Bệnh Viêm Gân Nhị Đầu Vai

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

Viêm gân nhị đầu vai là một trong những tổn thương thường gặp tại vùng vai, gây hạn chế khả năng vận động. Bệnh thường không quá nghiêm trọng, có thể tự thuyên giảm nếu được nghỉ ngơi, chăm sóc tích cực. Nhưng trong trường hợp bệnh nặng phải can thiệp điều trị ngoại khoa và áp dụng các liệu pháp trị liệu theo phác đồ phù hợp để chấm dứt cơn đau, phục hồi chức năng gân nhị đầu. 

Tổng quan

Cơ nhị đầu còn được gọi là cơ tay trước hoặc con chuột, là một trong ba cơ nằm ở khoang cánh tay trước, được nối với mỏm quạ thông qua gân ngắn và nối với củ trên của ổ chảo thông qua đoạn gân dài. Đây chính là 2 đoạn đầu ngắn và đầu dài của gân cơ nhị đầu. Để cánh tay cử động, thực hiện các động tác gấp khuỷu, xoay cẳng tay, xoay ngoài khớp vai, gân nhị đầu sẽ co giãn linh hoạt theo mong muốn của cơ thể.

Viêm gân nhị đầu vai (Bicep tendinitis) là tình trạng viêm gân cơ nhị đầu cánh tay, đặc trưng bởi tình trạng chỗ gân sưng viêm kèm theo rách 1 phần hoặc toàn bộ. Bệnh nhân bị viêm gân nhị đầu vai thường có cảm giác đau nhói đột ngột, nặng hơn là liệt hoặc biến dạng cánh tay khó phục hồi.

Viêm gân nhị đầu vai là tình trạng viêm nhiễm do gân nhị đầu vai bị tổn thương

Đây là một trong những tổn thương gân nhị đầu thường gặp nhất, bên cạnh tình trạng rách một đoạn gân nhị đầu hoặc đứt toàn bộ gân nhị đầu. Tùy theo tiến triển và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mà bệnh được chia làm 2 giai đoạn cấp và mạn tính.

Nguyên nhân lớn nhất gây viêm gân nhị đầu vai là do vị trí này phải chịu áp lực lớn trong thời gian dài và không được chăm sóc tích cực. Nếu không điều trị tích cực kịp thời, bệnh có thể biến chứng sang đứt gân cơ nhị đầu, kèm theo nhiều tổn thương khác tại khớp vai gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Tham khảo thêm: Viêm gân là gì? Cách nhận biết và phương pháp điều trị

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Theo các chuyên gia, viêm gân nhị đầu vai thường khởi phát từ tình trạng viêm bao gân giai đoạn đầu và viêm thứ phát sau tổn thương ma sát, lặp đi lặp lại liên tục ở vai. Hậu quả là khởi phát viêm nhiễm ở phần rãnh của gân nhị đầu, sưng phù và tiết dịch. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn xơ hóa, làm dày lớp bao gân và tổn thương hệ thống mạch máu, gây đau nhức và hạn chế khả năng vận động.

Chấn thương khi chơi các môn thể thao như cầu lông, quần vợt, đánh golf, bơi lội... rất dễ gây ra bệnh viêm gân nhị đầu vai

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm gân nhị đầu vai, chẳng hạn như:

  • Lão hóa: Tình trạng lão hóa tự nhiên của cơ thể do tuổi tác ngày càng cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý xương khớp, cơ, dây chằng..., trong đó có viêm gân nhị đầu vai. Tình trạng mòn gân khiến chúng bị kích thích quá mức khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, kéo theo tổn thương sụn, khởi phát viêm nhiễm, nặng hơn có thể gây đứt gân.
  • Chấn thương khi chơi thể thao: Chơi những bộ môn thể thao cần dùng lực cánh tay nhiều như quần vợt, cầu lông, bơi lội, bóng chày, đánh gofl, chèo thuyền, bóng chuyền... rất dễ gây ra chấn thương cánh tay, nhất là khi thực hiện không đúng kỹ thuật, gây viêm hoặc rách gân nhị đầu vai.
  • Khuân vác vật nặng: Những người làm công việc mang vác vật nặng trên vai, phải dùng lực lớn để nâng lên hạ xuống liên tục rất dễ bị chấn thương vai, cánh tay, gây viêm gân nhị đầu vai.
  • Ảnh hưởng từ các bệnh lý xương khớp vai: Các chấn thương mô mềm trong các bệnh lý xương khớp tại khớp vai khác như viêm khớp vai đòn, hội chứng SLAP khớp vai hoặc tổn thương gân chóp xoay thường đi kèm theo tình trạng viêm gân nhị đầu vai.
  • Một số yếu tố nguy cơ khác:
    • Hút thuốc lá khiến cơ thể tích tụ lượng nicotine lớn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, giảm chức năng gân cơ nhị đầu vai;
    • Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh lý mạn tính khác như hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, viêm khớp... cũng có nguy cơ cao bị viêm gân nhị đầu vai;
    • Người thừa cân béo phì;
    • Người lạm dụng Corticoid trong thời gian dài;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Tổn thương viêm gân nhị đầu vai thường chỉ biểu hiện khi người bệnh cử động, mức độ bệnh càng nặng, triệu chứng càng nghiêm trọng.

Chẩn đoán viêm gân nhị đầu vai thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng và kiểm tra cận lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân viêm gân nhị đầu vai thường có các triệu chứng điển hình sau:

  • Đau mặt trước của vai, sau đó nhanh chóng lan xuống toàn bộ cánh tay, khuỷu tay;
  • Cơn đau thường xuất hiện đột ngột và nặng nhất nhất là khi người bệnh cử động, hoạt động mạnh;
  • Thăm khám lâm sàng sẽ thấy tại vị trí gân bị viêm tổn thương thường có cảm giác nóng đỏ, sưng phù hoặc bầm tím do tụ máu khi gân nhị đầu bị đứt;

Triệu chứng cận lâm sàng

Để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác về bệnh viêm gân nhị đầu vai, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán sau:

  • Chụp X quang;
  • Siêu âm;
  • Chụp MRI cộng hưởng từ;
  • ...

Biến chứng và tiên lượng

Viêm gân nhị đầu vai là bệnh lý xương khớp phổ biến, nhất là ở những người chơi các môn thể thao dùng lực cánh tay và những người làm công việc khuân vác nặng. Các chuyên gia xương khớp đánh giá căn bệnh này không quá nghiêm trọng, đa phần trường hợp bệnh có thể tự phục hồi khi bệnh nhân nghỉ ngơi, dùng thuốc và chăm sóc tích cực.

Nhưng ngược lại, nếu không điều trị kịp thời, viêm gân nhị đầu vai còn kéo theo nhiều tổn thương tai biến nghiêm trọng khác, làm giảm khả năng vận động cánh tay, bàn tay, ngón tay, vùng khớp cổ và nhiều vị trí lân cận khác.

Một số trường hợp nghiêm trọng do bệnh tiến triển nặng có thể làm tổn thương và đứt hoàn toàn gân nhị đầu, phải can thiệp phẫu thuật sớm để ngăn chặn biến chứng teo khớp, liệt khớp và mất đi khả năng cử động tay vĩnh viễn. Do đó, khuyến khích bệnh nhân cần chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và chỉ định điều trị kịp thời.

Điều trị

Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm gân nhị đầu vai, tùy vào mức độ bệnh và nhu cầu điều trị ở từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Chườm đá

Chườm đá sẽ giúp vùng khớp vai bị viêm gân nhị bớt đau nhức, hỗ trợ giảm sưng viêm. Lưu ý chỉ nên chườm túi đá lạnh, tránh chườm đá trực tiếp lên da để tránh gây tổn thương.

Dùng thuốc

Bản chất của viêm gân nhị đầu vai là tình trạng tổn thương do viêm nhiễm. Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm và thuốc giãn cơ để loại bỏ viêm nhiễm, giảm đau nhức, cải thiện các triệu chứng liên quan.

Dùng thuốc trị viêm gân nhị đầu vai dạng uống hoặc dạng tiêm nhằm mục đích giảm đau, giảm sưng viêm

Một số trường hợp được chỉ định dùng thêm một số loại thực phẩm chức năng bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết giúp bồi bổ gân cơ khỏe mạnh. Trường hợp đau nhức nặng, dùng thuốc uống dạng viên không cải thiện có thể chuyển sang dùng thuốc Corticoid tiêm trực tiếp vào vùng gân nhị đầu vai bị viêm.

Vật lý trị liệu

Để không quá lạm dụng vào thuốc mà vẫn giúp đạt được hiệu quả điều trị cao, chuyên gia khuyến khích bệnh nhân có thể thực hiện một số kỹ thuật vật lý trị liệu an toàn như massage, xoa bóp, chiếu sóng siêu âm, châm cứu...

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu

Đây là phương pháp điều trị mới được áp dụng trong điều trị viêm gân nhị đầu vai, được chỉ định cho những trường hợp không đáp ứng với các kỹ thuật nội khoa cơ bản khác. Phương pháp này có tác dụng giảm viêm, ngăn chặn các tổn thương tiến triển nặng và phục hồi gân khớp.

Phẫu thuật

Những trường hợp viêm gân nhị đầu vai nghiêm trọng, có biến chứng xơ hóa hoặc đứt gân toàn bộ, gân lệch khỏi rãnh nhị đầu và kèm theo nhiều biến chứng tổn thương khác sẽ được chỉ định phẫu thuật càng sớm càng tốt. Một số kỹ thuật phẫu thuật thường được áp dụng để điều trị tổn thương gân nhị đầu nói chung gồm:

Có nhiều phương pháp phẫu thuật viêm gân nhị đầu vai như giải phóng gân kẹt hoặc nối gân tùy từng trường hợp tổn thương cụ thể

  • Phẫu thuật giải phóng gân trong trường hợp gân nhị đầu bị kẹt trong rãnh nhị đầu;
  • Phẫu thuật cố định gân bị trật vào đúng vị trí ban đầu;
  • Phẫu thuật nối gân trong trường hợp đứt gân > 25 - 50% hoặc toàn bộ gân nhị đầu;

Tùy theo tình trạng bệnh của từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định mổ nội soi hoặc mổ hở truyền thống.

  • Mổ nội soi là kỹ thuật được ưu tiên áp dụng hơn do có độ an toàn cao, ít xâm lấn. Không chỉ xử lý tổn thương viêm nhiễm gân cơ nhị đầu mà còn giải quyết tốt các tổn thương khác tại vai (nếu có);
  • Mổ hở truyền thống thường được áp dụng cho những trường hợp viêm gân nhị đầu vai nghiêm trọng, đứt gân toàn bộ. Kỹ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề kỹ thuật cao, vì phẫu thuật này tiềm ẩn các rủi ro tai biến như nhiễm trùng, xuất huyết, đau nhức khớp, tổn thương dây thần kinh...;

Tìm hiểu: Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng là gì?

Phòng ngừa

Viêm gân nhị đầu vai là bệnh lý xương khớp tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho sức khỏe và khả năng vận động của người bệnh. Để phòng tránh bệnh này, hãy tích cực thực hiện các biện pháp sau:

Khởi động kỹ và tập thể dục đúng tư thế để giảm thiểu tổn thương gây viêm gân nhị đầu vai

  • Trước khi tập luyện thể dục, phải khởi động và giãn cơ kỹ lưỡng trước khi tập.
  • Tập thể dục đúng nguyên tắc, đúng kỹ thuật để giảm thiểu nguy cơ tổn thương gân nhị đầu vai.
  • Trong quá trình tập luyện, dành thời gian nghỉ ngơi giữa giờ trong những trường hợp phải vận động liên tục.
  • Tránh thực hiện các vận động đột ngột, hoạt động quá sức tạo áp lực khiến vai tổn thương.
  • Nói không với các chất kích thích như thuốc lá, cà phê...
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm lành mạnh, giàu vitamin khoáng chất.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần để sớm phát hiện các bất thường và điều trị kịp thời dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tôi bị đau khớp vai, sưng đỏ có phải dấu hiệu của các bệnh lý xương khớp vai không?

2. Nguyên nhân tại sao tôi bị viêm gân nhị đầu vai?

3. Bị viêm gân nhị đầu vai có được tiếp tục vận động không?

4. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán viêm gân nhị đầu vai?

5. Bệnh viêm gân nhị đầu vai nguy hiểm như thế nào?

6. Phương pháp điều trị viêm gân nhị đầu vai hiệu quả nhất đối với tôi?

7. Các kỹ thuật vật lý trị liệu phù hợp với tình trạng bệnh của tôi?

8. Khi nào tôi cần phẫu thuật viêm gân nhị đầu vai?

9. Điều trị viêm gân nhị đầu vai mất bao lâu thì khỏi?

10. Chi phí điều trị viêm gân nhị đầu vai tốn bao nhiêu? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Bệnh viêm gân nhị đầu vai khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi vận động và giảm chất lượng cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Do đó, hãy chú ý thực hiện đúng các tư thế chuẩn khi vận động, làm việc và chơi thể thao để giảm thiểu chấn thương. Kết hợp massage, xoa bóp thường xuyên để giãn cơ, giảm áp lực cho xương khớp vai, dự phòng nguy cơ mắc bệnh viêm gân nhị đầu vai.

Tham khảo thêm:

Ngày đăng 10:22 - 30/03/2023 - Cập nhật lúc: 16:32 - 31/05/2024
Chia sẻ:
Bệnh Viêm Khớp Ngón Chân
Viêm khớp ngón chân có thể xảy ra ở bất kỳ ngón chân nào, nhưng phổ biến nhất là ở ngón chân cái. Bệnh xảy ra do rất nhiều tác…
Gai khớp gối Bệnh Gai Khớp Gối
Gai khớp gối được xem là một trong những biến…
Căng Cơ
Căng cơ là một trong những chấn thương mô mềm…
Hội Chứng Plica
Hội chứng Plica là tình trạng gây ảnh hưởng đến…
Bệnh Còi Xương

Còi xương là bệnh lý có tỷ lệ mắc cao ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có nhiều mức…

Bệnh gút Bệnh Gút (Gout)

Bệnh gút (Gout) là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất hiện nay. Bệnh xảy ra chủ yếu…

Hội chứng chùm đuôi ngựa

Hội chứng chùm đuôi ngựa là tình trạng nghiêm trọng, có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn nếu…

Bệnh thoát vị đĩa đệm Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý về cột sống phổ biến, xảy ra ở hơn 30% dân số Việt…

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bác sĩ phụ trách

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai

Cố vấn chuyên môn

[ads_sidebar]
Xem nhiều

Đặt câu hỏi

Chia sẻ
Bỏ qua