều trị tích cực sau:

Điều trị bằng thuốc

Dùng thuốc trị hẹp van hai lá chủ yếu nhằm cải thiện các triệu chứng liên quan như huyết áp, nhiễm trùng hoặc đông máu... Một số loại thuốc thường được kê toa sử dụng như:

Các nhóm thuốc như thuốc lợi tiểu, chẹn beta, làm loãng máu... được kê đơn nhằm kiểm soát triệu chứng

  • Thuốc chống đông máu hoặc làm loãng máu: Giúp ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông;
  • Thuốc lợi tiểu: Giúp giảm thiểu mức độ tích tụ chất lỏng trong cơ thể;
  • Thuốc chống loạn nhịp: Ổn định nhịp tim nhanh chóng;
  • Thuốc chẹn beta: Giúp kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa suy tim;
  • Thuốc kháng sinh: Phác đồ kháng sinh giúp cải thiện triệu chứng nhiễm trùng ngăn ngừa các tổn thương van tim;

Can thiệp ngoại khoa

Những trường hợp hẹp van hai lá nặng bắt buộc phải phẫu thuật sớm để phục hồi chức năng van tim, ngăn ngừa biến chứng. Tùy vào dạng tổn thương, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các phẫu thuật sau:

Phẫu thuật tạo hình van

Phẫu thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp tổn thương van hai lá mức độ trung bình, chỉ dùng thuốc không đạt hiệu quả tối ưu nhưng vẫn chưa cần thiết phải phẫu thuật tim.

Thủ thuật tạo hình van bằng bóng cải thiện tạm thời tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu do hẹp van hai lá

Thủ thuật tạo hình van tim được thực hiện bằng cách luồn một ống thông có gắn bóng bay đi qua tĩnh mạch và tiếp cận đến tim. Khi đã nằm gọn trong van hai lá, tiến hành bơm căng bóng để mở rộng van bị hẹp.

Phương pháp này chỉ có hiệu quả tạm thời, sau đó nó có thể tái phát và tiến triển nặng dần. Do đó, bệnh nhân cần thường xuyên đánh giá tim định kỳ thông qua siêu âm để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Phẫu thuật sửa chữa

Phẫu thuật sửa chữa cắt van hai lá nhằm mục đích mở rộng van hai lá bị hẹp và được thực hiện bằng thủ thuật mở tim. Phương pháp này phù hợp với những người bị tổn thương hẹp van hai lá đơn thuần, không phát triển kèm theo tình trạng vôi hóa van, huyết khối tâm nhĩ trái hoặc hở van hai lá.

Tương tự như thủ thuật tạo hình van, hẹp van hai lá có thể dần tái phát sau phẫu thuật. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Phẫu thuật thay van hai lá

Đây là phương pháp điều trị cuối cùng đối với chứng hẹp van hai lá nặng, vì nó có nguy cơ biến chứng cao hơn so với 2 phẫu thuật trên. Thay van phù hợp với những bệnh nhân có van hai lá bị hẹp do tổn thương nghiêm trọng, vôi hóa nặng.

Những trường hợp nặng phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay van hai lá nhân tạo

Có nhiều loại van thay thế được sử dụng trong y khoa, tùy theo mức độ bệnh, độ tuổi, tiền sử dùng thuốc và điều kiện tài chính để chọn sử dụng loại phù hợp. Bao gồm:

  • Van động vật: Thường được lấy từ bò hoặc lợn, thời gian sử dụng tối đa khoảng 15 - 20 năm. Đây là sự lựa chọn phù hợp cho những bệnh nhân muốn tránh sử dụng thuốc làm loãng máu.
  • Van cơ học: Loại van này được làm từ carbon nhiệt phân, có độ bền cao và mức độ tương thích tốt đối với cơ thể người. Nhược điểm của loại van này là nếu đã đặt vào trong cơ thể, bạn sẽ phải sử dụng thuốc làm loãng máu trong suốt quãng đời còn lại để phòng ngừa nguy cơ đột quỵ.
  • Van nhân tạo sinh học: Đây la loại van được làm từ mô động vật kết hợp với một số bộ phận nhân tạo khác. Thường là mô động vật gắn với khung kim loại nhằm giữ cho van nằm đúng vị trí. Hạn sử dụng van nhân tạo sinh học thường kéo dài khoảng 15 - 20 năm.

Thời gian phục hồi sức khỏe sau điều trị phẫu thuật hẹp van hai lá khác nhau ở từng trường hợp. Tùy theo phương pháp, thể trạng sức khỏe và cách chăm sóc. Bệnh nhân có thể ở lại bệnh viện trong một khoảng thời gian để phục hồi hoàn toàn mới được xuất viện.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa hẹp van hai lá, bạn có thể thực hiện các biện pháp tích cực sau:

Thực hiện tốt lối sống khoa học và không bệnh tật là cách tốt nhất để có một trái tim khỏe mạnh

  • Tích cực thực hiện các biện pháp tăng cường đề kháng, chống nhiễm trùng và ngăn chặn sự phát triển của sốt thấp khớp.
  • Điều trị tích cực các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp bằng thuốc kháng sinh dứt điểm ngay từ đầu để ngăn ngừa các biến chứng tổn thương liên quan, trong đó có hẹp van hai lá.
  • Xây dựng lối sống khoa học và lành mạnh, ăn uống đủ chất, ăn nhạt, hạn chế các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo có hại cho sức khỏe tim mạch.
  • Sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và vận động thể dục thể thao hàng ngày, nâng cao đề kháng phòng ngừa các tổn thương nhiễm trùng gây hẹp van hai lá.
  • Nâng cao chất lượng và môi trường sống, cải thiện vấn đề vệ sinh, phòng ngủ thoáng khí, không bị ẩm thấp.
  • Phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sớm phát hiện dị tật hẹp van hai lá bất thường.
  • Người trưởng thành nên khám sức khỏe tổng quát thường xuyên và định kỳ tầm soát sức khỏe tim mạch, nhất là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi/ con tôi hay bị khó thở, dễ mệt, kiệt sức, tim đập nhanh, sưng phù cơ thể... là dấu hiệu của bệnh gì?

2. Tôi/ con tôi cần làm những xét nghiệm nào để chẩn đoán hẹp van hai lá?

3. Mức độ bệnh hẹp van hai lá của tôi/ con tôi có nguy hiểm không?

4. Bệnh hẹp van hai lá có chữa khỏi được không?

5. Điều trị hẹp van hai lá bằng phương pháp nào tốt nhất?

6. Khi nào tôi/ con tôi nên phẫu thuật hẹp van hai lá?

7. Phương pháp phẫu thuật hẹp van hai lá nào phù hợp với tình trạng của tôi/ con tôi?

8. Tôi nên dùng loại van thay thế nào tốt nhất? Chi phí bao nhiêu?

9. Mất bao lâu để phục hồi sức khỏe sau phẫu thuật hẹp van hai lá?

10. Những điều cần lưu ý về chế độ chăm sóc sức khỏe hậu phẫu hẹp van hai lá?

Hẹp van hai lá là bệnh tim nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khuyến cáo bệnh nhân cần phải thăm khám sớm, chẩn đoán bệnh chính và từng bước thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp. Điều trị càng sớm tiên lượng hồi phục càng cao, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống năng động.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ:
Viêm Cơ Tim
Viêm cơ tim là tình trạng các tế bào cơ tim bị nhiễm trùng và tổn thương, khiến cơ tim suy yếu và khó bơm máu hơn. Bệnh nhân viêm…
Bệnh Cơ Tim Phì Đại
Cơ tim phì đại là tình trạng cơ tim dày…
Hội chứng Barth
Hội chứng Barth là một bệnh lý di truyền khá…
Bệnh Nhịp Tim Chậm
Nhịp tim chậm là một trong những dạng rối loạn…
Bệnh Phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là một trong những dạng phổ biến của phình động mạch chủ. Đây là tình…

Bệnh Phình động mạch chủ ngực

Phình động mạch chủ ngực là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu không…

Bệnh Nhồi Máu Cơ Tim

Nhồi máu cơ tim có liên quan mật thiết đến cơn đau tim xảy ra do tắc nghẽn động mạch…

Bệnh Tim Bẩm Sinh

Tim bẩm sinh là một trong những dị tật phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có rất…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Phó Giám đốc Chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua